Liên minh kinh tế cá thể - một xu hướng mới

Thứ Hai, 18/01/2021, 13:55
LTS: Trong sức phát triển của nền kinh tế, chúng ta có thể tự hào về những kết quả khả quan, đặc biệt là xuất khẩu. Nhưng, trong những tràng vỗ tay ấy, những người lao động ở phần gốc của chuỗi giá trị nhận được nhiều không? Sự vất vả của người nông dân đủ trả lời câu hỏi ấy. Và, mô hình hợp tác xã vẫn là một giải pháp tích cực. Miễn là ta phải nghĩ về nó và hành động theo những phương thức mới phù hợp với thời đại và thị trường.


Bình cũ rượu mới

Ông Nguyễn Văn Viễn ngồi trước màn hình tivi, chăm chú theo dõi chương trình dạy trồng mai của một giảng viên Đại học Cần Thơ. Tỉ mẩn ghi chép vào quyển sổ dày đặc chữ, đôi khi lại nhìn ra ngoài vườn như để ước lượng, ông dường như đã quen với việc tự học kiểu này.

Ông từng làm việc trong quân y, chuyện từ 30 năm trước rồi. Khi từ quê nhà Đồng Tháp đến huyện biên giới Vĩnh Hưng (Long An) đóng quân, ông phải lòng bà Thủy, giờ là vợ ông và rồi sống luôn ở mảnh đất này. Bà dạy ông làm ruộng và trong gần 2 thập niên gắn bó với cánh đồng và mảnh vườn, ngoài việc nghe lời vợ ra, ông chỉ cặm cụi làm một mình.

Năm nay nước lũ về muộn bất thường và không có lũ lớn, lúa làm không “trúng” thường xuyên như trước, ông xoay qua trồng thêm mai. Như những lần tự chuyển đổi trước kia, ông phải học lại mọi thứ từ đầu. Chưa kể chuyển xoay vốn, tìm đầu ra. Cũng như nhiều người nông dân khác trong vùng, ông sẽ phải “nghiên cứu” mọi thứ một mình, cùng lắm là đi hỏi vài người quen, hoặc lên YouTube, một công cụ khá đắc lực nhưng thiếu trực quan, điều rất cần trong nuôi trồng.

Thiếu sự tư vấn tốt có thể khiến những người nông dân thiệt hại nặng nề. Ví dụ như trước đây ông Viễn thường mua một loại thuốc trừ sâu giá đến gần 300 ngàn/chai để trị lúa bị lép. Sau một lần được cán bộ khuyến nông khuyên, ông chuyển sang dùng loại giá chỉ bằng một nửa nhưng chất lượng không kém gì, với thành phần và hàm lượng hóa học tương tự loại đắt tiền kia.

Vốn thì ở đây cũng là bài toán đau đầu: nếu có nhiều đất để thế chấp thì ngân hàng ở dưới thị trấn, cách nhà ông độ gần 30km, là lựa chọn không tồi. Nếu không có gì để đảm bảo với ngân hàng thì đành đâm đầu vào những dây hụi, một hình thức huy động tín dụng khá phổ biến nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro. 1-2 vụ mùa thất bát có thể đẩy ra một gia đình vào nợ nần tiền trăm (triệu). Và đến mùa thu hoạch, tất cả những gì người nông dân có thể làm là phơi lúa và chờ thương lái vào thu mua.

Nếu coi canh tác và làm vườn như một mô hình sản xuất thì những người nông dân như ông Viễn đang đảm nhận những công đoạn tốn công sức nhất nhưng đầy rủi ro và có thể cho ra lợi nhuận thấp nhất. Năm 2012, theo một báo cáo dựa trên khảo sát của Oxfam đăng trên Báo Tuổi trẻ Cuối tuần về phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị xuất khẩu gạo thì người nông dân bỏ ra 70% tổng chi phí sản xuất lúa nhưng còn lâu mới đạt được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

Tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trung bình thu nhập của người nông dân chỉ hơn 500 ngàn/tháng. Lợi nhuận chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu và những đầu mối trung gian. Người nông dân thiếu vốn, thông tin lẫn các nguồn cung có giá trị và phải chật vật sử dụng kinh nghiệm để canh tác, dường như không có lợi thế nào trước các doanh nghiệp và đại lý tư nhân.

