Mỹ - Iran: Đến hẹn lại lên
Khi Iran khơi mào
Đầu tháng 1, tình hình ở Trung Đông bỗng đột nhiên căng thẳng khi Mỹ, bằng những quả tên lửa điều khiển của mình, đã gây ra vụ ám sát chỉ huy cấp cao của quân đội Iran là tướng Qassem Soleimani. Vụ việc nghiêm trọng đến mức sau đó Iran đã lần đầu tiên dùng vũ khí tấn công trực tiếp vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq. Song, vài quả tên lửa bắn ra không có nghĩa là chiến tranh đã tới. Cả Mỹ và Iran đều hiểu rằng, có những giới hạn nhất định mà không ai muốn vượt qua để trở thành kẻ “giơ đầu chịu báng”.
Sau 3 tháng lắng dịu do sự kiềm chế của cả đôi bên, cũng như việc hai nước đều phải tập trung nguồn lực để đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19, thật bất ngờ, Iran lại là phía khơi mào trở lại cho những căng thẳng mới. Quả thực, sự việc ngày 15-4 vừa qua - khi một đội xuồng cao tốc của Iran áp sát đội tàu chiến của hải quân và lực lượng tuần duyên Mỹ đang tuần tra trên vùng biển vịnh Ba Tư - thực sự gây sốc với nhiều người.
Về cơ bản, hành động áp sát của các xuồng vũ trang nhỏ bé của Iran không gây hại cho đội tàu lớn của Mỹ nhưng đây có thể coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng khi đội tàu Mỹ đang tuần tra trên vùng biển quốc tế.
Trong quá khứ, khi quan hệ Mỹ- Iran căng thẳng, cũng đã có những lần lực lượng vệ binh Hồi giáo Iran sử dụng xuồng vũ trang của mình áp sát đội tàu tuần tra của Mỹ. Những vụ việc này chủ yếu chỉ mang tính chất biểu tượng, thể hiện quân đội Iran luôn sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa cũng như khẳng định khả năng kiểm soát trên vùng biển. Nó cũng thường là hành động đáp trả mỗi khi phía Mỹ có động thái gây căng thẳng trước để Iran mình chứng cho khả năng đóng cửa eo biển Hormuz nằm trong vùng kiểm soát của mình, chứ không phải là hành động gây hấn. Bản thân việc làm này trong những năm gần đây cũng ít xảy ra do tính hiệu quả của nó không cao.
Thế nhưng, lần này, thật bất ngờ khi phía Iran lầ phía chủ động, trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa hai bên đang có phần dịu lại.
Những màn tranh cãi qua lại giữa hai bên bùng phát trở lại sau khoảng thời gian lắng dịu. |
Những màn qua lại
Nhanh hơn tất cả, một dòng tweet của Tổng thống Donald Trump đã được đăng tải. Theo đó, ông cho biết đã chỉ đạo hải quân Mỹ bắn hạ các xuồng cao tốc của Iran nếu gây nguy hiểm cho tàu Mỹ. Iran dĩ nhiên cũng lên tiếng ngay, cho biết sẵn sàng đáp trả chiến hạm Mỹ nếu có nổ súng.
Sau màn lời qua tiếng lại, hôm 22-4, Iran thông báo đã phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo. Chương trình vệ tinh của Iran vốn được tiến hành từ năm 2009 nhưng luôn vấp phải sự phản đối từ Mỹ do lo ngại nó sẽ biến thành chương trình tên lửa. Trước đây các vệ tinh của Iran luôn được phóng vì mục đích dân sự nhưng hồi tháng 8 năm ngoái, khi căng thẳng đột nhiên lên cao thì một vệ tinh được đóng mác quân sự đã được đưa lên bệ phóng.
Đáng tiếc vệ tinh liên lạc có tên Nahid-1 đó đã phát nổ do sự cố kỹ thuật. Thông báo của Iran lần này cho thấy họ đã thành công với một vệ tinh khác được cho là có tính chất phục vụ quân sự với tên gọi Nour. Dĩ nhiên sau đó, Mỹ lên tiếng phản đối nhưng cũng lại đồng thời cho rằng vệ tinh của Iran chỉ “như một chiếc webcam” và “khó cung cấp thông tin tình báo”.
Tổng thống Mỹ sau đó còn tuyên bố nếu Iran đi quá giới hạn, ông sẽ dùng quyền hành pháp để phủ quyết nghị quyết của lưỡng viện hồi đầu năm nhằm ngăn ông gây chiến với Iran. Thế nhưng, trái với những tuyên bố cứng rắn, chỉ vài ngày sau, quân đội Mỹ bất ngờ thông báo rút 4 hệ thống phòng không Patriot cùng 300 binh sĩ khỏi Arab Saudi vì cho rằng mối đe dọa từ Iran đã giảm bớt. Động thái này gần với chiến lược rút bớt các lực lượng tham chiến của Mỹ tại Trung Đông trong thời gian gần đây hơn là những tuyên bố mạnh miệng của tổng thống trước đó.
