Thi hát bây giờ

NSND Trung Kiên: Báo động các cuộc thi nghệ thuật thiếu chân chính

Thứ Sáu, 25/06/2010, 15:26
NSND Trung Kiên, người cầm cân nảy mực trong nhiều cuộc thi hát có quy mô lớn nhất khẳng định: Chuyện tiêu cực trong thi cử là có thật, đã từng có chuyện kỷ luật một số người liên quan đến chuyện chạy điểm trong cuộc thi Sao Mai của VTV và ông riết róng về sự thiếu chuyên nghiệp của các cuộc thi hát cũng như sự thị trường hóa của các giọng ca nghiêm túc…

- Thưa ông, thi hát bây giờ nhiều quá, ngoài dấu hiệu cởi mở của một nền văn nghệ thì trong nó cũng chứa nhiều bất cập. Nhiều năm làm giám khảo, ông đánh giá thế nào về chất lượng của các cuộc thi này?

- Nhìn chung các cuộc thi âm nhạc trên thế giới trong đó có nghệ thuật hát rất hấp dẫn, được nhiều người quan tâm, ở trên thế giới cũng vậy, qua các cuộc thi nhằm kích thích phong trào ca hát cho giới trẻ, bởi những đánh giá xã hội đối với các ca sĩ trẻ rất quan trọng. Ở nước ta những năm 80 đã có những cuộc thi mang tính festival, chưa có tiêu chí cụ thể, khắt khe. Phải sau những năm 90, mới có những cuộc thi lớn như thính phòng, Sao Mai. Đặc biệt, các cuộc thi mang tính giải trí như Việt Nam Idol đang có những hiệu ứng tích cực. Một số em đã đạt được những thành công tốt đẹp từ các cuộc thi này, nhưng đó mới chỉ là tấm giấy thông hành cho họ vào đời thôi chứ chưa thể gọi các em bằng những mỹ từ như ngôi sao mà các phương tiện truyền thông bây giờ vẫn lạm dụng. Các cuộc thi gần đây vẫn có những vấn đề chưa chín chắn.

- Ông nói đến sự chưa chín chắn, vậy theo ông đó là sự chưa chín chắn về chất lượng cuộc thi hay ở khâu tổ chức?

- Có rất nhiều vấn đề. Tôi nghĩ, trước hết người làm công tác tổ chức phải là những người biết tôn trọng nghệ thuật. Vừa qua cuộc thi Sao Mai kỷ luật mấy người, vì một số chuyện lùm xùm xung quanh vấn đề chạy điểm. Dù có hay không thì chúng ta cũng phải xem lại. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều khi không chạy được người ta cũng nói chạy được, nên các thí sinh đã mất lòng tin vào ban giám khảo và ban tổ chức. Khi các cuộc thi nghệ thuật thiếu sự chân chính thì thật đáng báo động. Điều thứ hai, là việc lựa chọn ban giám khảo chưa chuẩn, trước hết phải là học thuật chứ không phải ông A ông B nào đó có chức quyền. Và thứ ba, phải đại diện tiêu biểu cho các loại hình nghệ thuật, chẳng hạn nhạc thính phòng thì giám khảo phải là người đại diện được cho  dòng đó. Hiện nay các cuộc thi chưa làm được điều đó. Có cuộc thi sau khi xong vòng một, vòng hai đã có hiện tượng không chuẩn, người đáng được đưa vào vòng trong thì không đưa. Có những giải thưởng không hề đánh giá về chuyên môn của thí sinh, tiêu cực đó sẽ kéo theo một loạt những nhận định không đúng.

- Xin lỗi ông, nói vậy như thể giám khảo của các cuộc thi này như… bù nhìn, có cho vui?

- Giám khảo chỉ là những người tư vấn, ý kiến của ban giám khảo chỉ có vai trò gợi ý, chứ không quyết định. Điều này không thể chấp nhận được, và có lẽ chỉ có ở nước mình mới có tình trạng đó thôi. Bất cứ cuộc thi hát nào ở nước ngoài, ý kiến của ban giám khảo cũng là cao nhất và có ý nghĩa quyết định.

- Có một thực tế là nhiều thí sinh tham dự cuộc thi đều là học trò của ban giám khảo, và nhiều luồng dư luận cho rằng có tồn tại hiện tượng thầy chấm trò nên không tránh khỏi những ưu ái cá nhân?

