Khen chê phù phiếm:

Người đẹp Trúc Diễm: "Khen chê đừng như đả kích"

Thứ Ba, 24/09/2013, 14:44
Nếu là đại bộ phận thì không hẳn đâu, vẫn có những người chịu lắng nghe. Còn việc phản ứng lại thì mình nghĩ mọi việc đều có nguyên do của nó. Nếu những lời chê là đúng, là thật... thì không có lý gì mà lại không tiếp thu cả.

- Khái niệm về những lời chê thẳng - chê thật với Diễm là gì khi cũng đã từng nếm trải mùi “khen - chê” thẳng thắn ngay trên sóng truyền hình trực tiếp?

- Thực ra Diễm cũng từng trải qua tâm trạng bị chê nhưng sự việc đã qua lâu rồi, Diễm không muốn nhắc lại nữa. Mỗi người có một cách nhìn nhận riêng về việc khen - chê, bản thân Diễm thì vẫn nhớ như in cảm giác lúc mình bị chê và tiếp nhận lời chê đó như một cách để luôn cố gắng hoàn thiện mình.

- Nghĩa là theo Trúc Diễm thì chê thẳng, chê thật là một điều cần thiết?

- Đương nhiên là cần chứ, nhưng trên cơ sở là những lời nói thật lòng. Bởi bạn biết đấy, thực tế đâu phải lời chê nào cũng đúng, cũng thật, mà nói thẳng nhiều khi là sự đố kỵ. Điều đó là có, nên dù có được khen hay bị chê thì mình cũng nên tỉnh táo để tiếp nhận. Về phần mình, Diễm rất cảm ơn nếu sự chê là những lời góp ý chân thành.

- Nhưng “Thuốc đắng giã tật,” điều này các cụ đã đúc kết, tôi nghĩ rằng nó luôn đúng. Và với giới nghệ sĩ thì e rằng, “liều thuốc” này còn đắng hơn nữa, bởi với cái tôi cá nhân lớn thì việc chấp nhận sự chê thẳng, chê thật là một điều khó?

- Đó là do cách nhìn nhận của mỗi người, đồng thời cũng là cách nói thẳng của người chê nữa. Đồng ý là nghệ sĩ thì cái tôi cá nhân lớn, cá tính mạnh nên việc chấp nhận những lời chê là khó. Chính vì thế mà đòi hỏi người chê cũng phải có tầm thì mới thuyết phục được. Hơn nữa, không ai muốn bị chê trách và chẳng ai vui gì khi bị chê bai cả. Đó là tâm lý chung thôi, nên là đối với nghệ sĩ, khen - chê đôi khi cũng là cả một... nghệ thuật.

- Nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng: Giữa một rừng ngôn từ chỉ toàn tâng bốc, tung hô nhau thì những lời nói thẳng, nói thật đang trở thành của hiếm và đương nhiên quý trong giới showbiz?

- Vì đa phần ngại va chạm, ngại đôi co, bởi việc tâm phục, khẩu phục nhau trong nghệ thuật là khó. Nghệ thuật không có những quy chuẩn cụ thể, với người này thì nó hay, với người kia thì chưa thực sự thuyết phục nên cũng rất khó để nói rằng thế nào là được, thế nào là chưa được. Hơn nữa, để có những lời chê chân thành phải thực sự thân thiết, chê để tiến bộ khác với sự chê dìm hàng mang tính chất ăn thua. Nếu chê không đúng thậm chí còn bị công chúng “ném đá” nữa. Nên chẳng mấy ai chịu vạ miệng cũng là vì thế.

- Có ý kiến cho rằng một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay quá đề cao bản thân, không biết lắng nghe và sẵn sàng “đáp trả” những lời chỉ trích về phía mình. Trong tâm thế là một người trẻ, Diễm thấy điều này đúng chứ?

- Nếu là đại bộ phận thì không hẳn đâu, vẫn có những người chịu lắng nghe. Còn việc phản ứng lại thì mình nghĩ mọi việc đều có nguyên do của nó. Nếu những lời chê là đúng, là thật... thì không có lý gì mà lại không tiếp thu cả.

- Điều đó để thấy rằng không thể cậy vào việc mình là tiền bối mà muốn chê sao thì chê, đúng không?

- Nếu đã là “bề trên” thì Trúc Diễm nghĩ rằng tâm thế đó đủ để bảo chứng cho những lời mà người đó nói ra. Còn nếu câu nói không phù hợp thì bản thân người chê là thiệt thòi hơn cả. Tất nhiên, ngoài những lời chê có chủ đích thì sự chê chẳng được lợi lộc gì cả. Nên ở góc độ nào đó, họ thấy rằng phản cảm hoặc đáng chán... thì chê cũng đúng thôi.

Cũng có nhiều trường hợp cậy vị trí của mình là người đi trước nên tự cho mình quyền giáo huấn người khác. Nhưng nghệ thuật không thể nói chơi được điều gì, nay anh tỏa sáng nhưng có thể ngày mai đã tàn lụi rồi. Mà tài năng thì nhiều khi cũng chẳng thể dựa vào tuổi tác nên việc cậy mình là “bề trên” thì Diễm nghĩ là không nên.

- Nhưng dù thế nào, với tâm thế của một đối tượng tiếp nhận, thì theo Diễm cần có thái độ ứng xử thế nào đối với những lời chê thẳng thắn?

- Sự thật thì không ai muốn bị chê trách cả, nhưng khi bản thân thực sự có những khuyết điểm nào đó mà được những người đi trước, bậc cha chú trong nghề góp ý thì mình rất trân trọng.

Tất nhiên có thể có những lời góp ý không được vừa tai cho lắm, thì mình cũng nên tiếp thu. Bản thân mình nhỏ tuổi hơn nên mình cần có sự kính trọng, lễ độ  với những người lớn tuổi, đó là sự lễ phép tối thiểu cần có. Việc lời chê đó dù đúng, dù sai và nên làm thế nào, khẳng định ra sao thì công chúng sẽ rõ. Bản thân mỗi người bị chê cũng cần có thời gian để chứng minh chứ đó không thể một sớm một chiều được. Vậy nên trước những lời nói thẳng thắn, dù thế nào thì thứ nhất mình phải xem lại bản thân mình, thứ hai là phấn đấu làm sao để đừng bị chê nữa.

- Nói chung việc nói thẳng, nói thật là điều hết sức cần thiết nhưng theo Diễm, để lời phê bình, khen - chê thật sự có ý nghĩa, tác dụng thì nên làm thế nào?

- Việc này còn tùy thuộc vào bản lĩnh của mỗi người. Bởi liên quan đến bất cứ việc gì thì cũng cần phải có sự am hiểu mới nói được, mà nghệ thuật thì càng không thể nói chung chung. Văn hóa khen - chê sao cho đúng thì phải lựa lời chê, tùy từng cách nói, cách ứng xử để đưa đến kết quả. Nếu trên tinh thần góp ý để người bị chê tiến bộ thì đó là điều đáng trân trọng. Và theo Diễm thì cách chê cũng nên phù hợp để người nghe không thấy mình bị đả kích

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.