Nếu 193 tấm bằng rơi xuống vỉa hè Hà Nội?

Thứ Bảy, 09/01/2021, 08:17
1. Nhà tôi ở một khu phố nổi tiếng trong bốn quận nội thành Hà Nội. Từ vài năm trở lại đây, những người ở phố tôi đã phải quen với cảnh cứ thi thoảng lại có một đội thi công xuất hiện, đào xới vỉa hè hoặc để sửa chữa các đường ống ngầm dưới đất, hoặc để lát đá vỉa hè mới toanh.


"Đào xới gì mà lắm thế", đó là câu cửa miệng của những người phố tôi. Lúc đầu chúng tôi vừa tự than, vừa bực mình. Nhưng khi người ta đào xới nhiều quá - tự than và bực mình nhiều quá thì không ít người lại phải chấp nhận nó như một lẽ tất yếu. Rằng hôm nay đào đường, lát đá mới; ngày mai lại đào đường, lát đá mới; ngày kia lại đào đường lát đá mới.

"Thế mới là Hà Nội, thế mới là thủ đô" - bác hàng xóm nhà tôi giễu nhại. Khi người ta bắt buộc phải làm quen với chuyện nay đào mai xới, và coi nó như một tập quán của đô thị (cho dù là thứ tập quán chẳng giống ai) thì đủ hiểu người ta đã buộc phải thay đổi mình để thích nghi, thích ứng như thế nào.

Nhưng đây không phải là câu chuyện của riêng cái vỉa hè phố tôi. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp than phiền là ở khu họ sống, tình trạng cũng diễn ra y như thế. Một bộ phận người nào đó buộc phải chấp nhận để thích nghi như tôi vừa kể thì thôi không nói, nhưng với những ai không thích nghi nổi thì nó dẫn đến tâm lý ức chế. Càng nhìn cảnh vỉa hè nay bị đào xới, mai bị đào xới, bộ mặt phố phường bẩn thỉu nhếch nhác, giao thông đình trệ thì chỉ số ức chế càng tăng cao.

Từ sự ức chế sinh ra cáu bẳn. Và từ một tập hợp những cáu bẳn vặt vãnh dẫn đến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Cho nên, không vì mình thì cũng vì người, tôi buộc phải đặt câu hỏi: Tại sao những vỉa hè thủ đô cứ bị đào xới liên tục đến mức quái gở, không giống ai như thế? Trực quan sinh động của tôi đem đến câu trả lời: Tại đá lát vỉa hè kém quá! Kém đến mức không thể chấp nhận được!

Nhưng đem câu trả lời này tới một người bạn là "dân trong nghề" mới tá hỏa: Đá lát vỉa hè được phê duyệt là loại đá tốt, có độ bền cao! Thời buổi này, không một quận/huyện nào lại phê duyệt loại đá lát "hàng chợ". Mấy hôm nay đọc báo lại tá hỏa tiếp: nhiều tuyến phố được lát bằng đá xanh tự nhiên, có kết cấu bền vững, có kích thước 40x40cm, có độ dày 4cm, bề mặt chống trơn trượt hẳn hoi. Đây là loại đá có thể được sử dụng trong khoảng 50 - 70 năm. Cứ theo  logic này mà phân tích thì hẳn người ta chỉ  đào xới vỉa hè, lát lại đá sau khoảng 50 - 70 năm, hoặc ít nhất thì cũng khoảng 10 năm - 20 năm, chứ đâu phải sau một vài năm như bây giờ. Vậy thì vấn đề rốt cuộc nằm ở chỗ nào?

Trên báo điện tử Vnexpress, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình thi công không đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật nhân công làm việc không có tay nghề, khâu giám sát thi công cũng chưa chặt chẽ. Tóm lại, mọi thứ nằm ở khâu thi công. Nếu nhận định này chính xác thì lỗi thi công, giám sát thuộc về ai? Còn nếu nhận định này là chưa đầy đủ thì còn những lý do nào nữa không?

Liệu có phải đá phê duyệt có tuổi thọ 50-70 năm, nhưng trên thực tế đá được sử dụng lại là loại đá chỉ có tuổi thọ vài năm? Và liệu có phải những người liên quan cũng chỉ muốn sử dụng loại đá có tuổi thọ vài năm, để sau vài năm lại có cơ hội đào xới, đục khoét vỉa hè? Xin nhắc lại, nếu câu chuyện những vỉa hè được quảng bá là lát đá có tuổi thọ 50-70 năm bị nứt vỡ, hư hỏng sau vài năm chỉ là câu chuyện cá biệt thì đã đi một nhẽ. Đằng này, nó không phải là câu chuyện cá biệt, mà là câu chuyện của hàng loạt vỉa hè, ở hàng loạt tuyến đường thủ đô.

Những miếng đá mà biết nói, nó sẽ nói gì?

