Một góc nhìn về kẻ nhút nhát mang tên... Hạnh Phúc

Thứ Ba, 23/02/2021, 10:16
Con người, từ bấy lâu nay, luôn giữ cho mình một khao khát đã trở thành nỗi ám ảnh: hạnh phúc. Nhiều người dành cả đời để tìm kiếm hạnh phúc, trong một hành trình hoàn hảo không hề có nỗi đau. Vậy nhưng, một số quan điểm tâm lý học cho rằng càng theo đuổi hạnh phúc, cuộc sống dường như càng thêm bất mãn cùng bế tắc, áp lực. Khi ấy, bí quyết chạm tới hạnh phúc đơn giản là hãy ngừng chạy theo nó.

Những ảo mộng trong não

Nhiều người cố gắng theo đuổi trạng thái họ gọi là “bất biến” của hạnh phúc, giống như một trong số những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời. Họ tìm cách né tránh bất cứ thứ gì có thể khiến bản thân trật ra ngoài đường ray hạnh phúc ấy, mà không biết rằng tất cả lại càng khiến hành trình hạnh phúc trở nên xa vời.

Người ta thường khuyên nhau rằng, hãy cố thử tưởng tượng ra thành tựu để thấy thoả mãn với chính mình. Chẳng hạn, học sinh mơ màng về chiếc áo tốt nghiệp cử nhân như thắng lợi đầu đời, một cô gái trẻ tuổi tham vọng chiếc huy chương vàng kỳ thế vận hội, hay một anh chàng “quá khổ” ao ước diện những bộ đồ vừa vặn sau thời kỳ giảm cân... trong tưởng tượng.

Hạnh phúc là kẻ nhút nhát, ngừng đuổi theo thì tự nhiên nó sẽ đến

Khoa học cho rằng, những ảo mộng hư cấu bởi não bộ, dù tác động tích cực đến tâm lý của con người, nhưng về lâu dài dễ gây hiệu ứng tiêu cực. Kết quả nghiên cứu của đại học New York với các tình nguyện viên ăn kiêng phát hiện nhóm cá nhân “luôn mơ về cân nặng lý tưởng cùng một cơ thể cân đối” lại giảm cân ít hơn so với những người “chẳng muốn nghĩ gì”.

Bên cạnh đó, quan sát tiến độ học tập của một nhóm sinh viên trong vòng hai tháng cũng khiến giới khoa học phải giật mình. Mơ mộng về bài kiểm tra điểm cao, từng phần học bổng giá trị và công việc tương lai trong những dòng suy nghĩ “hoàn hảo” đang dần thu hẹp quỹ thời gian học tập của sinh viên, khiến họ khó đạt mục tiêu kỳ vọng.

Nhiều thử nghiệm đã chỉ ra mặt tối của tham vọng đi tìm hạnh phúc. Không chỉ khiến con người mất dần niềm vui, ước muốn được hạnh phúc dễ tạo nên trạng thái trống rỗng. Chúng ta quá chú tâm đến bản thân, mà quên mất những người xung quanh, thậm chí từ bỏ nhiều mối quan hệ để tập trung hoàn thành mục tiêu của mình. Chưa hết, hành trình đi tìm hạnh phúc còn gây nên một vài hiệu ứng kỳ lạ đối với cảm nhận thời gian. Lo sợ bỏ lỡ cơ hội khiến não bộ liên tục phát đi tín hiệu “phải thật nhanh, phải thật gấp” vì đời này quá ngắn ngủi, rằng những thứ khác không còn quan trọng so với cảm giác được thoả mãn với niềm vui cá nhân. Khi ấy, chúng ta có lẽ không còn tìm thấy ý nghĩa ở những điều nhỏ bé, tưởng như rất vụn vặt mà kỳ thực lại mang ý nghĩa nhất định trong cuộc sống.

