Một con ngựa đau

Thứ Sáu, 22/11/2019, 09:45
Người Việt, vốn dĩ thường nhạy cảm trước nỗi đau của đồng loại, là đồng loại chứ không chỉ là đồng bào. Người Việt tốt bụng, người Việt hay xa xót trước những hoàn cảnh khó khăn. Người Việt sẵn sàng nhường cho người khác lon gạo cuối cùng, manh áo cuối cùng... Nhưng người Việt cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn rất khó lý giải.


Những dòng ký tự

Thảm nạn của người Việt ở Anh rất đau lòng, máu đỏ da vàng không may thiệt mạng theo cách ấy ở xứ người bao giờ cũng để lại nhiều nỗi niềm. Tôi đã nghĩ rất khác về sự bày tỏ thái độ đối với đồng bào mình không may. Tôi cũng đã nghĩ rất khác về sự thành tâm với đồng bào của mình xui rủi...

Nhưng thật buồn là tôi lại đọc thấy rất nhiều ký tự trên mạng xã hội mà ẩn   dưới vỏ bọc ngôn ngữ là sự lạnh tanh đến kỳ lạ, hoặc mượn mây ám chỉ trăng hệt một dạng ẩn ức chờ cơ hội bộc phát.

1. Trước khi trở lại phần lạm bàn, xin kể câu chuyện về cô bé vừa mất bởi ung thư. Cô bé bị ung thư ấy đã có một hành trình trọn vẹn bên cạnh người bố của mình, họ đã cùng nhau yêu thương, cùng nhau bước đi, cùng nhau chiến đấu với bệnh tật... Tôi đọc thông tin ấy lúc nào cũng nhiều xúc động.

Vậy mà chỉ vì trái quan điểm trong việc điều trị giữa Tây y và phương pháp thực dưỡng, ai đó theo phương pháp thực dưỡng bật lên sự khoái trá khi cô bé mất đi. Đó là một cảm xúc thuần bản năng, một cảm xúc khoái trá của người chiến thắng. Có thể họ không ác, có thể họ không vô tâm nhưng bản năng hơn thua của họ đích xác tạo nên một sự nhẫn tâm không ký tự nào có thể chuyển tải hết được.

Ảnh minh họa: Hùng Dingo

Người Việt không nhỏ nhen nhưng người Việt thường vụn vặt, thích hơn người khác, một chút cũng cảm thấy thoải mái. Nên đôi khi người ta phải chứng kiến những câu chuyện nửa xót xa nửa phẫn nộ.

Trong rất nhiều vụ trọng án thường được báo giới dẫn title, giết người vì 10 nghìn đồng, trở thành kẻ sát nhân vì câu nói đùa... bản chất không phải là vì tiền hay vì trêu chọc, mà bản chất chính là ý chí muốn làm người khác đớn đau để minh chứng cho sức mạnh của mình. Bất chấp, sau khi thỏa mãn sự vô thưởng vô phạt vô lộc vô kim chính là bi kịch. Người Việt thường hoảng loạn khi có hậu quả, người Việt ít khi lường trước hậu quả.

Mấy bữa trước ở quê tôi có một cá nhân làm lãnh đạo địa phương không may bị tai nạn giao thông, một người post điều ấy lên facebook. Ngay lập tức có rất nhiều comment (bình luận) cảm thấy thỏa mãn, dẫu có người còn không biết người bị tai nạn tốt xấu cao thấp gầy ốm trắng đen ra sao.

Căn nguyên của thái độ thái quá ấy hẳn nhiên nhiều người đều hiểu, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng phía sau một đớn đau của người khác chưa bao giờ nên lấy làm niềm vui cho mình.

Cũng như vấn nạn hôi của khi người khác bị tai nạn cũng vậy, người Việt chỉ thấy cái lợi trước mắt của mình, còn cái hại của người ra sao, phần đông không quan tâm.

2. Người Việt tử vong ở nước Anh, chi tiết ám ảnh là những vệt máu bên trong cánh cửa container đóng kín. Họ tử vong vì ngạt thở hay vì lạnh, họ tử vong khi đang hy vọng vào một tương lai, họ tử vong vì ước mơ đặt nhầm chỗ, họ tử vong do quyết định của chính mình, họ đủ lớn để tự chịu trách nhiệm cho điều đó.

