Ngại sinh con thời COVID-19
Trong một bài viết nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội, Đức Mạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), 25 tuổi, đạo diễn một hãng phim tư nhân, tuyên bố: “Không sinh con”. Vợ anh, vốn là một thạc sĩ chuyên ngành giáo dục, đã nghiên cứu nhiều tài liệu nước ngoài về trẻ em cộng với quan sát thực tế trong nước, cũng ủng hộ quyết định trên. Mạnh cho rằng, sau nhiều năm sống trong bao bọc của cha mẹ, giờ là lúc hai vợ chồng sống cho cái tôi của chính mình, làm những gì mình muốn, chơi những thứ mình thích.
Theo Mạnh, sinh con là hy sinh hoàn toàn cuộc sống cá nhân của mình, 24/7, trong ít nhất là 18 đến 25 năm cuộc đời. Đây là một công việc toàn thời gian. Mọi sở thích cá nhân sẽ trở thành phụ, hoặc sẽ phải gạt bỏ hết để chỉ tập trung dành hết sức lực, tâm huyết, tình yêu cho con. “Phải vứt bỏ mọi sở thích cá nhân để hy sinh cho một người khác (đứa con), thì thật sự tôi không chấp nhận được. Quá bất công và vô lý. Tôi không đủ dũng cảm và không muốn làm như vậy”, Mạnh nói.
Đạo diễn trẻ phẫn nộ với những quan niệm “sinh con cho vui cửa vui nhà” “sinh cháu để ông bà vui tuổi già” “cứ đẻ ra rồi sẽ biết nuôi” của nhiều người Việt. Theo anh, hậu quả của việc đẻ con một cách vô trách nhiệm, khi chưa đủ khả năng tài chính, kiến thức, tâm lý, nguồn lực hỗ trợ, sẽ khủng khiếp. “Có vợ chồng xích mích chuyện người thì vất vả nuôi con, người thì thờ ơ, mặc kệ; người nghiêm khắc, người lại chiều chuộng vô lối; người đem con quẳng cho bố mẹ nuôi dạy cứ như đó mới là con của ông bà. Những gia đình khác cãi vã, lìa mặt nhau vì mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn nuôi trẻ. Chưa kể những cặp đôi ly hôn dằn vặt căm ghét nhau cả đời, suốt ngày lấy đứa con ra làm món nợ để bắt vạ nhau”. Bên cạnh đó, Mạnh bức xúc với hiện tượng trẻ em vô kỷ luật ở những nơi công cộng, như tè bậy, nói to, hò hét, đập phá đồ đạc - biểu hiện của việc không được bố mẹ nghiêm khắc dạy dỗ. Hoặc bố mẹ ném con cho giúp việc và thiết bị điện tử cả ngày vì mải kiếm tiền, không có thời gian chơi và dạy con.
Các chuyên gia bày tỏ quan ngại về việc trì hoãn sinh con trên toàn cầu sẽ để lại hệ quả lâu dài. Ảnh: L.G |
Nhiều người trẻ ủng hộ quan điểm “không sinh con” của Mạnh cũng cho rằng câu thần chú “trời sinh voi, sinh cỏ”, vốn ăn sâu vào văn hóa Việt, đã lạc hậu. Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh quá đắt đỏ, vượt quá thu nhập 25-30 triệu/1 tháng của các cặp vợ chồng trẻ. Ví dụ, nếu sinh con ở bệnh viện tư nhân, gói toàn diện có giá từ 15 đến 50 triệu. Sau đó, tiền sữa bỉm, thực phẩm, quần áo khoảng 5 triệu/1 tháng, cộng thêm lương giúp việc 7 triệu. Khi bé đi học, chi phí trường tư thục khoảng 5 đến 15 triệu, chưa kể tiền sinh hoạt phí tại nhà. “Nhiều cha mẹ ở thành phố có tư tưởng “chiến thắng từ vạch xuất phát”, nên họ dồn mọi nguồn lực từ thời gian, tiền bạc, sức khỏe để đầu tư cho con, với mong muốn đứa trẻ thành người xuất sắc ngay từ nhỏ. Có những gia đình dồn đến 80% thu nhập để cho con đi học ở trường danh tiếng, thuê gia sư, dành cả cuối tuần theo đuổi các lớp phụ đạo. Ai cũng muốn con mình đi du học, thành ông nọ bà kia, có tiền bạc và địa vị trong xã hội. Gánh nặng nuôi con đang đè lên nhiều cha mẹ Việt”, Lê Chi, một chuyên gia xã hội học, phân tích.
Chi phí nuôi con được coi là một trong những áp lực lớn nhất lên tâm lý “ngại đẻ” không chỉ ở các đô thị lớn ở Việt Nam, mà còn là xu hướng toàn cầu. Theo khảo sát năm 2019 của Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (nước có tỷ lệ sinh thấp nhất châu Á), bất ổn kinh tế và việc nuôi dạy trẻ là trở ngại lớn nhất khiến nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 19 đến 49 lựa chọn không có con. Yang Seung-hae, giáo viên 51 tuổi, phải làm ngoài giờ tại môi trường trung học để chi tiền học thêm ở trung tâm luyện thi của hai con. Tại Hàn Quốc, học sinh theo học khoảng 5 lò luyện thi, bao gồm các môn cơ bản như toán, văn đến piano và bơi lội. Theo tính toán của tờ JoongAng Ilbo, năm 2019, chi phí trung bình cho 6 năm giáo dục tư thục là 92,5 triệu won (83.700 USD).
