Mọi ngả đường không dẫn đến thành Rome

Thứ Ba, 14/04/2020, 21:18
Cơn bão mang tên COVID-19 tràn đến lục địa già những ngày đầu năm 2020 đang từng ngày san bằng khát vọng không biên giới…

Năm 2015, khi lần đầu đặt chân đến Italia, tôi mới nhận ra chính sách visa Schengen của Liên minh châu Âu (EU) thật kỳ diệu. Khát vọng không biên giới của các quốc gia châu Âu đã thực sự biến lục địa già trở thành "mái nhà chung" cho không chỉ những công dân nơi đây, mà cho cả những du khách luôn khát khao được một lần khám phá mảnh đất này. 

Thế nhưng, cơn bão mang tên COVID-19 tràn đến lục địa già những ngày đầu năm 2020 đang từng ngày san bằng khát vọng. Lần đầu tiên, châu Âu cay đắng đóng cửa chính mình.

Câu chuyện bắt đầu từ những dòng xe tải xếp hàng nối đuôi nhau dài tới 40 km tại biên giới Đức và Ba Lan trong ngày 17/3 chờ đợi thông quan. Đây là hậu quả nhãn tiền từ các biện pháp phong tỏa, đóng biên mà EU nhất trí thực hiện. Lần đầu tiên, lãnh đạo của tất cả các nước thành viên EU đã nhất trí đóng cửa biên giới toàn khối trong 30 ngày kể từ 17/3 để ngăn chặn sự lan rộng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. 

Việc đóng cửa biên giới được quan chức EU nhấn mạnh là nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân EU, đảm bảo sự đối xử phù hợp đối với những cá nhân có nhu cầu di chuyển và đảm bảo hàng hóa và các dịch vụ cơ bản có thể tiếp cận được. Nhưng, những biện pháp này đã gây hậu quả ngay lập tức cho dòng chảy hàng hóa trong EU, khi mà dọc các tuyến biên giới châu Âu, có biết bao dòng xe tải cũng đang nối đuôi nhau như thế. 

Trên thực tế, giữa các quốc gia thành viên cùng chia sẻ một thị trường chung và khu vực đi lại tự do chung (Schengen) như EU, việc phụ thuộc chặt chẽ vào nhau từ cung cấp cho tới sản xuất hàng hóa đã trở thành một thói quen, Financial Times nhận định. Vì thế, việc chậm trễ nguồn cung của các công ty châu Âu sẽ làm chậm nhịp lưu thông hàng hóa, thay đổi chuỗi hoạt động kinh tế và thương mại của nhiều quốc gia. 

Hơn thế, trong bối cảnh nhu cầu cung cấp vật tư y tế điều trị COVID-19 tăng cao, biện pháp đóng cửa biên giới đã tạo ra áp lực không nhỏ cho các nước trong quá trình phối hợp với nhau, đặc biệt để đảm bảo các bệnh viện được tiếp cận với các trang thiết bị điều trị bệnh COVID-19.

Binh sĩ đeo khẩu trang bên ngoài nhà thờ tại Italia sau khi nơi đây phải phong tỏa vì COVID-19. Ảnh: Reuters.

Dù hệ quả là không nhỏ, nhưng vì sao châu Âu lại phải làm điều này? Nếu theo dõi sát sao bảng thống kê số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới do Đại học Johns Hopkins cập nhật mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra một sự thật không ai có thể phủ nhận: Ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới chính là châu Âu. Và nếu như ví von những số liệu về mức độ lây lan của COVID-19 như một bảng xếp hạng, thì châu Âu tự tin đứng đầu bảng xếp hạng này, với 2/3 số quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới đều nằm ở đây. 

