Lửa trên cát

Chủ Nhật, 21/06/2020, 08:41
Không còn lựa chọn nào cho Palestine, trước tham vọng lãnh thổ không một chút giấu giếm của Israel. Thế nhưng, làm gì trong tình trạng không có lựa chọn ấy vẫn cứ là một câu hỏi không dễ trả lời.

Một guồng máy đã được khởi động

Không để lỡ một chút thời gian nào, ngay khi giải quyết xong các vấn đề chính trị nội bộ của mình, Israel lập tức hướng đến việc thực thi cam kết chính của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong chiến dịch tranh cử vừa khép lại: chính thức sáp nhập một số khu vực tại Bờ Tây vào lãnh thổ Israel.

Ngày 2-6, trong cuộc gặp gỡ với một số đại diện của Hội đồng Yesha - tổ chức phụ trách các khu định cư ở Bờ Tây, Thủ tướng Netanyahu hé lộ rằng ông đã và đang trao đổi với Washington về việc thực hiện sớm các kế hoạch sáp nhập. Cần phải nhắc lại, bằng việc đặt những kế hoạch này - dựa trên kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông mà nước Mỹ đề xuất - làm mục tiêu chính, đảng Likud của ông đã dễ dàng thành lập được một chính phủ liên minh với đảng Xanh - Trắng của đối thủ chính trị Benny Gantz, để theo đuổi những con đường đã được vạch ra.

Các chiến binh Hamas vẫn luôn có phương thức đấu tranh riêng của mình.

Và bởi vậy, cũng như bao nhiêu năm qua, khi chủ nghĩa phục quốc Do Thái vẫn luôn là nhân tố chủ đạo bảo đảm sự thống nhất và đồng thuận của nội bộ chính trường Israel, không có lý do gì đế những khu định cư Do Thái không tiếp tục được gấp rút xây dựng trên những vùng lãnh thổ mà từ trước năm 1967 đã được xác định là thuộc về Palestine.

Nhưng, hơn thế, lần này, Israel còn có được một sự hậu thuẫn lớn chưa từng có về mặt pháp lý. Nước Mỹ đã vì mối quan hệ với họ mà thậm chí còn đảo ngược cả những quan điểm ngoại giao truyền thống tồn tại hàng mấy thập kỷ, để không chỉ xem những khu định cư Do Thái đó là “không vi phạm pháp luật” mà còn xác lập một quan điểm mới cho lộ trình xây dựng hòa bình Trung Đông.

Nói một cách ngắn gọn, Washington khai tử cho “giải pháp 2 nhà nước”, đồng thời kêu gọi cộng đồng các quốc gia Hồi giáo Arab xem việc chung sống hòa bình với Israel (nghĩa là công nhận sự chiếm đóng lãnh thổ trên thực tế của Israel) là điểm mấu chốt.

Đến cả những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối ý tưởng đó, khi hết lần này đến lần khác nhấn mạnh rằng bản kế hoạch này thực tế “sẽ làm tổn hại đến các cơ hội hòa bình ở Trung Đông”. Mới đây, cũng trong ngày 2-6, Na Uy - quốc gia chủ trì Ủy ban Liên lạc đặc biệt ủng hộ Palestine (AHLC) một lần nữa kêu gọi Israel đừng thực hiện sáp nhập các khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

Song, bất cứ nhà quan sát nào cũng hiểu, tất cả những lời kêu gọi đó đều là “để cho có”, bởi Tel Aviv chắc chắn sẽ không vì được kêu gọi mà dừng lại. Với sự song hành của nước Mỹ, Israel đã đi từ việc xác nhận Jerusalem là thủ đô mới của mình (bao gồm cả phần Đông Jerusalem vốn được xác định sẽ là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai) đến các tiến trình xây dựng khu định cư Do Thái mới và thậm chí còn hướng đến việc chính thức xác lập chủ quyền trên mọi vùng lãnh thổ của những quốc gia khác bị chiếm đóng sau những cuộc chiến tranh ở thế kỷ trước.

“Mọi động thái đơn phương đều gây bất lợi cho tiến trình hòa bình và mọi hành động sáp nhập sẽ trực tiếp vi phạm luật pháp quốc tế” - Ngoại trưởng Na Uy Erikssen Soereide khẳng định. Nhưng, Na Uy cũng như cả EU liệu có sẵn lòng và đủ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt với Israel hay không?

