Nhà trắng và chuyện bàn giao quyền lực

Thứ Hai, 05/01/2009, 14:30
Ngày 20/1/2009 tới, vị Tổng thống thứ 43 George Bush (con) sẽ chính thức bàn giao lại Nhà Trắng cho vị Tổng thống thứ 44 Barack Obama. Chưa bao giờ trước một Tổng thống Mỹ lại nảy sinh nhiều thách thức nặng nề như trước vị nguyên thủ quốc gia da màu đầu tiên của siêu cường duy nhất trên thế giới này. ít nhất trong lĩnh vực kinh tế.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Brookings Institution, đang có mười thách thức toàn cầu về mặt kinh tế chờ đón ông Obama, trong đó có yêu cầu tái lập ổn định tài chính; phát huy bảo vệ môi trường; sử dụng "sức mạnh thông minh" để cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế; củng cố thương mại toàn cầu…

Đặc biệt, để trở thành vị Tổng thống của tất cả các công dân Mỹ, trong giai đoạn chuẩn bị bàn giao quyền lực hiện nay, nhất là trong việc xây dựng bộ máy mới trong Nhà Trắng, ông Obama càng cần phải thể hiện bản lĩnh vượt trội của mình để nước Mỹ có được những trí tuệ lãnh đạo xuất sắc trong nhiệm kỳ Tổng thống mới.

Đầu tiên là tiền đâu

Theo website Washprofile, việc bàn giao quyền lực từ vị Tổng thống thứ 43 George Bush sang vị Tổng thống thứ 44 Barack Obama sẽ làm tốn 8,5 triệu USD. Số tiền này đã được dự trù trong ngân sách liên bang Mỹ năm 2008. Đây cũng là số tiền kỷ lục vì năm 2004 - 2005, cũng mục đích tương tự đã chỉ nhận được 7,7 triệu USD, còn năm 2000 - 2001 - ở mức 7,1 triệu USD…

Và trong lịch sử nước Mỹ, cho tới trước năm 1963, trong ngân sách liên bang không hề có dự trù khoản tiền nào dành cho việc bàn giao quyền lực từ Tổng thống cũ sang Tổng thống mới. Những chi phí cần thiết trong việc này đều được lấy từ ngân sách chính đảng đã có ứng cử viên giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên đồng tư tưởng.

Thí dụ như năm 1952 - 1953, khi tướng Dwight Eisenhower đắc cử Tổng thống, ngân quỹ của đảng Cộng hòa đã phải chi ra hơn 200 nghìn USD. Còn việc bàn giao quyền lực Tổng thống cho ông John Kennedy trong năm 1960 - 1961 đã buộc đảng Dân chủ phải bỏ ra 360 nghìn USD. Cộng thêm với những chi phí trong quá trình vận động tranh cử, có thể thấy rằng, chiến thắng của các ứng cử viên Tổng thống luôn luôn dồn cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa vào bờ vực thảm họa tài chính…

Năm 1963, Quốc hội Mỹ mới lần đầu tiên thông qua đạo luật tên là Presidential Transition Act of 1963 quy định việc ngân sách phải chịu chi phí cho việc bàn giao quyền lực giữa hai Tổng thống cũ và mới (số tiền khi đó là một triệu USD, chia đôi cho bộ máy cầm quyền cũ và bộ máy cầm quyền mới mỗi bên một nửa).

Năm 1976, người Mỹ lại tăng thêm chi phí lên hai triệu USD cho Tổng thống mới và một triệu USD cho Tổng thống mãn nhiệm.

