Tết - nếp nghĩ theo ký ức trôi

Mùi Tết đâu đây

Chủ Nhật, 07/02/2016, 16:55
Không thể lẫn. Và cả những tịnh không phăng phắc trầm nhang thời khắc giao thừa… Nhưng, đâu đây còn một ký ức thẳm sâu khác. Ký ức mùi vị. Là hương Tết.

Trong muôn vàn ký ức yêu thương suốt đời người, những ký ức trong trẻo, non xanh, thân thương mà thiêng liêng nhất là ký ức Tết. Ký ức của những hình ảnh, chồng lớp, đan xen. Là cúc vàng li ti rắc như sao trời trên xanh thẫm mênh mang những vạt hoa ngoại ô. Là lấm chấm đào hồng từ vườn Nhật Tân về sáng bừng cả góc phố ngày đông ảm đạm. Là sắc màu rực rỡ chợ hoa Hàng Lược… Là xanh lá bánh chưng, là hồng đôi câu đối, là những vỉa hè đẫm mưa đỏ xác pháo bời bời. Là ký ức âm thanh ngày cuối năm, là chuyển động náo nhiệt của người, xe, là tiếng người bán mua ngoài chợ. Không thể lẫn. Và cả những tịnh không phăng phắc trầm nhang thời khắc giao thừa… Nhưng, đâu đây còn một ký ức thẳm sâu khác. Ký ức mùi vị. Là hương Tết.

1. Mùi vị Tết, mùi hương từ bao năm trong tôi có lẽ thực bắt đầu từ những tinh mơ chớm Chạp. Sương đã dày thêm, nặng thêm, bám ướt trên tóc trên vai. Mùi không khí đẫm hơi nước, xen mùi trong và mát lạnh của sương, mùi phấn hoa, mùi của những cánh hoa dập ướt sũng nước chị hàng hoa rong vừa ngang phố… Xuân gần lắm rồi, trong không khí đặc quánh và nặng trĩu, như không đỡ nổi làn khói nhà ai vượt làn sương mà bay lên…

Tết ngày bé của tôi là ký ức một Hà Nội thiếu thốn, nhưng bởi thế mà thương. Đâu đây mùi sợi len mới tinh màu hoa mười giờ mẹ đan, những cuộn len thơm mùi xa xỉ người bạn mẹ ở nước ngoài về tặng.  Nhưng tôi, con bé 7 tuổi đã không dám tỏ ý hãnh diện với bạn phố. Tết là giấc mơ của đám trẻ, nhưng trong mơ nhiều bạn vẫn cũ áo quần. Tết lo toan. Tết của thời xếp hàng. Mua gạo, mua dầu, mua thịt, mua bánh mứt… gì cũng xếp hàng cả, và rồng rắn lên mây thành hàng ấy chính là lũ trẻ con. Thiếu thì thiếu chứ ba ngày tết nhà nào cũng cố đủ cho các con, từ thịt gà, bánh chưng, thịt đông, cá kho,…và bánh mứt. 

Giờ ra chợ, mọi thứ sẵn có, một cái tết chỉ cần có tiền thì trong chẳng quá một giờ đồng hồ cũng sắm sanh xong. Nhưng Tết của ngày khó cái gì cũng là tự tay làm lấy. Giữa tháng Chạp, góc phố đã loang mùi thơm phức vani từ những xưởng làm bánh quy. Lũ chúng tôi lóc nhóc mang bột, mang trứng, mang đường đến đó thuê làm. Những túi bánh có tên ngộ nghĩnh “quy gai xốp” ấy luôn làm ứa nước dãi. Tiếng là để cho 3 ngày Tết nhưng chả gì ngăn nổi mùi thơm cám dỗ ấy. Đám trẻ thậm thụt, thèm thuồng cứ lén ăn trước mỗi ngày một tí, và thế là đến chiều 30 thì túi bánh đã vơi, lắm khi gần hết! Giận mà thương lắm, nên bố mẹ nào mắng bao giờ…

