Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

“Nguyên vẫn là Nguyên”

Thứ Năm, 05/12/2013, 13:08
Tôi biết anh từ khá lâu rồi, khi tôi còn là nhà báo trẻ mang quân hàm thượng úy ở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Tuổi tác xêm xêm cộng với những đam mê văn học đã khiến chúng tôi dễ trở nên gần nhau… Rồi thời gian trôi qua, công việc cơ quan đã làm tôi thay đổi nhiều, không chỉ già đi mà còn sợ mạo hiểm hơn.

Còn Phạm Xuân Nguyên vẫn không mấy khác. Trên cương vị của mình và cả do những suy tư riêng nên càng ngày tôi càng phát hiện thấy ở Phạm Xuân Nguyên thêm những quan điểm không giống mình, thậm chí có đôi thứ còn trái nhau. Thế nhưng, tôi luôn tôn trọng những gì anh suy nghĩ và trình bày trước công chúng, chí ít là vì chúng luôn thành tâm và nhất quán. Và tôi còn nghĩ, độc giả của chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng cũng nên biết tới những quan điểm của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, có thể để đồng tình hoặc có thể để phản bác… Tranh luận, như người xưa đã nói, luôn là động lực của sự phát triển…

- Hồng Thanh Quang: Anh cũng quá biết rằng, ngày hôm nay luôn luôn phải bắt đầu từ ngày hôm qua. Chính vì thế tôi muốn hỏi anh câu đầu tiên là, trước khi trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, anh đã nghĩ thế nào về những người tiền nhiệm của mình, thí dụ như nhà văn Tô Hoài hay nhà thơ Bằng Việt? Theo anh, đâu là bí quyết đã giúp cho hai “đầu lĩnh” này có thể duy trì được vai trò của mình trong những khoảng thời gian rất đáng kể trên cương vị đòi hỏi quá nhiều kỹ năng ứng xử như thế?

- Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Bằng Việt chủ yếu là ở vị trí đứng đầu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (viết tắt HLH) chứ không phải hội chuyên ngành như Hội Nhà văn Hà Nội. Cụ thể nhà văn Tô Hoài là Chủ tịch HLH từ khóa đầu thành lập (1966) đến khóa VI (1984). Sau đó nhà thơ Bằng Việt kế nhiệm từ khóa VII (1989), rồi từ khóa IX (2001) đến khóa XI (2011) cho đến nay. Cả hai ông đều là người Hà Nội, đều là những tác giả nổi tiếng, đều có uy tín trong văn giới và xã hội. Phong cách lãnh đạo của hai ông là việc văn nghệ cứ hành xử theo cung cách văn nghệ, tạo sự thoải mái, tự nhiên cho văn nghệ sĩ được sống và làm nghề theo đúng đặc thù văn chương nghệ thuật. Có chuyện gì rắc rối, phức tạp nảy sinh thì hai ông đều biết cách hóa giải nhẹ nhàng, dễ chịu cho cả người sáng tạo lẫn cơ quan quản lý. Nếu nói theo một cách nói rất được truyền tụng về lãnh đạo văn nghệ của nhà thơ Vũ Cao (1922 - 2007) khi ông làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội rằng “lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả” thì nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Bằng Việt đã phần nào có được ứng xử đó trong thời kỳ hai ông là người chịu trách nhiệm lãnh đạo cao nhất của HLH.

- Anh, với tư cách một nhà phê bình văn học, đánh giá thế nào về văn của “cụ dế mèn phiêu lưu ký” Tô Hoài?

- Tô Hoài là nhà văn của đời thường, của người thường. Văn ông cứ nhẩn nha mà kể chuyện đời, cứ tỉ mẩn mà đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời. Đọc văn Tô Hoài là được nghe một người biết nhiều thứ, hiểu nhiều lẽ, trò chuyện chậm rãi, có dí dỏm, có cười cợt, nhưng hơn cả là có sự trải đời thấm vào từng câu chữ, cách viết. Cho nên văn Tô Hoài không nặng về tính thời sự hiểu theo nghĩa là tức thời, kịp thời, ngay cả khi ông phải viết cho một đề tài, một sự kiện có tính thời sự nào đó. Đọc ông cứ phải từ từ thì mới thấm được.

- Anh nghĩ thế nào về thơ của anh Bằng Việt? Anh nghĩ thế nào về phẩm chất “công chức” của luật gia Bằng Việt?

