Luận tội

Thứ Sáu, 27/12/2019, 10:58
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff tuyên bố rằng “bằng chứng về các hành vi của Tổng thống quá chắc chắn và không thể chối cãi” và do ông Trump “không ngừng lạm dụng quyền lực” đã khiến cho phe Dân chủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành tiến trình luận tội Tổng thống.

“Bằng chứng áp đảo!”

Có vẻ như dù muốn hay không muốn, Tổng thống Mỹ Doanld Trump vẫn buộc người ta phải nhắc đến mình, theo cái cách mà hầu hết những người bình thường chẳng hề ngờ tới. Lần này, là việc Hạ viện Mỹ đã thông qua 2 điều khoản luận tội ông Trump.

Quá trình luận tội Tổng thống đã bắt đầu từ đầu tháng 12 khi những người của đảng Dân chủ đang nắm đa số tại Hạ viện, cho công bố một báo cáo dày tới 300 trang để trình bày những chứng cứ luận tội Tổng thống. Theo tuyên bố của phe Dân chủ, đây là những “bằng chứng áp đảo về hành vi sai trái” của Tổng thống “có hại cho an ninh quốc gia và sự liêm chính trong bầu cử của chúng ta (tức Mỹ)”.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff tuyên bố rằng “bằng chứng về các hành vi của Tổng thống quá chắc chắn và không thể chối cãi” và do ông Trump “không ngừng lạm dụng quyền lực” đã khiến cho phe Dân chủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành tiến trình luận tội Tổng thống.

Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua bản luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump. Ảnh: L.G.

Hai cáo buộc chính để luận tội Tổng thống Trump do Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler công bố là “hành vi lạm quyền để thu lợi ích cá nhân không đúng đắn” và “cản trở quá trình điều tra luận tội được quy định trong Hiến pháp của Quốc hội”.

Căn cứ mấu chốt dùng để luận tội xoay quanh một cuộc điện đàm hồi cuối tháng 7 giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky. Theo tố cáo của một nhân chứng giấu mặt, trong cuộc điện đàm này, ông Trump đã bóng gió gây sức ép với Tổng thống Volodymir Zelensky để Ukraine mở cuộc điều tra nhằm vào Hunter Biden, người có các mối quan hệ làm ăn ở Ukraine.

Cơ sở khiến người ta nghi ngờ ông Trump có thể tạo sức ép đáng kể để Ukraine thực hiện yêu cầu này là việc Mỹ trước đấy đã “treo” lại 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo phía Dân chủ, có thể hiểu “thông điệp ngầm” ẩn chứa sau đòi hỏi này: nếu Kiev tiến hành điều tra Hunter Biden thì khoản 400 triệu USD sẽ được Washington giải ngân!

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Hunter Biden là con trai cựu Phó Tổng thống Joe Biden (dưới thời Tổng thống B.Obama), mà ông Joe Biden, người của đảng Dân chủ, lại (được cho) là đối thủ nguy hiểm nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020.

Cho dù sau đó 400 triệu USD đã được giải ngân cho phía Ukraine (mà phía Dân chủ nói rằng là nhờ kết quả của sức ép từ phía Hạ viện) cũng như ông Trump cho công bố toàn bộ nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky (một hành vi mà người ta cho rằng tối kỵ trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là giữa các nguyên thủ quốc gia), thì quá trình luận tội cũng đã được kích hoạt, không thể dừng lại được nữa rồi.

Điều an ủi

Nếu có điều gì có thể an ủi ông Trump thì đó là ông không phải tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ phải đối mặt với quá trình luận tội.

Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội là Andrew Johnson, Tổng thống Mỹ kế nhiệm Abraham Lincoln bị ám sát sau cuộc nội chiến hồi thế kỷ 19 giữa các các bang miền Bắc và miền Nam Hoa Kỳ với thắng lợi cuối cùng nghiêng về phía miền Bắc. Do việc Tổng thống Andrew Johnson cố gắng sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, người có lập trường cứng rắn đối với phe bại trận miền Nam, ông bị luận tội vào năm 1868.

Hạ viện Mỹ, khi ấy do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã bỏ phiếu luận tội (11 điều khoản) ông Andrew Johnson và vụ việc được đưa lên quyết định ở một phiên tòa tại Thượng viện. Sau 3 vòng bỏ phiếu, Thượng viện Mỹ đã không thể kết án được bất cứ một tội danh nào đối với ông Andrew Johnson, bởi không lần nào đạt được 2/3 số phiếu cần thiết và phiên tòa phải khép lại. 

Hơn 100 năm sau, tháng 10-1998, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng đã quyết định bỏ phiếu bắt đầu quy trình luận tội Tổng thống Bill Clinton sau những tranh cãi về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ với cô thực tập sinh ở Nhà Trắng Monica Lewinsky.

Nhìn vào những tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump có thêm một điều an ủi nữa là chưa có vị tổng thống nào buộc phải rời Nhà Trắng do kết quả trực tiếp của một tiến trình luận tội.

Theo đúng quy trình, vụ việc được đưa lên xét tại một phiên tòa ở Thượng viện gần một tháng sau với 2 tội “khai man trước bồi thẩm đoàn” và “cản trở công lý”. Sau hơn 4 tuần xét xử, Thượng viện biểu quyết tha bổng ông Bill Clinton vì không đủ số phiếu để kết án cả 2 tội. Trước ông Bill Clinton, Tổng thống Richard Nixon cũng dính dấp đến một quá trình luận tội do bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối Watergate, tổ chức đột nhập trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ để ăn cắp tài liệu của đảng này diễn ra vào năm 1972. Ông Nixon bị cáo buộc các tội “cản trở công lý”, “lạm quyền” và “coi thường Quốc hội”.

