Sóng gió từ thiện

Nghĩ về từ thiện

Thứ Năm, 31/12/2015, 03:16
May mắn nhất của người Việt là luôn giữ được tấm lòng bác ái, nhân văn, lá lành đùm lá rách, không toan tính nề hà.


Tôi nghĩ, mỗi cá nhân làm từ thiện đều có một xuất phát điểm chung, đó chính là hành động theo sự thúc giục của lương tri, của ý thức, của thiện tâm. Tất nhiên, cũng có một số ít các cá nhân lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi. Tuy vậy, số này là ít thôi, rất ít.

Ít đến mức chúng ta đừng vì vài cá nhân ấy mà vội vã xét lại. Có điều bây giờ, từ thiện lắm lúc đã khác khác.

1. Gây nhiều tranh cãi nhất cho đến lúc này vẫn là vụ một người chuyên làm từ thiện tố cáo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An vì “ăn chặn tiền của bệnh nhân tâm thần”.

Người từ thiện này có tên trên facebook là L.Đ, cô từng đăng nhiều status tố cáo những tắc trách tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An liên quan đến việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại nơi này. Những tố cáo ấy nhanh chóng tạo nên một cơn địa chấn thông tin. Rất đáng tiếc, cuối cùng không phải tố cáo nào trên facebook cũng đều là sự thật. Gậy ông đập lưng ông, L.Đ bị tố cáo lại đã từng ăn chặn tiền kêu gọi từ thiện như thế nào. Thậm chí, người mà L.Đ. kêu gọi giúp đỡ qua facebook cũng hiện hữu trên báo để thắc mắc về cách chuyển tiền từ thiện của nhà hảo tâm mà L.Đ. kêu gọi được.

Minh họa: Hữu Khoa.

Báo giới chuyển tải sự nghi vấn này đến L.Đ., L.Đ. trả lời tỉnh queo: “Tôi làm việc theo quyền quyết định của mình và sự thống nhất giữa tôi với nhà hảo tâm”. Khi L.Đ. nói câu này, gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.

L.Đ. không phải là trường hợp kêu gọi từ thiện trên facebook bị phản ứng. Trên trang mạng Youtube, có vài clip quay lại cảnh người đóng góp từ thiện tìm đến tận nhà của người kêu gọi từ thiện để chất vất mục đích sử dụng tiền ủng hộ từ thiện. Còn trên trang mạng xã hội facebook, nhiều nhà kêu gọi từ thiện chuyên nghiệp đã bị tố cáo. Điều đáng buồn chính là những tố cáo ấy bao giờ cũng đi kèm những bằng chứng xác thực.

Ầm ĩ không kém vụ nhà kêu gọi từ thiện L.Đ. bị tố cáo, nhà kêu gọi từ thiện X.H. cũng bị truy vấn trục lợi tiền từ thiện, những Mạnh Thường quân lớn của X.H. liên tục cung cấp bằng chứng (đáng tiếc, chỉ trên facebook) về hành vi ăn chặn tiền từ thiện của X.H. Hẳn, có người tố cáo thì có người phản ứng. Đáng tiếc, phản ứng của X.H. vô cùng yếu ớt và thiếu thuyết phục.

Từ thiện có là một nghề không? Buồn bã mà thừa nhận với những gì tôi biết số ít đã xem từ thiện là một nghề nhẹ nhàng và hái ra tiền.

Một trang báo điện tử lớn vừa có loạt bài vạch mặt các nhà chuyên kêu gọi từ thiện facebook, theo đó thì những nhà kêu gọi này chỉnh sửa lại nội dung bài viết về những mảnh đời bất hạnh của báo Dân Trí và kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên, số tiền giúp đỡ của Mạnh Thường quân sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của người kêu gọi từ thiện.

Khi tiền đã nằm yên trong tài khoản của người kêu gọi giúp đỡ, họ sẽ thực hiện theo nguyên tắc mà cô L.Đ. đã trả lời: “Làm việc theo quyền quyết định của mình và sự thống nhất với nhà hảo tâm”. Cũng không biết quyền quyết định ra sao và sự thống nhất là như thế nào?

2. Tôi vẫn tin rằng, thiện tâm như ngọn lửa đủ sức truyền hơi ấm từ cá nhân này sang cá nhân kia, từ đám đông kia sang đám đông nọ. Quan trọng hơn, thiện tâm chính là tiếng nói của lương tri. Và khi mà một cá nhân hành động theo tiếng gọi của lương tri, họ không cần chúng ta phải vỗ tay, phải tán thưởng hay phán xét. Đơn giản thôi, họ làm để nhẹ lòng, họ thực hiện điều đó vì họ cảm thấy cần thiết phải thực hiện chứ không vì những ngoa ngôn.

Thậm chí, tôi đã từng tin rằng cá nhân làm từ thiện là theo sự thúc giục của bản năng hướng thiện. Nghĩa là, làm từ thiện đầu tiên vì sự an yên của chính mình. Bởi lấy từ tôi suy ra, tôi luôn cảm thấy đau đớn khi mình không đủ khả năng góp một phần nhỏ nhằm xoa dịu nỗi bất hạnh của cá nhân nào đó trót không may bị số phận dập vùi đánh gục. Thế nhưng, càng ngày tôi càng tin rằng sự thiện tâm chỉ trở nên trọn vẹn, chu toàn khi đến được đúng nơi cần thiết. Thêm nữa, đừng để ai lợi dụng sự thiện tâm của chính bạn. Bất chấp, trong thế giới xa xăm tâm linh nào đó, đều có những hình phạt khắc nghiệt dành cho sự mạo danh từ thiện để trục lợi.

Từ thiện không cần khen ngợi, người làm từ thiện cũng không có nhu cầu được nghe văng vẳng tiếng vỗ tay, được báo giới ngợi khen hay người khác xưng tụng. Ngoại trừ, họ cần sự biết đến như là cách để có thêm phương tiện nhằm tập hợp thêm sức người sức của nhằm phụng sự cho mục đích thiện nguyện.

Tôi vẫn luôn kính trọng tấm lòng thiện nguyện của cá nhân, lại càng hy vọng hơn những cá nhân ấy vẫn giữ được tấm lòng từ tâm của mình bất chấp những câu chuyện buồn liên quan đến từ thiện càng ngày càng bị bóc mẽ nhiều hơn.

Tôi có người bạn, anh là một người tốt. Có lần, anh cầm lòng không được trước hoàn cảnh khốn khó mà anh đã xác tín. Anh kêu gọi sự giúp đỡ qua facebook, anh chuyển số tài khoản và số điện thoại của người cần được giúp đỡ trên facebook của anh. Cho đến giờ, tôi vẫn ấn tượng cách kêu gọi từ thiện ấy. Nhất là khi người cần giúp đỡ chủ động gọi cho anh: “Con tôi cần nhiêu đây tiền để phẫu thuật, thưa với anh là các Mạnh Thường quân đã ủng hộ đủ rồi”. Khi nghe người cần giúp đỡ nói câu này, anh đã đăng lời cảm ơn và thông báo xin xóa lời kêu gọi trước đó.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.