Nếu máy tính giành giải Pulitzer?

Thứ Năm, 14/05/2020, 16:03
Giải Pulitzer đối với báo chí cũng danh giá như giải thưởng Oscar của điện ảnh hay Grammy của âm nhạc. Với lịch sử lâu đời cả trăm năm nay tại Mỹ, Pulitzer từng vinh danh rất nhiều nhà báo danh tiếng.

Nhưng giờ đây, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Kris Hammond - người đồng sáng lập Tập đoàn Narrative Science - dự báo rằng, “một ngày nào đó, giải thưởng Pulitzer sẽ thuộc về… một chiếc máy tính”.

1. “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence - AI) nói một cách nôm na là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người, có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,... như trí tuệ con người. Thuật ngữ này được sử dụng bắt đầu từ năm 1956 nhưng thực ra cha đẻ của nó - nhà toán học người Anh đã bắt đầu tư duy về AI từ năm 1950 dựa trên một tự vấn rằng, liệu máy móc có thể suy nghĩ được như con người.

Với một phép thử nổi tiếng mà sau này người ta lấy chính tên ông để đặt cho nó - “phép thử Turing” (Turing tets) - ông nhằm kiểm tra khả năng suy nghĩ của máy móc. Trong phép thử này, có 2 người và 1 máy tính cùng tham gia: một người đóng vai trò người thẩm vấn sẽ được ngồi trong phòng kín, tách biệt với hai đối tượng còn lại (bao gồm 1 người và 1 máy tính). Người thẩm vấn sẽ đặt các câu hỏi và nhận đươc các câu trả lời từ người kia và máy tính. Nếu người thẩm vấn không thể nhận biết được đâu là câu trả lời của người và đâu là câu trả lời của máy tính thì có nghĩa là máy tính đã đạt được mức độ có trí tuệ giống như con người.

Các nhà báo tác nghiệp trong nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Phong Sơn.

Turing đã từng diễn tả kỳ vọng này bằng một viễn cảnh, có một ngày, các cô gái sẽ ôm máy tính đi dạo trong công viên và khoe rằng “sáng nay, chiếc máy tính của tôi đã nói một điều rất khôi hài”. 6 năm sau, cho đến mùa hè năm 1956, tại hội nghị do Marvin Minsky và John McCarthy tổ chức với sự tham dự của vài chục nhà khoa học tại trường Dartmouth, Mỹ, thuật ngữ “artificial intelligence” (AI) được chính thức công nhận và được dùng cho đến ngày nay. Con người trong kỷ nguyên số này sẽ không còn xa lạ với AI cũng như sự xâm lấn của nó trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thậm chí, tại Nhật Bản, kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nomura hợp tác với Đại học Oxford, còn cho biết, trong vòng 1-2 thập niên tới đây, có đến 40% công việc ở nước này sẽ được robot thực hiện. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh thế kỷ COVID-19 đang diễn ra cũng thể hiện sự tham gia mạnh mẽ của AI khi mà ngay tại Việt Nam, những chú robot khử khuẩn đã tích cực làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, robot nhắc nhở mọi người mang khẩu trang đúng cách hoặc robot Vibot hỗ trợ vận chuyển thức ăn, thuốc men... có tải trọng lên đến 100kg tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội), robot tự hành tên NaRoVid bắt đầu được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Sự có mặt của AI từ bấy lâu nay đã trở nên quen thuộc với đời sống đến nỗi đôi khi con người dường như không nhận ra nó. Như thể, đương nhiên khi kết thúc bất kỳ một tập phim nào đó trên Netflix, màn hình sẽ hiện ra đề xuất các tập phim tiếp theo hoặc mỗi khi cần tìm đường chúng ta sẽ tự động bật Google Map như một thói quen, đương nhiên hưởng thụ kết quả của những thuật toán phức tạp đã được AI xử lý nhằm tìm ra con đường tối ưu nhất đến địa điểm đã chọn.

