Nhà giáo từ đường làng cho đến Internet

Ngày quê đến lớp

Thứ Tư, 25/11/2015, 09:29
Hai mươi tám năm trước, tôi vào lớp một. Khi ba đưa tôi đến trường tiểu học, thầy Quý - Hiệu trưởng hỏi tôi: “Nhìn vào đồng hồ treo tường và nói cho thầy biết mấy giờ rồi, con sẽ được vào học lớp 1”. “9 giờ 15 thưa thầy”, tôi trả lời. Năm ấy, tôi năm tuổi.

1. Quê chẳng còn nhận diện ra, ngoại trừ ký ức. Những năm tháng mà tôi đã đi qua, tuyệt nhiên không còn tìm lại được nữa. Quẩn quanh mỗi lần về, tôi thường rong ruổi trong cơn run rẩy nuối tiếc những xa xăm.

Mấy lâu ghé quầy tạp hóa trước cổng chùa, tôi gặp lại thầy Đạt. Tôi mừng như xa vắng lâu ngày gặp lại, chào hỏi thầy nhiều câu. Thầy lịch sự đáp lời. Có lẽ, thầy không còn nhớ tôi nữa. Chuyện mấy mươi năm rồi, ai mà không phải lãng quên. Não không đủ chỗ cho tất cả khuôn mặt, cho mọi nỗi niềm quá vãng.

Thầy dạy tôi năm lớp hai, cô Nữ dạy tôi năm lớp một. Không hiểu ai đồn là thầy đánh học trò nhiều lắm, tôi hoảng loạn bật khóc khi biết tin mình sẽ vào học lớp của thầy. Thầy, hai chân đi không đều nhau, tập tễnh.

Đến hè năm học, tôi cứ ân hận mãi vì hiểu sai về thầy. Có lẽ, đó là nỗi ân hận đầu đời, nỗi ân hận khởi thủy cho hàng loạt nỗi ân hận về sau, và ngay cả hiện tại.

Năm sau, tôi học lớp cô Bang. Cô Bang người Bắc, nhà ở tạm trong phần đất của trường. Cô có quầy bán thức ăn vặt trước cổng trường, con gái của cô đảm trách quầy hàng ấy. Thi thoảng mẹ cho tiền đi học, tôi sẽ mua một bịch xi-rô và một lọ kẹo bảy màu, giá tổng thể là 100 đồng thì phải.

Cô Bang chuyển nhà, rời trường. Tôi cũng không hiểu tại sao những năm tháng ấy các thầy cô bỏ nghề nhiều đến vậy. Mọi thứ nhẹ tênh, có lúc sau giấc ngủ dậy đến trường đã nghe bạn này hay bạn kia kể câu chuyện thầy này hoặc cô này đã chuyển nhà lên Sài Gòn, đã dọn nhà đi nơi khác.

Những năm tháng khốn khó!

Có rất nhiều câu chuyện tôi sẽ kể về quãng thời gian mà tôi đã có dưới mái trường tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học. Sẽ có rất nhiều thầy cô mà tôi tin chắc rằng nhớ đến mỗi người ngay lập tức hiện về một kỷ niệm. Nhưng đó là câu chuyện rất riêng, tôi hoàn toàn không muốn phung phí thời gian của bạn đọc.

Minh họa: Hữu Khoa.

Chỉ xin nhắc đến tên cô Đông, người dạy tôi môn văn thuở trung học cơ sở. Tôi không biết cách nào để liên lạc với cô. Cô là người nói với tôi: “Em nên đi làm báo, cô đọc bài tập làm văn của em và nghĩ rằng em phù hợp với nghề này”.

2. Đời sống phát triển nhanh như vũ bão, rồi không biết tự bao giờ sự phát triển ấy kéo theo những cơn thịnh nộ được đám đông tán đồng với đích nhắm là những thầy cô giáo.

Tôi không tài nào hiểu hay lý giải được.

Vạn sự đều đổ trách nhiệm hết cho thầy cô. Một cậu bé bị đánh vào tai, một cô bé bị bạn cấu nhéo ở trường, một vụ học sinh nông nổi tấn công nhau.

Đám đông thật sự mất bình tĩnh trong nhiều tình huống. Mà nhẽ ra, đám đông nhất thiết phải bình tĩnh.