Bão cát chực chờ

Một cách thực tế, trong bối cảnh phải đối diện với địch thủ đầy quyết tâm và hùng mạnh hơn về mọi mặt như Israel, cho dù vẫn “trông cậy vào sự ủng hộ của nhân dân Arab (cũng như cộng đồng quốc tế) đối với sự kiên định của nhân dân Palestine chống lại các biện pháp gây hấn của Israel” - như những lời trong thư của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gửi Nhóm hòa bình Arab (một tổ chức nghiên cứu độc lập bao gồm các cựu tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng của các quốc gia Arab, cũng như những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới nghiên cứu) ngày 4-6, vấn đề quyết định vẫn là khả năng “tự lực cánh sinh” của người Palestine.

Lãnh thổ hợp pháp của Palestine bị cắt xén trên thực tế qua từng thời kỳ.

Không ai có thể nghi ngờ về ý chí kiên định của họ. Ngọn lửa đấu tranh của người Palestine chưa bao giờ tắt, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Họ đã, đang và vẫn sẽ sẵn sàng thổi lên những trận cuồng phong nhằm bảo vệ chủ quyền của mình, đẩy lùi những tham vọng của địch thủ - như Cuộc chiến mùa hè năm 2014, sự phản kháng bộc phát thành những cuộc xung đột đường phố dữ dội.

Vấn đề là, sau tất cả những lần phản kháng đó, Israel vẫn cứ từng bước đạt được mục đích của mình. Điều này không chỉ xuất phát từ sự ủng hộ vô điều kiện đến bất chấp luật pháp quốc tế mà Washington dành cho Tel Aviv. Điều này còn có nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu gắn kết trong nội bộ những chiến sĩ tranh đấu Palestine.

Fatah và Hamas, 2 tổ chức vũ trang Palestine quan trọng nhất, chưa từng nhìn về cùng một hướng với nhau, dù đều chiến đấu vì nền độc lập của Palestine.

Fatah - nhóm ôn hòa, nòng cốt của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do cố Tổng thống Yaser Arafat thành lập, cũng là nòng cốt của Chính phủ Palestine hiện tại - luôn nỗ lực hướng đến các thỏa thuận hòa bình (tiêu biểu như Hiệp định Oslo 1993 ký với Israel, vừa bị tuyên bố chấm dứt hiệu lực). Fatah sẵn lòng thỏa hiệp, nếu cảm thấy không nhất thiết phải sử dụng vũ lực - bạo động.

Ngược lại, Hamas - nhóm vũ trang quân sự đang nắm quyền kiểm soát rất nhiều khu vực ở Bờ Tây và Dải Gaza trên thực tế - luôn luôn tỏ ra cứng rắn, cứng rắn đến cực đoan với Israel. Tôn chỉ hoạt động của họ thậm chí còn là việc đòi lại những phần đất trước kia thuộc về Palestine nhưng được phân định cho Israel kể từ năm 1948. Hamas không thừa nhận PLO là tổ chức chính trị tối cao của người Palestine, đồng nghĩa với việc hành động riêng rẽ với Chính phủ Palestine cũng như Fatah. Họ sẵn lòng sử dụng bạo lực và họ gây ra nhiều tổn thất cho cả quân đội Israel lẫn các tiến trình tìm kiếm hòa bình.

PLO kêu gọi một sự thống nhất.

Nếu người Palestine bị dồn đến đường cùng, Hamas sẽ lại đi đầu trong những cuộc đấu tranh vũ trang, không loại trừ cả các hình thức cực đoan như đánh bom khủng bố hay nã rocket vào khu dân cư.

Trong khi đó, ngày 4-6, Fatah cũng đã tuyên bố thành lập các ủy ban nhằm chống lại tiến trình sáp nhập của Israel nhưng lại không cho biết cụ thể là những ủy ban này sẽ hoạt động như thế nào. Người ta chỉ được biết chung chung là những ủy ban này tồn tại “dựa trên các hoạt động rộng lớn hơn nhằm chống lại kế hoạch sáp nhập cũng như bảo vệ các vùng lãnh thổ nằm trong mục tiêu của Israel”.

Vấn đề là, theo như bức thư của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gửi Nhóm hòa bình Arab, “sự hòa giải giữa Fatah và Hamas phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn do PLO đặt ra”.

Kể cả khi Fatah gần đây đã trở nên ôn hòa hơn, để chấp nhận tham dự các cuộc họp của PLO với nhiều thiện chí hơn, kể cả khi đoàn kết - gắn bó - đồng thuận đã trở thành những nhiệm vụ mang tính “sinh tử” - thì yêu cầu này dường như cũng vẫn mang màu sắc áp đặt, đặc biệt là với những thành viên Hamas trung kiên nhất.

Những nắm cát rời rạc, trong một thời điểm nào đó, có thể tạo nên sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão cát. Nhưng, khi cơn bão cát ấy tan đi, điều còn lại cũng vẫn chỉ là những nắm cát rời rạc mà thôi...

Thiên Phong
.
.