- Thơ Bằng Việt xuất hiện trong dàn thơ thế hệ chống Mỹ bằng một giọng điệu sang trọng mang chất suy tưởng với cảm xúc thơ nhiều suy tư. Chỉ cần đọc tập thơ Hương cây - Bếp lửa (1968), tác phẩm đầu tay Bằng Việt in chung cùng Lưu Quang Vũ, đã thấy sự khác biệt nổi bật của hai người thơ, hai giọng thơ rồi ra sẽ in đậm dấu ấn trong thơ Việt hiện đại nửa cuối thế kỷ XX. Chính chất suy tưởng lắng đọng trong bề dày tri thức, văn hóa được tiếp thu kỹ từ thời trẻ và được thể hiện bằng một năng lực thơ tinh tế đã khiến thơ Bằng Việt không cũ đi với thời gian. Tôi vẫn thuộc nhiều thơ của ông và vẫn thường dùng thơ ông cho nhiều công việc văn chương hiện nay thấy rất thích dụng. Còn về phẩm chất “công chức” của “ông quan” Bằng Việt (ông có thời là Thành ủy viên, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) thì một phần có lẽ là do tạng người, khí chất ông vậy, và phần nữa là do nghề ông được đào tạo là nghề luật đòi hỏi phải có chất “bureaucratie” chăng. Điều này sẽ gây hạn chế cho ông trong các công việc quản lý hành chính cụ thể, tuy như trên tôi đã nói, ông biết quan niệm về lãnh đạo văn nghệ là tôn trọng đặc thù.

 - Và bây giờ, khi đã “cầm trịch” ở Hội Nhà văn Hà Nội không chỉ một năm, anh có thay đổi gì trong cách nghĩ và cách cảm của mình về công việc của một ông Chủ tịch tổ chức tập hợp làng văn thủ đô không? Xin hỏi thực, anh đã cảm thấy mệt mỏi chưa?

- Có gì đâu mà mệt mỏi. Tôi được các hội viên bầu lên với số phiếu cao và được ban chấp hành tín nhiệm giao chức Chủ tịch Hội. Tôi không ham chức ham quyền, không lo giữ mình, giữ ghế. Tôi chỉ làm những gì thấy có lợi cho anh chị em hội viên, thấy cần thiết cho một hội nhà văn ở thủ đô. Vậy nên tôi rất thảnh thơi. Tôi làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) khóa X (2006 - 2010) và Chủ tịch khóa XI (2011-2015). Thực sự tôi thấy nhẹ nhàng, thoải mái, vì tôi quan niệm Hội là mái nhà chung cho anh chị em nhà văn tập hợp, quây quần sinh hoạt để có thêm năng lực tinh thần cho từng trang viết cá nhân của mình. Hội là đoàn thể vui vẻ, đoàn kết những người cùng chung một đam mê sáng tạo. Cách lãnh đạo của tôi, nếu có thể nói được thế, là tự nhiên và chân thực. Tôi thích nhất câu nhận xét của nhiều hội viên sau năm đầu tôi làm Chủ tịch Hội là tôi không có cái vẻ “quan” gì cả, Nguyên vẫn cứ là Nguyên như mọi người từng biết, từng quen. Đối với tôi, đó là lời đánh giá cao nhất.

- Cá nhân anh đánh giá thế nào về hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội ở thời điểm hiện nay? Có những thay đổi gì đáng kể so với các giai đoạn trước?

