Nghệ sĩ đi kiện:

Luật sư Lê Quang Vy: Sẽ từ chối những nghệ sĩ gian dối

Thứ Bảy, 26/12/2009, 14:46
Là một trong số ít những luật sư thường xuyên tiếp xúc các vụ kiện liên quan đến giới nghệ sỹ, Lê Quang Vy có cái nhìn khá sâu sắc về những khúc mắc dễ phát sinh tranh chấp trong hoạt động nghệ thuật.

Với Lê Quang Vy, khó nhất không phải chuyện tranh tụng tại tòa án, mà phải làm sao để những vụ việc phát sinh giữa hai bên nghệ sỹ được giải quyết êm thấm và tốt nhất không phải đưa nhau ra tòa. Làm luật sư cho giới nghệ sỹ, không chỉ luật pháp, mà còn cần cái tình…

- Anh là một trong những luật sư tham gia khá nhiều những vụ kiện liên quan tới giới nghệ sỹ, ca sỹ. Anh đánh giá thế nào về hiểu biết pháp luật của giới nghệ sỹ?

- Nhìn chung, mặt bằng hiểu biết pháp luật của giới nghệ sĩ còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên những dấu hiệu gần đây cho thấy, giới văn nghệ sĩ đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức về tìm hiểu pháp luật nhất là trong lãnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

- Vụ việc nào anh tham gia tranh tụng liên quan tới giới nghệ sỹ mà anh cho là phức tạp nhất?

- Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi không có sự phân biệt vụ việc nào là phức tạp hay vụ việc nào là không phức tạp. Vấn đề là người luật sư phải tìm ra mấu chốt của vụ việc để đưa ra giải pháp tốt nhất cho thân chủ của mình. Thông thường các tranh chấp của nghệ sĩ là lĩnh vực dân sự, do đó việc đưa ra chứng cứ để chứng minh là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên do một phần hạn chế về hiểu biết pháp luật, cộng với tính nghệ sĩ của người nghệ sĩ, vì vậy người nghệ sĩ khi giao dịch với đối tác đa phần là theo cảm tính, đến khi tranh chấp xảy ra thì chứng cứ chứng minh rất yếu.  

- Tham gia vào những vụ việc như vậy anh có thấy nhiều khi mình rơi vào tình thế khó xử, giữa một bên là tình nghệ sỹ, và một bên là những nguyên tắc của luật pháp?

- Tôi có một may mắn là trước khi trở thành luật sư, tôi cũng đã từng là sinh viên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và đã là một nhạc công có trên 10 năm hoạt động biểu diễn, và hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, do đó dẫu sao tôi cũng hiểu biết khá rõ về tâm tư tình cảm của giới văn nghệ sĩ. Điều này đã giúp cho tôi rất nhiều trong việc tư vấn cho anh em nghệ sĩ. Hầu như những vụ việc tôi tham gia cho nghệ sĩ là tranh chấp đến bản quyền, vấn đề độc quyền ca khúc, độc quyền quản lý nghề ca sĩ. Lý do chính như tôi phân tích ở trên là do khi hợp tác với nhau họ rất cảm tính, xuề xòa vui vẻ, do đó việc thiết lập hợp đồng đôi khi không có hoặc chỉ là một bản viết tay rất sơ sài, hệ quả là khi tranh chấp xảy ra rất khó chứng minh để bảo vệ quyền lợi cho mình.

- Khi anh giải quyết vụ kiện vi phạm bản quyền nhạc chuông cho ca sỹ Mỹ Tâm và tranh chấp bản quyền "Nửa vầng trăng" của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, những khó khăn nào mà anh phải đối mặt?

- Thực ra điều khó khăn đó cũng chính là điều thuận lợi cho tôi, nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế là vậy, bởi do hầu như tôi có mối quan hệ với cả đôi bên, do đó có những vụ việc tôi như người đàm phán và hòa giải. Điển hình như vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khởi kiện Công ty Tổ chức biểu diễn DV-TM-VH Nhạc Xanh (do ông Nguyễn Duy Khánh làm Giám đốc). Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tôi đã trao đổi với ông Khánh rằng anh đã sai, vì vậy nên nhận thiếu sót và mong ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thông cảm thì vụ kiện sẽ khép lại. Và thực tế diễn biến tại phiên hoà giải ở Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh (TP HCM), ông Khánh đã thừa nhận thiếu sót, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn khởi kiện. Tôi cho rằng người nghệ sĩ, tức là người của công chúng, họ luôn coi trọng danh dự. Đàm Vĩnh Hưng khởi kiện Công ty Nhạc Xanh, không phải mục đích để đòi bồi thường mà mấu chốt là để khẳng định Đàm Vĩnh Hưng đã đúng trong vụ việc. Qua đó để thấy văn hóa ứng xử  là điều cực kỳ quan trọng, người sai phải dũng cảm thừa nhận sai, đó là người có văn hóa, từ đó xã hội mới tiến bộ hơn, các phiền toái về pháp lý sẽ được giảm thiểu.    

