Nhà thơ Phan Huyền Thư: Có những "trang đen tối" trong lịch sử gia đình tôi...
Đã từng có những phản ứng ngược với những quyết định trong cuộc sống của mẹ, từng bỏ mái nhà của mẹ để sống riêng trong căn nhà cô đơn của tuổi dậy thì, nhưng đến giờ Phan Huyền Thư vẫn luôn tự hào về cha mẹ mình: NSND Thanh Hoa và nhạc sỹ Phan Lạc Hoa.
- Được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, với chị đó có là điều may mắn?
- Được sinh ra trong cuộc đời đã là điều may mắn lớn nhất với mỗi người. Với tôi thì ý nghĩa hơn bởi tôi là đứa bé sinh ra ngoài ý muốn của cha mẹ. Và tôi có cơ hội để chứng minh rằng mình đã làm người một cách xứng đáng, đó là một may mắn lớn. Mỗi người đều chăm lo cho con cái theo cách riêng của mình, cách của cha mẹ tôi là... "trở thành người nổi tiếng".
Những gì tôi đã trải qua dạy cho tôi hiểu một điều, làm con của người nổi tiếng có nghĩa là phải biết sống chung với những tốt xấu của cha mẹ bằng dư luận xã hội. Hồi bé, mỗi khi đi ra ngoài, nghe mọi người nhắc đến cha mẹ mình bằng đủ thứ chuyện yêu ghét, khinh trọng, đàm tiếu, bình phẩm, thêu dệt... tôi rất buồn, rất cô độc và hoàn toàn không thích làm con của người nổi tiếng.
Nhưng càng lớn, càng biết thương cha mẹ. Càng trưởng thành càng thấy cha mẹ mình đã chịu đựng và hy sinh như thế nào để sống đời nghệ sĩ...
- Chị từng có thời gian đi hát, nhưng rồi chị lại bỏ ngang qua nghề viết. Phải chăng chị sợ cái bóng của mẹ quá lớn? Hay vì chị quá hiểu những gian truân và thị phi mang đến từ nghề hát?
- Không. Giọng hát của tôi khác mẹ. Tố chất của tôi khác mẹ. Chuyện thị phi trong và ngoài nghề thì có. Điều đó cho tôi hiểu mình là ai, mình muốn gì. Tôi biết làm thơ cùng lúc với biết hát, biết nhạc... Tôi muốn tìm ra những giá trị mới của ngôn từ, điều đó thì các ca sĩ làm không tốt bằng nhà thơ...
- Đọc hồi ký của mẹ chị, thấy rõ bà thương chị nhất mà hồi bé chị cũng quấn mẹ nhất. Nhưng tôi được biết, đã có khi chị chán nhà, không muốn về nhà, phải chăng chị có mâu thuẫn gì với mẹ?
- Trong cuộc sống, có những lúc ta sẽ nhận ra mọi thứ mình vẫn "đinh ninh"... lại không phải như vậy. Có những khát vọng, những đổ vỡ và cả những bất lực... tuyệt vọng. Tôi là đứa trẻ không có tuổi thơ, một thiếu nữ trưởng thành sớm với thế giới tâm hồn quá bất thường...
Tôi nổi loạn rất sớm... 13, 14 tuổi đã suy tưởng và đổ vỡ... Những câu thơ kiểu "Khúc Nam Ai những cung phi goá bụa, chèo thuyền vớt xác mình trên sông..." trong bài "Huế" tôi viết từ khi 14, 15 tuổi. Hay như "Thu về nhanh quá, ve lột đẫm sương..." hay kiểu "Ở lưng trời khát cháy sa mạc" trong bài "Hoa gạo" (sau này nhạc sĩ Ngọc Đại phổ nhạc) cũng viết về mối tình đầu... lúc đó chỉ 16, 17 tuổi.
Tôi có nhiều bất đồng với mẹ trong quan niệm sống, trong quan niệm về nghệ thuật... Có khi tôi thấy đó không phải là ngôi nhà của tôi, tôi đã ở một mình bên ngoài và theo đuổi văn chương. Đó là thời gian tôi đọc nhiều, nghĩ nhiều, viết cũng nhiều...
- Những đứa con trong một gia đình nghệ sỹ thường mang những nỗi buồn riêng mà nhiều khi họ giấu kín. Và nỗi buồn ấy thường bắt đầu từ sự vô tâm và bận rộn của mẹ cha trong con đường nhiều phù hoa nhưng cũng lắm chông gai của nghệ thuật. Tôi tin chị cũng không phải ngoại lệ...
- Tôi có thể nói ngay, đó là cảm giác tủi thân, cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Từ bé, mẹ đã để hai chị em tôi ở nhà để đi chiến trường. Sau này, liên miên mẹ vắng nhà. Chúng tôi sống quen với việc chỉ có hai chị em tự làm chủ trong ngôi nhà của mình. Không bao giờ có ai trả lời những câu hỏi thông thường của những đứa trẻ trong những vấn đề của cuộc sống.
Trẻ con thì sợ những gì? Chúng tôi sợ bóng tối, sợ ở nhà một mình, sợ chuột, gián, sợ mất điện, sợ không có gì ăn, sợ kẻ trộm đột nhập vào nhà... Tuổi thơ của tôi trôi đi trong những tháng ngày bất ổn và lo âu... Sau này, tôi nhận ra, tôi bất ổn từ trong bụng mẹ... Tôi cứ nghĩ là mẹ không hề biết những điều gì đã xảy ra với chị em tôi trong suốt thời gian đó.
- Có khi nào hai mẹ con chị vì bất đồng quan điểm mà nảy sinh những mâu thuẫn?