- Ở trên tôi vừa nói Hội là vui. Để vui thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước hội viên phải biết tạo ra các cuộc chơi mang chất văn chương như tọa đàm, hội thảo, đi thực tế, tham quan, mở trại viết, giao lưu, gặp gỡ. Tôi nói cuộc chơi theo nghĩa là những hoạt động hội đoàn có tính chuyên môn thu hút đông đảo người tham gia, tham dự hết lòng, hết mình, đem lại cho mọi người cảm giác phấn chấn, hào hứng được tiếp thêm tri thức, hiểu biết, tinh thần, cảm hứng. Mọi người tham gia vào đấy là dự vào một cuộc chơi lớn của cái đẹp, cái hay. Nhiệm kỳ XI của HNVHN đã đi được một nửa thời gian và tôi có thể nói hoạt động của Hội đã phong phú, sôi động hơn trước nhiều. So với các thời trước, các hoạt động như tọa đàm, hội thảo và đi thực tế được tăng lên. Đặc biệt từ năm 2013, Hội đã mở ra các cuộc sinh hoạt chuyên đề vào ngày 10 hàng tháng, bất luận rơi vào thứ mấy trong tuần, để các hội viên được nghe nói chuyện, trao đổi, cập nhật thông tin thời sự về mọi mặt đời sống xã hội hiện nay. Diễn giả tại các cuộc này là các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực của mình. Cho đến nay HNVHN đã có những sinh hoạt chuyên đề như về nhà văn Nobel 2012 Mạc Ngôn (diễn giả Trần Đình Hiến, tháng 1), về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc (diễn giả Dương Danh Dy, tháng 3), về kinh tế Việt Nam (diễn giả Lê Đăng Doanh, tháng 4), về thực trạng giáo dục Việt Nam (diễn giả Hồ Ngọc Đại, tháng 6), về tư duy (diễn giả Chu Hảo, tháng 8), về văn học Việt Nam hải ngoại (diễn giả Thái Kế Toại, tháng 9)... Các cuộc sinh hoạt chuyên đề này không bó hẹp trong phạm vi hội viên, mà mở rộng cho tất cả những ai quan tâm cùng nghe. Giờ đây nhiều hội viên cứ mong chờ đến ngày 10 hàng tháng để được đến 19 Hàng Buồm nghe nói chuyện. Vừa rồi tôi có báo cáo ở Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội về hoạt động của HNVHN nửa nhiệm kỳ, một đồng chí phó trưởng ban khi xem bảng kê các hoạt động của chúng tôi ba năm qua đã phát biểu ngạc nhiên trước những việc Hội đã làm được như vậy.

- Liệu những hoạt động đó có phải là phần bổ sung vào những hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam đối với giới cầm bút hay là một phương thức hoạt động khác với những tiêu chí khác?

- HNVHN không phụ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) về mặt tổ chức. Và do đó đương nhiên hoạt động của HNVHN không phải là để bổ sung cho hoạt động của HNVVN. Chúng tôi có những hoạt động riêng của mình xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi và tình hình thực tiễn của các nhà văn trên địa bàn Hà Nội. Tiêu chí chung nhất và cao nhất quán xuyến mọi công việc của chúng tôi là “tính thủ đô”. Phương châm của HNVHN thấu suốt trong mọi hoạt động là “ba trong một”. HNVHN là của một địa phương, nhưng địa phương đó là Hà Nội, nhưng Hà Nội là thủ đô của cả nước. Vậy nên, Hội có tính phong trào nhưng phải vươn tới đỉnh cao. Hội ở vị thế địa phương nhưng phải có tầm thủ đô.

- Anh đánh giá thế nào về các nhà văn tham gia HNVHN? Liệu có đặc thù chung nào ở những người viết văn làm thơ tại thủ đô hay không? Liệu hội viên HNVHN có đặc thù gì khác so với hội viên HNVVN không?

- Đặc thù chung của hội viên HNVHN là họ đang sống và làm việc ở Hà Nội. Còn đặc thù của hội viên HNVHN so với các hội viên HNVVN là họ đang sống và làm việc tại thủ đô. Chính chất Hà Nội và “tính thủ đô” làm nên khác biệt của HNVHN và các hội viên.

- Liệu ý kiến cho rằng “tầm cỡ” hội viên HNVHN có vẻ như thấp kém hơn danh hiệu hội viên HNVVN có đúng hay không? Theo anh, cần phải cư xử thế nào để ý kiến đó không thể bao giờ đúng?

- HNVHN hiện nay có hơn năm trăm hội viên, trong đó hơn một phần ba cũng là hội viên HNVHN. Bản thân tôi là Chủ tịch Hội thì không vào HNVVN. Như thế nói chuyện “tầm cỡ” cao thấp ở đây làm gì. Khóa trước và khóa này có khá đông các hội viên HNVVN, mà lại là những người nổi tiếng, làm đơn xin vào HNVHN, tiêu biểu như nhà văn Nguyên Ngọc, các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Nguyễn Huệ Chi... Họ bảo sinh hoạt ở HNVHN vui hơn, thích hơn. “Tầm cỡ” là ở đấy chứ đâu! Mà không cứ phải là hội viên hội cả nước thì cái lý đương nhiên là được vào hội Hà Nội nhé. Quý vị cũng phải làm đơn, phải được xét duyệt. Cũng như những người là hội viên các hội địa phương chuyển từ các tỉnh thành về thủ đô sống đến gặp tôi xin “chuyển sinh hoạt hội”. Tôi bảo ở nước ta chỉ có chuyển sinh hoạt đảng là thống nhất toàn quốc, còn về hội văn nghệ thì không chuyển ngang được, mà phải vào hội từ đầu, nghĩa là làm đơn như mọi người khác đang muốn vào HNVHN.