2. Sau chuyện của những miếng đá xin nói đến chuyện bằng cấp. Ở cơ quan cũ của tôi có một anh nhân viên trong một ngày đẹp trời bỗng thông báo mình đã… trở thành tiến sĩ. Tất cả cơ quan, không ai tin một người "viết một đoạn văn nhỏ còn chưa sạch" lại có thể đàng hoàng trở thành tiến sĩ ở một lĩnh vực khoa học xã hội có tính chuyên môn cao. Thêm nữa, anh này một câu ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết, trong khi quy trình đào tạo tiến sĩ ở ta đòi hỏi bắt buộc phải có bằng ngoại ngữ.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, mọi người vẫn bảo: "Kiểu này chạy chọt thành tiến sĩ, chứ học hành nghiên cứu cái nỗi gì!". Nhưng chạy thế nào? Chạy cách nào? Có đúng thật là chạy không? Nhỡ đâu trong một khoảng thời gian kỳ diệu nào đó, một thế lực đặc biệt nào đó lại thổi vào não bộ anh này một luồng trí tuệ sáng lán, mà tất cả chúng tôi đều không thể hình dung tới thì sao? Riêng với cá nhân mình, nghi ngờ thì vẫn nghi ngờ (vì năng lực của anh ta kém khủng khiếp), nhưng khi chưa có bằng chứng, tôi tuyệt đối không dám khẳng định anh trở thành tiến sĩ nhờ… chạy chọt.

Ấy thế nhưng mới đây, theo dõi vụ  "bằng ngoại ngữ giả" tại Trường Đại học Đông Đô thì tôi buộc phải nghĩ khác. Từ danh sách hơn 600 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh tại Đại học Đông Đô, cơ quan điều tra đã phát hiện ra 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Có tin nổi không, 193 người "không qua đào tạo" - nghĩa là không học, không thi, thế mà vẫn có bằng? Nguy hiểm hơn, nhiều nguồn tin khẳng định có không ít trường hợp trong 193 trường hợp này dùng bằng giả của trường Đông Đô để đi thi công chức, làm thạc sĩ, tiến sĩ, nâng ngạch thanh tra viên…

Xử lý nghiêm những kẻ trong đường dây cung cấp bằng cấp giả thì chắc chắn rồi. Truy trách nhiệm và đề nghị rút kinh nghiệm  trong việc thanh tra, kiểm tra, quản lý của ngành giáo dục thì rõ rồi. Nhưng với bản thân những người dùng bằng cấp giả để "luồn sâu leo cao" thì sao? Chúng ta đã có danh sách chính xác của những người này, và đã có những đề nghị về việc bắt buộc phải xử lý trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm công chức của họ. Nhưng câu hỏi quan trọng và nhức nhối trên khắp các diễn đàn báo chí, đó là có nên công khai danh tính của họ trước ánh sáng dư luận hay không?

Nếu công khai danh tính, chắc chắn những chiếc mặt nạ sẽ rơi xuống, và sự thực sẽ phơi bày. Chắc chắn toàn xã hội đều có thể chỉ mặt đặt tên những công chức giả, những thạc sĩ giả, những tiến sĩ giả, những thanh tra viên giả dối.

Công bằng mà nói, công khai danh tính có thể làm sụp đổ sự nghiệp của một con người, và sẽ tạo nên những tác động nghiêm trọng đến danh dự của gia đình, người thân của họ. Nhưng nếu không công khai thì thứ nhất, chúng ta sẽ khiến những người học thật/thi thật/có bằng thật ở Đại học Đông Đô bị vạ lây. Thứ hai, nó chưa tạo ra được một sự răn đe "nặng đô" cho tất cả những ai đang nhăm nhe ý đồ sử dụng bằng cấp giả để leo cao. Nếu một lần chúng ta mạnh dạn công khai danh tính những trí thức giả dối, thiếu  đạo đức và lòng tự trọng thì dù muốn hay không muốn, tất cả những ai đang có ý đâm giẫm vào con đường này sẽ phải ngừng ngay lại.

Cá nhân tôi rất tâm đắc với ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM: Ngoại ngữ là bắt buộc trong đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ, do đó nếu mua bằng mà không qua đào tạo đồng nghĩa chưa đạt chuẩn tiến sĩ. Nếu những người này đã được cấp bằng tiến sĩ thì cần thu hồi bằng tiến sĩ ngay. "Cần công khai để răn đe và nghiêm khắc trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vấn đề này đã kéo dài nhiều rồi" (Báo Tuổi Trẻ TPHCM).

Khi nghe PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói điều này, tự nhiên tôi chột dạ: nếu điều ông nói trở thành sự thật thì anh bạn ở cơ quan cũ của mình sẽ bị lộ diện là tiến sĩ “rởm” cũng chưa biết chừng!

3. Những miếng đá trên vỉa hè Hà Nội không biết nói. 193 cái bằng tiếng Anh giả ở Đại học Đông Đô cũng không biết nói. Không và sẽ không bao giờ những đồ vật ấy có thể dũng cảm thú nhận với loài người chúng ta, rằng: tôi là đồ giả! Nhưng khác với những đồ vật ấy, chúng ta biết nói. Có quá nhiều dấu hiệu để chúng ta hoài nghi về tính trung thực của một viên đá trên vỉa hè hoặc một tấm bằng của những người mà chúng ta có cơ hội làm việc, tiếp xúc mỗi ngày.

Đứng trước một "hiện thực có vấn đề", nếu chúng ta im lặng có nghĩa là chúng ta vô trách nhiệm với cuộc sống này. Chúng ta có quyền hoài nghi, có quyền đòi hỏi, có quyền đấu tranh để sự thực phát lộ và mọi giá trị giả dối phải bị trừng phạt.

Viết tới đây, bỗng nhiên tôi hình dung tới viễn cảnh: 193 cái bằng đồng loạt rơi xuống những miếng đá lát trên vỉa hè được người ta quảng bá là có tuổi thọ từ 50 - 70 năm.

Và sau sự đụng chạm đó, cả 193 cái bằng lẫn những miếng đá đều vỡ vụn dưới ánh sáng mặt trời!

Vương Trọng Tín
.
.