Mối quan hệ không dễ dàng!

Thứ Ba, 16/03/2021, 19:39
Trong việc tái lập liên minh theo đường hướng của ông Biden, sự căng thẳng với Nga hóa ra lại có lợi! Bởi vì rốt cuộc thì đứng trước một đối thủ hùng mạnh, được coi là một mối đe dọa chung, các thành viên NATO sẽ trở nên đoàn kết với nhau và với nước Mỹ...


“Vụ Navalny”

Trong một động thái được cả thế giới theo dõi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cao cấp trong Chính phủ Nga vì điều mà theo phía Mỹ, “liên quan đến vụ đầu độc và bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Navalny”.

Các biện pháp này bao gồm cấm tới Mỹ, phong tỏa các nguồn tài chính và tài sản ở Mỹ của các quan chức Nga có trong danh sách. Phía Mỹ cũng đồng thời nhắc lại yêu cầu đòi Nga phải trả tự do cho ông Navalny...

Ngoài 7 quan chức, còn có 14 thực thể liên quan việc sản xuất chất hóa học và sinh học của Nga (gồm 13 thực thể thương mại và 1 viện nghiên cứu của Chính phủ Nga) cũng bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Cuối tháng 8 năm ngoái, nhà chính trị đối lập Alexei Navalny bất ngờ bị hôn mê trên một chuyến bay chở ông này từ thành phố Tomsk ở Siberia về Moscow sau một cuộc vận động bầu cử. Chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk và các bác sĩ Nga đã mất 44 giờ đồng hồ để giành giật mạng sống cho ông Navalny. Sau 2 ngày điều trị tại Nga, theo đề nghị của vợ ông Navalny, Tổng thống Nga V.Putin cho phép đưa ông Navalny sang Đức điều trị bằng một chuyến bay thuê riêng; đến cuối tháng 9, ông Navalny xuất viện.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cao cấp trong Chính phủ Nga.  Ảnh: L.G

Cũng kể từ đó bùng lên câu chuyện về việc ông Navalny bị phía Nga đầu độc bởi chất độc thần kinh novichok, được tẩm vào quần lót của ông này. Mặc dù vậy, trong một tuyên bố với báo chí chỉ 1 ngày sau khi tiến hành cấp cứu ông Navalny, bệnh viện thành phố Omsk khẳng định khả năng ông Navalny bị đầu độc là “không có gì chắc chắn”, nhấn mạnh rằng họ cũng không tìm thấy dấu hiệu của chất độc trên cơ thể hay quần áo của bệnh nhân.

Nga trước sau bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cái gọi là “vụ đầu độc Navalny”. Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga và nước ngoài, nêu giả thiết rằng việc chất độc xâm nhập vào cơ thể ông Navalny có thể đã diễn ra trên máy bay chở ông này đến bệnh viện Charite ở Berlin hoặc bị đầu độc bằng chất độc quân sự tại Đức.

Còn Tổng thống Nga Putin, trong dịp họp báo thường niên cuối năm 2020 thừa nhận ông Navalny có bị mật vụ Nga giám sát nhưng hoàn toàn không có bất cứ một kế hoạch nào đầu độc ông này. Theo ông Putin, những điều bịa đặt xung quanh vụ được coi là đầu độc này không phải điều tra mà “hợp pháp hóa” tài liệu của tình báo Mỹ. Cũng theo ông Putin, nếu mật vụ Nga thật sự có ý định đầu độc ông Navalny thì ông này chẳng có cơ may nào sống sót.

Giữa tháng 1-2021, ông Navalny từ Đức quay về Nga và ngay lập tức bị bắt giữ với cáo buộc không trình diện cảnh sát, vi phạm bản án tù treo vì tội biển thủ. Đến đầu tháng 2 vừa qua, tòa án Nga tuyên án ông Navalny 2 năm 8 tháng tù giam, một bản án chắc chắn làm bùng lên căng thẳng giữa Nga với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng sau những cáo buộc đầu độc trước đó. Các lệnh trừng phạt và trả đũa liên tiếp được tung ra giữa Nga với các nước phương Tây mà gần nhất chính là lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào 7 quan chức Chính phủ Nga.

Những cuộc “thập tự chinh”

Mặc dù các biện pháp trừng phạt mới nhất này của Mỹ không nghiêm trọng lắm, chỉ mang tính biểu tượng là chính, thế nhưng được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm bởi vì nó cho phép hình dung ra một cách tương đối những đường hướng chính trong chính sách của chính quyền Mỹ đối với Nga. Trước đó, ông Biden đã tuyên bố không công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea. Động thái trừng phạt này cho thấy khả năng chính quyền của ông Biden sẽ cứng rắn với Nga, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

Mối quan hệ Nga-Mỹ kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ là dễ dàng. Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga kế thừa di sản của Liên Xô cũ, Mỹ đã cùng các đồng minh Tây Âu thực hiện một cuộc “thập tự chinh”, đẩy các đường biên của NATO (cùng với nó là các môi đe dọa về an ninh) đến sát biên giới nước Nga. Lẽ dĩ nhiên, xét về mặt tiềm lực kinh tế, nước Nga không thể nào so sánh được với Liên Xô trước kia. Trên các bảng xếp hạng dù là của IMF, WB hay Liên Hiệp Quốc, nền kinh tế của Nga luôn chỉ nằm ở thứ hạng trên dưới 10, chỉ trên Hàn Quốc, Tây Ban Nha...

