Học cách khoan dung:

Nghệ sĩ Trấn Thành: Phải "trùng tu" lại mình

Thứ Năm, 20/02/2014, 16:34

- Người ta nói “Đất có chỗ bồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay”, không nên cầu toàn quá về một con người. Thế nhưng với nghệ sĩ, người của công chúng thì mọi người lại phần nào đòi hỏi “thập toàn”, một lỗi lầm nhỏ nào đó đều trở thành tâm điểm phê phán. Có khi nào, Trấn Thành cảm thấy mệt mỏi về “chiếc áo rộng” được khoác cho nghệ sĩ như thế?

- Nghệ sĩ cũng là con người, cũng có những cung bậc cảm xúc, cũng có những sai trái và lỗi lầm. Tất nhiên, vì là người của công chúng nên những gì thuộc về cung cách sống, ứng xử nặng về bề nổi thì bị soi rọi nhiều hơn. Vì thế người nghệ sĩ cũng phải chú ý hơn trong hoạt động cũng như phát ngôn của mình. Nhưng cũng như mọi người, nghệ sĩ cũng đâu thể tránh những phút lầm lỡ đúng không? Trấn Thành nghĩ rằng, khi đó họ cũng rất cần nhận được sự khoan dung từ chính khán giả - những người yêu mến họ, cảm thông và chia sẻ với những gì thuộc về cảm xúc “đời thường” của người nghệ sĩ.

- Nhưng từ lâu rồi, “khoan dung” đã như một sự xa xỉ đối với người nghệ sĩ trong giới showbiz! Trấn Thành có thấy thế không?

- Nói đúng ra là mọi người đang tạo ra một trào lưu nói xấu người khác và coi nói xấu là một khoái cảm. Cá nhân Thành nghĩ rằng nói xấu người khác là điều không tốt, chúng ta không nên để những sự việc như thế xảy ra mà nên nhìn nhận mọi chuyện một cách bao dung hơn.

Tất nhiên, tùy vào thái độ hối lỗi và sửa sai của họ để bao dung thế nào cho phải. Các cụ có câu rồi: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Giới showbiz có nhiều nghệ sĩ mắc sai lầm, họ biết sai và đã sửa, đã tiến bộ, nghĩa là “chạy lại” rồi mà chúng ta vẫn đánh đuổi thì quả là không công bằng.

Thử nghĩ xem, không chỉ trong showbiz mà cuộc sống cứ có những kèn cựa nhau, moi móc quá khứ không tốt đẹp của nhau thì xã hội làm gì có sự phồn thịnh, mà đã không có sự phồn thịnh rồi thì xã hội không bao giờ tiến bộ được.

Tốt nhất đừng bao giờ để cho cái “khoái cảm” ấy trở thành bản chất của số đông người Việt Nam.

- Vậy Thành sẽ nghĩ sao với những trường hợp truyền thông, dư luận cứ kèn cựa, bới móc lỗi lầm trong quá khứ của người nghệ sĩ?

- Với Thành thì đố kỵ, nói xấu nhau là trò trẻ con, nó quả thực chưa thoát ra được cái tính nhỏ mọn của một con người. Như bạn cũng thấy thì trẻ con mới hành xử kiểu bạn đánh tôi một cái, tôi đánh trả bạn một cái rồi la làng lên, làm những việc xấu hổ như thế nhưng không nghĩ đến hậu quả. “Người lớn” rồi thì người ta ý thức được không cần đáp trả hoặc đối phó như thế nào cho phải để không gây tổn thương cho nhau.

Ngay bản thân Thành cũng vậy thôi, không tránh khỏi những lúc giận nhau, không ủng hộ nhau trong công việc nhưng Thành đặc biệt dị ứng với việc lôi nhau ra nói xấu, điều đó không làm cho xã hội và bản thân người đó tốt lên được. Thành rất cảm ơn nếu được góp ý thẳng, góp ý thật chứ không ủng hộ, càng không thích bị moi móc quá khứ hay nói xấu sau lưng.

 - Nhưng để phê bình trên tinh thần xây dựng không phải dễ dàng, nhất lại là khi trong giới nghệ sĩ?

- Âu đó cũng có quy luật đào thải, có sự trân trọng thì cũng có sự bêu riếu và hại nhau, không chỉ trong giới nghệ sĩ mà các ngành nghề khác đều có. Mỗi người khi mắc sai lầm đều như một tờ giấy bị vấy bẩn nhưng khi tờ giấy đó được “tẩy rửa”, thấy được sự thay đổi của họ thì chúng ta hẹp hòi làm gì với nhau chút khoan dung?!

Thành nghĩ, cuộc sống này ai có lòng khoan dung thì đó là những người có ý thức, họ góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Vậy nên, muốn xã hội ngày càng tốt lên thì mỗi người đều phải “trùng tu” lại mình.

- Vậy theo Trấn Thành thì nghệ sĩ nên sống thế nào cho phải và dư luận, công chúng nên thế nào để cùng tốt đẹp hơn?!

- Thành nghĩ rằng điều quyết định là nghệ sĩ đó có đứng được trong lòng công chúng hay không, cuối cùng vẫn căn cứ vào đóng góp của anh ta cho ngành nghệ thuật ấy. Như Michael Jackson nhiều hình ảnh trong đời sống không được đẹp mắt cho lắm nhưng những đóng góp cho con đường hoạt động nghệ thuật lại rất nhiều. Nên khi anh ấy ra đi, đã bao nhiêu người nhớ, bao nhiêu người luyến tiếc.

Điều đó phần nào thể hiện lòng khoan dung của công chúng và thước đo cho nghệ sĩ luôn là sản phẩm, là cống hiến của họ cho xã hội, cho nghệ thuật. Nên Thành nghĩ rằng, khi sự cống hiến đó nhiều hơn lỗi lầm họ gây ra và họ biết được họ đã sai rồi sửa sai thế nào thì rõ ràng họ cần nhận được sự khoan dung

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.