Với lũ con gái thì Tết là lúc để bày trò. Trong những căn bếp nhỏ, mùi nồng cay mứt gừng, mùi thơm mát “như xà phòng” của mứt dừa, mùi chua chua ngọt ngọt trên những chảo ô mai nghi ngút khói… Rồi mùi đường mỡ ngọt ngào bay lên trong tiếng lèo xèo từ chảo mỡ sôi réo của món “bánh nhúng” mà đám con gái tuổi cập kê thích mê. Sau ông Công ông Táo thì đến cữ chuẩn bị gói bánh. Đám trẻ rủ rê nhau cùng rửa lá dong, ngâm gạo, đãi đỗ, vừa làm vừa cười ghẹo nhau váng trời. Lạnh đến cắt da cắt thịt mà lũ trẻ tay ngâm trong nước, tê cóng, vẫn miệt mài kỳ cọ từng khe lá, tẩn mẩn gạt từng lớp vỏ đỗ, đãi tí một cho đến khi nào sạch tinh. Xong xuôi thì bàn tay đã gần như hóa đá, đến mức phát cước lên.

Sung sướng nhất là sau màn gói bánh, bếp được bắc. Bọn trẻ thi nhau xung phong trông bánh. Ngồi quanh bếp lửa sôi lục bục, chìa bàn tay cứng lạnh, đỏ ửng, hơ hơ cho ấm lại, chốc chốc bốc nắm trấu khô ném vào lửa, bùng lên như pháo hoa. Mùi nếp, mùi đậu và thịt cứ quyện vào nhau quyến rũ theo khói nghi ngút bay lên, mùi khoai vùi trong bếp sém vàng thơm phức. Tiếng lửa tí tách, mùi nhựa chảy ra từ những thanh củi trong ánh lửa bập bùng... 

Rồi bánh cũng đến lúc được vớt ra, thơm ngào ngạt mùi Tết, quyện với sực nức mùi canh măng, mùi hăng hăng của dưa hành, mùi nấm, mùi lá rau thơm đủ loại đặc trưng những loài rau lạnh miền Bắc. Tất cả mùi vị như đậm đặc nhất trong ngày ba mươi, trong bữa cơm tất niên sum họp mỗi nhà. Để tiễn biệt một năm qua và cũng là mâm cơm thật thịnh soạn mời ông bà về ăn Tết.

Thương yêu nhất là buổi chiều cuối cùng năm cũ. Sau bữa cơm tất niên, tôi dọn lại nhà cửa thật tinh tươm, cắm thêm hoa vào bình, sắp sẵn bàn thờ cúng Giao thừa… Và đến những thời khắc tôi dành riêng cho mình và lũ trẻ. Luôn là màn thanh tẩy nghi lễ nhất trong năm với lá mùi già, nếp cũ từ ngày còn ở với mẹ. Mấy bó mùi đã được mua từ vài hôm trước, để sẵn đó như xông hương sực nức cả căn nhà. Những cành mùi già, lá xanh đậm xanh nhạt, hoa trăng trắng phớt tím như màu khói, chen chi chít những trái mùi bé xiu.

Giữa chợ nhiều hoa sặc sỡ sẽ ít ai để ý đến những bó mùi ấy, nhưng chỉ cần ngang qua, bạn sẽ phải ngoái lại. Bất giác bạn muốn cầm lên, muốn ngắt mấy chấm hoa li ti miết nhẹ nhẹ, đưa lên mũi hít hà cái mùi thơm đặc biệt không thể tả ấy... Dù không mua, bó mùi đặt lại, nhưng hương mùi vẫn đó, trên từng ngón tay,… vấn vương, ngào ngạt, nhưng thầm kín lạ lùng. 

Giống như mẹ, tôi lấy một chiếc chậu to được cọ sạch sẽ chờ sẵn. Đổ nước lạnh vào nồi, vo bó mùi già hòa trong nước, đậy chiếc vung lên. Lửa đỏ rực chẳng mấy chốc là sôi, là thơm, là múc ra rồi bưng vào nhà tắm. Ngâm mình trong đó, cảm giác thư thái và an nhiên tuyệt vời! Từ phòng tắm ra, cả người lẫn tóc thơm lừng lá mùi, xỏ lên mình bộ đồ mới, tôi lượn một vòng qua phố để ngắm chiều ba mươi. Hà Nội thật thơ nhất lúc này, khi chạy xe chậm chậm qua những con phố xao xác, lác đác đâu đây còn những người bán hoa, bán cây, bán đồ tết, cố nấn ná bán nốt rồi vội về sửa soạn lễ giao thừa…