- Vụ kiện hy hữu giữa Phương Thanh và blogger "Cô gái Đồ Long" cũng có mặt anh tham gia. Nhiều người nói, vụ việc này rất là… "không đáng". Đứng từ phía người làm luật, anh đánh giá nó như thế nào?

- Pháp luật bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân, do đó ca sĩ Phương Thanh được quyền khởi kiện một khi thấy quyền dân sự của mình bị xâm phạm. Vấn đề khi khởi kiện thì ca sĩ Phương Thanh phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, nếu không đưa ra được chứng cứ thì ca sĩ Phương Thanh phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được. Vụ việc đã khép lại, kết quả thế nào thì các phương tiện thông tin báo chí đã nêu. Sau vụ án, vấn đề làm tôi suy nghĩ nhiều đó là mối quan hệ giữa ca sĩ Phương Thanh và blogger "Cô gái Đồ Long" đã bị rạn nứt, theo tôi đó là điều "không đáng".

- Nhiều nghệ sỹ lớn tuổi nói, thời trước mọi thứ đều chưa có luật, nhưng mọi sự lớn nhỏ trong giới nghệ sỹ đều được ứng xử khá đàng hoàng và có văn hóa. Còn hiện nay chúng ta có quá nhiều bộ luật nhưng cách hành xử lại quá kém. Và đó là nguyên nhân của nhiều vụ kiện trong thời gian này. Anh nghĩ sao?

- Đúng vậy, thật sự tôi rất trân trọng và có nhiều kỷ niệm đẹp về một thời tôi làm nhạc công biểu diễn, thời ấy đi làm tuy thu nhập và điều kiện kém bây giờ rất xa, song anh em văn nghệ sĩ sống với nhau rất tình cảm, luôn sẵn sàng giúp đỡ trong nghề nghiệp và chia sẻ trong cuộc sống. Vấn đề như tôi nói trên là văn hóa ứng xử. Thực trạng văn hóa ứng xử  trong xã hội hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, không riêng gì trong giới nghệ sĩ mà còn cả toàn xã hội như ý thức về vấn đề giao thông, môi trường, ẩm thực… đâu đâu cũng thấy có vấn đề. Tôi nghĩ rằng chỉ cần 10% trên tổng số dân Việt Nam, mỗi ngày, mỗi người tự ý thức cho mình một việc dù chỉ nhỏ thôi, từ đó nhân rộng ra thì xã hội sẽ có ngay sự chuyển biến tích cực…

- Tham gia các vụ kiện, anh nhận thấy, đâu là khâu yếu nhất trong pháp luật Việt Nam hiện nay, đặc biệt là liên quan đến những lĩnh vực "nóng" như ghi âm, bản quyền...?

- Thực tế ngành lập pháp của nước ta trong những năm qua có nhiều tiến bộ đáng kể, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống lại là vấn đề khác, bởi tuy có luật nhưng luật của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết, theo tôi hiện nay có hai điểm yếu cần khắc phục, đó là văn bản luật quy định quá chung chung, câu chữ chưa rõ ràng điều này dẫn đến quá nhiều văn bản hướng dẫn, trong khi đó văn bản hướng dẫn nhiều khi ban hành quá chậm, không theo kịp với sự phát triển của xã hội.

Một ví dụ liên quan đến bản quyền ghi âm, đó là sự bất hợp lý trong việc cá nhân vẫn chưa được quyền đứng tên xin cấp phép lưu hành băng đĩa nhạc (mặc dù luật đã cho phép). Đây là vấn đề bất cập của văn bản pháp luật mà tôi cho là lĩnh vực "nóng" hiện nay. Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân được đứng tên đề nghị cấp phép lưu hành băng đĩa ca nhạc, sân khấu (khoản 3, điều 11). Tuy nhiên vì chưa có văn bản hướng dẫn nghị định này, do đó hiện nay cá nhân vẫn chưa được các Sở VHTT&DL tiếp nhận hồ sơ. Bởi do các Sở VHTT&DL hiện nay vẫn áp dụng quy trình cấp phép lưu hành băng đĩa ca nhạc, sân khấu theo Quyết định số 55/1999/QĐ-BVHTT ngày 05/8/1999 của Bộ trưởng Bộ VHTT, theo đó muốn sản xuất, kinh doanh băng đĩa phải là tổ chức có đăng ký kinh doanh.

