Cái ác hồn nhiên

Ma men ôm vô-lăng

Thứ Bảy, 11/05/2019, 10:08
Có thể nói, đa số mọi người đều thuộc nằm lòng những câu khẩu hiệu như: “Đã uống rượu thì không lái xe”, “Uống rượu bia lái xe là tự sát”,…

Ta cũng có thể bắt gặp những khẩu hiệu tuyên truyền này ở nhiều nơi, từ đường phố đến những phương tiện truyền thông đại chúng. Những đứa trẻ cũng có thể dễ dàng nhớ những khẩu hiệu này. 

Và không phải bây giờ mới có, những hiểu hiệu này ra đời từ nhiều năm trước, khi mà những tai nạn thương tâm gây ra bởi những con ma men sau tay lái vẫn chưa là một nỗi ám ảnh kinh hoàng như bây giờ.

Hai người phụ nữ trong hầm Kim Liên đã vĩnh viễn ra đi chỉ sau khoảng hơn một tuần vụ chị lao công bị xe đâm chết trên đường Láng. Họ đều là nạn nhân vô cớ của những kẻ say rượu lái xe. 

Xa hơn một chút, những ma men còn gây ra tai nạn thảm khốc hơn, đó là gã tài xế container say rượu, phê ma túy cán hàng chục người và xe máy ở Long An; là nữ tài xế mất kiểm soát vì rượu bia tông hàng loạt người ở TP HCM…

Những cái chết oan uổng vẫn tiếp tục xảy ra trên đường bởi những người say rượu cầm lái dù những khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông, không uống rượu bia khi lái xe và cả những hình thức xử phạt thật nặng là không hề thiếu. 

Bình thường, những người say rượu gây tai nạn không phải là những kẻ nát rượu, họ đa số là những trí thức, thậm chí rất hiền lành và tất nhiên hiểu rất rõ rằng “uống rượu bia thì không được lái xe”; tất cả đều ân hận và chấp nhận trả giá bằng những án tù vì lỗi lầm của mình. Song, đó là khi mọi chuyện đã rồi! Giá như người ta nghĩ về những điều đó trước khi nâng ly, cạn chén.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề không nằm ở tuyên truyền hay sự răn đe của luật pháp. Trước đây, người viết bài từng cho rằng, đây là một phần vấn đề của lương tri. Người ta có thể trở nên thiếu ý thức trước những cuộc vui. 

Song, nếu như trong lòng luôn nghĩ về sự an toàn cho mình và nhất là cho người vô tội trên đường, họ sẽ không tự biến mình thành những kẻ “giết người” vì mất kiểm soát bởi bia rượu như thế.

Nếu như họ luôn canh cánh trong lòng khi phải cầm lái rằng, chỉ cần một phút thiếu chú ý hay mất kiểm soát, họ có thể gây ra những cái chết thương tâm cho đồng loại mình, có lẽ người ta sẽ dừng lại trước rượu bia. 

Hẳn là đã có rất nhiều người đang cầm lái đã đọc và xem  hình ảnh ám ảnh trong đám tang của những nạn nhân xấu số của ma men là chị lao công, hay cô giáo trong vụ tai nạn ở hầm Kim Liên. Không biết, những hình ảnh tang thương đó đã tác động đến ý thức của bao nhiêu người, bao nhiêu người quyết từ bỏ bia rượu khi lái xe?!    

Những logo “Uống rượu bia thì không lái xe” trên tay và ngực áo những người đến viếng tang chị Hải Yến, 1 nạn nhân vụ tai nạn ở hầm Kim Liên vào rạng sáng 1-5 sẽ tiếp tục được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi tới người lái xe hàng triệu logo như thế nữa.

Song song với tuyên truyền, cảnh sát giao thông cũng ra quân kiểm tra gắt gao nồng độ cồn của những tài xế… Ở TP HCM, trong thời gian vừa qua, hàng loạt chốt kiểm tra nồng độ cồn được lập ra khắp các cửa ngõ thành phố và hàng loạt trường hợp đã bị xử phạt.

