"Ở tuổi cổ lai hy":

Nhà báo Hữu Thọ: Vững vàng trong mọi thử thách

Thứ Ba, 25/11/2008, 15:00

Thưa nhà báo Hữu Thọ. Chúng tôi luôn kính trọng những thế hệ đi trước, nhưng muốn biết suy nghĩ của ông về thế hệ mình, những trí thức đã ở tuổi cổ lai hy?                   

 - Thú thực là, khi đã nghỉ hưu, tôi cũng không muốn nói đâu, nhưng chị đã hỏi thì vẫn phải nói. Thế hệ tôi thoát ly gia đình đi theo cách mạng từ Cách mạng Tháng Tám, mới 14- 15 tuổi. Tuổi trẻ chúng tôi gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Quá khứ gắn liền với mình.

Chính vì gắn với mình nên đôi khi cũng lại hay cường điệu những mặt thành tựu của quá khứ, vì trong thành tựu chung có chút ít thành tích riêng. Điểm chung nhất của thế hệ những người đã ở tuổi cổ lai hy chúng tôi là hy sinh vì cách mạng, vì người khác, sống yêu thương nhau, gắn bó nhau, gắn bó cả cuộc đời sự nghiệp của mình với cách mạng của dân tộc.

Thế hệ chúng tôi, trong cuộc đời mỗi người có những việc làm được, có việc không làm được, có những thiếu sót sai lầm. Có cả những sai lầm cùng với những sai sót của tổ chức, có những sai lầm do tự mình gây ra, và cũng có niềm vui, bực dọc.

Tất nhiên tôi cũng không tán thành có người dùng cách tự vấn để phủ định cả những đóng góp của thế hệ mà có người gọi là "đánh bạc hai cửa". Có ông lãnh đạo một nước khi về hưu nói: "Về hưu đọc sách không bàn chính sự". Thế nhưng bản thân tôi về hưu rồi, sống trong thời cuộc, lại tiếp tục làm báo thì mình cũng phải bàn về chính sự.

Mà bàn đến chính sự mới thấy cái ưu điểm và cả nhược điểm của người già. Người già được gọi là những nhân chứng của lịch sử, nhưng người ta sống trong lịch sử chưa chắc đã là nhân chứng của lịch sử.

Người già hay mang cái bực dọc ra để nói, mà khi anh mang cái tâm trạng bực dọc cá nhân ra để phát ngôn, anh có thể bóp méo cả sự thật lịch sử. Sự thật phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, phải phân tích từ nhiều khía cạnh khác nhau thì nó mới đến được bản chất. Thế hệ của chúng tôi cũng có người có tâm trạng.

Có những người thành đạt, nhưng có những người cuộc sống rất vất vả. Song anh không được mang tâm trạng riêng vào việc đánh giá sự nghiệp chung. Tựu trung lại, chúng tôi nhìn về tuổi già là nhìn về quá khứ, bao giờ cũng với những gì tốt đẹp.

Nó có cái tình, không phải là tình tuổi già với nhau mà tình bạn bè, tình chiến sỹ đồng đội từng chiến đấu máu thịt với nhau. Cũng có khúc mắc với người này người khác, nhưng chúng tôi theo gương các cụ ngày xưa, hãy rũ bỏ những chuyện không vui, những chuyện không bằng lòng để nhìn nhau thật ưu ái, để có một cuộc sống thanh thản vào tuổi xế chiều.

- Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều ưu thế nhưng cũng có nhược điểm. Lớp "cây cao bóng cả" đã giúp họ thêm niềm tin?

- Câu hỏi này đáng lẽ các bạn phải trả lời chứ. Theo tôi, ở châu Âu người ta không có khái niệm "cây cao bóng cả" đâu. Khái niệm này chỉ có ở phương Đông. Đây là một quan điểm, một cách nhìn nhận về thế hệ người già: "kính già, yêu trẻ" là giá trị tuyệt đẹp của phương Đông.

