Nếu có thể làm lại từ đầu

Chủ Nhật, 27/12/2020, 10:43
“Đã có quá nhiều vi phạm đối với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nên nếu muốn hồi sinh thỏa thuận này, cần phải có một thỏa thuận, những điều khoản hay hệ thống tài liệu phụ trợ nhằm quy định rõ những gì các bên sẽ thực hiện”...

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố như vậy vào ngày 17-12, trong lúc giới quan sát toàn cầu đang chờ đợi những chuyển biến tích cực tại điểm nóng này, với niềm tin là nước Mỹ chắc chắn sẽ có những thay đổi trong chính sách đối ngoại ở một nhiệm kỳ tổng thống mới đang chuẩn bị bắt đầu.

Cơn giận dữ của Tehran

Và lập tức, Đại sứ của Iran tại IAEA - ông Kazem Gharibabadi - đáp lại với tất cả sự kiên định. Ông bác bỏ những gợi ý của IAEA, đồng thời nhấn mạnh: “Việc đưa ra bất kỳ đánh giá nào về cách thực hiện các cam kết trong thỏa thuận là hoàn toàn vượt quá thẩm quyền của IAEA và IAEA không nên làm như vậy”.

Trước đó một ngày, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran - Giáo chủ Ali Khamenei - tuyên bố: Một cuộc tấn công trả đũa dành cho Mỹ, nhằm đáp trả việc Mỹ tổ chức vụ sát hại tướng Qassem Soleimani của Iran ngày 3-1-2020 bằng máy bay không người lái, là điều chắc chắn sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp.

Một cuộc tấn công trả đũa như thế, “nhằm vào căn cứ không quân Aim al-Asad tại Iraq là một cái tát vào mặt người Mỹ và một cái tát mạnh hơn sẽ xảy ra trong tương lai, thông qua nỗ lực của đội ngũ thanh niên cách mạng và giới tinh hoa trung thành, cũng như việc đẩy Mỹ ra khỏi khu vực nhờ nỗ lực chung của các nước nằm trong mặt trận kháng chiến” - Giáo chủ Khamenei nhấn mạnh, trong cuộc họp với các nhà tổ chức chương trình tưởng niệm dành cho những người tử vì đạo hàng đầu của Iran.

Ngày 13-12, Giáo chủ Ali Khamenei đã truy tặng huân chương cao quý của quân đội cho nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh - người đã bị ám sát hồi tháng trước.

Khi còn là Phó Tổng thống, ông Joe Biden đã cùng cựu Tổng thống Barack Obama gắng sức kiến tạo JCPOA.

Bầu không khí sặc mùi thuốc súng giữa Tehran với Washington vẫn không hề hạ nhiệt. Cho dù mới đây, Iran còn đẩy toang một cánh cửa, khi đảm bảo rằng họ sẽ tái tuân thủ các điều khoản của JCPOA “chỉ trong vòng 1 giờ sau khi nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận này”.

Những tác động ngoại vi

Thực tế, sẽ là đơn giản hóa vấn đề nếu chỉ chú trọng vào mối quan hệ song phương Mỹ - Iran. JCPOA được coi là một thỏa thuận hạt nhân lịch sử đối với thế giới vào thời điểm nó được ký kết, bởi đó là một hệ thống cam kết giữa Iran với cả nhóm P5+1, bao gồm những cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc - tức là 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - và Đức. Tất cả đều hướng tới những lợi ích cốt lõi riêng biệt, thông qua thỏa thuận mang lại lợi ích chung đó và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi họ đã từng mâu thuẫn hay chia rẽ bởi những vấn đề xoay quanh JCPOA.

Thí dụ, suốt 4 năm qua, kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump - liên tục chê bai JCPOA là một thỏa thuận tồi, liên tục gia tăng sức ép thông qua cấm vận và trừng phạt đối với Iran, thậm chí đã từng lên những kịch bản sẵn sàng cho chiến tranh, thậm chí không ngần ngại sử dụng những biện pháp vũ lực và thậm chí chính thức đưa nước Mỹ rút khỏi JCPOA... thì những “bạn hữu” của nước Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương lại nghĩ khác. Pháp và Đức - các cột trụ của Liên hiệp châu Âu (EU) - luôn cố gắng duy trì các cam kết, bảo vệ JCPOA không “chết yểu”, kể cả điều đó có làm nước Mỹ phật ý và kể cả khi phải đăng đàn chỉ trích chính sách của Nhà Trắng là “làm phương hại đến an ninh và ổn định toàn cầu”.

Pháp hay Đức nói riêng và EU nói chung đã và đang có những dự án hợp tác kinh tế với Iran - một trong những mắt xích then chốt của chuỗi cung ứng dầu mỏ toàn cầu, chưa kể đến các tham vọng tăng cường và củng cố sức mạnh địa chính trị của mình. Bởi vậy, kể cả những lúc buộc phải tỏ ra cứng rắn khi đánh giá Iran “hành xử thiếu cân nhắc và vi phạm các điều khoản”, thì hai đại diện EU vẫn chưa từng muốn khai tử JCPOA.