Năm 1988, chi phí ngân sách cho mục đích trên lại được tăng lên tới 5 triệu USD (Tổng thống mới được nhận 3,5 triệu USD từ số tiền này). Cũng khi đó đã thông qua quy định rằng, trong tương lai, chi phí đó sẽ được thay đổi tương ứng với mức độ lạm phát và trong trường hợp, nếu việc bàn giao quyền lực của các Tổng thống được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của các quỹ phi chính phủ thì tên tuổi của các nhà tài trợ và mức độ đóng góp cụ thể của họ trong việc này (tối đa là 5 triệu USD) phải được công bố công khai…

Người Mỹ vốn chi tiết trong các công chuyện quốc gia đại sự nên mọi chế độ vật chất đối với các nhà lãnh đạo đều được "chuẩn hoá" đến từng đồng bạc lẻ. Theo quy định, Tổng thống mới được nhận quyền sử dụng toàn bộ văn phòng làm việc, các kỹ thuật bổ trợ và phương tiện giao thông. Các mối liên lạc truyền thông của Tổng thống (thí dụ như điện thoại liên thành phố) đều được công quỹ thanh toán… Ngoài ra, các nhân viên giúp việc Tổng thống cũng như các cố vấn, tư vấn viên… cũng được nhận thù lao từ ngân sách nhà nước…

Thực tế là, nguồn tài chính cấp từ ngân sách đôi khi không đủ để thanh toán các chi phí cần thiết trong việc bàn giao quyền lực ở cấp độ nguyên thủ quốc gia. Thí dụ, như trong giai đoạn 1968-1969, ngân sách Mỹ chỉ chi ra 450 nghìn USD cho việc nhận bàn giao quyền lực Tổng thống cho ông Richard Nixon và đó là số tiền ít ỏi nên bản thân Tổng thống mới đã phải huy động các nhà tài trợ để có thêm 1 triệu USD cần thiết nữa cho công việc này. Về phần mình, vị Tổng thống mãn nhiệm Lyndon Johnson lại tiết kiệm được gần 5 nghìn USD từ nguồn tiền mà ngân sách dành cho ông…

Năm 1974, sau khi ông Nixon bị buộc phải từ chức vì vụ Watergate, lên thay ông là Phó Tổng thống Gerald Ford. Ông Ford trong một thời gian dài không thể lấy được một xu nào từ ngân sách cho việc nhận bàn giao quyền lực. Tổng thống mới đã yêu cầu Quốc hội cấp 450 nghìn USD cho mục tiêu này nhưng Quốc hội chỉ cho 100 nghìn USD và cho phép ông Ford động viên các nhân viên liên bang làm việc không nhận lương…

Được việc và mất việc

Theo GS Stephen Hess ở Trung tâm Nghiên cứu Brookings Institution và Đại học Tổng hợp George Washington, từ năm 1952 đã từng tham gia vào quá trình bàn giao quyền lực Tổng thống trong vai trò trợ lý hoặc cố vấn, khi ông Barack Obama chính thức làm việc trong Nhà Trắng, sẽ có khoảng 3 nghìn nhân viên liên bang (tổng số những nhân viên này, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, là gần 1,8 triệu người) sẽ bị mất việc, nhưng họ không bị mất việc cùng một lúc. Khoảng 500 người trong số này đang giữ những cương vị khá quan trọng, những người còn lại là trợ lý hoặc nhân viên tùy phái... Trong số đó có khoảng 500 người là ứng cử viên cho khoảng 100 vị trí được chọn lựa trong giai đoạn bàn giao quyền lực…

Các nhân viên của bộ máy cũ trong Nhà Trắng nếu không được lưu dụng sẽ phải đi tìm công việc mới. Một số người sẽ trở lại với các trường đại học, một số khác sẽ cộng tác với các nghị sĩ. Một số khác nữa lại trở về với các trung tâm nghiên cứu... Nhìn chung, không có quy định thống nhất nào về nơi làm việc mới của các nhân viên cũ trong Nhà Trắng, một khi vị Tổng thống mà họ phục vụ đã phải về vườn. Những nhân viên này thường được cắt cử theo những lý do chính trị và nếu hết nhiệm kỳ, họ vẫn muốn ở lại làm việc trên chính trường thì họ phải tìm công việc mới trong đảng đối lập hay trong bộ máy chính quyền ở các bang…

Thông thường, những nhân vật được chọn lựa cho nội các của Tổng thống mới và một số chức vụ chuyên môn cao là những người mà trước đó đã thể hiện được các năng lực tìm kiếm thành công của mình. Tổng thống đắc cử Obama lựa chọn vào các ghế Bộ trưởng những người thuộc số các Thống đốc, Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ…

