Tiến sĩ Trần Bách Hiếu (Đại Học Quốc gia Hà Nội):

Muốn không phải chọn phe, các nước nhỏ cần đồng thuận

Thứ Ba, 15/09/2020, 13:50
Nguyên tắc đồng thuận phải mang tính chất là tham biến lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực, coi đấy là tính chất số 1 thì mới đồng thuận được. Chứ nếu ai đó xác định lợi ích của mình với một quốc gia bên ngoài tổ chức là cao hơn tất cả thì trong ASEAN sẽ không thể có đồng thuận. 


Những ngày cuối tháng 8 chứng kiến những cuộc tập trận liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo báo chí nước này, ít nhất 2 quả tên lửa đã rời khỏi bệ phóng sau khi Trung Quốc phát hiện máy bay U2 của Mỹ đi vào vùng tập trận của mình. Đáp lại, tàu Mỹ tiếp tục vào Biển Đông, thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải mình theo đuổi. Cuộc đối đầu Mỹ - Trung ở Biển Đông liệu có tạo ra nguy cơ xung đột? Và đến một lúc nào đó, liệu các nước nhỏ trong ASEAN có phải chọn phe trong cuộc đối đầu này?

An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng trao đổi với tiến sĩ Trần Bách Hiếu, chuyên gia nghiên cứu chính trị học và quan hệ quốc tế, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

- Nhà báo Phan Đăng: Ở góc độ của một nhà quan sát, anh có suy nghĩ thế nào trước thông tin ít nhất 2 quả tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống Biển Đông?

- Tiến sĩ Trần Bách Hiếu: Việc bắn tên lửa có ý nghĩa rất đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nó khiến nhiều bên liên quan đến Biển Đông phải bất ngờ, vì nó dường như mang theo thông điệp Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực ở một khu vực có tranh chấp.

- Vậy còn lý do mà một tờ báo Trung Quốc đưa ra: Trung Quốc chỉ bắn tên lửa sau khi thấy máy bay U.2 của Mỹ xuất hiện trong khu vực tập trận đã được thông báo trước của mình? 

- Theo tôi, đây mới chỉ là những thông tin mà chúng ta biết được qua báo chí, còn cụ thể mọi chuyện như thế nào thì vẫn phải tiếp tục theo dõi một cách kỹ lưỡng. Nhưng, rõ ràng là Trung Quốc ngày càng khẳng định và muốn khẳng định rằng những vùng biển, vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố thì nó thuộc dạng bất khả xâm phạm. Ngược lại, Mỹ và những đồng minh của Mỹ lại tin rằng tự do hàng hải cũng là quyền bất khả xâm phạm của mình.

- Hai quan điểm này rõ ràng quá vênh nhau!

- Mà những động thái này lại nằm trong một chuỗi các động thái mà Mỹ và Trung Quốc đang dàn ra để đối đầu toàn diện với nhau. Ai cũng hiểu cuộc đối đầu toàn diện này không chỉ có mỗi mặt trận Biển Đông, mà còn nhiều mặt trận khác như thương mại, khoa học công nghệ, các vấn đề về quyền con người. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nhận xét rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đang rơi tự do.

Với riêng mặt trận Biển Đông, trong một bối cảnh chung như vậy, chúng ta có thể rút ra 2 điều. Một, lợi ích của hai bên không dừng lại ở vài cuộc tập trận, vài chuyến bay thăm dò hay vài quả tên lửa được phóng ra. Tất cả những điều này chỉ là biểu hiện cho việc cả hai bên đều đang theo đuổi những lợi ích cốt lõi của mình. Hai, Biển Đông vì vậy đang được giới nghiên cứu ví như một thùng thuốc súng.

- Trong quan hệ quốc tế, có không ít trường hợp các bên chủ động tạo ra tình trạng căng thẳng như “thùng thuốc súng” nhưng cũng đủ khôn ngoan để khiến cái “thùng thuốc súng” không phát nổ. Trường hợp cụ thể này thì sao? Theo anh, số phận của “thùng thuốc súng” này như thế nào?

- Tôi nghĩ là bất chấp tình trạng “thùng thuốc súng” thì khả năng đối đầu quân sự Mỹ - Trung bây giờ rất khó xảy ra. Bởi sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế này cũng như sự phụ thuộc của mỗi bên vào nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Một cuộc đối đầu quân sự lúc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của cả hai bên. Mà với cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Donald Trump thì lợi ích quốc gia đương nhiên vẫn quan trọng hơn tất cả.