Trong khi Nghị định 11/2006/NĐ-CP vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, vấn đề cá nhân được quyền đứng tên vẫn còn đang bỏ lửng, thì ngày 1/1/2010 tới đây, Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định 11/2006/NĐ-CP. Điều này cho thấy việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn đã làm thiệt hại cho những ca sĩ (cá nhân) đầu tư sản xuất băng đĩa cho mình vì vấn đề này liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu đối với sản phẩm băng đĩa của người đầu tư sản xuất. Tranh chấp pháp lý xảy ra là do ca sĩ (cá nhân) là người đầu tư nhưng không được đứng tên xin cấp phép mà phải nhờ một pháp nhân (hãng băng đĩa) đứng tên trên sản phẩm của mình. Do vậy rút kinh nghiệm từ Nghị định 11/2006/NĐ-CP tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm có văn bản hướng dẫn Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009.

- Làm luật sư liên quan tới giới văn nghệ, nghe thì có vẻ sang trọng, nhưng chắc chắn những khó khăn cũng không ít. Có khi nào anh rơi vào tình trạng buộc phải từ chối khách hàng (thân chủ) là những nghệ sỹ?

- Khách hàng đầu tiên của tôi trong giới văn nghệ sĩ là ca sĩ, nhạc sĩ Đức Huy, có lẽ vì sống ở Mỹ đã quen thuộc với môi trường an toàn pháp lý, do đó ngay khi trở về Việt Nam, NS Đức Huy đã ủy quyền cho tôi trong việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm do anh sáng tác. Vừa rồi nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân (ở Mỹ) cũng đã đặt vấn đề với tôi trong việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm của anh ấy. Tôi cũng đã từng tư vấn pháp luật cho nhiều văn nghệ sĩ như ca sĩ Nguyên Vũ, người mẫu Xuân Lan, vợ chồng nhạc sĩ Lê Quang, ca sĩ Cam Thơ, đặc biệt với những ca sĩ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo vẫn luôn nhờ tôi tư vấn mỗi khi có vấn đề pháp lý xảy ra. Tôi chỉ từ chối khách hàng, khi nhận thấy khách hàng có biểu hiện gian dối, không trung thực và những gì trái với pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.

- Theo anh, để môi trường pháp lý trong hoạt động biểu diễn và kinh doanh nghệ thuật được thấu triệt, chúng ta cần những điều gì?

- Trong bản tham luận của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại hội thảo khoa học "Âm nhạc Việt Nam - Thực trạng và phương hướng", có kiến nghị Quốc hội nên xem xét ban hành "Luật Âm nhạc" như "Luật Điện ảnh" đã được Quốc hội thông qua. Theo tôi đây là vấn đề nghiêm túc mà Nhà nước cần có sự quan tâm chính đáng. Tôi cho rằng trước mắt cần soạn thảo và ban hành Luật hoạt động âm nhạc, trong đó điều chỉnh các vấn đề như hoạt động biểu diễn, hoạt động sáng tác, hoạt động đào tạo, hoạt động lý luận phê bình... Song song đó cũng cần có luật điều chỉnh về lĩnh vực sân khấu, thời trang. Qua quá trình thực thi, chúng ta từng bước tập hợp và điển chế thành Bộ luật Hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

- Có ý kiến cho rằng, đời sống nghệ thuật thay đổi liên tục, còn những người làm luật lại xa rời thực tế, nên luôn không theo kịp với sự phát triển. Anh nghĩ sao về điều này?

- Xã hội luôn sống động và phát triển, vì thế luật pháp cũng phải phát triển theo nhịp đập của xã hội. Tôi cho rằng một nguyên tắc quan trọng để ổn định đời sống xã hội đó là những gì hợp lý, hợp lòng dân, phù hợp với luật tự nhiên mà chưa hợp pháp thì nhà làm luật cần nhanh chóng hợp pháp hóa điều đó, ngược lại những gì hợp pháp song lại bất hợp lý, trái lòng dân, trái với luật tự nhiên thì chúng ta cần nhanh chóng loại bỏ.

Như tôi đã nêu trên, Nghị định 11 đã ban hành năm 2006 cho đến nay sắp hết hiệu lực thi hành mà vẫn không có hướng dẫn, hay như Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02/7/2004 của Bộ trưởng Bộ VHTT ban hành quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, cho đến thời điểm hiện nay đã lạc hậu song chưa biết đến bao giờ mới có sự điều chỉnh, ví dụ trường hợp đối với nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong trường hợp họ có quốc tịch Việt Nam thì như thế nào? Họ có phải xin phép biểu diễn không? Vì theo nguyên tắc đã là công dân Việt Nam thì phải được đối  xử  bình đẳng, không được phân biệt đối xử; rồi trường hợp các sáng tác của họ sau này khi trở về Việt Nam có được phổ biến như các nhạc sĩ trong nước không?...

Vẫn còn nhiều câu hỏi ở phía trước mà xã hội đang rất cần sự trả lời bằng văn bản pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước.

- Xin cảm ơn anh!

Toàn Nguyễn
.
.