Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với âm nhạc Hữu Ước

Thứ Bảy, 06/12/2008, 09:00
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói rằng: Đúng là anh Hữu Ước và tôi rất có "duyên" với nhau trong lĩnh vực thơ ca và âm nhạc. Cứ sau mỗi lần tôi đến chơi hoặc đến làm việc với anh, khi tôi ra về, thể nào cũng có một ca khúc của anh ra đời, ra đời ngay lập tức!

PV: Cảm nhận của anh như thế nào khi bài thơ  "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của mình đã được phổ thành một ca khúc?

HNC: Như bạn đã biết, bài thơ "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của tôi được rất nhiều người yêu thơ chép vào trong sổ tay của họ. Bởi thế để phổ bài thơ này thành một bài hát hay và thoả mãn được cả những người yêu thơ mà tôi vừa nhắc tới - rõ ràng có một sự thách đố không nhỏ đối với người nhạc sĩ. Tuy không nói ra, nhưng quả thật là tôi cũng cảm thấy hơi lo lo cho anh Hữu Ước. Và cũng lo cho chính cả bài thơ của mình. Rất may và cũng rất vui là anh Hữu Ước đã phổ nhạc thành công, rất thành công!

PV: Trên Nhạc số Nét, bài hát "Lời hò hẹn cuối cùng" là một trong những ca khúc được nghe nhiều nhất và được nhiều người yêu thích nhất. Sự thành công đó có phải là nhờ "duyên" của cả hai người?

HNC: Đúng là anh Hữu Ước và tôi rất có "duyên" với nhau trong lĩnh vực thơ ca và âm nhạc. Cứ sau mỗi lần tôi đến chơi hoặc đến làm việc với anh, khi tôi ra về, thể nào cũng có một ca khúc của anh ra đời, ra đời ngay lập tức! Trường hợp gần đây nhất là ca khúc "Khi em là thiên thanh" phổ thơ của Hồng Thanh Quang, cũng diễn ra kỳ lạ như vậy!

Tôi cũng không biết vì sao lại thế? Tôi chỉ nhớ toàn bộ con người anh Hữu Ước lúc đó rất giống một "cây đàn", dù "cây đàn" đó liên tục rít thuốc lào, chắc là tôi đã chạm được vào một phím bí mật nào đó của anh và "cây đàn Hữu Ước" không thể không bật ra âm thanh.

Trở lại với ca khúc "Lời hò hẹn cuối cùng", có lẽ ở đây anh Hữu Ước và tôi đã bắt gặp nhau ở trong cùng một điểm - Đó là cảm xúc chân thành và sự đắm say của người nghệ sĩ.

Những câu thơ tôi thích nhất như: "Còn sót lại trên bàn bông cúc tím - Bốn cánh tàn ba cánh sắp sửa rơi" vẫn được anh Hữu Ước giữ lại nguyên vẹn. Đối chiếu với bài thơ thì một đôi chỗ phần lời có thay đổi.

Theo tôi thì đó không chỉ là thao tác thuần tuý mang yếu tố kỹ thuật, mà là anh Hữu Ước muốn gửi gắm thêm một hàm ý triết lý của chính anh vào trong đó. Lúc này người thi sĩ phải biết đứng lui một bên, cho giai điệu của nhạc sĩ cất lên cùng với tiếng lòng của họ. Và khi thơ - nhạc hòa quyện vào nhau, người thi sĩ sẽ tưởng giai điệu ấy của mình và nhạc sĩ cũng tưởng lời thơ ấy là của mình. Đó chính là thành công của bài hát. Mỗi lần nghe hát đến hai câu ca từ mà anh Hữu Ước đã thêm vào, tôi đều lặng lẽ chảy nước mắt:

Nghe bước chân em qua thoáng vu vơ
Dâng nỗi đau còn biết đến bao giờ…

PV: Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Kim Châu đã có bài thơ được Hữu Ước phổ nhạc rất thành công, đó là ca khúc "Lời ru cỏ non". Hình như không chỉ có anh mới có "duyên" với nhạc Hữu Ước mà mẹ anh cũng vậy. Anh có thể lý giải một chút về điều này?

HNC: Với câu hỏi này của bạn, nếu tôi không trả lời cẩn thận, rất dễ bị mọi người cho là "mẹ hát con khen hay" đấy! Nhưng mà quả là ca khúc "Lời ru cỏ non" hay thật, và quan trọng hơn cả việc hay hoặc không hay, chính là ở chỗ nó đã đi vào được trái tim của rất nhiều người.

Trong "sự nghiệp sáng tác" của mẹ tôi, bà làm được có đúng hai bài thơ. Bài thứ nhất viết tặng tôi lúc lên đường nhập ngũ và bài thứ hai bà viết khi bà đi qua nghĩa trang liệt sĩ, nhìn thấy một bà mẹ ngồi lặng bên mộ con như một pho tượng đá. Bà nghĩ cũng là những người mẹ có con ra trận, nhưng con của bà may mắn hơn là đã trở về. Còn người mẹ liệt sĩ kia… Với tất cả tấm lòng cảm thông, sẻ chia mất mát đau thương, bà đã viết ra "Lời ru cỏ non". Viết xong bà còn đem giấu đi rất kỹ, không dám đọc cho ai nghe.

Sau này, tôi đã đem bài thơ đó đến đọc cho anh Hữu Ước nghe. Tôi mới đọc được bốn câu mở đầu, anh Hữu Ước đã bảo dừng lại, rồi nói ngay: "Đúng chất của mình đấy! Tôi xin nhận lời, tôi sẽ phổ nhạc ngay cho kịp in trên Báo ANTG ra ngày 27 tháng 7 này!". Cái "duyên" giữa bài thơ thứ hai của mẹ tôi và nhạc của anh Hữu Ước là như vậy!

Tôi đã nghe nhạc sĩ Thuận Yến có một lần nói trước đông người: "Phải trao cho Hữu Ước một giải thưởng đặc biệt về đề tài thương binh - liệt sĩ với bài hát "Lời ru cỏ non" các bạn ạ! Rất xứng đáng!". Lúc ấy, nhạc sĩ Thuận Yến không hề biết tôi là con trai của bà Nguyễn Thị Kim Châu. Nhưng tôi nghĩ là mẹ tôi và anh Hữu Ước đã nhận được "giải thưởng đặc biệt" ấy rồi, đó là lúc cả nhà hát im phăng phắc, ngần ấy con tim người nghe có lúc ngỡ như ngừng đập, rồi lại đập theo giai điệu của bài hát để cùng thành kính tôn vinh và tưởng lệ những người lính đã quên mình vì Tổ quốc ngày ấy. Tôi đã từng cầm súng chiến đấu, đã từng chứng kiến rất nhiều cái chết của đồng đội ở giữa chiến trường, tôi xin cảm ơn mẹ tôi và cảm ơn anh Hữu Ước rất nhiều!

PV: Anh đã nghe nhạc của Hữu Ước nhiều lần, cảm nhận của anh về sáng tác của Hữu Ước?

HNC: Cho phép tôi được giữ bí mật câu trả lời này! Nói ra sợ lộ hết thiên cơ. Nhưng chắc chắn tới đây, tôi sẽ đến chơi và đến làm việc với "cây đàn Hữu Ước" thường xuyên và nhiều hơn nữa! Cái "duyên" giữa hai chúng tôi trong lĩnh vực thơ ca và âm nhạc còn mặn nồng lắm!

Như Bình thực hiện
.
.