Người máy và tham vọng lật đổ Apollo

Thứ Tư, 15/04/2020, 13:16
Ai-Da là một nghệ sĩ. Và nếu chỉ đọc qua vài câu trong bài phỏng vấn của “cô”, bạn sẽ nghĩ “cô” là một nghệ sĩ hoàn toàn bình thường đang bàn về triết lý sáng tác của mình, kiểu như David Hockney hay Damien Hirst thế thôi...

“Những vấn đề của thế giới xung quanh ảnh hưởng tới nghệ thuật của tôi trên rất nhiều tầng bậc, thậm chí là trên mọi tầng bậc. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục sáng tác nghệ thuật có thể chạm tới quá khứ và hé lộ những điều vô hình, cổ vũ chúng ta quan sát cả những điều trái khoáy và để ý tới những nỗi đau đang ẩn giấu”, Ai-Da nói trong một cuộc phỏng vấn. Ai-Da là một nghệ sĩ. Và nếu chỉ đọc qua vài câu trong bài phỏng vấn của “cô”, bạn sẽ nghĩ “cô” là một nghệ sĩ hoàn toàn bình thường đang bàn về triết lý sáng tác của mình, kiểu như David Hockney hay Damien Hirst thế thôi.

Nhưng không, Ai-Da là một trí tuệ nhân tạo. Hơn thế, “cô” là trí tuệ nhân tạo đầu tiên trở thành một nghệ sĩ siêu thực.

Ai-Da có một tài khoản instagram mang tên aidarobot với khoảng hơn 2.000 người theo dõi. “Cô” đăng bài thường xuyên về những dự án nghệ thuật của mình, tất nhiên, cô đăng cả hình “tự sướng” của “cô” nữa. (Instagram có cả những tài khoản cho cún cưng hay mèo cưng, tại sao lại không thể có một tài khoản riêng cho một cô robot?).

Trong một bài viết, Ai-Da trích dẫn câu nói nổi tiếng của Yoko Ono và cho biết sẽ thực hiện một tác phẩm tri ân tới “Cut pieces” (Những mảnh cắt) - một buổi trình diễn nghệ thuật trong đó Ono ngồi yên trên sân khấu với chiếc kéo trước mặt. Những khán giả đi qua đều có thể cầm cây kéo và cắt đi bất cứ thứ gì họ muốn trên người Ono, có thể là tóc, có thể là một mẩu quần áo, thậm chí là dây áo ngực.

Màn trình diễn của Ai-Da mang tên “Privacy” (Riêng tư) đặt ra một phản đề so với “Những mảnh cắt”. Thay vì để khán giả cắt đi những món đồ trên người nghệ sĩ, nó lại cho phép khán giả có thể tùy ý quấn những mảnh vải vào người Ai-Da.

Ai-Da bên một tác phẩm hội họa của mình. 

Song Ai-Da không chỉ biết tri ân hay vay mượn ý tưởng. “Cô” thực sự biết cách sáng tạo. Thực hành nghệ thuật của cô trải đủ mọi lĩnh vực từ vẽ, điêu khắc, video trình diễn. Các tác phẩm hội họa của cô được cho là chịu ảnh hưởng từ những danh họa đầu thế kỷ 20 như Max Beckmann, Kathe Kollewitz, hay Pablo Picasso. “Unsecured future” (Tương lai bất định), đó là tên triển lãm cá nhân đầu tiên của Ai-Da, cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của một robot. Toàn bộ tác phẩm trong triển lãm đó được mua sạch sành sanh, thu về hơn 1 triệu USD.

Thế kỷ 19, nước Anh, tổ chức Luddite, một tổ chức được lập ra bởi những công nhân dệt may, đứng lên đập phá máy móc, trút giận lên những cỗ máy vô tri vì e sợ sẽ bị chúng thay thế. Nỗi lo ngại ấy hóa ra thừa, bởi máy móc hay tự động hóa có thể lấy đi công việc này nhưng lại sinh ra công việc khác, những công việc đòi hỏi trí tuệ, sự nhạy cảm, tính sáng tạo, trí tưởng tượng, khả năng suy luận và chung quy là tất cả những gì vốn dĩ là phẩm tính mà Thượng đế đã thổi riêng vào con người. Nhưng giờ đây, khi mà tất cả những món quà những tưởng là độc quyền ấy lại cũng có thể được sao chép và bắt chước thì con người còn lại vốn liếng gì đáng kể?