- Giữa Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam có những sự hợp tác chuyên môn nào không?

- Hiện nay thì chưa có sự hợp tác nào. Nhưng các hoạt động của HNVHN đều có mời HNVVN. Và những việc nào HNVVN đề nghị thì HNVHN đều đáp ứng. Tôi mong thời gian tới sẽ có được sự hợp tác, phối hợp của hai Hội trong một số công việc.

- Hội Nhà văn Hà Nội có thường xuyên duy trì quan hệ chuyên môn với các Hội Nhà văn hay hội văn học nghệ thuật các địa phương khác nhau? Theo anh, cần làm gì để các mối quan hệ đó trở nên hữu ích hơn đối với tất cả các bên liên quan?

- Mối quan hệ chuyên môn của HNVHN với các hội văn nghệ hay hội nhà văn ở các địa phương xét ở cấp độ Hội thì chưa có, chỉ mới có ở cấp cá nhân. Hiện tại, trong khuôn khổ liên kết giữa Hội văn nghệ của năm tỉnh kinh đô xưa và nay (Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế) thì HNVHN có tham gia các hội thảo, trại viết tại mỗi cuộc giao lưu luân phiên tổ chức ở năm tỉnh này. Bản thân tôi với tư cách Chủ tịch HNVHN rất muốn có mối quan hệ với các hội địa phương để tạo điều kiện cho anh chị em hội viên được đi nhiều nơi, được gặp gỡ giao lưu với nhiều người viết ở các vùng miền khác nhau. Tôi lại là người đi nhiều nên càng thấy nhu cầu được đi, được gặp, được trao đổi là rất cần thiết và quan trọng cho người viết. Tôi nghĩ để có được những quan hệ này thì trước hết những người làm công tác hội phải muốn có nó đã. Khi đã muốn có thì sẽ tìm được các cách thức liên hệ để có. Trong khi chờ có những quan hệ được thiết lập chính thức, HNVHN cố gắng tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế đến các địa phương để từ đó tạo ra những cuộc gặp gỡ tại chỗ.

- Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, anh thấy sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền thủ đô đối với tổ chức này như thế nào?

- HNVHN là một trong chín hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội chịu sự lãnh đạo và quản lý của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố. Phải nói chính quyền Hà Nội đã có cách lãnh đạo mang tầm thủ đô đối với Hội Liên hiệp nói chung và HNVHN nói riêng. Kinh phí hoạt động hàng năm chúng tôi dự trù đề đạt lên được cấp đủ. Những yêu cầu, đề xuất công việc của Hội được lắng nghe và bàn bạc, tuy có những việc chưa thể giải quyết được ngay do vướng về luật lệ, quy định. Nhưng hơn hết, lãnh đạo thành phố đã tôn trọng đặc thù của một hội văn học nghệ thuật, chỉ đạo chứ không can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho HNVHN cũng như các hội chuyên ngành khác hoạt động đúng chức năng của mình. Sắp tới điều chúng tôi mong muốn nhất là thành phố nhanh chóng phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình từ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã được tiến hành từ mấy năm qua. Khi Liên hiệp Hội đã thành, HNVHN sẽ có khung pháp lý hoạt động rộng hơn và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nữa.

- Hội Nhà văn Hà Nội làm được những gì để giúp đỡ cho công việc sáng tác của các hội viên được thuận lợi và có hiệu quả hơn?

- Những hoạt động như trên tôi đã nói (tọa đàm, đi thực tế, đi trại viết, sinh hoạt chuyên đề) là một cách giúp cho các hội viên có cảm xúc và động lực viết. Đối với các nhà văn cao tuổi, mấy năm qua Hội có một phần trợ cấp. Khi xét thấy hội viên nào có bản thảo nhưng khó khăn kinh phí in ấn mà đề nghị hỗ trợ thì Hội cũng có thể giúp đỡ. Đấy là những việc thực tế, cụ thể. Điều lớn hơn và quan trọng hơn để thúc đẩy các hội viên sáng tác là Hội tạo ra một bầu không khí dân chủ, tự do trong văn chương học thuật, cổ vũ những tìm tòi, sáng tạo của người viết, tạo diễn đàn cho các tác giả giới thiệu, thảo luận tác phẩm của mình và đồng nghiệp.