Lời giải thích cho hiện tượng thú vị này liên quan đến cảm giác thoả mãn với hiện tại, quên đi tinh thần chiến đấu đến cùng và khao khát được thay đổi. Một số quan điểm lý giải khả năng ảo tưởng làm giảm tỉ lệ thành công, vẽ đường cho thất bại xuất hiện, và chính thức “hạ gục” não bộ của bất cứ ai. Con người nhìn chung có xu hướng so sánh giữa khát khao (được não bộ vẽ lên) và kết quả thực tế đạt được (do hành động mà thành). Để rồi khi phát hiện ra độ “chênh” lớn, không ít người trải qua cảm giác thất vọng, buồn bã, thậm chí đứng trước nguy cơ trầm cảm kéo dài hàng tháng trời do thất bại. Mọi thứ trở nên hoàn toàn vô nghĩa, cũng chỉ bởi những viễn cảnh xa vời đã giăng màn sương mờ trên hành trình đi tìm hạnh phúc.

Tư duy bóng đèn

Chúng ta cảm thấy tương lai thật tương sáng, và chẳng hề động viên bản thân cần tiếp tục nỗ lực, cũng như đề phòng bất trắc. Trong vô thức, chúng ta luôn huyễn hoặc bản thân rằng mình đã tốt đến vậy rồi, mà vô tình quên mất thực tại vẫn còn nhiều chông gai phải vượt qua. Nhà tâm lý học Gabriele Oettingen đã chỉ ra rằng tư duy tích cực là “một cú lừa”, khiến tâm trí chúng ta bỏ qua những vấn đề có thể được giải quyết trong thực tế. Quả là gượng ép khi nghĩ và tin rằng con người có một loại năng lực chỉ suy nghĩ những điều tốt đẹp ở mọi thời điểm, cũng như giữ sự lạc quan và tích cực suốt 24/7. Đối với tâm lý học, nhiều cuốn sách tự lực (self-help) đang trở thành con dao hãi lưỡi, rằng tư duy tích cực là chưa đủ, và con người cần nhiều hơn thế.

Phản biện khiến bản thân chấp nhận sự khác biệt và rủi ro bên cạnh cơ hội trong hành trình tìm kiếm thành công

Những cá nhân ủng hộ lý tưởng “mơ nhiều thành công sẽ đến” luôn tin vào lối tư duy kiểu bóng đèn (chỉ bật hoặc chỉ tắt) đang hướng đến sự tuyệt đối: A và B không thể xảy ra cùng lúc, và không có gì nằm giữa hai đối tượng này. Với tâm lý học, đây còn được gọi là tư duy nhị nguyên, gồm hai mảng màu đen - trắng hoàn toàn tách biệt, trở thành “kim chỉ nam” của nhiều người vì khiến cái nhìn về cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Vậy nhưng, đời người liệu có bao giờ giản đơn? Ngày nay, khoa học hiện đại tin rằng tư duy nhị nguyên sẽ khó giúp mọi người thực sự chạm tới hạnh phúc trong một thế giới màu xám - đa chiều, đa dạng, đa diện và trộn lẫn mọi giá trị với nhau rất sâu sắc.

Có những người áp dụng lối tư duy này cho những vấn đề lớn như hôn nhân hay xin việc, với hi vọng tư duy tích cực một chiều giúp họ chạm tới hạnh phúc. Vậy nhưng, cuộc sống lại rẽ theo lối mòn, khiến họ lâm vào bế tắc. Sai lầm ở chỗ, những mục tiêu quá lớn lao, tham vọng xa vời chỉ đẹp trong não bộ, còn ngoài đời thực lại khó chạm đích, khiến họ rơi vào vòng xoáy căng thẳng, thất vọng và cô độc.

Chúng ta từng được khuyên hãy giữ lấy một cuốn sổ tay viết về những điều đáng trân trọng, nhằm nhìn lại cuộc sống hiện tại của mình bằng con mắt tích cực. Vậy nhưng, khoa học lại nghĩ khác về “những trang giấy tốt đẹp” kiểu này. Nghiên cứu phát hiện một người có tần suất “đếm” những việc tốt họ làm một lần mỗi tuần thường có xu hướng hạnh phúc hơn so với người đếm ba hoặc bốn lần mỗi tuần.