- Từ nhiều năm nay, ông Tập Cận Bình rất muốn thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, còn ông Donald Trump theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết”?

- Đúng vậy! Trong câu chuyện cụ thể của hai nước lớn này, cả hai đều mong muốn đạt được lợi ích về phía mình mà không phải thông qua quân sự. Họ có thể đẩy và sẽ tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao, thậm chí là rất cao. Và họ muốn đạt được lợi ích từ những căng thẳng đó.

- Vậy thì các nước nhỏ có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông như các nước trong khối ASEAN sẽ phải ứng xử thế nào trước tình trạng này?

- Ai cũng biết, Biển Đông có một nguồn tài nguyên thiên nhiên cực kỳ lớn. Đó không chỉ là tài nguyên về thủy, hải sản mà còn là dầu mỏ và băng phiến. Riêng với Trung Quốc, họ hiểu rằng phải làm bá chủ Biển Đông thì mới có cơ hội làm bá chủ thế giới. Nhưng, cuộc chơi của thế kỷ 21 không đơn giản theo kiểu: anh cứ muốn là được! Bởi vì nhiều quốc gia đều có lợi ích, đều có truyền thống đi lại, khai thác ở khu vực này và trên tất cả là mọi nước đều phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế, chứ không phải luật riêng của một anh cả nào.

Trong năm nay, khi vấn đề Biển Đông có nhiều diễn biến như chúng ta vừa nói thì chắc chắn các nước ASEAN sẽ có những bàn thảo quan trọng để giúp khu vực không bất ổn. Ví dụ phải làm thế nào để xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông? Bây giờ là đầu tháng 9, chuẩn bị đến giai đoạn cuối năm 2020 rồi. Khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra và mục tiêu là ASEAN phải ra được tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tới các vấn đề ở Biển Đông.

- Xét về mặt nguyên lý, bất cứ nước nào trong khối ASEAN cũng hiểu thời buổi này, chọn một bên để chống một bên là hạ sách. Nhưng, có bao giờ xảy ra tình trạng: các nước nhỏ rơi vào cảnh bắt buộc phải chọn phe  hay không? 

- Xét về mặt nguyên lý, đã là một cá thể - một con người - một quốc gia độc lập thì không ai muốn phụ thuộc vào người khác, đánh mất tự do của mình cả. Nhưng, trong lịch sử, chúng ta thấy là đã từng diễn ra những bối cảnh cụ thể rất khủng khiếp. Nó cuốn các quốc gia vào những cuộc chọn lựa nào đó, tạo ra những mâu thuẫn, xung đột nào đó. Điển hình nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng, chúng ta phải phân tích rằng bối cảnh bây giờ không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh nữa. Thời đó đối đầu ý thức hệ rất cao, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chưa lớn và toàn cầu hoá diễn ra chưa mạnh. Bây giờ thì khác rất nhiều và đấy là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, bản thân các nước cũng nhận ra những bài học đau xót trong việc chọn lựa giữa phe này với phe kia. Việt Nam chúng ta đã từng là đồng minh của Mỹ trong một đoàn quân thời chống phát xít nhưng rồi lại trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ khi Mỹ chia cắt miền Nam sau năm 1954. Rồi kể cả với Trung Quốc, rõ ràng họ từng là đồng minh trong phe cộng sản của chúng ta nhưng sau đó lại có chuyện mất niềm tin, dẫn đến cuộc Chiến tranh biên giới 1979 hay đụng độ ở Gạc Ma năm 1988. Tất cả điều đó giúp chúng ta và nhiều nước nhỏ như chúng ta tự trả lời được câu hỏi: trở thành đồng mình cả các nước lớn là an toàn hay không an toàn? Một ví dụ mới nhất, Philippines là đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng năm 2012, khi Trung Quốc va chạm với Philippines ở bãi cạn Scaborough thì Mỹ đã làm gì? Tất cả chúng ta đều hiểu và các nước nhỏ ngày càng hiểu điều này hơn bao giờ hết.

Trở lại câu chuyện Mỹ - Trung mà cả hai bên vừa đối đầu lại vừa có những mặt quan hệ nhiều chiều, phụ thuộc lẫn nhau, chắc chắn bài toán tối ưu cho các nước nhỏ là phải làm gì để vừa không phải ngả hẳn về một bên, vừa giữ được lợi ích cơ bản của quốc gia mình. Và quá trình này phải dựa trên những nguyên tắc như tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế. Nước nào thượng tôn luật pháp quốc tế, nước ấy sẽ là bạn mình. Nước nào đi xa khỏi tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, nước đó sẽ bị lên án.