Iran cũng có những tuyên bố mạnh mẽ không kém. Giáo chủ Ali Khamenei, vị thủ lĩnh tinh thần tối cao tại Iran, mới đây cũng đưa ra một thông báo chính thức, trong đó ông nói: “Người Mỹ sẽ không được ở lại Iraq và Syria. Họ sẽ bị trục xuất”. Tuy nhiên, bản tuyên bố này cũng không đưa ra các phương án chi tiết trục xuất người Mỹ là gì.
Cuộc đôi co giữa hai bên vẫn còn chưa kết thúc khi Mỹ cho biết sẽ chặn đoàn tàu chở dầu tới Venezuela mới xuất phát từ Iran mấy hôm trước. Dĩ nhiên Iran cũng lớn tiếng thách thức Mỹ và đệ trình lên Liên Hợp quốc để phản đối hành động này. Chưa biết đoàn tàu của Iran có tới được Venezuela hay không vì hành trình còn nhiều ngày nữa nhưng dường như từ giờ đến lúc đó những màn tranh cãi trên mặt trận ngoại giao vẫn sẽ diễn ra liên tục giữa đôi bên.
Căng thẳng nhưng không nguy hiểm
Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Donald Trump vẫn luôn có những phát ngôn gây sốc bất thường nhắm đến các quốc gia bên ngoài. Thông qua những phát ngôn khiêu khích đó, vị tổng thống của nước Mỹ thu hút sự chú ý của dư luận sang một vấn đề mới trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Iran từ lâu đã bị coi là cái gai trong mắt ông Donald Trump, trở thành đối tượng thường xuyên bị nhắm đến nhất trong thời gian ông cầm quyền. Nhiều tuyên bố mạnh mẽ đã được đưa ra dấy lên những căng thẳng nhất thời nhưng ít khi dẫn đến những biến đổi chiến lược lớn.
Thực tế, dưới thời Tổng thống Donald Trump, vấn đề Iran cứ lâu lâu lại được khơi lên. Hồi tháng 7-2019, căng thẳng với Iran gia tăng sau vụ Anh, Mỹ bắt tàu chở dầu của nước này. Vụ việc nóng lên với màn đáp trả của Iran khi bắt lại một tàu vận tải khác của Anh, trước khi dịu đi khi chính ông Trump nói muốn đàm phán trực tiếp với Iran. Hồi tháng 1, quả tên lửa nhắm vào tướng Soleimani tưởng như đã đẩy hai bên đến bờ của cuộc chiến thì lại chỉ bị đáp trả hạn chế bằng những quả tên lửa bắn vào căn cứ Mỹ, gây “chấn động não” cho 11 lính Mỹ rồi kết thúc nhẹ nhàng bằng bản nghị quyết cấm tổng thống gây chiến với Iran đến từ lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tình hình lúc này chắc chắn không thể nóng bằng những thời điểm đó.
Nhưng cả hai đều biết nên tránh một cuộc chiến trong bối cảnh hiện nay. |
Sự khác biệt là lần này Iran dường như chủ động khơi mào căng thẳng giữa hai bên chứ không phải là Mỹ, bên vẫn được cho là mạnh hơn nếu đánh giá về tương quan lực lượng. Có lẽ bởi Iran nhận thấy rằng phía Mỹ đang “bỏ quên” Vùng Vịnh khi mải lo xử lý các khó khăn trong nước.
Quả thật, lúc này chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ngập trong núi vấn đề liên quan đến thảm họa kép y tế và kinh tế do COVID-19. Ảnh hưởng của thảm họa này với nước Mỹ nói chung và chính quyền Tổng thống Trump nói riêng lớn đến độ ông “không thiết” quan tâm đến vấn đề nào khác nữa. Nhưng, Iran thì có lý do để quan tâm. Dịch COVID-19 ở Iran đã có dấu hiệu tạm lắng và vấn đề lớn nhất của họ bây giờ là giá dầu.
Giá dầu thế giới đang rớt thảm hại trong thời gian qua tác động cực lớn đến một quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ như Iran và họ thực sự lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Dễ dàng để những nhà hoạch định chiến lược của đất nước Hồi giáo này nhìn ra một cơ hội tác động vào giá dầu nếu làm cho tình hình ở rốn dầu của thế giới căng thẳng hơn một chút.
Bản thân người Iran có lẽ cũng nhận thức: Nếu họ không đi quá đà thì mọi chuyện vẫn ổn nên những hành động khơi mào cũng hết sức hạn chế. Tổng thống Trump sẽ đáp trả nhưng bản nghị quyết của lưỡng viện mới ký cách đây 2 tháng còn chưa ráo mực nên nguy cơ về một cuộc xung đột là rất khó xảy ra.
Chính vì vậy, những căng thẳng bùng lên trong giai đoạn này giữa Mỹ và Iran chủ yếu là qua những tuyên bố của đôi bên chứ không biến thành hành động cụ thể nào. Đối với cả hai, việc tạo nên một chút xáo động ở bên ngoài cũng làm giảm bớt sự chú ý vào những khó khăn nội tại bên trong mà họ đang phải đối mặt.
Chỉ thế thôi. Chiến tranh sẽ không bao giờ là lựa chọn hàng đầu, của bất cứ ai.