Thực tế và phản biện

Trong suốt hành trình tiến hoá, não bộ dần hoàn thiện và sở hữu năng lực độc nhất vô nhị, chi phối từ suy nghĩ và cảm nhận cho đến phân tích duy lý. Mặc dù không thể chối bỏ lợi ích của việc tư duy tích cực đối với tinh thần, cơ thể, và các cấp độ căng thẳng, một số nhà tâm lý học tin rằng cần phải tư duy dựa trên thực tế. Theo đó, hạnh phúc cần xuất phát từ đối lập tinh thần, giúp mỗi người đặt ra và đạt tới mục tiêu phù hợp với chính họ. Sự đối lập được hình thành bởi chính những ảo mộng về thành công trong não bộ, cùng với ý chí và phân tích duy lý về bất cứ khó khăn, thất bại cũng như cảm xúc tiêu cực mỗi cá nhân phải đối mặt.

Khoa học cho rằng tư duy kiểu bóng đèn sẽ khó giúp mọi người chạm tới hạnh phúc trong thế giới đa dạng ngày nay

Giống như câu chuyện về giảm cân, đối lập tinh thần khiến chúng ta phải dè chừng, từ bỏ sự quyến rũ của những miếng gà rán thơm giòn, để rồi bắt đầu xây dựng thói quen tập luyện - ăn uống lành mạnh tốt cho sức khoẻ. Tất nhiên không phải ai cũng làm được điều này, thậm chí bỏ cuộc cùng tâm lý “tôi không làm nữa”.

Thất bại tạo nên sự bất an tạm thời, tuy nhiên nhiều nghiên cứu khẳng định về lâu dài điều này làm tăng “hormone” động lực, đưa con người vào trạng thái phấn đấu-chinh phục. Họ sẽ tìm cách khác để không bị nản chí, từ đó tiếp cận dần dần mục tiêu giảm cân. Khi ấy, hành trình đi tìm hạnh phúc sẽ là cuộc chạy đua giữa những hứng khởi, khát vọng được thử thách bởi áp lực, gian khổ cho tới vạch đích.

Các chuyên gia nhận định, thay đổi suy nghĩ cá nhân, hướng tới tư duy phản biện là điều cần thiết để tồn tại ở một thế giới đa dạng, để nhìn nhận sự vật, sự việc qua nhiều lăng kính nhiều sắc màu hơn. Không chỉ đen-trắng, phản biện giúp logic hoá lập luận, khiến bản thân chấp nhận sự khác biệt trong hành trình tìm kiếm thành công. Bên cạnh đó, đối lập tinh thần là hãy làm những gì thực sự thích, đem lại cảm giác hứng khởi và tạo động lực, thay vì phải chạy theo một nghĩa vụ dần khiến mình mất đi mong muốn được tiếp tục. Ngoài ra, đánh giá lại mục tiêu bản thân bằng tư duy phản biện, đừng quá mong chờ phép màu như chuyện cổ tích và sẵn sàng tâm thế đối diện thất bại cùng cảm xúc tiêu cực vì đời chẳng mãi màu hồng.

Trên thực tế, tiêu cực cũng có “tác dụng” nhất định. Khi chúng ta thấy buồn, não bộ thực chất đã ghi lại những ký ức rất quan trọng để đối chiếu sau này. Căng thẳng khiến não bộ phải phân tích để đưa ra quyết định thay đổi. Nhận thức sự tồn tại của mặt tiêu cực trong cuộc sống tạo nên cái nhìn đa chiều, từ đó giúp mỗi cá nhân biết được mình cần phải làm gì, thay vì cố gắng “lờ đi” sự tồn tại của tiêu cực bằng những suy nghĩ... màu hồng.

Có một câu nói đã quá quen thuộc thế này: “hãy hi vọng vào điều tuyệt vời nhất, nhưng cũng đừng quên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Nhiều khi, hạnh phúc sẽ tới vào thời điểm chúng ta ít mong đợi nhất, lúc chúng ta biết cách sống cùng với những thứ tích cực và tiêu cực. Đó mới là ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.

Lê Nam
.
.