- Anh tự đánh giá thế nào về cá nhân mình trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội? Anh đã làm được mọi việc như anh mong muốn và tin tưởng chưa? Và sự tham gia của các thành viên khác trong bộ máy điều hành Hội Nhà văn Hà Nội?

- Ở cương vị Chủ tịch HNVHN đã được nửa nhiệm kỳ, tôi thấy mình đã làm được khá tốt chức trách và phận sự của mình. Tôi đã điều hành Hội linh hoạt, cởi mở, đã tạo ra nhiều mặt hoạt động cho Hội, đã củng cố và nâng cao uy tín của Hội. Cố nhiên tôi còn nhiều việc muốn làm ở vai trò người lãnh đạo Hội, như tổ chức một cuộc thi viết về Hà Nội; làm kỷ yếu hội viên; thiết lập quan hệ với hội nhà văn thủ đô một số nước, cụ thể là Viên Chăn, Phnôm Pênh, Bắc Kinh... Trước mắt, tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ thủ đô lần thứ hai. Trong công việc, tôi được chủ động và được tạo điều kiện thuận lợi từ thành phố và từ Hội. Ban chấp hành HNVHN khóa XI có 6 người (mất 1 còn 5) đoàn kết cùng nhau vì lợi ích chung của Hội và hội viên. Giúp việc cho BCH có 4 hội đồng chuyên môn và 5 ban công tác đều gắn bó khi làm việc. Có thể nói tôi và bộ máy điều hành HNVHN đã tạo được sự phấn khởi, tin tưởng của hội viên vào Hội của mình.

- Thực tế cho thấy, giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội thường gây nên những dư luận trái chiều. Anh có thể nói gì về việc đó? Tiêu chí chính mà các anh tuân thủ là gì khi lựa chọn danh sách các tác phẩm xứng đáng được nhận giải thưởng?

- Giải thưởng hàng năm của HNVHN từ khóa X đến nay ngày càng có uy tín, được coi trọng và đánh giá cao trong văn giới và xã hội. Những ý kiến trái chiều chỉ là lẻ tẻ, rời rạc, và rõ là “trái chiều”. Được thế là do chúng tôi đã có những tiêu chí xét giải rõ ràng, minh bạch. Thứ nhất, giải trao cho tác phẩm đạt chất lượng cao về nghệ thuật, xuất bản từ nửa cuối năm trước đến nửa đầu năm sau. Thứ hai, mỗi bộ môn chỉ trao một giải cho một tác phẩm, không có thì bỏ trống. Thứ ba, đối tượng tác giả của những tác phẩm được xét giải là bao gồm các hội viên và cả những người chưa phải hội viên nhưng đang sống và làm việc ở Hà Nội trong thời gian xét giải. Thứ tư, thành viên hội đồng sơ khảo (là các hội đồng bộ môn) và chung khảo (gồm Ban chấp hành và các chủ tịch hội đồng bộ môn) không tham gia dự giải. Thứ năm, có giải thành tựu: “Ngoài giải chính thức, tùy hoàn cảnh từng năm mà Hội Nhà văn Hà Nội có thể trao giải thành tựu. Giải thành tựu là nhằm tôn vinh lao động sáng tạo một đời người của những nhà văn có nhiều tác phẩm xuất sắc, có nhiều đóng góp cho văn học ở thủ đô và trên cả nước, có tiếng vang lớn trong dư luận. Căn cứ trao giải thành tựu vẫn là tác phẩm, nhưng là tác phẩm mang tính tuyển tập, toàn tập, tổng kết một sự nghiệp văn chương”. (Quy chế giải thưởng). Thứ sáu, kết quả giải được công bố ngay sau khi họp xét giải và được tổ chức trao giải vào Ngày Giải phóng thủ đô 10-10 hàng năm.