Tuy nhiên, muốn làm được những điều như vậy thì các quốc gia này nhất định phải xây dựng cho mình nội lực đủ mạnh. Chỉ có như thế mới có thể tạo được sự thiện chí, thiện cảm của các nước khác và thậm chí mới hút được sự tranh thủ của cả Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ - Trung đối đầu hiện nay.

- Để tránh phải chọn phe thì việc các nước nhỏ liên kết lại với nhau cũng là một điều hết sức quan trọng?

- Một là phải tập hợp lực lượng đủ mạnh để bảo vệ được lẫn nhau. Hai là xác định được cả trong lịch sử lẫn thực tiễn rằng, từng nước nhỏ riêng lẻ rất khó ôm lấy một ông đồng minh to lớn nào đó để hy vọng họ sẽ bảo vệ lợi ích cốt lõi cho mình. Cùng nhỏ, cùng một ý thức, cùng sống trong thế kẹt giữa các ông lớn thì nhất định phải tạo được một sự kết nối chung. Điều này cùng với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương sẽ giúp cho các quốc gia này đạt được lợi ích tốt nhất khi cùng phải đối diện với những toan tính của các siêu cường.

- Nhưng, những gì diễn ra ở Tổ chức ASEAN cho thấy không phải lúc nào các nước nhỏ cũng có thể dễ dàng liên kết lại. Chúng ta đều nhớ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012 từng không ra được tuyên bố chung.

- Chính xác! Khi nói về ý trước là đã phải nghĩ ngay đến ý này rồi. Có một thực tế là các nước nhỏ thì nền kinh tế yếu. Nền kinh tế yếu thì sự phụ thuộc vào bên ngoài là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa này. Khi một nước nào đó vì lợi ích riêng bắt tay với một nước lớn bên ngoài thì rõ ràng là khối thống nhất của ASEAN không được duy trì nữa.

Chúng ta đơn cử trường hợp của Campuchia, cũng là thành viên của ASEAN, cũng có một phần lợi ích ở Biển Đông nhưng lợi ích đó nhỏ hơn so với các quốc gia khác, vì chủ yếu biển của Campuchia nằm ở vịnh Thái Lan. Và anh vừa nhắc lại chuyện khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN năm 2012 thì ASEAN đã chứng kiến một vết nhói thực sự trong lòng mình.

Năm đó, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia không ra được tuyên bố chung, cho dù năm đó những hành động của Trung Quốc trên biển là cực kỳ mạnh mẽ. Nhiều người nói rằng, những gì diễn ra năm đó giống như một cú vả đau đớn vào nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Qua đây ai cũng thấy là ASEAN chỉ thực sự mạnh và lợi ích của các quốc gia chỉ có thể được bảo vệ khi niềm tin của các quốc gia đối với tổ chức của mình thật sự cao và tổ chức cũng phải thực sự bảo vệ lợi ích của từng quốc gia.

Ở đây, nguyên tắc đồng thuận phải mang tính chất là tham biến lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực, coi đấy là tính chất số 1 thì mới đồng thuận được. Chứ nếu ai đó xác định lợi ích của mình với một quốc gia bên ngoài tổ chức là cao hơn tất cả thì trong ASEAN sẽ không thể có đồng thuận.

- Vấn đề nằm ở chỗ: Điều gì đảm bảo là lịch sử không lặp lại? Điều gì đảm bảo là ASEAN sẽ đồng thuận thực sự và câu chuyện năm 2012 chỉ là một ngoại biệt hiếm hoi?

- Ngay từ khi thành lập, đặc biệt đến Hiệp ước Bali 1976 thì nguyên tắc đồng thuận càng được nhận thức rõ. ASEAN thể hiện mình là một tổ chức rất là hợp tác, thân thiện, hòa bình. Tức là mọi chuyện trong tổ chức này rất là nhẹ nhàng, không có gì phải căng thẳng cả. Mặc dù khi thành lập năm 1967 thì trong tổ chức này cũng có những tư tưởng chống Cộng nhưng ngay khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì các quốc gia thể hiện rõ tinh thần muốn hợp tác.

