NATO-EU: Trong băng giá mùa xuân

Thứ Tư, 17/03/2021, 12:53
"Một Liên minh châu Âu (EU) chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đầu tư vào các năng lực mới và giảm bớt sự phân tán của ngành công nghiệp quốc phòng, sẽ không chỉ là điều tốt cho an ninh châu Âu mà còn có lợi cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, EU không thể một mình bảo vệ châu Âu".

Ngày 4-3, Tổng Thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg cảnh báo như vậy và điều đó có lẽ chỉ càng khiến giới quan sát quốc tế thêm nghi ngờ về khả năng làm nồng ấm trở lại mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai tổ chức vốn từng “tuy hai mà một” này.

“Khoản thừa kế” của ông Joe Biden

Phát biểu của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg được cho là nhằm đáp trả lại động thái mới nhất từ các nhà lãnh đạo EU, mà cụ thể là trục Paris - Berlin, vào một tuần trước đó.

Ngày 26-2, tại một hội nghị trực tuyến mà chính ông Soltenberg cũng tham dự, yêu cầu về “tự chủ chiến lược” dành cho EU một lần nữa lại được đặt ra. Nước Pháp, một trong hai “ngọn cờ đầu” của EU, vẫn cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt đứt quan hệ đồng minh đã chứng tỏ rằng EU cần phải có khả năng "tự đứng trên đôi chân của mình".

Đây là một quan điểm không hề mới mẻ. Nó được định hình rõ ràng ngay từ những ngày đầu tiên cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, với những tuyên bố gay gắt của ông về việc “những bạn bè ở châu Âu của nước Mỹ” đóng góp quá ít vào các công cuộc xây dựng an ninh - quốc phòng chung, đặc biệt là về mặt quân sự. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump không chấp nhận được việc đất nước của ông phải gánh đỡ quá nhiều phí tổn, trong mọi vấn đề liên quan đến sự ổn định ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ông Stoltenberg, người kẹt giữa “hai làn đạn”.

Ông Donald Trump muốn thay đổi điều ấy, và đã từng thể hiện quan điểm của mình một cách không úp mở trong những chuyến công du sang thăm châu Âu - khu vực đầy nghẹt những đồng minh truyền thống. Thẳng thừng và thiếu tế nhị đến độ phi ngoại giao, ông từng khiến cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council, EC) Donald Tusk phải thốt lên đầy mỉa mai: “Xét cho cùng, nếu có điều tồi tệ nào đó xảy ra, thứ chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy và trông đợi những sự giúp đỡ chính là đôi tay của mình”.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã từng phải nổi giận với thái độ trịch thượng của người đứng đầu nước Mỹ khi ấy, khi bị chế nhạo công khai về ý tưởng thành lập một quân đội châu Âu riêng của EU, hoạt động độc lập với NATO. Cuộc đấu khẩu trên mạng xã hội Twitter giữa hai vị tổng thống Pháp - Mỹ, năm 2018 đó, cũng từng khiến các nhà phân tích quốc tế tốn rất nhiều giấy mực.

Nhưng hiện tại, nước Mỹ đã có một vị tổng thống mới. Và đến tận hiện tại, Joe Biden vẫn còn đang phải vất vả xử lý những gì ngổn ngang mà Donald Trump để lại, bởi ông cũng như chính quyền mới của nước Mỹ có cách tiếp cận hoàn toàn khác, về các vấn đề đối ngoại.

Phương trình hóc búa

Tân chủ nhân của Nhà Trắng sẽ làm những gì? Hay đúng hơn, muốn làm những gì?

Trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, công bố ngày 3-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden hé lộ những điểm cơ bản nhất trong tầm nhìn của mình, về cách thức nước Mỹ trong nhiệm kỳ của ông can dự vào các vấn đề mang tính toàn cầu, bao gồm cả an ninh - quốc phòng. Theo đó, ông khẳng định: “Tôi cam kết can dự trở lại với thế giới, không chỉ đương đầu với những thách thức ngày hôm qua mà còn cả những thách thức hôm nay và ngày mai". Ông cũng nhấn mạnh: Mỹ sẽ chỉ thành công trong việc thúc đẩy các lợi ích và gìn giữ những giá trị cơ bản khi hợp tác với các đồng minh và đối tác gần gũi nhất. Dĩ nhiên, sau Anh và Israel, đối tượng mà ông nhắc tới chỉ có thể là các quốc gia thành viên EU,

