Khi người ta nổ

Người mẫu Phương Mai: Tôi không đặt nặng vấn đề này

Thứ Năm, 31/05/2012, 17:28
Nổ không phải là nói dối. Bởi nói dối, sẽ được liệt kê vào dạng khoác lác. Có một nói thành mười, có mười nói thành trăm, có trăm nói thành nghìn, có nghìn nói thành vạn, có vạn nói thành triệu… Cứ lũy tiến sự việc lên thì thành nổ.

Nổ bằng lời không có sức sát thương như những vật liệu gây nổ được điều chế từ công thức hóa học. Dẫu vậy, theo thói quen, dư luận vẫn gọi những kẻ thích nổ là những người ôm bom.

Nổ, là một khái niệm không mới. Giống như khi người ta phát triển thành… chém gió. Nói quá sự thật, gọi là nổ. Trong một hoàn cảnh nhất định, nổ như là nhu cầu mua vui. Trong các bài viết tếu táo, gọi là thủ pháp phóng đại.

Kiểu như, nhà em rất nghèo. Chú lái xe cho bố em nghèo. Cô giúp việc cho nhà em nghèo. Bác thợ làm vườn cho nhà em nghèo. Anh tài xế chở mẹ em đi shopping mỗi ngày cũng nghèo nốt…

Đã qua cái thời, thông tin khó kiểm chứng. Đặc biệt là vào thời điểm, bước ra đường gặp ngay nhà báo. Nguy hiểm hơn, lại là báo mạng, thì cái sự nổ phút chốc khiến nhân vật “nhỡ miệng” lâm vào trạng thái “mặt giấu trong tay, tay luồn trong tóc”.

Người bình thường nổ, vài ba người biết, tin lan nhanh, vài mươi người cười. Người của làng giải trí nổ, hàng triệu người biết, và hàng chục triệu người ngoác miệng. Người khó tính sẽ cau có lẩm bẩm: “Nói cứ như dở hơi mà nói suốt”.

- Như một kĩ năng trong hoạt động tự trào, nổ nếu được vận dụng khéo léo, đúng lúc đúng chỗ sẽ làm người nghe bật cười sảng khoái hoặc làm dịu bớt bầu không khí đang nặng nề. Một người có khả năng tự trào là người biết giải thích dí dỏm về sự thành công hay vai trò của mình, biết tự giễu cợt các thiếu sót hay thói hư tật xấu của bản thân… Đó là điều mà tôi đã thấy được ở những nghệ sĩ danh tiếng của thế giới như ca sĩ Elton John, diễn viên Angelina Jolie khi họ tự trào về quá khứ đồng tính và nghiện ngập của mình, hay Johnny Depp từng tự thú nửa đùa nửa thật rằng anh rất lười tắm và ở dơ. Khán giả yêu mến họ vì ngoài tài năng đích thực, họ còn là chính mình, không phải chỉ là cái vỏ lộng lẫy được tô điểm bằng lời nói?

- Tôi nghĩ đó chỉ là sự khác biệt về mặt văn hóa. Ở Mỹ, Johnny Depp có thể tự nhận mình là “trùm ở dơ”, Tom Cruise có thể nhảy cẫng lên ghế sofa để bày tỏ tình yêu với Katie Holmes, nhưng ở Việt Nam, bạn không thể làm như vậy được. Nếu nổ được ứng biến khéo léo theo cách chị nói thì quả là đâu có gì xấu, nó còn giúp mang lại tiếng cười vui vẻ. Tôi không đặt nặng vấn đề suy xét một nghệ sĩ có nổ hay không, mà tôi nhìn vào thành quả lao động nghệ thuật của họ.

Thật lòng mà nói, đứng từ góc độ của một người làm trong ngành giải trí thì trước hết tôi phải đứng về phía nghệ sĩ. Thông thường họ chỉ chia sẻ những tình tiết kiểu như thế với bạn bè thân thiết, nhưng bằng cách nào đó những thông tin như thế lại lọt ra ngoài. Mặt khác, khi nghệ sĩ chủ đích không muốn chia sẻ thì phóng viên sử dụng nghiệp vụ để lấy được thông tin từ nguồn khác. “Tam sao thất bản”, thông tin cuối cùng đến với độc giả có khi không còn nguyên vẹn. Bản thân tôi cũng chẳng muốn chọn cách này để nổi tiếng, bởi nếu hôm nay tôi tung tin mình có chiếc túi xách 10.000 đô thì cũng không giúp tôi đắt sô hơn.

Xưa ông bà mình bảo “nói trước bước không qua”, mà chị em phụ nữ thì thường khó giữ bí mật hơn đàn ông. Cho nên những gì thuộc phạm vi công việc, tôi lại càng không muốn chia sẻ nhiều một khi chưa đạt được mục tiêu đề ra hoặc thành quả dự án như mong muốn.

- Trong một lần phỏng vấn ca sĩ Mỹ Linh, chị ấy bảo rằng: “Thời buổi này, thay vì rủ nhau đi uống cà phê thì người ta rủ nhau đi… “chém gió”, thiệt là hết biết”. Nói vậy để thấy, nổ không chỉ lan tỏa trong giới showbiz mà nó đã ăn sâu vào hành vi xã hội. Chị nghĩ sao?

- Hẳn nhiên rồi, xuất phát điểm ban đầu của nổ là từ xã hội, nhưng ý nghĩa ban đầu của nó không có gì xấu cả. “Chém gió” không chỉ là nổ, nói sai lệch sự thật theo chiều hướng phóng đại, mà còn là nói chuyện phiếm, bông đùa với nhau, bạn bè lâu ngày gặp lại chẳng lẽ lại đi kể cho nhau nghe những chuyện buồn? Cho nên “chém gió” để vui là chính, vui rồi quên. Ai cũng có nhu cầu chia sẻ thông tin, đừng nên đặt nặng vấn đề này như một hiện tượng tiêu cực

Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.