Người trẻ...cô đơn

Thứ Năm, 06/09/2007, 16:00
Có lẽ bài viết này là một sự lạc lõng. Vì nó đi ngược lại những bản ngợi ca thế hệ trẻ năng động làm giàu, khẳng định cá tính, sống và yêu. Và sự thực, nó chỉ nói về một bộ phận không lớn những người trẻ đô thị, những người trẻ bơ vơ trong tâm hồn và trốn mình vào những góc nhỏ của cuộc sống...

Tôi gọi em là Yuki, cô gái nhỏ 16 tuổi và sống nhiều ngày trên mạng Internet, gần như em không muốn đối diện với cuộc sống thật của mình.

Với Yuki, những trang manga (truyện tranh Nhật Bản) được NXB Kim Đồng dịch ra tiếng Việt rồi xuất bản không đủ đáp ứng nhu cầu của em. Hằng ngày, em lùng sục trên các trang web, diễn đàn truyện tranh và download manga về máy để xem. Tất cả các thể loại đều có.

Yuki không muốn tiếp xúc với người lạ, em coi thường những kẻ đọc manga theo phong trào và hay lớn tiếng bàn tán về truyện tranh. Yuki thích cuộc sống của các nhân vật truyện tranh và em lên mạng để sáng tác ra những điều ngọt ngào mà em mong muốn.

Em thích sống cuộc sống trên các diễn đàn, ở đó em và các bạn cùng bàn luận về những hình mẫu nhân vật mà mình yêu thích, thậm chí sáng tác ra cuộc sống của những chàng trai yêu nhau, các cô gái cũng yêu nhau, nhưng đó là một thế giới trong sáng, không phải những chuyện hủ bại.

Thực chất, Yuki không phải là trường hợp cá biệt trên mạng Internet. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, các cô gái Mỹ đã có phong trào ghép các nhân vật nam mà họ yêu thích thành một bộ đôi. Cái quan trọng không phải là các chàng trai đó, mà là các cô gái yêu thích họ muốn như vậy.

Còn trào lưu đó tại Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI có cái tên là "doujin", còn tại Trung Quốc được gọi là "hủ nữ".

Như nhân vật Kỳ Cầm trong tiểu thuyết "Chuyện lan man đầu thế kỷ" của Vũ Phương Nghi, Yuki thực chất không phải là một cô gái đồng tính. Và em cũng không nhìn nhận việc ghép đôi hai hoàng tử trong truyện tranh vào với nhau là đồng tính. Đơn giản là thấy yêu thích họ, muốn họ được ở gần nhau, sống chung với nhau, trở thành những hình mẫu của mình.

Yuki đặc biệt ác cảm với giới báo chí. Và nhìn chung, các otaku (fans của manga) đều rất bất bình với những bài báo của... "người lớn" nhưng có cái nhìn thiển cận về truyện tranh và những đứa trẻ đọc truyện tranh. Đến mức, rất nhiều người quan niệm rằng, truyện tranh làm hư hỏng trẻ em cũng bởi những bài báo có phần hời hợt đó.

Tôi mất hơn một tuần tâm sự qua chat với Yuki, rồi cuối cùng đột ngột cô đề nghị gặp, một quán cà phê nhỏ xíu trên phố Hàng Gai, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Cảm giác Yuki càng bé nhỏ hơn sau cặp kính quá dày, nhưng rõ ràng là khuôn mặt đẹp thanh tân.

Yuki đi cùng một cô bạn khác và tôi được cô gái ấy đề nghị "hãy gọi em là Assi". Họ nói về truyện tranh một lát, rồi chuyển qua các trào lưu của truyện tranh với thái độ coi thường. Và cuối cùng bàn về cosplay, một trào lưu thực sự bắt đầu với giới trẻ đam mê truyện tranh tại Việt Nam.

Cosplay (costumer play), có thể coi là một trò chơi có lồng những ý tưởng nghệ thuật, trong đó người chơi sẽ mặc những bộ trang phục của nhân vật mà mình yêu thích, rồi sau đó sẽ diễn lại những tính cách, những hành động tiêu biểu của... thần tượng.