Bản chiến lược nêu rõ Mỹ phải làm mới lại các lợi thế lâu dài của mình để có thể đương đầu với những thách thức hiện nay. Theo ông Joe Biden, nước Mỹ cần xây dựng lại các nền tảng kinh tế; giành lại vị thế trong các thể chế quốc tế; hiện đại hóa năng lực quân sự, khôi phục các mạng lưới các liên minh và đối tác... Một cách cụ thể, bản hướng dẫn nhấn mạnh Mỹ cần đầu tư và làm mới mối quan hệ với NATO, cũng như các liên minh với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài các liên minh cốt lõi, Mỹ cũng sẽ tăng cường xây dựng các quan hệ đối tác trên thế giới để giải quyết những thách thức chung, chia sẻ chi phí và mở rộng hợp tác. Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam và những nước thành viên khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy các mục tiêu chung. Đương kim Tổng thống Mỹ cũng tái cam kết với các đối tác xuyên Đại Tây Dương, về việc thúc đẩy một chương trình nghị sự chung, mạnh mẽ với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Washington cũng sẽ đẩy mạnh sự hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu. Tại Trung Đông, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự một cách hợp lý để đập tan các mạng lưới khủng bố quốc tế và bảo vệ các lợi ích cơ bản của mình.

Trong những mục tiêu chiến lược này, châu Âu luôn được đặt vào một vị trí quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU, nhất là trục Paris - Berlin, có hào hứng với những đề xuất sơ khởi ấy không thì lại là một câu chuyện khác.

Uy thế của NATO đương nhiên sẽ sụt giảm nếu có một quân đội châu Âu độc lập xuất hiện.

Trong phát biểu khai mạc cuộc họp trực tuyến được đề cập ở phần trên, đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định: "Tôi hoàn toàn tin rằng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tạo cơ hội có một không hai để khôi phục liên minh bền chặt giữa châu Âu và Mỹ. Một quan hệ đối tác mạnh mẽ đòi hỏi các đối tác mạnh mẽ - đó là lý do tại sao tôi tin rằng một EU mạnh hơn sẽ giúp một NATO mạnh hơn". Bóc tách những lớp vỏ ngôn từ ngoại giao, có thể hiểu rằng EU vẫn đang kín đáo đề cập đến việc “tự đứng trên đôi chân của chính mình”.

Bởi vậy, ngày 4-3, Jens Stoltenberg phải nói rõ: “Hơn 90% công dân EU sống ở các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song các nước thành viên EU chỉ đóng góp 20% chi tiêu quốc phòng của NATO”. Ông cũng lưu ý rằng: Trong khi 21 nước thành viên EU cũng là thành viên của NATO, thì hai bên sườn sơ hở của khối này lại thường được bảo vệ bởi các đồng minh ngoài EU vốn đóng góp nhiều chi tiêu quốc phòng hơn. Và bởi vậy, “Đây không chỉ là câu chuyện về tiền bạc mà còn về địa lý".

Tiền bạc, xét cho cùng, vẫn là gốc rễ tạo nên bất đồng, lạnh nhạt và xa cách, kể cả trong mối quan hệ đồng minh truyền thống EU - NATO này. Và ai cũng hiểu, NATO được dẫn dắt bởi nước Mỹ, hay đúng hơn, NATO là một trong những công cụ áp đặt bá quyền đơn cực của nước Mỹ lên toàn thế giới. Chính vì thế, rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng trong khi giúp nước Mỹ giảm nhẹ được nhiều khoản chi phí cho các trách nhiệm tập thể thì những đòi hỏi gay gắt về sự công bằng của cựu Tổng thống Donald Trump lại làm xói mòn vị thế của cường quốc số 1 thế giới. Cũng bởi vậy, chính EU lại đứng trước cơ hội tự mình nâng cao uy tín, như một cực quyền lực hiển nhiên, trong thế giới đang xáo trộn mạnh mẽ với những biến động của tiến trình xây dựng một trật tự mới.

Dẫu vậy, giữa “những người bạn cũ” với nhau, có lẽ mọi chuyện đều có thể dễ dàng được dàn xếp. Lời nhận xét của đương kim Tổng thống Pháp năm đó, rằng NATO là một tổ chức “chết não” cũng có thể được các phía dễ dàng lờ đi mãi mãi, nếu thỏa thuận được với nhau để khiến mọi người đều có thể hài lòng về trách nhiệm đóng góp cho công cuộc phòng thủ chung.

Vấn đề là, ngay những cam kết đối nội trong cương lĩnh tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang trắc trở. Ví dụ, đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ cho công dân Mỹ gần như không còn hy vọng được thông qua bởi Thượng viện Mỹ. Ví dụ, hàng triệu gia đình Mỹ sẽ bị cắt giảm tiền hỗ trợ để chống chọi với đại dịch COVID-19, như đang được nhận theo chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Và ví dụ, xã hội Mỹ đang xáo động bởi những quyết định tăng thuế.

Điểm chung của tất cả những khúc mắc ấy, đơn giản, đều chỉ là không có nguồn tài chính. Vậy thì người đứng đầu nước Mỹ sẽ làm như thế nào để có đủ ngân sách phục vụ chuyện “phóng tài hóa thu nhân tâm”, nhằm củng cố lại mối liên hệ đã và đang rạn nứt bởi chính điểm vỡ đó, giữa EU và NATO?

Thiên Phong
.
.