Đã có rất nhiều lý giải cho thảm họa người Việt tử vong khi cố nhập cư vào Anh, nhưng khi ráo hoảnh buông những câu như, nhiêu đó tiền mắc gì phải đi đâu, ham ra nước ngoài thì ráng mà chịu chứ tiếc thương gì, chỉ có địa phương này địa phương kia đi chứ ai dại gì bỏ hàng đống tiền còn để phạm pháp luật, tại quốc gia thế này họ mới bỏ đi, tại quốc gia thế khác họ mới bỏ đi...

Người Việt lý luận đủ cả. Người Việt thừa khả năng ngôn từ để diễn giải điều mà người Việt này muốn chuyển tải đến những người Việt khác.

Người Việt quên mất nước mắt đang rơi trong những gia đình có con em là nạn nhân, người Việt quên mất khói hương di ảnh tạm bợ đang chờ thi thể con mình về nằm lại đất quê, người Việt cũng quên mất rằng cơ hội để sống thấy mặt chết thấy người trong tình cảnh này là vô cùng khó khăn.

Vì người Việt đôi lúc hăng hái chứng tỏ bản thân mình mà quên mất, “Tử bất đắc xét”.

3. Lần này, tôi phá lệ thói quen của mình là không tranh luận với đám đông. Lần này, tôi nghĩ mình nên cãi nhau một chút với đám đông xung quanh câu chuyện “Phẩm giá của người đã khuất”.

Người Á Đông thẳm sâu luôn có sự kính trọng dành cho người đã khuất, người thân sắp rời bỏ cõi tạm, vẫn cố chờ gia đình tề tụ đông đủ. Bận vạn việc, xa vạn dặm vẫn bỏ hết để về nhìn nhau lần cuối. Người đến viếng có vòng hoa, hoặc đơn giản là nén hương với khuôn mặt thành kính, trang phục phù hợp, đi đứng nói năng giữ gìn. Ấy chính là bảo vệ phẩm giá của người đã khuất.

Người Anh gìn giữ phẩm giá cho mấy mươi người Việt không may tử vong trên lãnh thổ của họ, không một bức ảnh ghi lại tình trạng của nạn nhân được công khai trên truyền thông, hiện trường vụ việc chỉ là chiếc container được quây kín. Đây là điều mà tôi nghĩ rằng truyền thông nước mình nên nghiêm túc học tập.

Ở Mexico, có lễ hội dành cho người đã khuất. Một lễ hội lớn hơn Giáng sinh, quy mô hơn cả tiết Thanh Minh của người Việt mình. Đáng tiếc, ngay trong những buồn bã hiện hữu, chúng ta - những đồng bào của 39 người không may, thản nhiên gọi họ là “Thùng nhân”.

Tôi không biết ai nghĩ ra tên gọi này, chỉ là quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cách gọi tên là miệt thị người đã khuất, kiêu ngạo trên niềm đau mà người thân của họ đang nhận lĩnh. Đó là biểu hiện của nước mắt không chân thành, một thứ từa tựa nỗi đau giả hiệu. Đơn giản hơn gọi là, “lấy bi kịch của người khác làm trang sức”.

Ảnh minh họa: Hùng Dingo

Người không còn nữa vẫn tồn tại phẩm giá, và người sống phải có trách nhiệm giữ gìn điều đó giúp họ.

Mà người Việt, không chỉ có nhân dân! 

(Ngô Nguyệt Lãng)

Thăm thẳm tiếng gọi đồng bào…

39 thi thể được phát hiện trong container đông lạnh ở Anh, không thể nói khác hơn, đó là một thảm kịch nhân đạo. Cảm giác xót xa làm sao che giấu được, khi những thông tin xác minh lần lượt hé lộ có nạn nhân là người Việt. Trước những khúc quanh lịch sử, người Việt đã có không ít cuộc di cư, mà cuộc di cư nào cũng ngậm ngùi, mà cuộc di cư nào cũng xao xác. Khi bước vào quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta lại chứng kiến cuộc di cư mang màu sắc khác: Xuất khẩu lao động!