Còn nhớ, những ngày đầu năm 2020, cả thế giới đổ dồn sự chú ý tới quy mô bùng phát dịch COVID-19 - khi ấy mới được gọi giản đơn là viêm phổi Vũ Hán - tại Trung Quốc, hay nguy cơ lây nhiễm trên một du thuyền hạng sang neo đậu tại Nhật Bản, và xa hơn là bệnh nhân siêu lây nhiễm xuất hiện tại một giáo phái của Hàn Quốc. Nhưng chỉ hai tháng sau, sự quan tâm của dư luận đã đảo chiều. 

Trên mặt báo mỗi ngày là những dòng tít "phá kỷ lục", "vượt ngưỡng", "chưa từng có" để nói về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ngày một tăng tại Italia, tại Pháp, và tại Tây Ban Nha. Song song với đó là những tin tức về sự quá tải của hệ thống y tế, sự thiếu hụt trầm trọng các thiết bị bảo hộ và điều trị, sự kiệt sức hiện lên trên khuôn mặt của các y bác sĩ, và sự hoang mang không tránh khỏi của người dân EU khi ai ai cũng từng coi đây chỉ là một đợt "cúm mùa". 

Reuters đã phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự chủ quan tới đau lòng của các quốc gia châu Âu đã khiến lục địa già phải trả giá. "Mọi ngả đường đều dẫn đến thành Rome" bỗng trở thành một câu nói lỗi thời, khi mà giờ đây, châu Âu đóng cửa. 

"Chúng ta chưa từng trải qua bất kỳ điều gì tương tự như thế này", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phải thốt lên khi nói đến COVID-19. "Xã hội của chúng ta, vốn đã từng quen với những thay đổi giúp chúng ta mở rộng tri thức, nâng cao sức khỏe và cuộc sống, giờ đang phải tự mình đấu tranh để bảo vệ tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên", ông đau xót thừa nhận. EU, với sứ mệnh của một mái nhà chung, bừng tỉnh.

Vì lẽ đó, ngày 17/3, các lãnh đạo EU ngồi lại với nhau. Sau cuộc họp dài hơn 3 tiếng đồng hồ, EU quyết định nắm tay nhau, hành động. Nhưng, nếu quay ngược kim đồng hồ đến trước thời điểm 17/3, chúng ta sẽ thấy một sự thật khác. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngày 16/3 đề xuất dự luật cấm 30 ngày với các hoạt động đi lại không thiết yếu và có hiệu lực trên toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Ireland. 

Đề xuất của bà Ursula von der Leyen đưa ra một ngày sau khi Đức tuyên bố sẽ áp dụng các quy định hạn chế đi lại dọc theo hầu hết các khu vực biên giới. Đức cũng nói sẽ chủ động làm việc này mà không cần thông báo cho Áo hay bất cứ quốc gia láng giềng nào khác. Áo, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan cũng đã làm điều tương tự: Chủ động đóng cửa biên giới ngăn dịch. 

Giới chức Đức nói các hạn chế đi lại của họ được đặt ra nhằm ngăn chặn tình trạng người tiêu dùng Pháp "quét sạch" nhu yếu phẩm trong các siêu thị của Đức. Điều này có nghĩa rằng, thời điểm trước khi châu Âu đóng cửa, các quốc gia châu Âu đã chủ động đóng cửa với nhau. Đau lòng hơn, việc phân phối trang thiết bị y tế tại EU cũng rơi vào tình trạng "mạnh ai nấy làm". 

Khi tình hình bệnh dịch ở Italia trở nên đáng báo động, Pháp và Đức ngày 4/3 đã đặt ra giới hạn đối với các trang thiết bị y tế thiết yếu được sản xuất trong lãnh thổ của họ, cấm xuất khẩu đồ bảo hộ, bao gồm cả khẩu trang, tới bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Italia. 

Sau khi các lãnh đạo EU lên tiếng thuyết phục, Paris và Berlin mới nới lỏng lệnh cấm. Nhưng cũng vào thời điểm đó, các nước khác như Cộng hòa Czech, Bulgaria và ngay cả Italia cũng lại thông báo ý định cấm xuất khẩu thiết bị bảo vệ y tế. 

