Giải thưởng văn chương:

Nhà báo Nguyễn Hòa - Báo Nhân dân: Có công thì có thưởng

Thứ Sáu, 30/12/2005, 08:53

Việc xét và trao giải thưởng nào đó về mặt Nhà nước là hết sức cần thiết. Có công thì có thưởng, nhất là những đóng góp hữu ích.

Có những người lặng lẽ làm công trình mà không ai biết, đó là những đóng góp âm thầm mà đôi khi chúng ta không thể biết. Nhiều khi nghe tên các cuốn sách, tác phẩm được giải, tôi cũng đi mua về đọc. Nhưng rồi bất ngờ bật lên những câu hỏi, những tác phẩm, công trình như thế này mà cũng được giải sao? Tôi chưa dám đặt vấn đề là thiếu sự minh bạch, trong sáng trong thẩm định, nhưng tôi thấy việc thẩm định như vậy là có vấn đề. Bởi một tác phẩm có đóng góp thì ít nhất giới chuyên ngành của nó phải thừa nhận, thậm chí giới chuyên ngành còn chẳng ai biết mà lại được giải thưởng thì thật buồn cười.

Tôi dám đảm bảo rằng, không có ai trong hội đồng thẩm định bao quát hết được lĩnh vực mình hoạt động. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực văn học thôi, trong cả nước làm gì có ai có khả năng bao quát văn học Việt Nam từ trung đại đến nay? Chỉ có chuyên gia trong một giai đoạn mà thôi, thế nên có những người nghiên cứu văn học trung đại lại xét giải cho văn học hiện đại và ngược lại. Về mặt nguyên tắc, chúng ta có thể nói rằng, khi đã đưa ra những giải thưởng thì phải có trước đó một hội đồng thẩm định đủ uy tín và năng lực. Nhưng nhìn vào những kết quả thực tế, tôi nghi ngờ điều này, tôi nghi ngờ năng lực của người thẩm định. Nếu đó là một chuyên gia có uy tín mà thẩm định và công nhận một tác phẩm không xứng đáng thì trong hoàn cảnh hiện nay rất dễ bị liên tưởng đến những yếu tố ngoài chuyên môn đã tham gia vào.

Chỉ có hai yếu tố khiến tác phẩm bị thẩm định sai, đó là năng lực thấp hoặc những yếu tố ngoài năng lực, đó chính là sự tiêu cực. Chúng ta đã nhầm không ít, nhiều người được tôn vinh như những cây đa, cây đề nhưng thực chất chỉ là những cây lưu niên mà thôi. Có một thực tế, không ít người đã tìm cách có được các giải thưởng để tô đẹp thêm cái "căn cước" khoa học, nghệ thuật cho mình. Thực tế đáng buồn của chúng ta là nhiều khi những thứ đó trở thành mục tiêu phấn đấu của những người làm nghệ thuật và khoa học. Chuyện trở thành hội viên Hội Nhà văn cũng trở thành cái gì đó ghê gớm, khiến nhiều người đeo đuổi mãi không dứt. Chính vì thế, cần những sự thẩm định của những chuyên gia tài năng, bởi rất có thể chỉ là một lóe sáng nào đó hôm nay nhưng có thể sẽ phát triển rực rỡ vào ngày mai. Có những tác giả, tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng cũng vừa phải thôi, đó là cách nhìn sòng phẳng. Văn học thời chống Mỹ có đội ngũ đông đảo, nhưng trao cho ai quả là không dễ dàng. Chẳng hạn, bây giờ mà trao cho "Cù lao Chàm" thì thật là buồn cười, dù thời điểm nó xuất hiện cũng rất… oách.

Nói về các giải thưởng văn chương, nếu nó bị những yếu tố ngoài chuyên môn xen vào thì chỉ làm giảm uy tín của giải thưởng mà thôi. Có những năm không có giải thưởng thì đâu có sao, không nên đưa ra những giải thưởng đều đặn nếu nó không thực sự xứng đáng. Nếu làm như vậy, người ta sẽ thấy được sự nghiêm túc của các giải thưởng và khi được nhận giải, nhà văn cũng thấy được vinh danh hơn.