Lầm lũi mưu sinh thoát nghèo hay sốt ruột làm giàu đổi đời, đều là những khao khát đáng trân trọng. Thế nhưng, dấn thân phiêu bạt nơi đất khách quê người, hoàn toàn không phải một nỗi niềm dễ dàng và dễ chịu. 

Không còn dòng sông quen thuộc mỗi chiều trôi ngang một con đò vội vã. Không còn con đường quen thuộc mỗi đêm vang lên một câu hò hiu quạnh. Không còn cánh cổng quen thuộc mỗi ngày đi về một bóng dáng thân nhân. Khác biệt về môi trường, khác biệt về văn hóa, khác biệt cả những ứng xử bình thường. 

Thân phận tha hương có đáng thương không? Rất đáng thương. Và càng đáng thương hơn khi những mảnh đời tha hương ấy đã chọn cách nhập cảnh nước sở tại bằng giải pháp không thể lường hết rủi ro và bất trắc. Nếu có thể ấm êm ở chốn chôn nhau cắt rốn thì có ai muốn liều lĩnh đâu! 

Sinh mạng con người quý giá lắm, không có gì đánh đổi được. Vậy mà, họ đã đánh cược sinh mạng cho một giấc mộng hào nhoáng và ê chề, để bây giờ những nước mắt muộn màng cũng không thể xua tan bao sự nghẹn ngào.

Người Việt có thương nhau không? Thương nhau lắm, nhưng chưa biết đỡ dìu nhau trên hành trình vạn dặm. Người chết đâu đã hết chuyện, vẫn còn những tiếng bấc tiếng chì, vẫn còn những soi xét nặng nhẹ, vẫn còn những bàn tán ngược xuôi. Ai cũng thấy mình có lý, mà không ai thấy những run rủi, những nhức nhối đang bủa vây cộng đồng. Càng ngẫm nghĩ càng bàng hoàng, khi hình dung lúc nguy khốn và tuyệt vọng, có những người đã thét gào kêu cứu bằng ngôn ngữ Việt được mẹ hát ru thuở nằm nôi. 

Cái khép mắt chia lìa của họ cũng là cái mở mắt vào vô tận lương tri. Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn dòng chảy xuất khẩu lao động phi pháp? Chúng ta phải làm gì để triệt tiêu vấn nạn buôn người xuyên quốc gia? Thảm kịch người Việt ở nước ngoài sẽ tái diễn, nếu sự thờ ơ và sự lạnh lùng vẫn ngự trị trong mỗi người Việt ở trong nước. Một tiếng gọi đồng bào đau đớn! Một tiếng gọi đồng bào đắng cay!

Người Việt lao động phi pháp ở nước ngoài đã đánh cược số phận cho ước mơ phát tài phát lộc ngược ngạo, liệu những người thân của họ ở quê hương có biết không? Lẽ nào không biết. 

Thế nhưng, trớ trêu là thói ganh đua làm kẻ sang chảnh ở một vài nơi vẫn rất phổ biến. Bất chấp hết để có biệt thự như hàng xóm, bất chấp hết để có xe hơi như láng giềng. Thậm chí, biệt thự không ai ở và xe hơi không ai đi, thì cũng phải mua sắm cho ngang vai phải lứa với xung quanh. Chính tâm lý bon chen đố kỵ ấy đã đẩy nhiều người vào con đường xuất khẩu lao động phi pháp. 

Và ở đây, không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền địa phương. Chỉ cần làm vài phép tính và chỉ cần tham khảo vài nguồn tin, lãnh đạo xã lẫn lãnh đạo huyện đều dễ dàng lần ra manh mối của những dòng tài chính đổ về mảnh đất mà mình đang quản lý. 

Đáng tiếc, những người có trách nhiệm vẫn dửng dưng trước các biểu hiện lệch lạc về nhận thức cũng như sai quấy về hành động của một bộ phận dân chúng đang sôi sục khí thế làm giàu. 

Sự thèm thuồng vật chất đã che mờ tất cả, che mờ lý trí và che mờ cả tình cảm. Để đến khi xảy ra sự cố tang tóc mới than thở tiếc nuối! Bịn rịn người đi thương người ở, biến thành bẽ bàng người còn thương người mất!