Chúng ta, cũng như những người thuộc tổ chức Luddite, không muốn tin rằng máy móc có thể thay thế mình, cho nên cười khẩy bảo rằng, những tác phẩm của Ai-Da không thực chất là tác phẩm nghệ thuật. Điều đó có đúng không?

Xét cho cùng thì người ta hào hứng tò mò với những tác phẩm của Ai-Da không phải bởi vì chúng đẹp mà bởi vì nó là sản phẩm của một con robot. Nhưng, nếu đã nói vậy thì ngay cả những danh họa cũng có những bức tranh chẳng hề đẹp, như bức tượng Đêm tối của Michelangelo, phần ngực của người phụ nữ đang ngủ méo mó đến mức mà sau này có một nhà khoa học viết luận văn đặt ra giả thuyết rằng, nhân vật này đang mắc bệnh ung thư vú, nếu không thì không thể lí giải cho việc một nghệ sĩ cầu toàn như Michelangelo có thể nặn ra những chi tiết vụng về đến mức đó.

Nhưng, vụng ra sao cũng được, Đêm tối vẫn là tác phẩm của Michelangelo nên vẫn là một di sản, một báu vật, một tác phẩm được chiêm ngắm và nghiền ngẫm nghiêm cẩn và người ta quan tâm tới Đêm tối cũng chỉ vì nó là của Michelangelo mà thôi.

Đến đây, sẽ có người phản bác rằng, vậy thì người ta quan tâm tới Michelangelo là bởi người ta quan tâm tới cuộc đời, thân phận, tâm hồn của ông - cuộc đời, thân phận, tâm hồn của người đã sáng tạo ra David, ra Đức mẹ sầu bi, ra trần nhà nguyện Sistine. Nhưng, những gì mà Ai-Da thể hiện không tiết lộ về cuộc đời hay thân phận hay tâm hồn của “cô” - vì một con robot thì làm gì có cuộc đời hay thân phận hay tâm hồn. Tóm lại, tác phẩm của Ai-Da vẫn không phải là nghệ thuật. Nhưng, nếu lấy lí do như vậy, chẳng phải ta đang rơi vào cái bẫy của lối phê bình tiểu sử ư?

Phê bình tiểu sử hình thành ở châu Âu sớm nhất từ thời Phục hưng, có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn Cuộc đời các thi sĩ của Samuel Johnson, trong đó truy tầm mối liên hệ giữa những biến cố trong đời nghệ sĩ và các trước tác của họ. Lối phê bình như vậy còn phổ biến tới thế kỷ 20, thậm chí tới tận bây giờ. Có gì đó hiển nhiên trong việc quy nạp thế giới nội tâm của tác giả và cuộc đời thực mà tác giả ấy đã sống vào làm một, bởi cuộc đời nhào nặn, định hình nên một con người.

Nhưng, phê bình tiểu sử lại hoàn toàn bất lực trước nghịch lý rằng Beethoven trong âm nhạc và trong đời thường là hai cá thể quá đỗi biệt lập. Quả là như thế, trong âm nhạc, Beethoven cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp bao nhiêu thì trong đời thực ông bê bối và tùy tiện bấy nhiêu. Ông là nhà soạn nhạc hiếm hoi lưu trữ giữ gìn những bản phác thảo, những bản tổng phổ viết tay của mình nhưng ông lại sống trong một căn nhà bề bộn, cáu bẩn, ẩm mốc, ngay dưới cây đàn là một chiếc bô tiểu đêm còn chưa đổ sạch.