Có thể nói, đó là điều cần làm để tăng cường tuyên truyền và răn đe, song như đã nói, điều đó chưa đủ để thay đổi hành vi uống rượu bia và lái xe khi nhiều người vẫn còn “vô cảm”, thiếu ý thức trách nhiệm. Và, một khi mà người ta đã uống rượu, đã mất khả năng kiểm soát hành vi bởi say rượu thì mọi thông điệp tuyên truyền, mọi sự răn đe khi đó đều trở nên vô nghĩa.

Tôi có những người bạn, khi chưa bia rượu thì rất hiền lành, từ tốn. Song khi có bia rượu vào thì lại hoàn toàn khác. Một anh thì cứ bắt bất cứ ai mà anh ta gặp trên đường để chụp hình, không có bất kỳ mục đích gì, chỉ là thích như vậy. Còn một anh thì cứ nhậu say là đi kiếm cây đàn và hát, dù anh ta không hề biết đàn và hát thì rất tệ. Tất nhiên, bình thường thì anh ta chẳng bao giờ dám cất tiếng hát!

Câu chuyện là như vậy, khi người ta đã say thì mọi thứ ý thức đều không có giá trị. Và như vậy, vấn đề không phải là tập trung xử phạt hay tuyên truyền với người uống rượu lái xe mà là kiểm soát thói quen uống rượu bia vô độ của nhiều người mới thật sự là gốc rễ của vấn đề?

Có một thực tế rằng, không thấy ở đâu mà người ta uống rượu bia nhiều như Việt Nam, một đất nước khoảng trăm triệu dân mà luôn đứng trong top đầu quốc gia tiêu thụ rượu bia ở châu Á. 

Cũng chưa thấy nơi đâu mà người ta uống khủng khiếp đến như vậy, đã uống thì hầu như đều uống đến say mèm, đến khi không còn có thể uống nữa mới thôi. Cũng chưa thấy ở đâu mà người ta luôn có đủ thứ lý do trên đời này để uống, vui hay buồn, thành công hay thất bại, hay bất cứ dịp nào người ta cũng đều uống.

Đã có bao nhiêu người nhập viện, mất mạng vì ngộ độc rượu bia, bao nhiêu người mang bệnh vì ăn nhậu, bao nhiêu cái chết từ bia rượu nhưng không vì thế mà người ta ngừng uống rượu. Bằng chứng là thống kê mỗi năm cho thấy, Việt Nam vẫn là quốc gia tiêu thụ rượu bia hàng đầu.

Trước đây, ý kiến về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia đã từng nhiều lần được đề xuất; trong đó, TP HCM là nơi quyết liệt với đề xuất này. Song cho đến hiện tại, tất cả chỉ mới là đề xuất. Rượu bia vẫn đang được bán tràn lan, bất cứ ai cũng có thể mua và có thể uống ở bất cứ đâu. 

Khi thói quen uống rượu bia một cách vô tội vạ mà không có bất cứ hình thức nào để kiểm soát thì chuyện tuyên truyền hay xử phạt những ma men lái xe sẽ không thể có hiệu quả. Bởi không ai cấm người ta say cả, và khi đã say rồi thì mọi thứ đều không còn giá trị với họ.

Phải chăng đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách xã hội cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề kiểm soát tiêu thụ rượu bia để những cái chết oan uổng do những ma men sau tay lái không còn là nỗi ám ảnh tang thương như hiện nay! 

Cái ác đến từ sự hồn nhiên bao giờ cũng để lại những hậu quả tang thương hơn cả, như người ta muốn cho con chim sẻ ăn thịt nấu chín vì thịt nấu chín ngon hơn hạt lúa, như người ta nhốt một đứa trẻ trong phòng cả ngày nhằm giúp đứa trẻ an toàn trước vấn nạn ấu dâm...

Rời một cuộc rượu chân nam đá chân chiêu, liêu xiêu rời khỏi quán, liêu xiêu lên xe máy (hoặc ôtô), liêu xiêu điều khiển phương tiện hòa cùng dòng người tham gia lưu thông cũng chính là cái ác hồn nhiên vậy.

Khi không ý thức được việc đang trực tiếp tham gia tạo nên một cái ác, con người ngày càng dễ sa đà vào chính khoảng tối ấy hơn.

Hoàng Lãm
.
.