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Con gái học xa nhà đến nửa vòng trái đất. Tết năm đầu biết con không thể về, tôi ngẩn ngơ. 18 tuổi một mình nơi ấy, còn có gì làm con luyến cố hương? Khác biệt lối sống, khác biệt văn hóa, học hành hối hả, giữa bạn bè đa sắc tộc từ khắp nơi… 

Rồi nữa, sau tất cả những lễ hội náo nhiệt, hết Halloween, đến Chrismas và Năm Mới... cái tết Nguyên đán ở nhà có bị rơi tõm, chìm nghỉm vào một núi công việc học hành và bè bạn của con hay không? Nhưng tôi đã bị lo thừa. Chợ châu Á như kéo gần và xóa nhòa không gian xa cách. Cơm Việt, và bạn Việt không gì thay thế được, dù yêu các bạn Mỹ và cơm Mỹ đến bao nhiêu. Và hiển nhiên, cái Tết Việt cũng thế. 

Năm trước, con vừa thi xong môn cuối kỳ đã điện thoại nhắn nhe, mẹ nhớ nhé, là chụp thật nhiều ảnh. Chụp từ những lúc mẹ đi sắm tết, từ khi phố xá nhộn nhịp vào những ngày cuối năm, chụp ảnh chợ hoa, chụp nhà mình sửa soạn gói bánh, nấu bánh,… tất tật nhé! Rồi gửi con. Ôi, trên trang facebook cá nhân, con up những bức hình ấy lên và nhấm nháp cái tết theo cách của con cho đỡ nhớ. Giao thừa. Bên này mẹ bật skype, con nhìn ba sửa soạn lại ban thờ và thắp nhang khấn tổ tiên, bên kia con cứ lặng người đi như chìm trong mùi trầm nhang linh thiêng ấy. Con bảo mẹ xoay máy lại, cho con khấn ông bà. Rồi chắp tay thành kính con cầu khấn một năm mới bình an. Khói nhang từ tận bên này, nhưng cũng đủ làm con cay cay mắt…

Năm nay được nghỉ Năm Mới dài, lập tức con tìm về. Con bảo, mẹ đừng lo nhé, con sẽ đủ tiền vé. Về để còn hưởng chút lạnh Hà Nội. Chỉ có Hà Nội mùa đông mới thực Hà Nội mẹ ạ. Và không kịp chờ Tết nhưng con vẫn có được vài ngày chớm Chạp vào Xuân. Nhà tôi làm Tết sớm. Đủ hết thân thương bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, canh măng canh miến, giò xào nem chả,... Rồi cả nhà dắt nhau xuống vườn, ôm về một cành đào bung hoa sớm. Hoa thược dược đủ màu, violet tím tròn đầy một chiếc chum sành nơi góc nhà. Con bảo, thế là mãn nguyện…

3. Nhà ga sân bay rộng hoành tráng, và ồn ã người. Đang nối trong dòng người xếp hàng chờ check in, chợt con gái níu tay tôi thầm thì: Mùi mẹ ạ! Đúng là mùi rồi, không lẫn được! Ôi đúng mùi Tết đây. Giữa cái không gian rộng khắp và trống trải đến thế này, giữa bao người đến kẻ đi, giữa bao lưu luyến đưa và tiễn,… chợt ngào ngạt hương mùi. Hương của những cành mùi già trĩu trịt hoa trong lễ tẩy trần ngày 30. 

Hương của tết! Tôi ngó quanh. Chỉ toàn những vali, những kiện hàng kín bưng chen giữa một dãy dài các anh Tây mũi lõ và 2 cô gái tóc vàng. Bên kia là mấy nhóm bạn chắc cũng du học sinh quay lại đi học như con gái. Tuyệt không ai cầm bó mùi nào trên tay cả. Con lại ghé tai thầm thì, mà lạ nhỉ, chắc ai đó giấu trong mấy túi hành lý kia…, làm sao mà lọt qua nhập cảnh được? Ai trong những người trẻ tha hương kia đã âm thầm lén giấu mùi hương ấy mang theo?...

Bất giác, tôi run lên khi thấy con gái hơi ngả đầu ra sau, khẽ khép mi mắt lim dim, hít một hơi thật dài… Và trên môi con là một nụ cười ngời sáng. Hương Tết. Hương Tết vẫn còn đây…

Nguyễn Ngọc Mai
.
.