Các tiêu chí này của Giải thưởng HNVHN được đề ra và thực hiện từ khóa X đến nay đã thực sự làm cho giải thưởng và Hội xứng tầm thủ đô. Hàng năm HNVHN đã xét giải theo đúng quy chế đề ra một cách nghiêm túc, công tâm. Chính điều này đã tạo nên uy tín cho giải và cho Hội, được dư luận đánh giá cao. Tôi lấy thí dụ trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái. Anh Thái làm Chủ tịch HNVHN hai khóa IX và X, vẫn có sách ra đều trong thời gian quản lý Hội, các tác phẩm của anh đều có chất lượng, có tiếng vang, được bạn đọc đón nhận, nhưng suốt mười năm ở cương vị lãnh đạo Hội anh không tham gia dự giải. Khóa XI anh nghỉ công tác Hội, đi làm việc ngoại giao ở Iran, cuốn tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của anh đủ tiêu chuẩn được Hội đồng văn xuôi giới thiệu đưa vào xét giải và đã được Hội đồng chung khảo bỏ phiếu trao giải thưởng HNVHN 2012.

- Có tác giả hay tác phẩm nào mà sau khi Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng hàng năm rồi mà tới bây giờ anh cảm thấy không còn hài lòng như trước nữa không? Vì sao?

- Giải thưởng là trao hàng năm. Giải thưởng cũng là cách nhìn nhận, đánh giá của một tập thể xét giải. Do đó không giải thưởng nào là tuyệt đối. Theo độ lùi thời gian, theo cách đọc và cảm nhận, có những tác phẩm được giải thưởng rồi nay đọc lại thấy bình thường, hoặc giả nhìn lại năm đó thấy có cuốn khác được hơn. Tính tương đối của giải thưởng, hay nói rộng ra là của sự lựa chọn, là vậy. Đến như giải Nobel Văn chương còn khó chắc chắn nữa là. Nên cho phép tôi giữ lại điều này cho mình. Có điều là những kinh nghiệm như thế sẽ giúp cho những lần xét giải sau thận trọng và chính xác hơn.

- Tôi biết, anh vốn là sinh viên Văn khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ quê hương xứ Nghệ ra thủ đô đèn sách. Tôi cũng biết anh chưa bao giờ được ra nước ngoài tu nghiệp. Thế nhưng, bây giờ tất cả những ai yêu văn học đều phải thán phục trình độ chuyển ngữ văn chương của dịch giả Ngân Xuyên. Đó là bút danh anh đã sử dụng khi dịch văn học. Làm thế nào mà anh có thể chỉ ở Việt Nam mà vẫn làm chủ được tới ba ngoại ngữ là Nga, Pháp và Anh? Anh có bí quyết gì có thể chia sẻ với mọi người?

- Cám ơn anh đã có lời khen tôi chuyện này. Vừa rồi nhân xuất bản một tập truyện ngắn nước ngoài do tôi dịch từ ba thứ tiếng (Cô dâu hay con hổ, Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012), tôi đã viết một lời tựa vui Phạm Xuân Nguyên nói về cái việc học ngoại ngữ của gã Ngân Xuyên như sau: “Tiếng nước ngoài chủ yếu gã tự học. Ngoại trừ tiếng Nga gã có học mấy năm trong nhà trường như một ngoại ngữ, từ lớp chuyên toán ở Trường cấp ba Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) đến lớp Văn khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, còn thì tiếng Pháp và tiếng Anh là gã tự học trong thời gian ở quân ngũ. Học tự mình như thế nên cái khoản nói và nghe là gã chịu, hay theo cách bạn bè gọi đùa gã là kẻ “câm điếc” ngoại ngữ. Gã không hề nói được một câu ra hồn trong ba thứ tiếng mình biết mà cũng chẳng nghe được câu nào người ta nói lại. Cái đấy có lẽ là do Trời. Trời đã không cho gã năng khiếu nghe nói ngoại ngữ, nhưng bù lại Trời đã cho gã khả năng đọc hiểu tiếng nước ngoài. Gã chỉ đọc dịch văn bản được thôi. Ôm lấy mấy cuốn sách dạy tiếng, ngày đêm học từ học ngữ, rồi sẵn máu văn chương gã tìm đọc các tác phẩm thơ văn bằng các thứ tiếng mình học. Đó vừa là một cách học theo lối tự mình, vừa là một cách tìm hiểu văn chương nước người. Và gã đã cầm bút dịch thơ dịch truyện từ tiếng Nga, Anh, Pháp sang tiếng Việt từ lúc nào không biết. Dịch xong, đọc thấy xuôi, gã mạnh dạn gửi báo và được đăng. Thế rồi tháng ngày trôi, dịch thuật thành một ham mê lớn của gã cùng với công việc nghiên cứu phê bình văn học. Gã được gọi là “dịch giả” khiến gã ngượng, và run. Gã dịch thơ, dịch truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch lý thuyết, nghiên cứu, sách dịch in ra đã năm bảy cuốn”. Bút danh Ngân Xuyên của tôi là do nói lái tên Xuân Nguyên mà ra. Tôi phân định rõ: viết phê bình nghiên cứu là Phạm Xuân Nguyên, dịch thuật là Ngân Xuyên.

