Hoa hậu - Y phục xứng kỳ đức:

Lời thách đố của dư luận

Thứ Sáu, 28/09/2007, 17:00
Tưng bừng các cuộc thi hoa hậu. Tưng bừng các người đẹp đăng quang. Và ồn ào sau nó là những dư luận đôi khi không dễ chấp nhận. Người đẹp mà trí tuệ không cân xứng. Người đẹp mua giải. Hoa hậu liên quan đến các "đại gia"… Vòng xoáy này không dễ nhận thấy nếu người ta chỉ nhìn mọi thứ theo vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Một cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bỗng trở thành hoa hậu sau một đêm. Và cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi, vì có một "công tử" săn đuổi và lo cho cả gia đình cô trở nên khá giả.

Cô gái ấy nhanh chóng quên đi những điều đã hứa, đó là quan tâm đến người nghèo, đi làm từ thiện, mang những điều tốt đẹp đến cho mọi người. Cô chỉ quan tâm đến nhan sắc của chính mình và những cuộc vui.

Cô lấy chồng. Nhưng rồi sau đó là bi kịch của đời cô khi "đại gia" của cô dính vòng lao lý. Bi kịch của cô đã được giới điện ảnh dựng cả một bộ phim. Đoạt ngôi hoa hậu là hạnh phúc to lớn. Nhưng có thể bi kịch cũng đến từ đó nếu không biết điểm dừng.

Một cô hoa hậu khác, đoạt ngôi hoa hậu ở tuổi vị thành niên. Và hành trình của cô là liên tiếp những sự cố trên đường tình duyên và những mối liên quan đến các "đại gia". Mới đây dư luận ồn ào vì đám cưới xa xỉ của cô tại một khu du lịch miền Trung.

Thực ra con gái lớn thì đi lấy chồng chẳng có gì xấu. Cái xấu chính là trước đó cô đã sống và coi một người đàn ông khác như là chồng mình. Cô cũng thừa nhận chuyện đó trên báo chí. Khi "đại gia điện thoại" đó lâm nạn, cô đã khóc lóc thề non hẹn biển trên mặt báo rằng sẽ chờ vị "đại gia" đó.

Khi ấy cô thực sự nhận được sự cảm thông của mọi người vì cô là… "hòn vọng phu có nhan sắc". Lời thề hẹn vẫn nguyên vẹn, thì cô đã đi lấy chồng - một "đại gia" buôn xe hơi! Khi hoa hậu nói, có lẽ chỉ để cho vui. Còn khi hoa hậu làm, thì thường ngược với những gì mình nói.

Khi hoa hậu chỉ chăm sóc nhan sắc và lên báo nói về sự xa xỉ của mình, thì có lẽ những lời hứa của một hoa hậu đã không còn được coi trọng. Và công chúng có quyền quay lưng lại với hoa hậu ấy. Và chính cô hoa hậu đó đã không biết coi trọng vương miện của mình.

Các cuộc thi hoa hậu liên tiếp diễn ra. Tất cả các cô gái khi đăng quang đều nói về nghĩa vụ thiêng liêng của mình như một cái quyền được cống hiến và chia sẻ của tuổi trẻ.

Nhưng có mấy người thực sự quan tâm đến điều đó sau khi vương miện đã đội lên đầu, tiền thưởng trong túi và những chuyến du lịch nước ngoài đầy cuốn hút đang mời gọi. Và cứ như thế, hoa hậu chỉ là vương miện tôn vinh chính cô gái đó. Càng ngày vương miện càng bớt thiêng liêng và các hoa hậu ngày càng… mất giá.

Mới đây, một công ty tổ chức một cuộc thi mang tên hoa hậu tài năng. Bà giám đốc huỵch toẹt trên báo rằng, họ sẽ chọn ra những cô gái đẹp nhất rồi đào tạo đầy đủ kỹ năng để… cho thuê vì bà ta cho biết, thực tế các người đẹp khi đi cạnh… "đại gia" khá tẻ nhạt vì không có kỹ năng giao tiếp.

Một tiến sỹ ngành văn hóa phải thốt lên "thật kinh khủng" khi đọc bài phỏng vấn đó. Bởi nếu chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế lạnh lùng thì điều đó không sai. Nhưng khi dùng đến từ "hoa hậu" thì có lẽ đã chạm vào khía cạnh văn hóa.

Mà văn hóa Việt Nam vẫn coi hoa hậu là biểu tượng của cái đẹp và tài năng của hoa hậu không phải chỉ để làm những công việc đó. Ban tổ chức cuộc thi này còn cố tình cho rằng, việc hoa hậu đi với "đại gia" là việc hiển nhiên cần được thừa nhận và đó là mối quan hệ… có lợi cho cả đôi bên. Hoa hậu có lẽ cần là một từ có ý nghĩa cao đẹp hơn..

Đoạt vương miện đã khó, giữ vương miện hoa hậu còn khó hơn. Làm thế nào để "y phục xứng kỳ đức", đó là lời thách đố của dư luận với tất cả những cô gái đã, đang và sẽ bước vào các cuộc thi sắc đẹp và có thể đoạt ngôi hoa hậu

Thiên Ý
.
.