Loay hoa loay hoay

Thứ Bảy, 07/01/2017, 13:26
Thoắt cái mà cuối năm rồi, thời gian nhanh như chó chạy trên đồng. Cũng thoắt cái mà đây là số báo cuối cùng của năm 2016.

Một năm trôi qua vui vui buồn buồn, với những bất ngờ thời sự từ chuyện này kéo dài cho đến chuyện khác. Từ chuyện bổ nhiệm đúng quy trình cho đến bất thình lình làm lãnh đạo, rồi chuyện xả lũ, chuyện môi trường, chuyện thu phí thu tô… liên hồi kỳ trận.

Mr. Bim điểm báo số nào cũng loay hoay vì lựa tin nhọc nhằn lắm, thật nhọc nhằn không thua mấy vị tính chuyện thu phí vào trung tâm ở TP.HCM lẫn Hà Nội đâu.

1. Trang CAND Online (cand.com.vn) có bài, "Hà Nội nghiên cứu thu phí ôtô vào trung tâm".

Trong đó có đoạn, "Theo lãnh đạo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT). Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội" mà Sở GTVT Hà Nội cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang xây dựng cũng đã đề cập tới các giải pháp thu phí ôtô vào trung tâm Hà Nội.

"Hà Nội đang nghiên cứu xem sẽ thu phí ôtô từ vành đai 3 trở vào hay chỉ thu từ vành đai 2. Vấn đề thời gian áp dụng sao cho hợp lý, hiệu quả và khả thi nhất cũng đang được thành phố tính toán, cân nhắc", lãnh đạo Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải thông tin.

Vị này cũng khẳng định sự cần thiết phải áp dụng giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm, vì nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thành công giải pháp này. Bởi về công nghệ, chỉ cần tạo một vành đai khép kín và thu bằng thiết bị tự động là hợp lý".

Mr. Bim không biết ai đủ tự tin để đảm bảo rằng một trong những giải pháp cho vấn đề ùn tắc giao thông đô thị chính là thu phí phương tiện giao thông vào các trung tâm thành phố. Bởi không chỉ có Hà Nội, mà còn cả TP.HCM cũng đang lăm le triển khai đề án thu phí này.

Nếu có thể giảm, chống ùn tắc giao thông bằng việc thu phí (hệt như trước đây tính chuyện nâng thuế, phí để hạn chế việc mua sắm sở hữu phương tiện cá nhân vậy) thì cần gì ban nghiên cứu với viện chiến lược chi cho cồng kềnh bộ máy công chức, tốn lương Chính phủ, tốn suất biên chế đến vậy. Cứ  thấy kẹt xe tắc đường thì lập tức ra quyết định tăng thu phí vậy là xong.

Còn không cứ tăng lũy tiến theo kiểu, thứ hai thu nhiêu đây, thứ ba thu nhiêu đây, thứ tư thu nhiêu đây. Thu nhiều đến mức dân chịu không nổi thì phải bỏ xe đi bộ thôi, mà dân bỏ xe nghĩa là hết kẹt xe. Có vậy cũng phải nghĩ lằng nhằng chi cho mệt.

Mr. Bim nói thiệt, hoạch định chính sách liên quan cấp thiết đến đời sống nhân dân mà cứ đề xuất với giải pháp hệt như uống rượu say chém gió thế này thì không cạn lời cũng là bất lực tư duy.

2. Trang VnExpress có bài, "Ban Bí thư yêu cầu không bắn pháo hoa dịp Tết".

Trong đó có đoạn, "Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh vừa ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017.

Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương; nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Chính quyền cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển...

Ban Bí thư cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…".

Đây là một chủ trương Mr. Bim nhiệt liệt ủng hộ, trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các địa phương phải thắt lưng buộc bụng cùng Chính phủ để qua giai đoạn này, thì không hà cớ gì miệng than thiếu tiền còn tay lại châm ngòi bắn pháo hoa ầm ĩ. Đâu có sao, khi nào kinh tế hồi phục, khi nào ngân sách dư dả thì chúng ta lại sửa soạn mừng Tết vui hơn, hoành tráng hơn. Khi ấy mừng mới thật là mừng, chứ không nhẽ bắn pháo hoa xong lại xin ngân sách bù đắp vào thì còn ra thể thống gì nữa.

3. Trang Tuổi Trẻ Online có bài, "Phó thủ tướng "thúc" bồi thường do sự cố môi trường biển".

Trong đó có đoạn, "Tình hình giải ngân của các địa phương cho bà con bị thiệt hại rất chậm, các cơ quan chức năng trung ương và địa phương phải tích cực hơn nữa trong vấn đề này, để người dân bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, đã yêu cầu như vậy trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra bởi trước đó Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng từng yêu cầu các địa phương liên quan phải đẩy mạnh giải ngân, chi trả bồi thường, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng lưu ý các địa phương không vì có một vài ý kiến khác nhau về đền bù, hỗ trợ hay mở rộng đối tượng mà làm chậm quá trình giải ngân.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương triển khai việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống, chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Phó thủ tướng cho rằng việc tiến hành giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng sẽ là niềm động viên, khích lệ, tạo sự tin tưởng cho bà con đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước".