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa cho thấy quốc gia đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Mức tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần đều. Trong một thập kỷ gần đây, dân số tăng trung bình 1% mỗi năm. Ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhiều cặp vợ chồng từ tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp với hai bàn tay trắng, không có hỗ trợ của bố mẹ, người thân. “Nhiều người bạn của tôi không dám đẻ vì nhà cửa đi thuê chật chội, bố mẹ ở xa, thiếu tiền thuê giúp việc. Hầu hết đang trong quá trình gây dựng sự nghiệp, nên họ không có cả thời gian cho bản thân, nói gì việc chăm sóc và dạy bảo con”, chị Nga, một nhà báo chia sẻ. Ngoài ra, nhận thức của nhiều phụ nữ Việt thay đổi, khi họ ưu tiên thời gian để chăm sóc và thỏa mãn các nhu cầu bản thân, hơn là tư tưởng hy sinh cho chồng con như trước kia. “Nhiều phụ nữ quyết định sinh ít con hoặc không sinh con, vì họ quan niệm “ chất lượng hơn số lượng”, chị Nga nói thêm.
Một trong những xu hướng báo động của năm 2020 là tỷ lệ sinh giảm trên toàn cầu từ Trung Quốc, Nhật, Hàn cho đến châu Âu, Bắc Mỹ. Dữ liệu mới nhất công bố trên tờ Nhật báo phố Wall cho thấy tình trạng suy thoái của nhiều nền kinh tế tiên tiến, những biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh, và nỗi sợ hãi khiến người dân “ngại đẻ”. Nhiều cặp vợ chồng không muốn hoặc trì hoãn sinh con do thất nghiệp và áp lực tài chính. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo đây không phải một vấn đề ngắn hạn, đặc biệt nếu đại dịch và hậu quả kinh tế của nó kéo dài.
Tại Trung Quốc, số trẻ em sinh ra trong 2020 giảm tới 15% so với năm trước đó. Các cặp vợ chồng ở đất nước đông dân nhất thế giới hiện có thể sinh hai con, song nhiều người quyết định hoãn kế hoạch vào năm 2020. Phụ nữ ở các thành phố không muốn đi khám thai vì sợ nhiễm nCoV. Liu Xiaoqing, 32 tuổi, ở Bắc Kinh, cho biết đại dịch đã tiêu diệt ý muốn sinh con thứ hai. “Tôi thậm chí chẳng thể bảo vệ một đứa trẻ khỏi thảm họa lớn đến thế này, đừng nói đến hai đứa”, Liu cay đắng giãi bày.
Nhật Bản có 848.000 ca sinh trong năm 2020, ít hơn so với năm 2019 và thấp nhất kể từ lần thu thập dữ liệu gần nhất trong vòng 120 năm qua. Ảnh: L.G |
Nhật Bản có 848.000 ca sinh trong năm 2020, ít hơn so với năm 2019 và thấp nhất kể từ lần thu thập dữ liệu gần nhất trong vòng 120 năm qua. Yoko Tsukamoto, giáo sư khoa nhiễm trùng tại Đại học Khoa học Sức khỏe Hokkaido, nhận định: “Có hàng loạt lý do khiến tình hình năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với trước đây. Người Nhật ngại đẻ xuất phát từ nỗi sợ hãi và vấn đề tài chính. Người dân xem tin tức về đại dịch. Họ biết người mắc COVID-19 đang được điều trị trong bệnh viện. Phụ nữ sợ mang thai vì sẽ phải thường xuyên đến phòng khám sản phụ khoa và có nguy cơ nhiễm virus”. Một vấn đề khác là kinh tế. Dù nỗi lo cơm áo gạo tiền vốn là câu chuyện muôn thuở của các cặp vợ chồng trẻ, trong năm 2020, chúng trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều người thất nghiệp, giảm thu nhập.
Các chuyên gia bày tỏ quan ngại về việc trì hoãn sinh con trên toàn cầu sẽ để lại hệ quả lâu dài, là “quả bom nổ chậm” của đại dịch. Người trẻ vốn là nhân tố thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và là nguồn lực cần thiết để hỗ trợ hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe trong các xã hội già hóa. Tình trạng khan hiếm lao động trẻ sẽ khiến nỗ lực duy trì năng suất trở nên khó khăn. Cơ cấu nhân khẩu học cũng sẽ mất cân bằng, theo đó, một đứa trẻ có thể phải đối diện vấn đề cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại ( do tuổi thọ của người già ngày càng tăng).
Các quốc gia trong đó có Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để dập tắt vấn nạn ngại đẻ như hỗ trợ tiền sinh con, tăng số ngày nghỉ phép, thay đổi chính sách lương cho gia đình có con nhỏ… Nhưng một số nước như Hàn Quốc, nhận thấy các giải pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh thất bại, nên họ thay đổi chiến lược kinh tế - xã hội theo xu hướng dân số già. Với người trẻ như Đức Mạnh, anh muốn nhắn nhủ thông điệp: “Hãy sinh con khi bạn đã sẵn sàng”. Đó là sự chủ động về tâm lý, kinh tế, kiến thức, sức khỏe, để làm sao chăm sóc và nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, không chỉ tác động tích cực đến gia đình mà còn trở thành những công dân có ích cho xã hội. “Chứ không phải là gánh nặng sinh ra từ những quyết định vô trách nhiệm”, Mạnh nói.