Giới quan sát cho rằng, nỗ lực chống dịch trên toàn EU đang đối mặt với sự ủng hộ ngày càng nhạt bớt của các quốc gia thành viên. "Với EU, đây thực sự là một mối đe dọa hiện hữu", Stefano Stefanini, nhà cựu ngoại giao hiện làm cố vấn an ninh tại Brussels, bình luận. 

"Nếu EU bị nhìn nhận là làm chưa đủ, quan tâm chưa đủ hay cố gắng chưa đủ trước thách thức, người dân sẽ nảy sinh hoài nghi vậy thì cần EU để làm gì. Cảm nhận về tinh thần đoàn kết của châu Âu bị lung lay khi mà hàng xóm của bạn từ chối xuất khẩu thiết bị y tế", bà Stefanini cho hay.

Dòng xe tải dài hàng chục km mòn mỏi chờ đợi trên đường cao tốc Đức khu vực biên giới với Ba Lan. Ảnh: A.A.

Có thể thấy, sự đoàn kết của EU, sau cuộc khủng hoảng của làn sóng di cư, sau những vụ tấn công khủng bố, giờ đây thêm một lần nữa lung lay vì dịch bệnh. Và sự bừng tỉnh của EU, được đánh dấu bằng cột mốc 17/3, có lẽ đã muộn màng. 

Ngày 2/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã phải đăng một lá thư trên tờ nhật báo "Nền Cộng hoà" (La Reppublica) của Italia để xin lỗi quốc gia này vì đã thiếu sự đoàn kết, tương trợ, đồng thời chỉ trích một số nước đã hành động ích kỷ. 

Lời xin lỗi đến vào thời điểm đề xuất về "trái phiếu corona" đang gây mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm nước, một bên là các nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp với một bên là Đức, Hà Lan, Áo, Phần Lan liên quan đến việc phát hành trái phiếu ghi nợ chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một bài phát biểu cũng đã cực lực kêu gọi châu Âu triển khai ngân sách và đoàn kết trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và hậu quả của nó. "Tôi không muốn một châu Âu ích kỷ và chia rẽ", Tổng thống Pháp nói. 

Sau chuỗi ngày đơn phương đương đầu giông bão, các nhà lãnh đạo EU dường như lần lượt nhận ra rằng, họ còn, và cần có nhau. Phát biểu trong buổi họp báo tại Brussels chiều 2/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, Ủy ban châu Âu nhận thức được sự chờ đợi từ các nước thành viên về một kế hoạch có tầm cỡ lịch sử như kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và cho rằng, ngân sách châu Âu chính là một "Kế hoạch Marshall" mới. 

"Cho đến hiện tại, Liên minh châu Âu, bao gồm các Cơ quan của châu Âu và các quốc gia thành viên, đã huy động được 2.770 tỷ euro. Đây là câu trả lời lớn nhất từ trước đến nay cho một cuộc khủng hoảng châu Âu. Nhiều người đang kêu gọi về một điều gì đó giống như "Kế hoạch Marshall",  và tôi nghĩ ngân sách châu Âu chính là Kế hoạch Marshall mà tất cả chúng ta cùng lập nên cho người dân châu Âu", bà Leyen nói. 

Phát biểu của bà Ursula von der Leyen cho thấy, nhiều khả năng EU và các nước thành viên đã bước đầu đạt được sự đồng thuận về việc sẽ gia tăng ngân sách của khối này trong giai đoạn 2021-2027 nhằm giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19. 

Châu Âu, sau cơn cuồng phong COVID-19, đang nỗ lực đi tìm một tiếng gọi chung, đưa trái tim của toàn khối trở về đúng nhịp, để khôi phục khát vọng không biên giới của mình. Và biết đâu đấy, đại dịch COVID-19 sẽ là một phép thử cho tình đoàn kết thực sự của mái nhà chung Liên minh châu Âu? 

An Nhiên
.
.