- Anh tuân theo tiêu chí nào khi chọn lựa giới thiệu các tác giả và tác phẩm nước ngoài cho độc giả Việt Nam?

- Hay theo cách mới lạ, độc đáo, cả nội dung và nghệ thuật, cần dịch ra cho độc giả trong nước đọc và biết, nhất là cho giới viết.

- Anh là người đầu tiên đưa tới người đọc nước ta “Sự bất tử” của Milan Kundera. Ở thời điểm bản dịch này của anh xuất hiện, đó đã là một chấn động lớn. Làm sao anh chỉ ở Việt Nam thôi mà đã tìm thấy nó để chuyển ngữ?

- Tôi là một bạn đọc lâu năm của tạp chí Văn học Nước ngoài (Inostrannaya Literatura), một tạp chí văn học có chất lượng và uy tín của Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Trên tạp chí này thường có những bản dịch tốt các tác phẩm văn học mới và có giá trị của các tác giả thuộc nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới ra tiếng Nga. Đối với văn học Việt Nam, nhất là ở phía Bắc thời trước đây, tạp chí Văn học Nước ngoài của Nga giữ một vai trò quan trọng, đã và đang là một cửa sổ chính nhìn ra văn học thế giới. Từ các bản dịch tiếng Nga đó, nhiều tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt. Trở lại chuyện M. Kundera, khi bắt gặp tiểu thuyết Sự bất tử của ông qua bản tiếng Nga đăng trên Văn học Nước ngoài số 11-1994, tôi đã bị lôi cuốn. Thế là đầu năm 1995 tôi bắt tay vào dịch cuốn đó từ tiếng Nga. Tôi có thói quen đọc được cái gì hay và thích ở ngoài là muốn dịch ra ngay để chia sẻ cùng bạn bè quan tâm, dịch mà không cần nghĩ là sẽ in ở đâu, có kiếm được tiền nhuận bút không. Dịch Sự bất tử tôi cũng chẳng “com-măng” với ai, cứ rảnh việc là tôi lại ngồi lì ở bàn với cây bút và trang giấy. Khoảng ba tháng tôi dịch xong cuốn đó. Niềm vui và sự khích lệ là khi có bạn văn đến lấy ra đọc, bắt họ phải nghe và được họ tán thưởng. Đầu năm 1996, Sự bất tử của Milan Kundera qua bản dịch từ tiếng Nga của Ngân Xuyên đã được đăng trên số 1 tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam.

- Theo những gì tôi biết, ngay từ thời trẻ sau khi tốt nghiệp đại học anh đã về làm việc ở Viện Văn học, cơ sở hàn lâm tập trung rất nhiều học giả có danh vị oách. Không ít đồng nghiệp cùng lứa với anh đã bảo vệ thành công các luận án tiến sĩ. Tại sao anh không đi theo con đường của họ? Anh không thích hay không có thời gian?

- Chắc anh có nghe câu ca kiểu Bút Tre về tôi: “Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”. Tôi thích câu này và nhiều lần đã lấy nó tự giới thiệu mình. Tôi không làm luận án tiến sĩ vì tôi thấy bằng cấp ấy không làm tôi thông minh hơn cái tôi đã có, và cũng vì tôi thấy chất lượng đào tạo các bậc sau đại học rất “có vấn đề”. Nội chuyện ngoại ngữ thôi đã thấy không nghiêm túc rồi. Tiến sĩ, rồi là giáo sư, phó giáo sư, là phải tinh thông một ngoại ngữ, ít ra là đọc được văn bản về chuyên môn của mình trong một thứ tiếng. Nhưng tôi có thể đoan chắc nhiều phần các vị có học vị, chức danh trong ngành nghiên cứu văn học hiện giờ là mù ngoại ngữ. Vậy sao họ vẫn được đỗ và phong? Đó đã là một bệnh khó chữa của xã hội ta hiện nay mất rồi!

H.T.Q.
.
.