Tức là, con người thường nhật và con người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng là một, dù có những ảnh hưởng qua lại nhưng con người nghệ sĩ đôi khi là một phút giây xuất thần và siêu thoát. Và nếu như chúng ta áp dụng quan điểm của triết gia Roland Barthes, rằng phải lật đổ huyền thoại về tác giả và “sự viết diễn ra chính là ở nơi sự đọc”, vậy thì một bức tranh do robot sáng tạo nên cũng có thể được đối xử công bằng, bình đẳng với một tác phẩm do con người đích thực sáng tạo.

“Đêm tối” - tác phẩm gây tranh cãi về chất lượng của Michelangelo.

Song, vẫn nhiều người chưa chịu. Họ phản bác tiếp rằng, nhưng sáng tạo phải là làm nên một cái gì đó mới mẻ, nguyên bản, chưa từng có, còn như Ai-Da, “cô” chỉ được lập trình bằng những thuật toán để nhận biết những trào lưu hội họa có sẵn rồi xào xáo lên mà thôi.

Điều này nghe chừng rất đúng. Cấu tạo của Ai-Da bao gồm một máy quét để giúp cô “nhìn” thấy những sự vật ở trước mặt, và camera sẽ truyền tín hiệu tới cánh tay để cô phác họa lại chúng thành những đường nét phong cách trừu tượng. Bạn không thể mong chờ Ai-Da vẽ một bức tranh thuộc phong cách hậu ấn tượng hay dã thú, bởi vì “cô” đâu được lập trình để làm điều đó, bạn cũng không thể chờ đợi “cô” tiên phong một trường phái hoàn toàn chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Nhưng, như thế đã đủ để loại bỏ tư cách làm nghệ sĩ của Ai-Da?

Có bao nhiêu nghệ sĩ trên đời thực sự tiên phong ra một trào lưu? Bất cứ nghệ sĩ nào cũng chịu ảnh hưởng từ một người đi trước. Picasso cũng đâu phải bỗng một ngày đẹp trời sáng tạo ra trường phái lập thể, ông cũng học hỏi nó phần nào từ Paul Cézanne. Rất nhiều vở kịch hay bài thơ của Shakespeare lấy cảm hứng từ những câu chuyện mà Ovid đã kể từ thời La Mã.

Hay nói cách khác, sáng tạo nghệ thuật không bao giờ lại thiếu đi sự nhặt nhạnh và “ăn cắp” - theo đúng từ mà Picasso đã sử dụng. Ai-Da có thể không tạo ra một bước đột phá về nghệ thuật nhưng như thế không có nghĩa “cô” không phải một nghệ sĩ, các tác phẩm của “cô” vẫn là những tác phẩm chưa từng có ai khác làm ra và chỉ cần như vậy là đủ hợp lệ để được coi là một tác phẩm hoàn thiện.

Ai-Da tất nhiên sẽ chịu thua nếu ai đó nói: nghệ thuật phải đến từ cảm xúc, Guernica đã không tồn tại nếu không có cơn giận dữ của Picasso, và nếu Van Gogh không phát điên, những bức tranh cuối đời của ông về những vì sao đã không ám ảnh tới thế. Người Hy Lạp xưa cho rằng Apollo là vị thần bảo trợ cho nghệ thuật và khi ta sáng tác thì đó là phút giây ta được hưởng ân huệ từ thần.

Nhưng Ai-Da chẳng có cảm xúc gì, “cô” vẽ mà không thực sự cảm thấy gì trong đó. Cô chẳng biết tới Apollo nào hết. Nhưng, đáng nói chính là ở chỗ đó, rằng chẳng thật sự cần một cảm xúc nào để sáng tạo và Ai-Da biết đâu là một Nietzche phiên bản nhân tạo, kẻ sẽ đánh đổ và đả phá tất cả những đức tin và những giá trị mà ta cứ ngỡ là thiêng liêng hay cao cả.

Tới đó, hẳn sẽ lại nảy ra một cuộc tranh luận về việc liệu trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một triết gia chân chính!

Hiền Trang
.
.