- Nếu chúng tôi không có học trò thì với vai trò là người thầy, chúng tôi dạy tồi quá. Nhưng người thầy đứng ở vị trí ban giám khảo phải biết tôn trọng quy chế. Cách đây mấy năm có người hỏi tôi, sao học sinh của chú lúc nào cũng được giải nhất, tôi hỏi, nó có đáng nhất không, người kia trả lời, đáng nhất, vậy thì còn gì phải bàn. Còn nếu không đáng nhất thì phải xem lại. Dù công việc có mang tính đặc thù đến mấy thì nó cũng có những quy chuẩn chung… Anh mời người ta thì phải tôn trọng, còn có những ưu ái là ưu ái trong lòng, không thể nói ra được, nghệ thuật không thể nói chuẩn mực là hai cộng hai bằng bốn. Người ta thích nhưng có thể mình không thích. Mười người không thích mà chỉ mình anh thích là có vấn đề, vừa rồi có những trường hợp xảy ra mà tôi không tiện nêu tên, đó là hiện tượng thầy không minh bạch trong các cuộc thi, do vấn đề trình độ và tư cách của người thầy mà chỉ có ban tổ chức mới biết được. Vấn đề này cần được xem lại chặt chẽ hơn trong các cuộc thi tới.

- Trong các cuộc thi, nhiều thí sinh được giải đã phát huy được khả năng của mình, chiếm lĩnh thị trường âm nhạc như Thanh Lam, Mỹ Linh, nhưng cũng không hiếm những người chỉ xuất hiện như một vệt sao băng sau các giải thưởng, và họ không vượt qua được cái bóng của các giải thưởng đó. Ông nghĩ sao?

- Điều đó cũng bình thường, không phải do ban giám khảo mà do cá nhân họ không nỗ lực vươn lên. Tôi đã nói rồi, giải thưởng mới chỉ là tấm vé thông hành cho các em vào đời, đừng vội tôn vinh các em thành những danh từ quá to tát như ngôi sao, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến các em. Còn các em có đi tiếp được con đường của mình để nổi trội còn phụ thuộc vào  sức lao động bền bỉ sáng tạo của các em. Tất nhiên bây giờ cũng có nhiều hiện tượng nổi, mà tôi gọi là nổi bồng bềnh nhờ công nghệ lăng xê, nhưng sẽ không bền lâu, và quan trọng nữa là dư luận của báo chí đối với nghệ thuật cực kỳ quan trọng. Nhiều khi báo chí ta quá yêu nghệ thuật, tâng bốc và tôn họ lên tận mây xanh, nên đôi khi làm hại cho các em, làm các em ảo tưởng về chính mình. Các em muốn có một vị trí trong làng nhạc, phải chịu khó dày công khổ luyện, không thể chỉ nhờ vào công nghệ ăn xổi như hiện nay. Còn ở dòng nhạc thính phòng, đây là một dòng nhạc không dễ nổi và đáng tiếc là không được dư luận chú ý nhiều, tài năng cũng rất hiếm.

- Nói vậy thì chúng ta có cần tổ chức nhiều cuộc thi như vậy không, thưa ông?

- Các cuộc thi của mình còn nghiệp dư quá, như Sao Mai chẳng hạn thì không bao giờ chúng ta có thí sinh tham dự các cuộc thi quốc tế. Còn ở cuộc thi hát thính phòng, chúng ta mới chỉ tham gia trong khuôn khổ khu vực thôi, và rất hiếm các tài năng. Đỗ Bích Thuỷ năm 2005 đã giành giải ở cuộc thi hát opera tại Thái Lan và Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Chưa bao giờ, các ca sĩ thính phòng lại dễ bị hỏng nhanh như bây giờ. Họ dễ bị thị trường âm nhạc lôi kéo và rất dễ bị hỏng giọng. Tôi đang cố tìm những tài năng. Nhưng thực tế nhà nước cũng chưa có một chính sách, cơ chế cụ thể nào để khuyến khích phát triển các tài năng.

- Ông đang nói đến sự mất cân đối trong thị trường âm nhạc, mà biểu hiện từ việc tổ chức các cuộc thi hát. Nhưng ở các nước phát triển, các cuộc thi hát mang tính giải trí vẫn được tổ chức rầm rộ đấy chứ?

- Tôi không lên án việc tổ chức rầm rộ các cuộc thi hát mang tính giải trí, vì đó cũng là một xu hướng để âm nhạc tiến gần đến đời sống. Nhưng ở nước ta, hình như mải mê với nhiều "sân chơi" quá mà quên mất các cuộc thi hát chuyên nghiệp như thính phòng.  Đó là một thực tế, các cuộc thi thính phòng ở nước ta hầu như không được ai quan tâm, trong khi đó lại quá dễ dãi trong việc gọi tên, hát nghiệp dư cũng gọi là ca sĩ, và họ đang "làm mưa làm gió" trong thị trường âm nhạc, nhờ bệ đỡ là các cuộc thi hát. Đó là biểu hiện một sự mất cân đối trong đời sống âm nhạc hiện nay. Ở nước ngoài, giải trí phát triển kinh khủng, nhưng họ không bao giờ nhầm lẫn giữa các giá trị nghệ thuật. Vấn đề này nằm trong chủ trương, chính sách và định hướng phát triển của nhà nước, ngay từ việc tổ chức các cuộc thi hát, tránh tình trạng hỗn loạn như hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)
.
.