Khi tôi viết: “Tôi rất phản đối chuyện dạy dỗ học sinh bằng bạo lực lẫn trấn áp tinh thần. Nhưng giá như chúng ta hiểu được rằng một cá nhân theo nghề sư phạm thì không thể là đại diện tiêu biểu cho cả hệ thống giáo dục, cho tất cả những người đứng trên bục giảng, thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Đừng mắng tất cả luật sư vì một luật sư chạy án, đừng miệt thị tất cả nhà báo vì một nhà báo tống tiền, đừng kỳ thị tất cả đại gia vì một đại gia làm ăn phi pháp…

Bởi đơn giản, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về hành động khi đã đủ tuổi. Và chỉ nên khoanh vùng mọi sự trong ranh giới này. Quan trọng hơn, chúng ta hoàn toàn không có hy vọng vào việc con cái sẽ được thụ hưởng sự tốt đẹp của giáo dục nếu mê mải xem giáo viên là lực lượng đối nghịch mà chúng ta phải hết sức đề phòng và luôn sẵn sàng lên án”.

Ngoài sự đồng tình, vẫn còn nhiều ý kiến phản ứng rằng khi nào con tôi bị đánh sẽ hiểu cảm giác, khi nào con tôi bị ngắt nhéo sẽ thấu nỗi đau mà gia đình các cháu đã lâm vào.

Không nhẽ tôi phải bảo rằng, con trai tôi bị bạn cắn môi đến chảy máu ở lớp học và tôi xót xa đến mức nào. Tuy nhiên, tôi hiểu đó là chuyện ngoài ý muốn của các cô. Và trong độ tuổi của các cháu, đó là chuyện ngẫu nhiên không thể tránh khỏi.

3. Tôi không dám nói đến chuyện đời sống giáo viên vì tôi chưa tìm hiểu kỹ về điều này, thế nên tôi xin mượn câu chuyện của nhà giáo dục uy tín và tâm huyết mà tôi có dịp hầu chuyện ngỏ mong bạn đọc sẽ mường tượng rõ hơn về những vấp váp của người giáo viên đang nhọc nhằn bước qua.

“Tôi nghĩ,  phải làm sao để giáo viên tránh được kiếp sống mòn, tránh được kiếp đời thừa. Họ phải thấy được triển vọng phát triển về mặt chuyên môn. Không cần ở đâu xa, hãy nhìn sang nền giáo dục của Malaysia. Cứ 4 năm một lần, giáo viên nước này lại được cho nghỉ hưởng lương một năm để họ có thể tự học hoặc đăng ký một khóa học ở học viện hay đại học để nâng cao chuyên môn. Sau đó, họ phải báo cáo với lãnh đạo trường, sở họ đã học được gì trong một năm ấy. Thấy giáo viên nước bạn được đãi ngộ như vậy, tôi phục họ quá và thèm quá. Cái này, có khi còn quan trọng hơn cả tiền vì người giáo viên thấy họ được lớn lên, nâng cấp, trưởng thành về nhận thức, đặc biệt về khoa học giáo dục và về lĩnh vực chuyên môn đang giảng dạy.

Đến chuyện lương bổng, hiện nay thì mức lương của nhà giáo không thể nào đủ sống. Cho nên để tạm sống được, họ buộc phải tháo gỡ. Mà còn có cách xoay sở nào khác ngoài chuyện dạy thêm. Tất nhiên, có những giáo viên dạy thêm xây được nhà cao cửa rộng, cuộc sống dư dật. Nhưng số này rất ít. Còn lại, họ chỉ đủ sống là may. Thế cho nên vấn đề bây giờ là phải nghĩ lại chuyện lương cho giáo viên, cũng như công nhân viên, bác sĩ ngành y.

Mà không chỉ có chuyện lương bổng không đâu, ngay cả chuyện đối xử với người giáo viên hiện tại có trường hợp cũng thiếu tế nhị, thiếu văn hóa. Tôi kể anh nghe chuyện này, nhiều học trò cũ của tôi ở các tỉnh. Những thầy cô ấy đến thăm tôi rồi bảo: “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 10 kg gạo”; “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 1 gói bột ngọt”; “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 100 ngàn, 200 ngàn”… Tôi hỏi anh, nhé. Ngày Tết, tâm trạng anh sẽ như thế nào nếu anh về đưa cho vợ 100 ngàn, một ít gạo hay một gói bột ngọt. Ít ra thì anh cũng phải biếu bố mẹ được hộp thuốc bổ, mua cho con bộ đồ mới hay soạn mâm cơm tươm tất đặt trên bàn thờ”.

Tôi không biết con em của chúng ta sẽ được thụ hưởng nền giáo dục ra sao, khi mà chúng ta cứ đẩy hết khó khăn từ tinh thần lẫn đời sống cho nhà giáo. Tất nhiên, cũng có một số ít những nhà giáo sống được với nghề và có chút dư giả. Nhưng số này, ít thôi mà.

Nhân sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam - Kính chúc Quý thầy, cô cùng gia đình nhiều sức khỏe, vạn sự hanh thông, an yên.

Tôi thật lòng luôn tri ân sự đóng góp cho công cuộc chấn hưng dân trí mà các thầy cô đang đảm nhiệm.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.