- Tôi có ngoại hình giống mẹ. Nhưng tính cách thì một trời một vực. Tôi và mẹ có hai cách ứng xử khác nhau với những gì xảy ra trong quá khứ. Có những "trang đen tối" trong lịch sử gia đình tôi, tôi có thể nói như vậy...
Nhưng rất may là chúng tôi biết chia nhỏ khoảng u buồn ấy ra, mỗi người tự gặm nhấm và cất giấu nó trong cõi riêng của mình... chứ không mang gộp chúng lại như một tấm chăn để trùm lên cả gia đình một màu không khí đối nghịch dông bão.
- Xin chạm vào phần hơi riêng tư này, nhưng nó lại là nguyên nhân của phần đời không yên lành của mẹ con chị sau này. Khi bố chị, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa mất, cảm giác của chị thế nào? Và nhiều người cho rằng, có phần lỗi của mẹ chị. Trong hồi ký, mẹ chị cũng có nói rằng, người ta ầm ĩ cho rằng bà là nguyên nhân. Còn ý kiến của chị?
- Chính mẹ tôi cũng tự thấy rằng, sống không hạnh phúc với nhau có nghĩa là bà cũng có lỗi một phần. Những lỗi lầm của cuộc sống gia đình, quan hệ vợ chồng và thăng trầm của tình ái... bất kì ai trong số chúng ta cũng sẽ trải nghiệm trong cuộc đời... Nhưng không có gì vượt quá được định mệnh.
Tôi chỉ là đứa trẻ trong một khoảnh khắc bất định của số phận đã trở thành trẻ mồ côi. Tôi sống trong sợ hãi và hoảng loạn nhiều hơn là trách móc mẹ mình. Nếu có trách móc thì cũng chỉ là sự tủi thân và khó chịu khi phải chung sống với những thêu dệt và áp lực từ dư luận...
Tôi luôn hỏi tại sao chị em tôi không bao giờ thoát khỏi những câu chuyện độc địa ấy... Nếu mẹ tôi có làm điều gì đó không tốt, thì chắc chắn bà đã sống chung với dằn vặt của riêng mình... Tôi là con, không bao giờ nghĩ xấu cho cha mẹ.
- Tôi đồng ý với chị. Thế còn những người bạn của bố chị, khi bố chị mất đã hứa sẽ chăm sóc con của bạn trưởng thành, vậy sao mẹ chị lại có vẻ không hứng thú khi nói về những người bạn ấy lắm? Bà còn cho rằng họ có trách nhiệm trong cái chết của bố chị…
- Bố tôi có những người bạn quá yêu quý ông cho đến tận bây giờ. Tôi nghĩ, đó chính là giá trị riêng của ông không ai thay thế được. Tôi chưa bao giờ phải cảm thấy hổ thẹn vì bạn bè của bố tôi cả. Tình cảm của tôi dành cho bố tôi là một giá trị đã được "thiêng" hoá, suốt 25 năm qua, chưa bao giờ thay đổi thậm chí càng ngày càng sâu sắc hơn...
- Nói về mẹ chị, dù gì đi nữa bà đã gánh nhiều nỗi vất vả để nuôi con. Mẹ chị từng phải hát bất cứ nơi đâu, đi bán nước, làm đủ thứ để nuôi sống mình và những đứa con. Chị có nghĩ rằng, mẹ mình là một phụ nữ đáng thương?
- Có lúc tôi nghĩ vậy. Có lúc lại thấy đáng trọng. Có lúc thấy quá phức tạp, quá mệt vì những gì quá "hồn nhiên" của mẹ. Càng ngày tôi càng ít xét nét mẹ hơn và biết "lờ" những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình mình. Cũng có thể vì thế giới riêng của tôi đã phức tạp hơn cuộc sống ấy...
- Điều gì ở mẹ khiến chị khâm phục và điều gì khiến chị không chịu nổi?
- Chỉ có một điều thôi, đó là "sự hồn nhiên quá". Mẹ hồn nhiên không chịu được, tôi không thể có điều này nên tôi thấy... khâm phục! Tôi là thiếu phụ khi chưa chồng, còn mẹ nhiều khi như là trẻ con dù đã là bà ngoại. Đó là nguyên nhân khiến mẹ tôi trông trẻ hơn tuổi rất nhiều!
- Hạnh phúc không bao giờ có mẫu số chung và điều này càng đúng với các gia đình nghệ sỹ. Có điều gì từ cuộc đời mẹ chị mà chị rút được ra cho mình...
- Câu hỏi này mang thông điệp chia sẻ và hiểu biết sâu sắc về thế giới nghệ sĩ rồi. Tôi cũng đã lo lắng rất nhiều về bản thân và tương lai của con cái mình... Tất cả đều có thể chối từ, thoái thác hay ước mơ, chờ đợi... trừ một thứ: Định mệnh. Càng ngày, tôi càng cảm thấy rõ hơn về sự cô đơn định mệnh của mình. Và chắc là tôi phải đón nhận thôi, như mẹ tôi đã từng đón nhận nó không chút đắn đo hay oán giận.
- Nếu như trước đây người ta sẽ nói, Phan Huyền Thư là con NSND Thanh Hoa, giờ có thể nhiều người trẻ tuổi sẽ nói ngược lại, NSND Thanh Hoa là mẹ của nhà thơ Phan Huyền Thư. Chị có nghĩ đấy là niềm vui của… con hơn mẹ?
- Con trai tôi, 6 tuổi đi học về nói với tôi rằng. Mẹ ơi, con nói với các bạn rằng bà ngoại tớ là Thanh Hoa còn mẹ tớ là Phan Huyền Thư. Các bạn hỏi con thế bà và mẹ của bạn làm nghề gì? Con bảo: Đó là nghề "nghệ sĩ". Lớn lên, con cũng sẽ làm nghệ sĩ giống mẹ... Tôi nghĩ mình hạnh phúc...