Rất nhiều người Anh đã thắp nến cầu nguyện vong linh thanh thản cho 39 thi thể xấu số. Tình người không phân biệt màu da, tình người không phân biệt sắc tộc, tình thường không phân biệt lãnh thổ. Từng nạn nhân sau khi được nhận diện rõ ràng, rồi cũng được đưa về cố hương. Đất mẹ lại mở lòng ôm ấp những đứa con bất hạnh, bờ tre lại thoảng gió an ủi những đứa con bất hạnh. 

Người Việt chẳng tiếc gì những phút mặc niệm trang nghiêm, người Việt chẳng tiếc gì những cái cúi đầu tưởng vọng, chính là nghi lễ cuối cùng của đồng bào đang sống dành cho đồng bào đã khuất. Chúng ta có dịp nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta có dịp nhìn lại xứ sở mình, chúng ta có dịp băn khoăn về những nắng mưa ơ hờ, những ganh đua chói gắt đã từng làm khổ lụy mỗi kiếp người trên dương gian.   

Truyền thống tương thân tương ái của người Việt không vì bất kỳ sự giằng xé nào mà nhạt phai, mà gián đoạn, mà quên lãng. Những người nằm xuống mồ yên mả đẹp lại gửi tiếng gọi đồng bào cho những người hăm hở lên đường. 

Chúng ta học cách chịu trách nhiệm với bản thân mình và học cách quan tâm đến những định mệnh lênh đênh. Chúng ta không khuyến khích nhau đi ngang về tắt mạo hiểm, nhưng chúng ta tha thứ cho nhau sau những bon chen, sau những vấp ngã, sau những lầm than. 

Trong thế giới hội nhập mênh mông, người Việt càng cần tỉnh táo và cần nhân ái hơn. Chúng ta rút ra bài học, xuất khẩu lao động không phải một canh bạc để đánh cược mọi hy vọng hão huyền và mọi toan tính thấp hèn. Động cơ kiếm tiền thật nhiều trong thời gian thật ngắn, thực sự đang ám ảnh và đang đọa đày không ít người Việt manh động nao núng. 

Thế nhưng, hoàn toàn không thừa thãi để nhắc nhở nhau một chân lý bền vững, đó là không có đồng tiền chân chính nào lại dễ đến trên tay. Đồng tiền không có mùi của mồ hôi, thì đồng tiền sẽ có mùi của tội ác, mùi của nhục nhã, mùi của nghiệt ngã, mùi của lầm than, mùi của biệt ly…

(Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn)

Khi cảm xúc bị biến thành trang sức

Có lẽ, trong những ngày này, câu chuyện được nhiều người trong chúng ta nhắc tới nhất chính là vụ 39 người tử nạn trong chiếc container đông lạnh trên chuyến hành trình nhập cư lậu vào nước Anh. 

Chưa một lần được đặt chân tới nước Anh, nhưng đã đôi ba lần đi chơi ở các nước EU, tôi có thể gọi là biết chút ít về những câu chuyện nhập cư đang trở thành vết sưng tấy trong lòng châu lục già ấy. 

Thêm nữa, có em rể là người Anh chính gốc, lại vẫn giữ liên hệ mật thiết với nhiều bằng hữu đang học và làm việc tại Anh, tôi có thêm được những câu chuyện về thế giới nhập cư này.

Khi vụ việc 39 nạn nhân kia trở thành tâm điểm dư luận, một cậu em đang theo học ngành quản trị thể thao ở Đông Bắc Anh đã lập tức “chat” về với tôi đại ý rằng “Anh có nhớ cách nay một năm em có kể anh nghe chuyện những người nhập cư lậu vào Anh quốc gặp rủi ro thế nào không? Và chuyện tử vong trong xe container này cũng từng có rồi”. 

Đọc những dòng ấy, tôi còn nhớ như in ngày đó mình còn thốt lên “kinh khủng, nghe cứ như phim” và dù đã biết những chuyện tương tự như vậy trước đây, tôi vẫn không khỏi rùng mình bởi những gì mới diễn ra thảm thương quá. Có lẽ, chưa bao giờ số nạn nhân tử vong trong cùng một chuyến nhập cư lậu đông đến thế. Và cũng chính con số ấy đã khiến người Việt chấn động vì một thực tế thật ra đã tồn tại quá lâu rồi.