Thực tế khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam năm 1975 thì ở Đông Nam Á xuất hiện một “khoảng trống quyền lực”. Và, đến tận bây giờ, ở Đông Nam Á cũng không có một quốc gia nào nổi bật hẳn lên. Chỗ này chúng ta thấy ASEAN khác hẳn EU. Ở EU vẫn có những quốc gia đàn anh dẫn dắt cuộc chơi, như Đức và Pháp. Nếu EU ngày càng gắn chặt và trở thành một siêu nhà nước theo một cách nào đó thì ở ASEAN sự kết nối kinh tế giữa các quốc gia vẫn chưa thật chặt chẽ, đồng tiền chung ASEAN vẫn là câu chuyện mơ hồ.

- Người dân của các nước EU cảm thấy khó chịu khi phải nói về khái niệm “đường biên giới”. Ai cũng biết câu chuyện rất nổi tiếng rằng đường biên giới giữa Bỉ và Hà Lan chạy ngang qua một nhà hàng. Nhưng ở Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì dẫu có nhắm mắt cũng không thể tưởng tượng nổi một ngày một đường biên giới như thế sẽ xuất hiện giữa Thái Lan và Campuchia.

- Cho nên đây là một câu chuyện cực khó với ASEAN. Tôi quan sát mấy năm gần đây thì thấy trách nhiệm của tập thể với từng thành viên trong ASEAN có cao hơn. Và theo tôi, nó đến từ sự xung đột lợi ích Mỹ - Trung ở khu vực này. Và tôi nghĩ, nó sẽ tiếp tục được đẩy lên cao nữa nếu tất cả các thành viên ASEAN đều ý thức được vai trò trung gian của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Vai trò trung gian?

- Đúng rồi! Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, người ta từng đặt ra câu hỏi: Liệu có thể giữ sự ổn định chung bằng cách chấp nhận để ai đó là “anh cả” được không? Mỹ ư? Chắc chắn Trung Quốc không muốn. Trung Quốc ư? Chắc chắn Mỹ không muốn. Hay Nhật Bản, Hàn Quốc? Không ai muốn một quốc gia cụ thể nào cả. Thay vào việc tìm một quốc gia anh cả theo kiểu này người ta sẽ dễ chấp nhận hơn với một cơ chế trung gian, kiểu như ASEAN. Bởi ASEAN đe dọa ít nhất tới quyền lợi của Mỹ và Trung Quốc. ASEAN cần phải ý thức rõ trách nhiệm cầu nối trung gian của mình ở khu vực này. Và muốn vậy, ASEAN phải tìm cách đồng thuận tốt hơn. Vấn đề là làm thế nào để đồng thuận tốt hơn?

Có người từng đặt ra chuyện: phải chăng đã đến lúc thay đổi nguyên tắc đồng thuận của ASEAN? Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số có thể giúp ASEAN đồng thuận hơn, ra quyết định chung nhanh hơn, từ đó phản ứng hiệu quả hơn trong nhiều vấn đề.

Còn nếu cứ phải đợi tới sự đồng ý của 10/10 thành viên thì quả là rất khó!

-  Xin cảm ơn anh!

Trung Quốc muốn ai làm tổng thống Mỹ?

- Chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhệm kỳ mới. Theo anh, cuộc bầu cử này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai?

- Theo quy định của Hiến pháp Mỹ thì quyền hạn của Tổng thống Mỹ là rất lớn. Ông ấy đứng đầu nhánh hành pháp, dưới tổng thống không có thủ tướng, nội các hoàn toàn do tổng thống thành lập. Cho nên trong 3 tháng tới, việc Tổng thống Mỹ là ai giống như một lá bài quyết định cho cục diện cụ thể của mối quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai.

- Tổng thống đương nhiệm Donald Trump dường như là vị tổng thống có thái độ mạnh mẽ nhất với Trung Quốc từ năm 1978 đến nay?

- Chúng ta theo dõi 4 năm cầm quyền của ông Trump và thấy rằng chưa bao giờ đối đầu Mỹ -  Trung căng thẳng, diễn ra trên nhiều mặt trận như bây giờ. Tổng thống Donald Trump nói gì khi tranh cử thì sau đó làm đúng như vậy. Nói là làm. Ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã nói ngay rằng trong mối quan hệ Mỹ - Trung thì Mỹ đang thiệt về kinh tế, rồi vấn đề bản quyền, vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề chuyển giao khoa học và công nghệ. Và khi không có được sự thỏa thuận thì căng thẳng giữa hai bên cùng leo thang. 

