Nhìn lại một mùa văn học:

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thơ đương đại chưa có thành tựu

Thứ Hai, 11/01/2010, 15:46
"Trên thực tế, thơ trẻ được quảng bá khá rầm rộ, họ cũng có hẳn một tờ Văn nghệ trẻ để giới thiệu những gương mặt mới, nhưng gần như đều chìm vào quên lãng. Tôi đọc rất nhiều, mỗi năm phần vì công việc bên hội đồng thơ, phần vì quan hệ cá nhân, tôi đựơc đọc hàng trăm tập thơ mới. Nhưng thực sự để gây chú ý thì không có nhiều", nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ.

- Thưa  ông, có thể nhận diện hay không, về  "khuôn mặt thơ đương đại"?

- Tôi chỉ đưa ra ý kiến với tư cách là một người sáng tác và đọc khá nhiều thơ. Thơ của chúng ta đã có những mở rộng về mặt đề tài hướng đến những góc riêng tư của con người cá nhân, vì thế, thơ ca có cái nhìn nhân ái hơn về đời sống.

Với  đề tài chiến tranh, các nhà thơ có một góc nhìn gần sự thật hơn, đi sâu vào những chiêm nghiệm về cuộc chiến, những góc nhân bản nhất của con người. Với sự đa dạng về đề tài, phương pháp sáng tác của các nhà thơ cũng phong phú hơn, nhiều người đã có những bước đi bạo dạn phá cách về phương pháp sáng tác.

Nhưng trong hành trình đi vào bản thể, hướng tới con người cá nhân ấy, nhiều nhà thơ chúng ta đã lạc bước vào những cái tôi tủn mủn, nhỏ nhặt thậm chí sa đà và lạm dụng sex. Họ tung hô chủ nghĩa cá nhân, ca tụng cái riêng tư không đại diện, không liên quan đến ai.

Nói thế không phải tôi "bênh" chính thống mà  phủ nhận những đổi mới, cách tân, mà chúng ta cần có một cái nhìn công tâm hơn về những vẻ đẹp đích thực của thi ca. Thơ đương đại cho đến nay vẫn chưa có những thành tựu lớn nhất. Có thể thành tựu còn ẩn trong con số 100 mà chúng ta mới chỉ chạm đến cái ngưỡng 99, nên vẫn chờ đợi và hy vọng thôi.

- Là  một nhà thơ, lại vừa tham gia nhiều công tác  đọc và thẩm định thơ  thường xuyên, ông có thấy gương mặt thơ  nào nổi bật trong những năm gần  đây?

- Tôi có thể đã "lỗi mốt" trong cách nhìn nhận đánh giá, nhưng có một điều đã trở thành xác tín trong lòng tôi, đấy là những giá trị vĩnh hằng của thi ca. Trong những năm gần đây, sáng tác thơ đã bung ra, rất nhiều tác giả trẻ xuất hiện, nhưng tôi có thể nhận định rằng, trong hàng trăm, hàng trăm tập thơ mà tôi đọc, hàng trăm tác giả trẻ, mới mà tôi biết, tôi chưa thấy có một khuôn mặt thơ nào nổi bật.

Các bạn trẻ bây giờ có thể có những điều kiện hơn thế hệ chúng tôi ngày trước, nhưng con đường thơ ca với họ có thể khó khăn hơn chúng tôi. Ngày xưa, tôi làm một số bài thơ, rồi được vào Hội Nhà văn, cứ thế mà làm việc. Còn ngày nay, thơ cũng không mang lại cho người làm thơ điều gì cả. Cũng có một thực tế thì ngày xưa chúng tôi bình yên với nghèo khó và... làm thơ, chứ ngày nay thì bọn trẻ phải lo toan nhiều thứ, ngoài làm thơ còn phải để ý đến giá đô la, giá vàng, nhà cửa đất đai...

- Nhưng nhìn vào thơ trẻ hiện nay, cũng ồn ào đấy chứ, thưa  ông, cũng có những cái tên  được nhắc đến nhiều như  Vi Thuỳ Linh, như Nguyễn Thế  Hoàng Linh?

- Ồn ào thì có, nhưng nổi tiếng thì không, theo tôi là thế. Như một cô gái làm MC, ngày nào cô ấy cũng xuất hiện trên tivi, thế là thành quen, nhiều người biết. Nhưng sự nổi tiếng thì khác, người nổi tiếng là người có sự nghiệp, có thành tựu. Tôi chưa thấy rõ điều đó trong thơ trẻ. Nếu ghi nhận một nhà thơ nào đó, ít nhất phải có một bài thơ đứng được trong lòng độc giả. Như Thâm Tâm với Tống biệt hành, như Huy Cận với Tràng Giang, như Quang Dũng với Tây Tiến, nhưng trong số các "tên tuổi" thơ trẻ hiện nay, tôi chưa thấy gắn liền bài thơ nào...

- Không có gương mặt thơ đương đại nào làm ông chú  ý ư, thưa ông?

- Trên thực tế, thơ trẻ được quảng bá khá rầm rộ, họ cũng có hẳn một tờ Văn nghệ trẻ để giới thiệu những gương mặt mới, nhưng gần như đều chìm vào quên lãng. Tôi đọc rất nhiều, mỗi năm phần vì công việc bên hội đồng thơ, phần vì quan hệ cá nhân, tôi đựơc đọc hàng trăm tập thơ mới. Nhưng thực sự để gây chú ý thì không có nhiều. Một vài gương mặt gây ấn tượng với tôi, có Văn Cầm Hải, Mai Văn Phấn, Lê Vĩnh Tài. Họ sáng tác theo khuynh hướng thơ phi lý, thơ hậu hiện đại, nhưng quan trọng là những giá trị chuyển tải của họ mang đậm vốn sống và sự sâu rộng về trí tuệ.

- Có  một thực tế là hiện nay thơ  được xuất bản khá nhiều và  dễ dãi, sự gia tăng về  số lượng có tỷ  lệ nghịch về mặt chất lựơng không thưa  ông, ông có đọc nhiều thơ  hiện nay?     

- Hằng năm tôi nhận được rất nhiều tập thơ mới, có người nhờ đọc thẩm định, có người gửi đọc cho vui. Thơ tôi xếp hàng chồng trong góc nhà kia kìa. Nhưng đó là những cuốn mà  tôi cho rằng không có gì để nói, sau 3 năm sẽ  "tự thanh lý". Đó phần lớn là những sản phẩm tác giả bỏ tiền ra in, có người còn thiết kế hoành tráng, in hoa văn chìm , giấy màu, bìa cứng, đóng hộp trông rất sang trọng, thậm chí còn ghi tiêu đề là … thi tập, nhưng đó chỉ  là thơ phong trào. Tôi thấy buồn khi các giá  trị đang bị lẫn lộn.

Nhưng cuộc sống là sự "chọn lọc tự nhiên", tôi dám cá với bạn rằng, trong vòng 5 năm nữa, phong trào in thơ tự do như hiện nay sẽ chấm dứt. Những nhà thơ, những người làm nghệ thuật nói chung, nếu không có lý tưởng, theo đuổi mục đích sáng tác ngoài văn chương sẽ không thể làm thơ hay được.

- Xin cảm ơn ông về  cuộc trò chuyện này

Yên Chi
.
.