Nhưng có lẽ, bệnh thành tích của chúng ta đã không chỉ tồn tại trong ngành giáo dục mà nó còn lan sang cả lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thành tích ảo nhiều lắm. Giải thưởng Hội Nhà văn năm nay chưa công bố, nhưng tôi thấy nó cũng ì ạch và chưa có điều gì cho thấy có những tác phẩm xuất sắc cả. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm qua thực sự là một điều đáng ngạc nhiên. Việc trao giải nhất cho "Chuyện của thiên tài" của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một ví dụ điển hình cho việc lăng xê thái quá. Tôi nhớ trong thông báo của Hội về xét giải gửi cho báo chí, ban tổ chức còn phải đưa ra số phiếu 9/9 người bỏ phiếu cho "Chuyện của thiên tài", điều đó càng chứng minh rằng những người xét giải lo sợ dư luận nghi ngờ về sự thiếu khách quan của giải thưởng. Điều đó với bạn đọc thật vô nghĩa. Vì với họ sự đồng thuận đó cho thấy chất lượng giải thưởng thực sự chưa cao.

Tôi cũng muốn nói rộng ra về văn học nghệ thuật, tôi thấy lẽ ra chúng ta nên trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Trịnh Công Sơn. Bởi một cách sòng phẳng, Trịnh Công Sơn là người có ca khúc được cả nước Việt Nam hát. Đó là một thành tựu không dễ dàng đạt được và nó thực sự có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng

 

Danh sách các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học

- Nguyễn Bính (Nguyễn Bính Thuyết)
- Nguyễn Văn Bổng
- Nam Cao (Trần Hữu Tri)
- Huy Cận (Cù Huy Cận)
- Nông Quốc Chấn (Nông Văn Quỳnh)
- Nguyễn Minh Châu
- Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu)
- Tế Hanh (Trần Tế Hanh)
- Anh Đức (Bùi Đức Ái)
- Tô Hoài (Nguyễn Sen)
- Nguyễn Công Hoan
- Nguyên Hồng (Nguyễn Nguyên Hồng)
- Chính Hữu (Trần Đình Đắc)
- Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành)
- Nguyễn Khải (Nguyễn Mạnh Khải)
- Lưu Trọng Lư
- Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
- Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng)
- Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên)
- Nguyễn Đình Thi
- Nguyễn Thi (Nguyễn Hoàng Ca)
- Ngô Tất Tố
- Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn)
- Hà Xuân Trường (Hà Nghệ)
- Nguyễn Tuân
- Phan Tứ (Lê Khâm)
- Nguyễn Huy Tưởng
- Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan)

Danh sách các nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học

- Thu Bồn (Trần Đức Trọng)
- Vũ Cao (Vũ Hữu Chỉnh)
- Đỗ Chu (Vũ Bá Bình)
- Đoàn Văn Cừ
- Phạm Tiến Duật
- Quang Dũng (Bùi Đình Dậu)
- Trần Bạch Đằng (Trương Gia Thiều)
- Nguyễn Khoa Điềm
- Bàn Tài Đoàn (Bàn Tài Tuyên)
- Hà Minh Đức
- Bảo Định Giang (Nguyễn Thanh Danh)
- Đoàn Giỏi
- Thanh Hải (Phạm Bá Ngoãn)
- Bùi Hiển
- Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối)
- Phạm Hổ
- Ma Văn Kháng (Đinh Trọng Đoàn)
- Trần Đăng Khoa
- Nguyễn Kiên (Nguyễn Quang Hưởng)
- Lê Đình Kỵ
- Kim Lân (Nguyễn Văn Tài)
- Lê Lựu
- Phương Lựu (Bùi Văn Ba)
- Hữu Mai (Trần Hữu Mai)
- Nguyễn Đức Mậu
- Giang Nam (Nguyễn Sung)
- Vũ Tú Nam (Vũ Tiến Nam)
- Nguyên Ngọc (Nguyễn Ngọc Báu)
- Nguyễn Trọng Oánh
- Mạc Phi (Lưu Huy Hòa)
- Hồ Phương (Nguyễn Thế Xương)
- Viễn Phương (Phan Thanh Viễn)
- Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh)
- Nguyễn Xuân Sanh
- Võ Huy Tâm
- Thanh Thảo (Hồ Thành Công)
- Xuân Thiều (Nguyễn Xuân Thiều)
- Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh)
- Hoàng Trung Thông
- Anh Thơ (Vương Kiều Ân)
- Trần Hữu Thung
- Nguyễn Thị Ngọc Tú
- Chu Văn (Nguyễn Văn Chữ)
- Bằng Việt (Nguyễn Bằng Việt)
- Đào Vũ (Đào Văn Đạt)
- Lê Anh Xuân (Ca Hiến Lê)

Hải Đăng
.
.