Nhưng lại phải thấy, dưới cây cao bóng cả, khó có những cây non mọc và phát triển sum suê được. Cây cao, bóng che hết trời rồi, lấy đâu ánh nắng cho cây non sống, thở và phát triển. Xã hội yêu quý những người già chúng tôi, nhưng theo tôi, người già cũng đừng cường điệu quá lên, làm cho người trẻ không phát huy được bản thân mình.

Xã hội ngày càng phát triển, rõ ràng lớp trẻ có giỏi hơn, có thành công thì mới chèo lái đưa con thuyền xã hội phát triển đi lên được. Tất nhiên tôi nghĩ lớp trẻ cũng nên biết rằng, thế hệ già là thế hệ của những người biết hy sinh vì đất nước, vì người khác.

Lớp già như thế hệ chúng tôi đã được trải nghiệm qua nhiều phong ba bão táp của cách mạng. Có những khi, vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Ví như mùa đông năm 1946, khi cách mạng đang còn thời kỳ trứng nước, và thời kỳ Liên Xô cùng các nước Đông Âu sụp đổ, CNXH thoái trào.

Thế hệ chúng tôi, những người đã sống qua những thời khắc đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trụ lại được, chèo chống cùng cách mạng, để vượt qua mọi khó khăn và đổi mới phát triển. Lớp trẻ tin ở lớp già bởi lớp già có sự vững vàng qua những cơn phong ba bão táp của vận nước. Sự trải nghiệm của lớp già chính là bài học "vững vàng và sáng tạo vượt qua cơn phong ba bão táp", đây là bài học muôn đời.

- Ông nghĩ sao về phong trào viết hồi ký? Hình như ông cũng đang viết hồi ký?

- Hồi ký là nên viết. Nhưng đã gọi là hồi ký thì mang tính cá nhân. Nhưng xu hướng của một số hồi ký hiện nay hay đề cập đến những vấn đề bên lề chính sự. Những hồi ký chân thực thì việc kể lại luận bàn này làm cho phần lịch sử có da có thịt hơn, mềm mại hơn, hấp dẫn hơn.

Ngày nào tôi cũng ghi nhật ký, tôi ghi tới cuốn thứ 15 rồi, đấy là những ghi chép cho riêng mình, không phải để công bố, vì đó chỉ là những cảm nhận về cá nhân tôi thôi.

Hiện nay, bên cạnh những hồi ký rất hay rất tốt có một số hồi ký phần lớn là thanh minh, khoe công lao của mình, hay là nơi để xả ra những bực tức oán hận cá nhân, quy công, kể tội, làm cho lịch sử quốc gia dân tộc, và chân dung của con người bị bóp méo đi.

Loại hồi ký mang tính chất cá nhân này không nên, và không giúp gì được cho xã hội. Gần đây tôi có đọc một số hồi ký ở trên mạng. Nói chung là thấy buồn, thất vọng, thấy chẳng ra cái gì cả.

Đừng tưởng những người già đọc những loại hồi ký nói xấu nhau, hạ bệ thần tượng nọ kia, sổ toẹt vào những giá trị tinh thần đã có mà sướng mắt sướng tai gì đâu. Cảm giác ê chề lắm.

Tôi rất tâm đắc với một entry sau khi đọc loại hồi ký giẫm đạp lên bạn bè, đồng chí này, entry đó đã bình luận như sau: Ông ấy viết hồi ký để nói về người này người khác, về đồng nghiệp bạn bè.

Tôi không quan tâm tới những gì ông ấy viết về người khác, bởi tôi không đủ cứ liệu để tin vào những điều ông ấy nói. Nhưng tôi lại đọc thấy được chân dung của ông hiện ra sau những gì ông ấy viết". Thiên hạ bây giờ tinh tường lắm, không dễ gì mà lừa được.

Anh viết về bạn bè, đồng chí đồng đội của anh xấu cả, chỉ còn lại một mình anh tốt, mình anh vô can, thì tin sao được. Thiên hạ xưa kia có một nhà thơ nước ngoài kiêu ngạo nói rằng: "Thiên hạ đục, chỉ có mình ta trong", nhưng khi nói câu đó thì ông ấy cũng tự tử vì ông thấy mình cô độc quá

Như Bình(thực hiện)
.
.