Ngân sách Quốc phòng Mỹ 2020: Vì đây là năm bầu cử!

Thứ Tư, 01/01/2020, 11:02
Không thể rõ ràng hơn thế! Tính chất căng thẳng của cuộc đua đến Nhà Trắng vào cuối năm 2020 đã thể hiện ngay từ bây giờ, trong từng đường đi nước bước của các ứng cử viên. Và dĩ nhiên, đương kim tổng thống đang nắm lợi thế lớn nhất khi không ai ngoài ông có điều kiện “thu phục nhân tâm” bằng những quyết sách quan trọng.

738 tỷ USD. Ngay lập tức!

Đúng như đã tuyên bố một tuần trước đó, chỉ đợi Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) năm 2020 được cả lưỡng viện Quốc hội thông qua, tối 20-12, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức ký đạo luật này tại căn cứ hỗn hợp Andrew, ngay trước khi lên đường đi nghỉ lễ Giáng sinh.

NDAA 2020 hầu như không gặp trở ngại nào ở Quốc hội. Cho dù phe các nghị sĩ Dân chủ chiếm ưu thế ở Hạ viện, thì tại đây, ngày 11-12, dự luật đó vẫn “qua ải” với 377 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Còn ở Thượng viện, dưới quyền kiểm soát của các chính trị gia đảng Cộng hòa, chỉ có 8 phiếu chống so với 84 phiếu thuận (ngày 17-12).

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump xem NDAA là “dự luật bao gồm tất cả những ưu tiên của ông”. Chính bởi vậy, sự “xuôi chèo mát mái” này hoàn toàn có thể xem là một thắng lợi to lớn, khi đến chính các đối thủ chính trị cạnh tranh với ông cũng không thể ngáng trở những ưu tiên đó, khiến nó có thể dễ dàng từ “dự luật” trở thành “đạo luật”.

Quân nhân Mỹ - chủ thể đáng quan tâm nhất được đề cập trong Đạo luật Chi tiêu quốc phòng 2020.

Phải nói rằng, đó là một đạo luật chi tiêu ngân sách quốc phòng khá khác biệt so với những NDAA gần đây. Nó nhấn mạnh một cách rõ ràng đến quyền lợi của các binh sĩ Mỹ - tầng lớp mà trên lý thuyết cũng như trong thực tế đang bảo vệ cả tầm ảnh hưởng, vị thế lẫn lợi ích cốt lõi của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Giới quan sát quốc tế không chú ý đến những hợp đồng mua bán - tân trang vũ khí, hiện đại hóa khí tài quân sự hay tăng quy mô các lực lượng chiến đấu nữa. Thay vào đó, đập vào mắt họ là những điều khoản đầy tính “dân sự”: Một gói ngân sách trị giá 738 tỷ USD, với mức tăng 3,1% để chi cho lương bổng và phúc lợi của quân nhân, với chương trình nghỉ phép cùng gia đình được trả lương (PFL) đầu tiên dành cho toàn bộ các nhân viên công lực liên bang. Đây là những điều khoản xứng đáng được in đậm và gạch chân, trong bất cứ bản báo cáo nào.

Phóng tài hóa, thu nhân tâm

Ở một góc nhìn rộng hơn, đời sống của quân nhân Mỹ không bao giờ chỉ là vấn đề của riêng giới quân sự Mỹ. Ai trong số họ cũng có gia đình và những thay đổi tích cực đối với đời sống của họ rõ ràng cũng sẽ tác động tích cực đến một bộ phận không nhỏ của toàn xã hội. Ông chủ Nhà Trắng đang chứng minh, bằng các công cụ pháp lý cần thiết, rằng: Quả thực, dưới sự lãnh đạo của ông, với những ý tưởng của ông, cuộc sống của các công dân Mỹ đang được cải thiện.

Sẽ phải phiêu lưu đến liều lĩnh lắm, người ta mới có thể đủ dũng khí để phủ bác những cải cách “đầu tiên” ấy, trong một năm mà tất cả sẽ bị cuốn vào đường đua quyền lực như năm 2020 tới.

Thêm vào đó, khi sớm “lập ngôn” trên Twitter theo cách quen thuộc, rằng: "Mọi ưu tiên của chúng ta đã đi tới NDAA cuối cùng: Gia tăng chi phí cho các binh sĩ của chúng ta; Xây dựng lại quân đội của chúng ta; Chi trả cho chế độ thai sản, an ninh biên giới, và Lực lượng không gian! Quốc hội đừng trì hoãn đạo luật này thêm nữa! Tôi sẽ ký dự luật quốc phòng lịch sử này ngay lập tức!”, tổng thống đương nhiệm không những tạo thêm áp lực lên các nghị sĩ đối lập trong lưỡng viện Quốc hội mà còn khuếch đại sự “lung linh” của NDAA, “con đẻ” của ông trong tâm trí mỗi công dân Mỹ đọc dòng tweet ấy.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi theo một kết quả khảo sát xã hội chính thức vào trung tuần tháng 12, ngay giữa khi bị “cánh Dân chủ” thúc đẩy tiến trình luận tội, tỷ lệ người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với vị “tổng thống tay ngang” vẫn đạt tỷ lệ 43% - mức cao nhất kể từ khi ông đắc cử năm 2016. Người dân, nhất là ở các tầng lớp dưới, đặt nhiều mối quan tâm nhất đến những vấn đề lợi ích sát sườn của họ hơn là những lý tưởng cao xa. Và hiển nhiên, họ đang có quá nhiều lý do để cảm thấy hài lòng.

