Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan và Iraq: Vũng lầy bỏ lại
Vòng quay chóng mặt
Đầu tháng 10-2020, trước thềm chặng nước rút cuộc bầu cử tổng thống, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: “Chúng ta sẽ đưa những người lính đang dũng cảm chiến đấu tại Afghanistan trở về nhà trước lễ Giáng sinh". Thông điệp này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert OBrien cho biết nước này sẽ rút 2.500 quân khỏi Afghanistan vào đầu năm tới.
Hiện tại, Mỹ còn gần 5.000 binh sĩ tại quốc gia Nam Á ấy. Tuy nhiên, cần lưu ý, con số đó đã giảm đi tương đối nhiều kể từ lúc Mỹ và lực lượng đối lập Taliban ở Afghanistan ký với nhau một thỏa thuận riêng rẽ vào đầu năm nay. Đến cuối năm 2019, số lính Mỹ ở Afghanistan vẫn còn tới 13.000 người (bên cạnh hàng nghìn binh sĩ khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương/NATO khác).
Nghĩa là, trên thực tế, việc đưa lính Mỹ “rút chân khỏi vũng lầy” Afghanistan là một lộ trình đã được hoạch định kỹ lưỡng, cũng như đang được tiến hành đúng tiến độ. Vấn đề là, tiến độ đó được triển khai quá mức dứt khoát và quyết liệt, đến độ có thể tạo nên một cảm giác hơi “chóng mặt”, cho cả những người ít theo dõi câu chuyện này và kể cả giới quan sát quốc tế.
Với ông Donald Trump, những cuộc chiến mà nước Mỹ đang can dự đều chỉ là những sự hoang phí. |
Theo thông báo mới nhất của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller ngày 17-11, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan và Iraq trước ngày 15-1-2021, dù không đến nỗi triệt để như ông từng tuyên bố tháng trước. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 người và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500 người.
Đây sẽ là mức quân số thấp nhất của Mỹ ở Afghanistan trong gần 20 năm chiến tranh. Chris Miller nhận xét: Các động thái cắt giảm quân số nói trên phản ánh chính sách của Tổng thống Trump nhằm "dẫn dắt các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq tới một kết thúc thành công và trách nhiệm, đồng thời đưa các quân nhân dũng cảm của chúng tôi trở về nhà". Nói cách khác, đó là một kiểu “hòa bình trong danh dự”, như từng có những vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã buộc phải thực hiện trong quá khứ.
Kiên định lập trường
Thực tế, việc chấm dứt “các cuộc chiến bất tận” của nước Mỹ đã là một phần quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi năm 2016. Và sau đó, suốt 4 năm tại nhiệm, ông không ngừng chỉ trích các cuộc chiến dai dẳng của Mỹ tại nước ngoài, đặc biệt tại Afghanistan, đồng thời chỉ đạo tìm kiếm thỏa thuận để nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại những "điểm nóng".
Cơ sở lập luận của ông rất đơn giản và rất dễ nắm bắt: Chính sách đối ngoại của các chính quyền đảng Dân chủ trước đây, khi duy trì lực lượng quân đội Mỹ ở nước ngoài, không mang lại lợi ích gì cho người dân Mỹ. Tư tưởng này được sự hậu thuẫn của một số phân tích từ giới chuyên môn về quan hệ đối ngoại: Bất chấp Afghanistan và Iraq là những chiến trường "hao người tốn của", song dường như Washington không đạt được những mục tiêu đề ra khi triển khai quân tới đây.
Thậm chí, ở một phương diện nào đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ vô hình trung lại mang tới sự hỗn loạn cho các quốc gia này, và điều đó khiến hình ảnh và uy tín của Mỹ giảm sút.
Có những con số mang sức thuyết phục ghê gớm: Tại Afghanistan, nước Mỹ đã tiêu tốn tới hơn 1.000 tỷ USD, kể từ khi lính Mỹ đến đây năm 2001, ngay sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, với mục đích tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và lật đổ chế độ Taliban. Trong 19 năm chiến sự, Mỹ mất hơn 2.300 binh sĩ, cùng khoảng 20.000 người bị thương. Hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Mỹ mỗi năm.
Ở Iraq, nơi Mỹ triển khai quân từ năm 2003, đất nước ấy cũng chìm vào những cuộc xung đột tôn giáo - giáo phái, với hậu quả hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng. Hơn 20.000 binh sĩ Mỹ được bổ sung đến Iraq để duy trì trật tự, song khủng bố, bạo lực, xung đột... vẫn là câu chuyện thường nhật.