Trước khi bị luận tội (có quá nhiều bằng chứng vững chắc, trong đó có cả đoạn băng ghi âm cho thấy vị tổng thống thứ 37 của nước Mỹ trực tiếp tổ chức che đậy vụ bê bối), ông Nixon đã chủ động từ chức. Đây là vị tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ chưa trải qua toàn bộ quá trình luận tội nhưng phải từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. 

Như vậy, nếu nhìn vào những tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump có thêm một điều an ủi nữa là không (hay chưa) có một tổng thống nào buộc phải rời Nhà Trắng do kết quả trực tiếp của một tiến trình luận tội. Trường hợp Tổng thống Richard Nixon năm 1974 là đã từ chức trước khi có thể bị luận tội.

“Vũ khí” kinh tế của ông Trump

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump, người khi vào Nhà Trắng chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị, vướng vào những rắc rối liên quan đến các cáo buộc khác nhau. Ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã phải đối mặt với cuộc điều tra do những người Dân chủ khởi xướng mang tên “thông đồng với Nga” để giành kết quả có lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, 2 năm điều tra đã không đi tới được bất cứ một kết luận nào có thể gây bất lợi cho ông Trump.

Những người Dân chủ biết rất rõ rằng từ “luận tội” đến chỗ buộc ông Trump phải rời Nhà Trắng khó như hái sao trên trời nhưng có hề gì! Giống như câu chuyện hài hước về con gà trống đuổi theo con gà mái, “được thì được không thì coi như tập thể dục!”, quá trình luận tội Tổng thống do những người Dân chủ thúc đẩy nhằm tạo ra một vết nhơ “bị luận tội” đối với ông Trump trước khi cuộc bầu cử diễn ra dịp cuối năm.

Hơn thế nữa, những người Dân chủ hy vọng tiến trình luận tội này sẽ ảnh hưởng đến những cử tri trung dung, thậm chí cả những người thuộc phái ôn hòa của đảng Cộng hòa, vốn đang băn khoăn, nghi ngờ khả năng xử lý các vấn đề đối ngoại của ông Trump. Về phần mình, ngoài việc đả kích tiến trình luận tội do những người Dân chủ khởi xướng là “cuộc săn tìm phù thủy” hay là biểu hiện của “Hội chứng quấy rối Donald Trump”, ông Trump còn có một thứ “vũ khí” để đối phó với quá trình luận tội: những chỉ số khả quan về kinh tế kể từ khi ông vào Nhà Trắng.

Nhiều người cho rằng ông Trump đã được hưởng lợi từ những chính sách kinh tế thời ông Barack Obama, đến thời ông Trump mới phát huy tác dụng nhưng ông Trump, vốn là bậc thầy về quảng cáo, đã không ngừng say mê nói về những con số: tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969; các công ty tuyển 2,2 triệu việc làm trong vòng 12 tháng qua, nền kinh tế phát triển kỷ lục trong vòng 11 năm qua...

Nước Mỹ còn cần gì hơn thế nữa? Nếu ông bị luận tội và phải rời khỏi Nhà Trắng, những phép màu đó sẽ biến mất - ông Trump khẳng định với những người ủng hộ mình và cả những người còn đang lưỡng lự như thế.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff tuyên bố rằng “bằng chứng về các hành vi của Tổng thống quá chắc chắn và không thể chối cãi”. Ảnh: L.G.

Thượng viện mới là nơi quyết định

Những chỉ số kinh tế không phải là chỗ dựa duy nhất của ông Trump. Chính cách thiết kế quá trình luận tội trong hệ thống pháp lý của nước Mỹ mới là điểm tựa chính để ông Trump cũng như những người ủng hộ tin chắc rằng chẳng gì có thể bẩy được ông ra khỏi Nhà Trắng.

Bởi vì quá trình luận tội được khởi đầu từ Hạ viện nhưng nó lại kết thúc ở Thượng viện. Giờ đây, khi Hạ viện đã thông qua quyết định luận tội, nó sẽ được đẩy lên Thượng viện, nơi một phiên tòa được thiết lập để xem xét liệu Tổng thống có tội hay không. Ở phiên tòa này, Hạ viện đóng vai trò công tố, Thượng viện là bồi thẩm đoàn, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ là chánh án!

Để có thể kết án và bãi nhiệm Tổng thống, cần ít nhất 2/3 số phiếu ở Thượng viện ủng hộ, tức là 67/100 ghế của Thượng viện. Hiện nay đảng Cộng hòa chiếm 53 ghế tại Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ chiếm 45 ghế. Kể cả khi đảng Dân chủ có được sự ủng hộ của 2 thượng nghị sĩ độc lập trong Thượng viện thì con số được coi là thuộc về đảng Dân chủ cũng mới chỉ có 47/100 ghế. Điều đó có nghĩa là nếu muốn phế truất ông Trump, đảng Dân chủ cần phải có ít nhất 20 Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa “trở cờ” chạy sang phe Dân chủ để kết án Tổng thống, người của đảng Cộng hòa!

Đấy là một kịch bản không tưởng và với lợi thế nắm giữ quá bán số ghế tại Thượng viện, đảng Cộng hòa hoàn toàn có khả năng chặn đứng quá trình luận tội ông Trump mà chẳng cần phải tốn thời gian xem xét bằng chứng làm gì cho mất công.

Nói cách khác, bất chấp những lùm xùm của quá trình luận tội, ông Trump hoàn toàn có khả năng ung dung đi hết nhiệm kỳ của mình ở Nhà Trắng. Câu hỏi đặt ra là liệu quá trình luận tội này ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội ông ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, phải đến cuộc bầu cử cuối năm 2020 mới có câu trả lời.

Yên Ba
.
.