Có đọc thông tin này mới thấm thía câu, "Dân vội, quan chưa vội". Mr. Bim không sao hiểu được quan chức lãnh đạo địa phương đang tư duy phục vụ nhân dân như thế nào nữa. Đến lãnh đạo cấp cao trăm công nghìn việc như Phó Thủ tướng Thường trực còn thấu hiểu, "khẩn trương triển khai việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống, chuẩn bị đón Tết cổ truyền". Vậy mà, các quan chức địa phương cứ đủng đà đủng đỉnh.

Đó là chưa kể đến tình trạng mà báo chí đã phản ánh lâu nay, nghĩa là bồi thường cho người dân bị thiệt hại chút là ngay lập tức kiếm cớ đóng quỹ này quỹ kia để thu lại ít nhiều.

Mr. Bim xưa nay vẫn nghĩ, quan chức địa phương chính là mắt xích quan trọng, là mặt trận hàng đầu để gìn giữ niềm tin của nhân dân vào sự công minh, quan tâm đến nhân dân của Đảng, của Chính phủ. Ấy vậy mà quan chức địa phương lại ù lì thụ động như thế này thì không biết phải làm sao nữa. Mr. Bim nghĩ rằng chắc cũng đến lúc phải xử lý vài người để làm gương thôi, chứ làm sao có chuyện Thủ tướng yêu cầu quá một lần vẫn cứ nhơn nhơn như chưa có chuyện gì được. Trong lúc, dân thì đang nóng lòng đợi.

4. Trang Vietnamnet có bài, "Bí thư Đà Nẵng: "Hãy cho chúng tôi thẩm quyền được quyết định"".

Bài báo có đoạn, "Trước những dư luận trái chiều về việc xây hầm hay cầu mới qua sông Hàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tuyên bố: "Quan điểm là chúng tôi không nghe bên nào cả. Khi chúng tôi tin đó là đúng thì chúng tôi phải quyết định" .

Ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: "Quan điểm là chúng tôi không nghe bên nào cả. Không phải các đồng chí nói không làm là chúng tôi không làm, các đồng chí bảo làm là chúng tôi bảo làm.

Chúng tôi sẽ cân nhắc, quyết định trên tinh thần vì sự phát triển của TP, vì tầm nhìn của TP, vì tương lai của TP. Thế thôi. Và các đồng chí thông cảm, chúng tôi là lãnh đạo TP. Hãy cho chúng tôi thẩm quyền được quyết định.

Khi chúng tôi tin đó là đúng thì chúng tôi phải quyết định chứ không nghe bên này nói không, bên kia nói có. Điều đó không nên đặt ra.

Lãnh đạo TP với chức trách, nhiệm vụ được giao, chúng tôi phải có quyền quyết định và chúng tôi phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Làm hầm hay làm cầu, hay không làm thì chúng tôi sẽ quyết định trên cơ sở hết sức cầu thị lắng nghe, chứ không phải có ý kiến bảo không làm là chúng tôi không làm. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, không bất chấp dư luận nhưng rõ ràng là không chạy theo dư luận. Phải sòng phẳng như thế..."".

Đúng là việc đúng thì nên quyết liệt làm, quyết tâm thực hiện. Nhưng việc mà các chuyên gia đều lo ngại thì nên cân nhắc, nhiệt tình chưa bao giờ là chìa khóa của thành công bởi thiếu cái răng cưa là kiến thức.

Lãnh đạo thì đương nhiên phải giỏi, phải có tầm nhìn. Nhưng lãnh đạo cũng không thể nào có những kiến thức chuyên môn như các chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể được. Thế nên, Bác Hồ mới chỉ rõ, "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", lại đề cao tinh thần, "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Ấy vậy mà bây giờ gạt hết thì thôi vậy, mình thích thì mình làm thôi. Bảo rằng, sẽ chịu trách nhiệm nhưng chịu như thế nào thì lại là câu chuyện khác. Nhưng dẫu sao, lâu lâu thấy sự quyết liệt cũng vui vui.

Tin khuyến mãi: Hàng loạt các trang báo đưa tin, "Hà Nội thấy thảm họa tiến dần mà không biết làm thế nào", theo đó thì, "Bí thư Hà Nội hết sức lo lắng về tình trạng quá tải. TP quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm nhưng đến nay chưa được km nào".

Bình luận của Mr.Bim: "Có hai cách nếu không biết làm thế nào để tránh thảm họa. Thứ nhất, bỏ chạy nhanh hơn nó. Thứ hai, nhắm mắt lại và ngồi xuống. Nhắm mắt thì chẳng giải quyết được vấn đề gì, nhưng được cái là sẽ đỡ sợ".

Mr. Bim
.
.