Tuy nhiên, có một điểm vẫn không thay đổi: tiềm lực quốc phòng của Nga luôn ở vị trí hàng đầu thế giới.

Nó cho phép Nga luôn được coi là một cường quốc toàn cầu và quan trọng hơn, ở vị thế ngang bằng với Mỹ trong các vấn đề an ninh cũng như chính trị quốc tế. Đấy là điều mà Mỹ không bao giờ chấp nhận. Đó cũng là mâu thuẫn mang tính cấu trúc không thể điều hòa khiến quan hệ Mỹ-Nga không thể hòa dịu trong thời gian ngắn hạn.

Chính từ tâm thế đó mà song song với chiến lược mở rộng NATO về phía Đông, áp sát biên giới nước Nga (do đó có khả năng triển khai các lực lượng quân sự gần với nước Nga), Mỹ còn thường xuyên thực hiện chiến lược gây sức ép về mọi mặt với Moscow nhằm làm suy yếu sức mạnh của cựu thù trong Chiến tranh Lạnh.

Biện pháp chủ yếu là tiến hành các cuộc “cách mạng màu” tại những địa bàn trước đây nằm trong không gian ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Những cuộc “cách mạng màu” đó dù có đưa những quốc gia trước đây thuộc khu vực ảnh hưởng của Nga vào sự hỗn loạn, suy thoái hay không, đối với Mỹ không quan trọng. Điều quan trọng là nó thiết lập một vành đai ảnh hưởng của phương Tây để bao vây, kiềm chế nước Nga, không cho Moscow rảnh tay phát triển, tăng cường tiềm lực kinh tế.

Nhà chính trị đối lập Alexei Navalny.  Ảnh: L.G

Nhưng, các chính trị gia trong các hành lang quyền lực của Mỹ và phương Tây có lẽ đã đánh giá sai quyết tâm chính trị của Nga. Gruzia 2008 và Ukraine 2014 đã cho thấy một nước Nga quyết đoán như thế nào khi lợi ích bị đe dọa. Sự kiện Nga nhanh chóng thu hồi bán đảo Crimea năm 2014 là một đòn nặng giáng vào niềm kiêu hãnh của Mỹ và phương Tây, vốn coi nước Nga chỉ là một “cường quốc hạng 2”.

Vậy là kể từ đó, một cuộc “thập tự chinh” mới với vũ khí là các lệnh trừng phạt liên tiếp tung ra nhằm vào nước Nga. Mọi cáo buộc, không biết thật hay giả, đều được sử dụng. Từ việc khẳng định tin tặc Nga tấn công mạng, thao túng các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và 2020 cho đến cáo buộc đàn áp các phong trào hay cá nhân đối lập ở Nga, đều được lấy làm lý do cho các lệnh trừng phạt.

Đến ngay như Tổng thống Mỹ Donald Trump còn liên tục bị coi là “thân Nga”, “do tin tặc Nga đưa lên làm tổng thống!”. Những người đưa ra các cáo buộc hài hước này cố tình lờ đi những yếu tố thực tế, chẳng hạn như trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã lệnh điều chuyển quân đội Mỹ đồn trú ở Đức sang Ba Lan, cũng có nghĩa là NATO đã dời chiến hào lên phía trước, đến sát nước Nga!

Căng thẳng với Nga để tái lập liên minh

Ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Biden khẳng định rằng nếu đắc cử sẽ có thái độ cứng rắn với Nga. Rồi trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Putin sau khi vào Nhà Trắng vài ngày, ông Biden đã nêu lên hàng loạt vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga, kể cả thúc giục ông Putin “thả” nhà lãnh đạo đối lập Navalny, người mới bị bắt giữ mươi ngày trước đó sau khi từ Đức quay về.

Tuy thế, cuộc điện đàm này lại đưa đến một kết quả tích cực: cả Nga và Mỹ đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START Mới), một động thái khiến cả thế giới thở phào nhẹ nhõm.

Nếu để ý một chút sẽ thấy lệnh trừng phạt mới của chính quyền ông Biden nhằm vào các quan chức cao cấp Nga liên quan đến “vụ Navalny” chỉ diễn ra sau khi EU thông báo tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Nó cho thấy một khía cạnh chính sách của ông Biden: thực hiện các lệnh trừng phạt cùng với các đồng minh châu Âu.

Điều đó có nghĩa ông Biden muốn tái lập liên minh với các đồng minh ở lục địa già, chứ không đơn thương độc mã thi hành các quyết sách như người tiền nhiệm Donald Trump từng làm.

Trong việc tái lập liên minh theo đường hướng của ông Biden, sự căng thẳng với Nga hóa ra lại có lợi! Bởi vì rốt cuộc thì đứng trước một đối thủ hùng mạnh, được coi là một mối đe dọa chung, các thành viên NATO sẽ trở nên đoàn kết với nhau và với nước Mỹ. Bởi chỉ có như thế thì mới tập hợp được sức mạnh và giành ưu thế trước một nước Nga chắc chắn cũng sẽ không chịu ngồi yên trước áp lực của Mỹ và các đồng minh.

Vô hình trung, một mối quan hệ căng thẳng với Nga sẽ giúp ông Biden gắn kết lại cây cầu nối giữa Mỹ với các thành viên NATO còn lại, cây cầu mà ông Trump đã phá bỏ không thương tiếc trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.
Yên Ba
.
.