Cần hiểu mạch lạc rằng, cosplay là một trào lưu của các otaku và nó hoàn toàn trong sáng, chính NXB Kim Đồng đã tổ chức các lễ hội này cho các bạn trẻ tham gia thi. Và nhiều người nhận định rằng, cosplay khiến các bạn trẻ lầm lạc về giới tính của mình cũng là một nhận định nhiều hàm hồ, gây phẫn nộ trong giới otaku.

Nhưng, có một bộ phận, như Yuki, đã đến với cosplay như một cách để giải tỏa chính mình.

Yuki thích hóa thân làm con trai, những anh hùng ngang tàng và đầy nhân ái. Em cũng không thật sự rành mạch được về chuyện giới tính của mình.

Em có thấy thích một cậu con trai nào đó không? Có, em thích Quách Phẩm Siêu (một diễn viên Đài Loan), Yuki trả lời như vậy.

Tôi chợt hiểu, với những người như Yuki, một hoàng tử đẹp đẽ trong đời sống thật chẳng bao giờ có và họ thấy thật phí sức để đi tìm, trong khi đó những hoàng tử làm cho họ vui sướng lại rất gần, đó là mạng Internet và các trang truyện tranh.

Yuki từ chối nói chuyện gia đình, em cũng không nói thêm nữa về “thế giới đan mỹ” của mình. Em muốn những hoàng tử tuấn tú đó được sống cuộc sống của riêng họ, thế giới mà em và các cô bạn, có thể là Assi, cùng hợp sức tạo ra.

Dù đã cố, nhưng tôi vẫn không thực sự hiểu hết Yuki. Em có một cái tên Việt, một mái nhà để đi về trên phố Hàng Bún, và tôi nghĩ gia đình em cũng khá giả. Bởi em khoe mình sẵn sàng chi vài triệu đồng để may đồ cosplay và chỉ mặc một lần duy nhất.

Và trong giới chơi cosplay, đã có những người chi tới cả hai chục triệu cho một bộ đồ cosplay. Cái quan trọng không phải là tiền, mà quan trọng là họ đã được sống như mình mong muốn.

Những người trẻ, lẩn mình vào những đám đông nhưng rồi vẫn tự thấy mình bơ vơ đang ngày càng nhiều lên tại các đô thị lớn.

Nếu đọc "Rừng Na uy" của tác giả người Nhật Haruki Murakami, hẳn nhiều người sẽ nhận ra những con người đang cô đơn và không biết phương hướng của cuộc đời. Một thế hệ cô đơn, hứng chịu những hệ lụy từ một xã hội quá nhiều ràng buộc của truyền thống nhưng lại phải trải qua những khắc nghiệt của sự phát triển kinh tế, những khủng hoảng và biến động.

Đã có người coi đó là "thế hệ mất mát" của Nhật Bản. Và khi đọc xong "Rừng Na uy", trên rất nhiều trang blog đã xuất hiện những câu hỏi, phải chăng họ (những người trẻ đang viết blog đó) cũng là một "thế hệ mất mát" của Việt Nam? Một trong số đó là "Một ai đó"...

Blogger này thường xuyên post bài vào lúc 2h đến 3h sáng, những tâm sự nặng trĩu nỗi buồn và thường là những chi tiết đời sống của anh ta khá bi đát.

Nếu đọc diễn tiến trên blog đó từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, sẽ thấy thật rõ, dường như chàng trai 21 tuổi này đang phải đối mặt với một thực tế hoang mang, mất phương hướng khi vừa rời trường đại học. Anh ta cảm thấy bất an trong mái nhà của mình, "mái nhà của những gương mặt quen-xa-lạ", những cách hành xử đầy màu tiền bạc. Và anh ta cảm thấy mình bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

Hằng ngày, anh ta lang thang tại các tiệm Internet, games online, đi shopping mua những món đồ "xì tin" nhất, tóc được thay kiểu liên tục và những bức hình được up lên cho thấy, rõ ràng anh là một người giàu có.

