Giao thừa đáng nhớ:

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nỗi niềm xa xứ

Thứ Năm, 28/01/2010, 14:38
Có lẽ không thể quên được những giao thừa xa xứ, khi tôi học ở Nga những năm 90 thế kỷ trước. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh. Trong tâm thức mỗi người Việt đều ẩn chứa một điều gì đó sâu thẳm về đất nước, quê hương, nhất là khoảnh khắc giao thừa.

Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Dù xa xôi cách trở tới đâu, hay bận rộn thế nào, cứ đến ngày Tết là người ta lại phải tìm đường trở về quê hương, về với gia đình. Người sống trở về. Người chết cũng trở về. Ấy vậy mà, không ít người còn đang sống, ngày Tết vẫn không về được quê hương. Đó là những người xa xứ.

Tết không về quê được thì đành mang cái Tết quê đi theo.Ở Nga, chúng tôi thường đón hai cái Tết. Ngày Tết Tây thường ầm ĩ tưng bừng, chúng tôi cũng vui. Còn Tết Ta là thời điểm chúng tôi thi học kỳ, công nhân thì làm việc. Nên ở đây buồn lắm. Nó lạc lõng và xa lạ.Bởi với người nước ngoài, ngày đó là một ngày bình thường. Không khí dửng dưng một màu nhạt thếch.

Nhiều lúc tôi cứ lẩn mẩn tự hỏi, không biết cái gì làm nên Tết nhỉ? Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ như các cụ nói ư?  Hình như là chả phải. Ở nước Nga, vào dịp Tết Ta, cánh sinh viên cũng tụ tập nhau lại cùng đón Tết.

Họ cũng làm cành đào, làm giống y như thật, rồi dưa hành, rồi thịt mỡ, rồi bánh chưng. Rồi tiết canh lòng lợn. Chẳng còn thiếu cái gì trong thời kinh tế thị trường. Người ta còn chuyển được cả lá mùi già sang Matxcơva để nấu nước thơm rửa mặt trong ngày đầu năm, như ở làng quê ta xưa vào dịp tết nhất. Rồi cành đào giả, thậm chí những gia đình có điều kiện còn gửi cành đào Nhật Tân sang. Vậy mà rồi vẫn cứ không ra Tết, không thành Tết. Vì sao vậy?

Vì không có được cái KHÔNG KHÍ của Tết. Đó là sự tất bật, chộn rộn, là mùi hương trầm phảng phất trong không gian vào đêm giao thừa,  là cái lạnh heo heo, là hạt mưa xuân như khói sương bay phơ phất đâu đó,  vô tình rơi vào mặt mình, là chút bâng khuâng xao xuyến ở giữa đất trời và trong lòng người. Đó chính là không khí Tết. Hình như chính cái đó mới làm nên Tết.

Và cái không khí Tết, cái hồn vía Tết ấy thì người Việt ở nước ngoài, dù có đầy đủ vật chất, tiền bạc nhiều đến đâu cũng không thể tạo ra được. Giao thừa ở đây, chúng tôi vui với cộng đồng, cánh sinh viên tụ tập hát những bài hát giao thừa, Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, các bà giáo cũng cố làm cho chúng tôi vui, nhưng vẫn không đủ để xóa đi nỗi thiếu vắng trong lòng, những đôi mắt vẫn trống vắng, ngơ ngác buồn. Có lẽ với  những người xa xứ chúng tôi có mọi thứ tạo ra quê hương mà không làm nên quê hương

Khánh Linh(thực hiện)
.
.