Nhưng điều tôi thấy lạ lùng nhất là ở thời điểm ban đầu của câu chuyện, lúc thông tin báo chí quốc tế cũng như trong nước nói về 39 người tử nạn mà chưa hề nhắc tới chuyện trong số họ có bất kỳ một người Việt nào, không hề có bất kỳ một chia sẻ nào từ những tài khoản facebook có kết nối với tôi nhắc tới chuyến đi bi thảm đó. 

Mọi thứ chỉ rộ lên thành một cao trào khi bắt đầu có thông tin trong số nạn nhân có người Việt. Sự thảm khốc không lẽ cũng phân biệt quốc tịch hay sao? Nếu như 39 nạn nhân kia hoàn toàn không có người Việt nào, chẳng lẽ vụ việc kinh hoàng ấy không đủ để khiến chúng ta mủi lòng, dù chỉ là một chút? Có gì đó thật sự bất thường trong cái chủ nghĩa vị tha của người Việt hôm nay và nó khiến thứ vị tha ấy đang trở thành vị tha theo cảm hứng, theo trào lưu, và nguy hiểm hơn là vị tha có toan tính vị lợi.

Hôm cuối tuần cuối cùng của tháng 10, tôi giật mình khi thấy một dòng trạng thái kèm ảnh được chia sẻ khá nhiều trên facebook. Dòng trạng thái đó đại ý nói rằng trong trận đấu giữa CLB Bournemouth và CLB Man United ở giải ngoại hạng Anh đã có nghi thức đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số. Vậy mà trong khi đó, “gov (Chính phủ) Việt Nam quên họ thật sao?” (trích nguyên văn). 

Lập tức, tôi phải bình luận khẳng định rằng, cái nghi thức tưởng niệm mở đầu trận đấu kể trên chẳng liên quan gì đến 39 nạn nhân trong chiếc xe container cả. Đó là một nghi thức truyền thống của người Anh, ở mỗi ngày đầu tháng 11, tháng tưởng nhớ nạn nhân, tử sĩ của hai cuộc thế chiến. Thông tin về tháng tưởng nhớ ấy của họ thực sự đã được phủ đầy mặt báo cũng như trên truyền hình thể thao của Việt Nam suốt gần hai mươi năm nay rồi. 

Và để tìm hiểu lý do nào lại có một tưởng niệm như thế trước trận đấu bóng đá, một người cần không quá một phút cho việc kiếm tìm thông tin trên internet. Nhưng điều đáng nói là người ta lại không làm cái việc tra cứu dữ liệu ấy. Thay vào đó, họ lập tức quy kết, một cái quy kết vội vã nhưng có sự chuẩn bị. 

Vội vã là bởi sự xuẩn ngốc của họ trong việc kiếm tìm thông tin, dữ liệu, kiến thức. Còn sự chuẩn bị là gì? Nó là một tâm thế luôn luôn muốn tỏ ra là người quan tâm tới thời cuộc, tới tình hình chính trị để sẵn sàng chính trị hoá bất kỳ chuyện gì trên đời bởi họ hiểu, cái cách chính trị hoá một câu chuyện sẽ rất dễ câu kéo sự a dua trên mạng xã hội và từ đó tạo cho mình một vị thế thu hút trong thế giới ảo. Từ cái vị thế thu hút trong thế giới ảo ấy, tất nhiên, họ sẽ bắt đầu thu về những lợi ích riêng cho mình.

Và câu chuyện 39 người tử vong trong chiếc container lạnh lùng kia không chỉ là một cá biệt trong đời sống mạng xã hội hiện nay. Người Việt trên mạng xã hội hôm nay dùng đủ loại “gia vị” để tỏ ra mình là kẻ ưu thời và từ đó chế biến để bắt đầu phát biểu theo thứ cảm xúc có thể phù hợp nhất với khẩu vị của đám đông. 

Trải đi từ câu chuyện cháy nhà thờ Đức Bà Paris cho tới vụ cháy rừng Amazon, người Việt trên mạng xã hội đã tỏ ra những thái độ có thể nói là vô cùng kỳ dị. 