"Nhưng để làm gì nhỉ? Sau khi đi mua một đống đồ, ngồi trên taxi về nhà, tôi cảm thấy như mình vừa ném một nắm tiền qua cửa toa tàu hỏa. Không, không phải thế, nếu tôi ném qua đó, ít ra cũng còn giúp ích được cho các em bé nghèo hay những bà bán hàng rong. Còn tôi đem những món đồ này về nhà, có những thứ tôi không bao giờ đụng đến. Nó chẳng giúp được gì cho ai, và nó cũng không khiến tôi có thêm chút cảm xúc nào khi lướt net" - "Một ai đó..." đã thốt lên như thế.

Trên thế giới blog, không chỉ có riêng "Một ai đó...". Có rất nhiều bạn trẻ đã đóng chặt lòng mình với xung quanh. Họ không tìm nổi một người bạn thân để tâm sự những câu chuyện của mình.

Họ có mọi phương tiện liên lạc với thế giới. Họ được cập nhật mọi kỹ thuật truyền tin hiện đại nhất. Nhưng họ nhận chân được bi kịch của chính mình, đó là không thể liên hệ với ai trong sự cô đơn đó.

Không chỉ những bạn trẻ mới bước vào đời, mà cả những người trẻ đã được coi là có chút ít kinh nghiệm sống cũng không ít người rơi vào tình trạng như vậy.

Và đây là blog của một phóng viên trẻ: "Anh thực sự không biết điều gì đang đến. Anh ngồi đó, trong căn phòng im lặng, nghe rõ tiếng gió chạy trong máy lạnh, phả ra như một mùa đông nào đó của ký ức. Một điều gì đó, giống như cơn gió đam mê của mùa thu cũ, đã thổi đi rồi, không thổi lại nữa. Gió mùa thu năm nay sẽ chẳng giống gió của mùa cũ, càng không thể giống gió của mùa sau. Anh ngồi đó, cuộc sống đã mang lại cho anh điều gì ngoài những vết thương?".

Thực chất, ngay cả những blogger thân thiết cũng không biết được anh chàng 28 tuổi này đang nghĩ gì. Nhưng nếu theo dõi toàn bộ các trang blog của anh ta, sẽ chỉ thấy một nỗi cô đơn thường trực đeo bám. Và cảm giác như anh chàng này vẫn đang đi tìm điều gì đó mà mãi vẫn không tìm thấy và có thể sẽ không bao giờ tìm thấy...

Nhưng anh ta cũng không thể chia sẻ với ai, không thể chia sẻ cụ thể một vụ việc, một vấn đề nào đó. Anh ta thường viết về những cảm giác và luôn là những cảm giác bất an. Và anh ta thường kể chuyện, có khi là một mẩu nhỏ, có khi là một câu chuyện dài, mang hình dáng những truyện ngắn.

Tất cả những nhân vật chính trong đó đều là những nhân vật cô đơn và đang loay hoay kiếm tìm chính mình. Không biết có phải vì áp lực quá nhiều của một đời sống công nghiệp mà con người ta càng ngày càng thấy mình bất ổn, không trụ vững nhưng cũng không biết nương tựa vào điều gì trong cuộc sống...?

Trốn mình vào một cuộc sống khác với thực tại, có lẽ đó là cách mà những người trẻ này đang nương náu.

Họ, trước hết và sau cùng, đều là những người chịu hệ lụy của một cuộc sống quá gấp gáp hôm nay. Có người trong số họ sẽ tìm cách sống chậm lại, nhưng cũng sẽ có những người phản ứng tiêu cực với cuộc sống. Có lẽ họ sẽ tự tìm cho mình những cánh cửa sau giai đoạn hoang mang. Hoặc cộng đồng sẽ mở cho họ những cánh cửa...

Hoài Phố
.
.