Trong mắt Tổng thống Mỹ Donald Trump, chẳng có lý do gì để tiếp tục phung phí tiền thuế của công dân Mỹ theo cách đó. Cụ thể hóa quan điểm ấy, 4 năm qua, Washington đã tập trung vào việc di chuyển vị trí và tái định vị chiến lược khoảng 200.000 quân đồn trú ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Không chỉ ở các “điểm nóng”, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút 6.400 binh sĩ ra khỏi Đức, với lý do toàn bộ gánh nặng ngân sách duy trì lực lượng và liên minh tại đây đè lên vai nước Mỹ và người dân Mỹ, trong khi Berlin không đóng góp phần trách nhiệm của mình cho ngân sách quốc phòng của NATO. Ông thậm chí còn chẳng ngại ngần đòi các đồng minh truyền thống châu Âu phải “thọc tay sâu hơn vào hầu bao”, để chi trả thêm cho việc bảo vệ an ninh của phương Tây nói chung.
Gần như mọi lính Mỹ đều muốn được về nhà. Họ đã quá mệt mỏi. |
Cạm bẫy vô hình
Vấn đề là, khi kiên quyết hạ quân số đồn trú ở cả Afghanistan và Iraq xuống mức 2.500 quân (số quân bị cho là không đủ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh) ngay trước thời điểm chuyển giao quyền lực chính thức diễn ra ở Nhà Trắng vào tháng 1-2021, vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ liệu còn toan tính điều gì nữa không, bên cạnh việc hoàn tất một lời hứa cũ và đi nốt một tiến trình đã định?
Ngày 17-11, ngay sau khi tuyên bố rút quân được Lầu Năm Góc đưa ra, ít nhất 4 quả rocket đã rơi trúng Vùng Xanh được bố phòng cẩn mật ở thủ đô Baghdad của Iraq - khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài. 2 tuần trước đó, ngày 2-11, mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận với lực lượng Taliban, 3 tay súng đã xông vào Đại học Kabul và xả súng vào các lớp học trong vài giờ khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương. Sau đó, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận gây ra vụ xả súng đẫm máu này.
Không phải ngẫu nhiên, trong khi Taliban đã hoan nghênh thông báo của Lầu Năm Góc về kế hoạch cắt giảm 2.000 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, coi đây là "bước đi phù hợp và vì lợi ích của người dân hai nước", thì chính Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, người lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, lại lên tiếng: “Những hậu quả của việc Mỹ vội vã rút quân có thể còn tồi tệ hơn việc (cựu) Tổng thống Obama rút quân khỏi Iraq hồi năm 2011 khi nó tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của IS và một giai đoạn mới của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu... Hình ảnh lính Mỹ bỏ lại các căn cứ, thiết bị và để Afghanistan rơi vào tay Taliban hay IS sẽ được truyền đi khắp thế giới như một biểu tượng của sự thất bại và đáng xấu hổ của nước Mỹ”.
Có thể thấy, cuộc triệt thoái này đang trở thành điểm xung đột giữa hai luồng tư tưởng của những chính khách thủ cựu, như McConnell, với quyết tâm đột phá. Tuy vậy, điều đáng nói là ở Afghanistan không chỉ có các binh sĩ Mỹ, mà trong số 12.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ ở đó còn cả những người lính đến từ các quốc gia đồng minh của họ (với những kế hoạch đã được lên cho đến tận năm 2024).
Do đó, khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg không giấu được sự mỉa mai và giận dữ khi hàm ý rằng nước Mỹ bỏ rơi đối tác: “Chúng ta nên cùng rút quân vào thời điểm thích hợp, một cách trật tự và có tổ chức”; khi vừa mới ngày 18-11, binh sĩ Úc phải thừa nhận liên quan đến vụ thảm sát 39 dân thường; khi Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn Fillipo Grandi cảnh báo: “Nếu tiến trình hòa bình ở Afghanistan sụp đổ (do quân đội Kabul mất đi sự hậu thuẫn cần thiết từ lính Mỹ, trước sức tấn công của các phe nhóm đối lập), chúng ta sẽ chứng kiến thêm một thảm họa nhân đạo”... những gì đang lờ mờ hiện lên là cả một khung cảnh hỗn loạn.
Một thứ vũng lầy mới trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh “sự đã rồi”, nếu không thể lật ngược được thế cờ trong cuộc bầu cử bằng các công cụ pháp lý, ông chủ Nhà Trắng hiện tại sẽ bắt người kế nhiệm mình phải lao tâm khổ tứ tìm cách xử lý.