Chẳng hạn như vụ cháy nhà thờ Đức Bà chẳng hạn. Nó là một tác phẩm kiến trúc, một di tích lịch sử, văn hoá không chỉ còn là của nước Pháp nữa, mà là của văn minh loài người. Ai đặt chân tới Paris lần đầu cũng sẽ cố gắng đưa cái địa danh đó vào trong danh mục những nơi cần tham quan và có quá nhiều người mơ ước một lần trong đời được đặt chân tới đó để chiêm ngưỡng. 

Và khi nó cháy, tất nhiên người ta sẽ cảm thấy xót xa, không phải cho cái nhà thờ đó, không phải cho nước Pháp hay cho giáo hội đơn thuần. Họ xót xa cho chính ước mơ chưa thành của cuộc đời mình. 

Nhưng lập tức, bắt đầu có những chỉ trích hướng vào họ, với đại ý rằng thương vay khóc mướn, trong khi nhiều di tích trong nước, nhiều sự kiện trong nước thì lại chẳng “nhỏ giọt nước mắt nào”. 

Cái chỉ trích áp đặt và khoác tấm áo dân tộc chủ nghĩa này tất nhiên được ủng hộ mạnh mẽ bởi chẳng ai dại gì đi chống lại một thứ lập luận có màu sắc bên ngoài là “ái quốc” và “dân tộc”. 

Có thể nói, những kẻ chỉ trích đã bắt được đúng mạch khẩu vị cảm xúc của đám đông, và từ đó, họ bày tỏ một thứ cảm xúc cá nhân thoạt nhìn thì có vẻ cao cả nhưng thực ra, cảm xúc ấy lại chỉ là trang sức riêng cho họ giữa cõi mạng xã hội hỗn loạn và thị phi đầy rẫy.

Tôi có một thói quen cũng được gần hai năm nay là cứ mỗi sáng ngủ dậy, tôi lục lại lịch sử những bản ghi của mình facebook (memories) để xem ngày này những năm trước mình đã viết gì, quan tâm gì. Và nhiều lần tôi thấy chính mình quá nực cười. Tôi cứ lặng lẽ xoá dần những cái nực cười ấy để năm sau mình không còn thấy lại nó nữa và cũng để tự răn mình rằng khi nào thì nên chia sẻ trên mạng xã hội. 

Và lạ lùng thay, có nhiều sự kiện, tôi nhận thấy cả đám đông ồn ào bày tỏ cảm xúc đồng loạt cho một ai đó, một nơi nào đó, một điều gì đó cứ như thể gắn bó lắm với cuộc đời họ. Nhưng chỉ một năm sau thôi, tuyệt nhiên không ai nhắc tới, không một tưởng nhớ nào. 

Điển hình như một năm trước, khi tiểu thuyết gia Kim Dung qua đời, khắp cõi mạng là những “điếu văn” cho ông, như thể ông là một phần đời của họ. Đúng một năm sau, không ai nhắc tới Kim Dung nữa, chẳng còn một tưởng nhớ nào. 

Cơ bản, nhớ Kim Dung lúc này thì không phải cao trào. Mà khi đã không phải cao trào, bày tỏ cảm xúc ra thì chẳng được ai chú ý. Thứ cảm xúc trên mạng xã hội không được ai chú ý sẽ là thứ cảm xúc vô nghĩa dù nó có là cảm xúc thật lòng đi nữa. Thế mới nói, cái hư danh của mạng xã hội đã khiến con người ta biến chất tới mức trưng trổ cảm xúc giả tạo để làm trang sức cho chính mình.

Cái hư danh, hư vinh của mạng xã hội nó có quyền năng ghê gớm lắm. Đâu phải ai có danh trên mạng xã hội cũng có thể kiếm ra tiền từ nó nhưng rõ ràng, người ta vẫn nhìn vào cái danh ấy như một thứ lợi ích cá nhân. 

Và khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, nó sẽ kéo theo một loạt thứ chủ nghĩa giả hình, từ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ái quốc cho tới chủ nghĩa vị tha, chủ nghĩa nhân văn… Tuốt tuồn tuột, miễn sao nó phải trở thành trang sức tốt cho người dùng trên mạng. 

Còn gấp máy tính lại rồi, tắt điện thoại rồi, bước ra đường, người ta lại sẵn sàng vô cảm trước tất cả, vô cảm như thể mình “lẽ ra không nên được sinh ra ở xứ này”.

(Hà Quang Minh)

Ngô Nguyệt Lãng - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.