2. Là một lĩnh vực của đời sống, báo chí truyền thông cũng xem AI như một ứng dụng tất yếu. Giờ đây, giới báo chí truyền thông sẽ chẳng còn băn khoăn rằng, có sử dụng AI hay không mà thay vào đó là mục tiêu, khi nào AI sẽ trở thành một phần tất yếu của hoạt động tòa soạn. Thậm chí, báo chí chấp nhận sự hiện diện của AI như một thách thức theo kiểu liệu bao giờ thì các tổng biên tập sẽ sử dụng robot thay cho phóng viên.

Cho đến nay có ít nhất 3 ứng dụng của AI trong hoạt động báo chí truyền thông được sử dụng một cách khá hiệu quả bao gồm: Virtual (Thực tế ảo), Augmented Reality (Thực tế tăng cường) và Chatbot (Trả lời tự động)

Dự án Ký sự Syria của tác giả Nonny De La Pena được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 đã sử dụng Virtual nhằm tái tạo sự kiện Syria, đưa người xem tới 2 bối cảnh là hiện trường một vụ đánh bom và một trại tỵ nạn tại đây. Góc phố nêm kín người tại thành phố Aleppo khi diễn ra vụ đánh bom với ngập tràn khói lửa và lia lịa mảnh vỡ của những đổ nát do bom đạn đã được tái tạo lại một cách đầy sống động trong phóng sự đem lại cho công chúng cảm giác như đang sống thực trong không gian ảo đó. Thực tế ảo của AI đương nhiên sẽ đem lại hiệu quả truyền thông vượt trội đối với công chúng.

Trò chơi gây sốt toàn thế giới Pokemon Go cũng chính là một ứng dụng Augmented Reality. Pokemon Go đã sử dụng môi trường sống “thực tế” và “tăng cường” thêm Pokemon, cho công chúng một cảm giác rất thật như thể chúng đang đi lại loăng quăng trên đường phố.

Còn với ứng dụng chatbot, tính năng trả lời tự động của nó sẽ là một ý tưởng hay để sử dụng cho các cuộc phỏng vấn trong báo chí truyền thông.

Sự thông minh của AI với những ứng dụng của nó đã được nhiều hãng tin nổi tiếng thế giới tận dụng. Hãng tin AP (Mỹ) đã sử dụng AI để tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại khi viết tin bài theo một cấu trúc chung như khi sản xuất thông tin tài chính hoặc tổng hợp kết quả các trận thi đấu thể thao.

Trước khi bắt tay với công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo là Automated Insights, đội ngũ 65 phóng viên kinh tế của AP chỉ có thể viết khoảng 6% báo cáo hoạt động cho 5.300 công ty Mỹ niêm yết trên sàn chứng khoán. 2 năm sau, hệ thống AI của AP có khả năng tạo ra 3.700 bài viết hoạt động quý, tức là gấp đến 10 lần.

Năm 2016, AP bắt đầu sử dụng phần mềm này để đưa tin về hơn 10.000 trận đấu bóng chày trong khuôn khổ Minor League trên toàn quốc. Bằng cách sử dụng dữ liệu từ các bảng kết quả, các bài viết sẽ chạy thẳng lên hệ thống chỉ vài phút sau khi trận đấu kết thúc.

Các nhà báo tác nghiệp trong nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Phong Sơn.

Rõ ràng, các con số ấn tượng này cho thấy AI đã giúp các phóng viên bứt ra khỏi những công việc thuần túy và lặp đi lặp lại nhưng lại tốn khá nhiều công sức kiểu tập hợp số liệu

Washington Postthì sử dụng AI để cá nhân hóa việc kể chuyện với phần mềm Heliograf. Sau khi nhận dạng các dữ liệu liên quan, gắn kết với các câu tương ứng trong một mẫu có sẵn, Heliograf sẽ xuất bản thành nhiều phiên bản của cùng một câu chuyện trên những nền tảng khác nhau. Trong suốt thời gian diễn ra Olympic Rio 2016, Heliograf đã giúp Washington Post sản xuất hàng trăm tin bài. Đồng thời, tờ báo này cũng sử dụng Heliograf để báo tin mới về Olympic Rio 2016 cho công chúng của họ.