Trong tranh cử tổng thống nhiệm kỳ này, ông Donald Trump đã coi vấn đề Trung Quốc là vấn đề số 1 trong mọi vấn đề. Ông bảo: Nếu người Mỹ ủng hộ ông Joe Biden thì Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ trong thời gian tới. Còn nếu ủng hộ ông thì Trung Quốc không thể thực hiện được những chiến lược  mà Trung Quốc mong muốn.

- Tức là nếu ông Trump đắc cử, cuộc đối đầu Mỹ -  Trung vẫn sẽ được duy trì?

- Tôi nghĩ là không những duy trì mà ông ấy còn có thể làm mạnh hơn. Tổng thống Donald  Trump nhiều khi bị đánh giá là cảm tính nhưng nếu nhìn vào những diễn biến gần nhất, trong mối tương tác với Trung Quốc thì tôi lại thấy sự cảm tính giảm đi và tính bài bản và hệ thống tăng lên. Nếu nhìn vào bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Thư viện Nixon mới đây, chúng ta thấy rằng những chính sách mà Mỹ thực hiện với Trung Quốc là rõ nét.

Ông Pompeo giải thích về việc Trung Quốc đã làm gì, đã lợi dụng Mỹ, đã đạt lợi ích như thế nào trong nhiều năm qua. Có nghĩa là mọi thứ diễn ra hệ thống, bài bản, rõ ràng, chứ không dừng lại ở một vài phản ứng, một vài dòng Twitter cảm tính nữa. Tôi có cảm giác rằng những chiến lược, sách lược ứng phó với Trung Quốc trong tương lai đã được đặt lên bàn ông Trump rồi và nó đã được hoàn thiện ở mức cao hơn trước rất nhiều. Chỉ đợi đến lúc ông Trump đắc cử để thực hiện thôi.

- Còn ông Joe Biden thì sao, theo anh? 

- Trong quá trình vận động tranh cử, ông Joe Biden cũng thể hiện quan điểm rằng ông ấy không phải là người gần gũi với Trung Quốc. Nhưng, rõ ràng là trong vấn đề này, ông Trump thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Có thể vì ông ấy đang là tổng thống đương nhiệm. Chiến thuật tranh cử của ông Joe Biden là đi theo cửa ngách, tức là đánh vào những vấn đề mà theo ông ấy là có thể khiến ông Donald Trump thất thế, ví dụ như vấn đề chống COVID-19, vấn đề người Mỹ thất nghiệp, vấn đề người Mỹ da màu.

- Mới đây có một bài báo Trung Quốc nói rằng, ông Trump thực hiện chính sách đối đầu Trung Quốc quyết liệt nhưng nước Mỹ dưới thời ông ấy cũng có những rạn nứt lớn với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là trong khối NATO. Cho nên, không loại trừ khả năng, Trung Quốc muốn ông Trump đắc cử để tiếp tục khoét vào sự rạn nứt này. Anh nghĩ sao? 

 - Ngay khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016 và đưa ra khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã có nhiều học giả đặt câu hỏi: Phải chăng Mỹ sẽ chủ động lui về, không còn thể hiện vai trò “anh cả” thế giới nữa? Tuy nhiên, bây giờ nhìn nhận tổng quan, chúng ta lại thấy: Dù Mỹ có thể tuyên bố rút khỏi các hiệp định đa phương và đòi hỏi vai trò bình đẳng hơn với các đồng minh trong việc đóng góp lợi ích trong NATO thì thực tế là nước Mỹ vẫn đang cuốn các nước khác vào luật chơi của mình. 

Do vậy, đừng nghĩ rằng một nước nào đó có thể sẽ thay Mỹ thực hiện vai trò “anh cả” trong thời gian tới. Cụ thể, chỉ cần Mỹ thực hiện các chính sách đối đầu toàn diện, liên hoàn với Trung Quốc thôi sẽ đủ thấy Trung Quốc rất khó để phất lên làm “anh cả”. 

- Anh dự đoán rốt cuộc ai sẽ trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới?

- Tôi rất muốn nhìn thấy sự đi tiếp trong 4 năm nữa của ông Trump. Bởi 4 năm qua, nhiều chính sách, nhiều con đường của ông ấy vẫn đang dang dở. Đấy là một chút suy nghĩ cá nhân để tôi đưa ra dự đoán ông Trump thắng cử!

Phan Đăng (thực hiện) - Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa
.
.