Kết quả bỏ phiếu thông qua NDAA tại Thượng viện Mỹ cũng còn bộc lộ một khía cạnh sâu xa: Với quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng Cộng hòa như vậy, kể cả khi bị phe Dân chủ đưa lên “tòa án Thượng viện”, ngài Donald Trump cũng chẳng có lý do gì phải lo lắng về nguy cơ bị “đảo chính đảng phái theo những cách bất chấp nguyên tắc pháp lý” như điều mà ông sớm đăng đàn tuyên bố để tác động đến tâm lý đám đông.

Đương kim Tổng thống Mỹ vẫn tỏ ra quá mạnh so với các đối thủ cạnh tranh.

Những manh mối chiến lược

Nhưng dĩ nhiên, phúc lợi cho quân nhân không phải là tất cả các điều khoản quan trọng của NDAA 2020. Khuất sau nó, cũng còn những chỉ dẫn khác, về cách 738 tỷ USD ấy sẽ được đầu tư vào những đâu nhằm bảo đảm “uy phong” của cường quốc số 1 thế giới.

Các lực lượng vũ trang tác chiến trong không gian vũ trụ sẽ được ưu tiên hàng đầu. Với NDAA 2020, họ đã trở thành “quân - binh chủng” chính thức thứ sáu, bên cạnh Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng Bảo vệ bờ biển. Một sự “ra mắt” 70 năm mới lại xuất hiện, chi tiết đủ cho thấy rằng lực lượng quân sự này sẽ nhận được nhiều sự quan tâm như thế nào.

Sơ bộ, Lực lượng không gian - vũ trụ sẽ có khoảng 16.000 quân nhân và nhân viên dân sự, với nhiệm vụ trước mắt là vạch các kế hoạch dài hạn. Còn khá sơ sài nhưng dù sao, sự kiện này cũng gợi lại liên tưởng về kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” thời cuối Chiến tranh Lạnh, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Nói như chính ngài Donald Trump: “Trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, sự vững mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ”.

NDAA 2020 cũng xác nhận rõ ràng rằng số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sẽ không thể bị hạ xuống dưới mức 28.500 người, trừ phi người đứng đầu Lầu Năm Góc chứng minh được điều này phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia. Thực chất, đây là một cánh cửa có thể mở về cả hai phía. Nó có thể vẫn còn tạo nên những tranh cãi và cũng có thể dễ dàng kiến tạo những điểm thỏa hiệp.

Bộ Tư lệnh Không gian - sự ra đời mang tính dấu mốc.

Một trong những điểm thỏa hiệp khác đã hé lộ ngay từ bây giờ, là chuyện các điều khoản của NDAA 2020 hạn chế chính đương kim Tổng thống Donald Trump, trong việc lấy chuyện rút quân làm điều kiện “mặc cả” cho các cuộc đàm  phán với Hàn Quốc. NDAA quy định rằng việc giảm số binh sĩ không được phép làm suy yếu an ninh quốc phòng của các đồng minh trong khu vực và phải thực hiện sau khi đã tham vấn Hàn Quốc cùng Nhật Bản.

Cuối cùng, như những phần không thể thiếu, NDAA 2020 cũng đề cập tới những biện pháp trừng phạt nhằm vào các vấn đề bị xem là có thể gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ, như các đường ống dầu - khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” hay “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” liên quan đến nước Nga (bất chấp phản ứng của các quốc gia châu Âu) hoặc các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính tạo điều kiện cho các giao dịch của CHDCND Triều Tiên.

Như vậy, cả phe “diều hâu” lẫn phái “bồ câu” trong chính trường Mỹ đều có thể tìm thấy điểm gì đó để hài lòng trong Đạo luật Chi tiêu quốc phòng năm 2020 này. Trên hết, binh sĩ Mỹ cũng như gia đình của họ không có lý do gì để từ chối việc được quan tâm chăm sóc tốt hơn.

Những lá phiếu của họ vào cuối năm tới, có lẽ nào lại không bị tác động từ những cảm xúc vừa xuất hiện lúc này?

Thiên Phong
.
.