Cũng vẫn với Heliograf, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tòa soạn Washington Post đã cập nhật thông tin một cách thần tốc với tốc độ khoảng nửa triệu tin bài sau mỗi 90 giây. Ông Jeremy Gilbert, Giám đốc phụ trách các sáng kiến chiến lược của Washington Post thừa nhận, kể cả một tòa soạn với đầy những tài năng như Washington Post thì cũng không thể đạt được tần suất này.

Không chỉ sản xuất tin, các ứng dụng AI còn sử dụng để sản xuất các video clip. Tờ USA Today đã sử dụng phần mềm Wibbitz để rút gọn các bản tin thành một đoạn nội dung cô đọng rồi gắn kết với các hình ảnh hoặc các đoạn video, thậm chí có thể tự động bổ sung phần đọc lời bình với giọng phát thanh viên được lập trình sẵn.

Dường như tiến thêm một bước xa hơn trong ứng dụng AI, các phần mềm được lập trình còn có thể giúp các tòa báo nhận diện được các thông tin đáng chú ý trên các nền tảng xã hội, từ đó lựa chọn ra những thông tin xứng đáng để phát triển thành tin tức báo chí. News Tracer, một thuật toán do Hãng tin Reuters sở hữu, có khả năng xử lý 700 ký hiệu để xác định xem các vấn đề đang “nóng” trên Twitter có đáng làm tin hay không và có đáng tin cậy hay không...

3. AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, lựa chọn, quản lý tin tức - đó là một sự thật, không ai còn bàn cãi khi AI là một phần tất yếu của tòa soạn hiện đại. Nhưng liệu rằng, một ngày nào đấy AI có thể thay thế hoàn toàn con người và những cỗ máy sẽ nổi dậy thay thế toàn bộ đội ngũ phóng viên, biên tập viên?

Câu trả lời là “Không”. Ngay cả những người cổ vũ cho AI trong báo chí truyền thông cũng lập luận rằng, các thuật toán sẽ giúp cho các nhà báo bứt khỏi những công việc lặt vặt, có tính lặp đi lặp lại nhưng mất khá nhiều thời gian như thống kê, phân tích dữ liệu, nhân bản các báo cáo... AI hoàn toàn có thể xử lý một dữ liệu khổng lồ chỉ trong vài phút với những tiêu chuẩn do con người đã lập trình sẵn nhưng những phẩm chất, năng lực của nhà báo trong lựa chọn cách tiếp cận và phản ánh hiện thực lại là thứ mà các robot, phần mềm không thể thay thế được. Cuộc sống như một dòng chảy liên tục và vì thế, việc phản ánh nó trên góc nhìn của mỗi chủ thể sáng tạo báo chí sẽ không thể theo cách được lập trình trước một cách cố định của những cỗ máy.

Những câu chuyện đầy xúc động sẽ chỉ được kể bởi các nhà báo bằng góc nhìn nhân văn với những phận người. Robot và các phần mềm sẽ cho ra các sản phẩm mang tính thống kê đơn thuần rất tốt nhưng không thể cung cấp các sản phẩm báo chí có tính chất phân tích, dự đoán hoặc những câu chuyện được viết bằng sự thấu cảm. Mà, báo chí không phải chỉ có số liệu và thống kê. Báo chí là cuộc sống với những phận người.

AI sẽ trở thành “thứ đẹp đẽ nhất đối với các nhà báo trong một thời gian dài”, nói như nhà báo Kevin Roose của Tạp chí New York hoặc là “yếu tố then chốt cho tương lai của báo chí”, nói như ông John Micklethwait - Tổng Biên tập Bloomberg. Nhưng, AI với báo chí sẽ chỉ là bạn khi nó hỗ trợ các nhà báo chứ chẳng thể là thù bởi nó không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn được đội ngũ phóng viên.

Chỉ có điều, khả năng xử lý dữ liệu tự động như vũ bão của nó sẽ là động lực giúp báo chí bỏ lại cho máy móc những khâu công việc giản đơn để đeo đuổi cuộc tìm kiếm, tạo lập những giá trị mới mẻ hơn cho cuộc sống.

Đặng Huyền
.
.