Trong khi đó, nước Anh, khi đã đi đến chặng cuối của việc hoàn tất lộ trình Brexit, rõ ràng không thể không sát cánh với đồng minh lớn nhất, cũng là đối tác thương mại lớn nhất của họ - nước Mỹ. Và đương nhiên, bên cạnh đó, Nga hay Trung Quốc hoàn toàn không có lý do gì để ủng hộ việc Washington “riết róng” đến thế với Tehran.

Với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, hồi sinh JCPOA không thể chỉ đơn giản là nói rằng “Chúng ta bắt đầu tất cả lại từ đầu”.

Bởi vậy, ngày 16-12, sau khi Iran công bố quyết định tiếp tục đình chỉ thực hiện các cam kết trong khuôn khổ JCPOA, không cần Mỹ, đã có một cuộc thảo luận trực tuyến được nhóm họp cấp tốc, bao gồm: Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Iran, mà trọng tâm là “thảo luận về cách thức bảo vệ JCPOA cũng như bảo đảm việc thực thi thỏa thuận công bằng và đầy đủ” - như phía Nga hé lộ, dù các diễn biến chi tiết không được công khai.

Thế “cài răng lược”

Có thể hiểu vì sao Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi lại đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi như vậy, rằng “Không thể nói đơn giản là chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu” vào thời điểm nhạy cảm này.

Nói cho cùng, IAEA đang mắc kẹt giữa rất nhiều xung đột, mà nếu thể hiện quá rõ một sự sốt sắng nào đó, họ sẽ rất dễ bị đánh giá là hời hợt hay thiên lệch, thậm chí có thể phải nhận những sự công kích với nhiều dụng ý - mà điều đó chỉ càng khiến các cuộc thương thuyết thêm căng thẳng để khó tìm thấy được một điểm thỏa hiệp cần thiết.

Không khó để bất cứ nhà phân tích quốc tế nào cũng nhận ra rằng Tehran đang đi một nước chiếu bí cân não dành cho người được xem là Tổng thống Mỹ đắc cử - Joe Biden. Ông chính là Phó Tổng thống Mỹ tham gia ký kết JCPOA hồi năm 2015. Ông nhìn nhận lợi ích chiến lược của nước Mỹ rất khác so với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và do đó, ông hứa hẹn rằng sẽ đưa nước Mỹ trở lại JCPOA, nếu phía Iran tiếp tục tuân thủ các cam kết.

Có điều, chính chủ nhân mới của Nhà Trắng cũng sẽ phải đối diện với những làn sóng chỉ trích và cả những lực cản đáng kể, từ những người ủng hộ chính sách của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm, nếu quyết liệt bẻ ngoặt một lộ trình như vậy. Hơn tất cả, việc “dễ dãi” chấp nhận nới lỏng sức ép với Tehran rõ ràng là điều không phù hợp với vị thế mà nước Mỹ đang nắm giữ cũng như muốn duy trì trên thế giới.

Sự thù địch với nước Mỹ mỗi lúc một tăng cao ở Iran.

Trong khi đó, nội tại Iran cũng không phải là một khối đồng thuận tuyệt đối. Sau khi nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát vào tháng trước, chính trường Iran cũng đang chia rẽ. Phe “chống Mỹ” cực đoan, mà lãnh đạo chính là Đại giáo chủ Ali Khamenei, quyết thông qua một dự luật đòi hỏi mở rộng hơn nữa các chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời chấm dứt những hoạt động thanh tra của IAEA. Ngược lại, đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng Bộ Ngoại giao phản đối dự luật này, bởi nó quá cứng nhắc và quá thù địch, có thể đẩy căng thẳng tăng cao đến mức độ không thể kiểm soát và có thể khiến Iran trở lại hoàn toàn bị cô lập.

Nguyên tắc của đàm phán thành công luôn là thỏa hiệp. Không ai có thể đòi được tất cả, cũng như không ai có thể chấp nhận nhượng bộ tất cả. Thế giới đang trông chờ JCPOA hồi sinh nhờ sự mềm mỏng của người được xem là tân Tổng thống Mỹ. Nhưng, chỉ như vậy thì chưa đủ. Chính ngài Joe Biden cũng sẽ không vui vẻ gì với việc khoác lên mình dáng vóc của một tổng thống nhu nhược và mềm yếu. Ông đã bày tỏ thiện chí và Iran cũng cần đáp lại tương xứng. Có lẽ bởi vậy, IAEA đã lên tiếng, nhằm chặn đứng những đòi hỏi vô điều kiện và mở đường cho toàn bộ nhóm P5+1 thể hiện vai trò của mình.

Họ, IAEA, cũng không muốn phải đóng vai trò “cái bung xung” chịu đựng những cơn bực dọc từ cả phái diều hâu Mỹ lẫn phái cực đoan Iran, như những gì đã và đang diễn ra suốt 4 năm qua.

Đông Phong
.
.