Tuy nhiên, cũng vẫn có một quy tắc chung: tất cả những người này đều phải thuộc đội ngũ ủng hộ Tổng thống. Điều đó có nghĩa là, nhiều nhân vật trong số đó từng tham gia tích cực vào quá trình vận động tranh cử của ông Obama, hiến tiền vào quỹ tranh cử… Không có nhiều trường hợp như đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thuộc đảng Cộng hòa nhưng vẫn được Tổng thống mới đề nghị nguyên vị trong nhiệm kỳ mới, sau khi ông Bush kết thúc công việc trên cương vị Tổng thống Mỹ…

Tại Mỹ có một cuốn "Plum Book" (sách có bìa màu ôliu) với tên gọi chính thức là "Các chức vụ nhà nước Hoa Kỳ" (United States Government Policy and Supporting Positions), được ấn hành bốn năm một lần. Trong sách có ghi danh khoảng vài nghìn chức vụ mà chính quyền mới có thể điền  tên họ các ứng cử viên của mình vào.

Người ta đưa vào "Plum Book" tên họ của những người được bổ nhiệm vì lý do chính trị, tức là những người không phải thực thi chức phận nhân viên dân sự của nhà nước. Trong sách không chỉ ghi danh các chức vụ trong bộ máy hành pháp mà cả trong bộ máy lập pháp.

Để một công dân Mỹ bình thường có được chỗ làm ghi danh trong cuốn sách này, anh ta cần phải có trình độ chuyên môn rất cao, thí dụ như bằng tiến sĩ khoa học của Đại học Tổng hợp Princeton về chuyên ngành "năng lượng nguyên tử" chẳng hạn.

Trong cách hình dung chung của xã hội, nhận được chỗ làm ghi trong "Plum Book" phải là người được đào tạo tốt hơn những người tốt nghiệp trung bình cấp trung học. Thường người ta để ý tới hai tiêu chí: trình độ chuyên môn của nhân sự và mức độ tham gia vào quá trình vận  động tranh cử của Tổng thống mới…

Cũng theo GS Stephen Hess, mặc dù là người của chính đảng khác nhưng Tổng thống mới ở Mỹ khi đã vào ngồi trong Nhà Trắng rồi, được làm quen gần gụi hơn với những nguồn thông tin cơ mật nhất, có thể sẽ thay đổi quan điểm đối ngoại mà ông đã từng cổ suý trong quá trình vận động tranh cử.

Có một thí dụ "kinh điển" về chuyện này. Năm 1961, cuộc vận động tranh cử của ông John Kennedy được xây dựng trên khẩu hiệu về việc cần phải xoá bỏ sự tụt hậu trước Liên bang Xôviết trong vũ khí chiến lược. Thế nhưng, sau khi đắc cử Tổng thống, ông Kennedy lại nhận được những thông tin tình báo cho thấy, không hề tồn tại bất cứ một sự tụt hậu nào cả. Và ông đã công khai thông báo về chuyện này…

Thực tế cũng cho thấy, Tổng thổng sắp mãn nhiệm luôn có thể đưa ra những quyết định mà bằng cách này hay cách khác có thể tác động không nhỏ tới người kế nhiệm trong Nhà Trắng. Đó đúng là một hành trình không ngừng nghỉ: chế độ không giây nào dừng lại và không khởi động lại bao giờ, sau khi có nhân vật mới lên nắm quyền chủ đạo.

Vị Tổng thống sắp mãn nhiệm và đội hình cũ của Quốc hội luôn để lại sau mình một loạt những cam kết quan trọng trong chính sách đối ngoại hay trong lĩnh vực tài chính... Không ở đâu và không bao giờ vị Tổng thống mới lại có quyền bắt đầu mọi việc từ đầu.  Tổng thống mới cũng không có quyền tác động tới những quyết định của vị Tổng thống vừa mãn nhiệm, được thông qua trong giai đoạn bàn giao quyền lực

Phương Hà
.
.