Trước đó gần 2 thế kỷ, có 28 thợ dệt ở vùng Rochdale (Anh) đã khai sinh một ý tưởng để chống lại sự bất lợi của những người sản xuất đơn độc: họ lập ra một “liên minh” những người thợ dệt vào năm 1844, để cạnh tranh lại với các công ty lớn và các nhà máy công xưởng quy mô của những nhà tư bản Anh bấy giờ.

Đấy là mô hình phát sinh từ một ý niệm đơn giản, vốn rất phổ biến trong các xã hội tiền công nghiệp: hợp tác và giúp đỡ nhau để tồn tại. Nó đến vào một thời điểm mà các nhà tư bản, với quy mô khổng lồ và khả năng chi phối nền kinh tế, có thể làm tất cả để gia tăng lợi nhuận. Cuộc cạnh tranh không cân sức này xuất hiện trong một môi trường bắt đầu với ý tưởng rằng chúng ta đều phải chạy đua để tranh giành những nguồn lực hạn chế.

Nhưng, tại Việt Nam, trong nhiều năm, mô hình hợp tác xã chịu một định kiến lịch sử: nó bị cho là thiếu hiệu quả vì không gắn bó với tư hữu và thiếu đi động lực từ các xã viên. Sản xuất, suy cho cùng, đều cần phải bắt đầu từ động lực cá nhân.

Tuy nhiên, nhìn nhận tổ chức này với con mắt hoàn toàn thị trường cũng là chưa đủ. Luật Hợp tác xã của Việt Nam ra đời năm 1996, qua nhiều lần sửa đổi bổ sung và thay thế vào các năm 2003 và 2012. Ở “phiên bản” gần nhất có một thay đổi quan trọng, so với năm 2003: hợp tác xã không còn hoạt động “như một loại hình doanh nghiệp”. Mục tiêu chính của doanh nghiệp là lợi nhuận, còn mục tiêu của một hợp tác xã đi từ chính chữ “hợp tác” của nó: hợp tác để tồn tại, phục vụ cho các thành viên trước và lợi nhuận có thể sinh ra từ quá trình này, được chia “theo vốn góp”.

2012, thời điểm luật hợp tác xã đưa ra thay đổi lớn này, cũng là năm mà báo cáo của Oxfam cho thấy lợi nhuận của người nông dân trong chuỗi giá trị xuất khẩu lúa gạo có thể thua kém thương lái đến 10 lần và kém doanh nghiệp xuất khẩu hàng nghìn lần. Có thể chúng ta đã sống quá lâu trong một thế giới cung-cầu quyết định tất cả giá trị nhưng, suy cho cùng, nếu không có người nông dân, sẽ không có khởi điểm của chuỗi giá trị này. Và mọi thứ sẽ càng tồi tệ đi, nếu sự bất bình đẳng này bị bỏ qua.

Ông Viễn năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn là lao động chính trên đồng ruộng và đây là điều không có gì bất ngờ ở vựa lúa của cả nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ phụ thuộc người già đã tăng từ 8,8% vào năm 2009 lên 14,4% vào năm ngoái. Ở ấp của ông Viễn, thanh niên giờ thà đi làm công nhân cho các nhà máy gia công trong vùng ăn lương 5-6 triệu/tháng còn hơn là ném sức lao động vào những canh bạc ruộng đồng bấp bênh, với thu nhập trung bình chỉ được vài trăm ngàn mỗi tháng, thậm chí có thể trắng tay hoặc nợ nần nếu thời tiết không ủng hộ.

Nhưng, một liên minh mạnh có thể khiến những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng có thể đảm nhận luôn những công đoạn có lợi nhuận cao hơn trong dây chuyền sản xuất, như là phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hay tín dụng nội bộ. Trước nguy cơ bị cạnh tranh không lành mạnh (vụ nước mắm truyền thống bị “vu oan” nhiễm arsen là ví dụ), thì tư cách pháp nhân của hợp tác xã và liên minh hợp tác xã cũng sẽ vững vàng hơn là những cá nhân nhỏ lẻ.

Cuối tháng 12-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI đã đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng phải “xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân”.

Có lẽ cụm từ trong ngoặc kép ở trên đã được nói đúng thời điểm, khi sản xuất và kinh doanh từ các hộ cá thể được cho là đóng góp đến 30% GDP, đang cần bảo vệ và hỗ trợ tốt hơn, từ chính những người có cùng mong muốn và tự nguyện hợp tác. Có một hợp tác xã, những người nông dân đang lăn lộn đơn độc với đồng ruộng sẽ biết được rằng những công đoạn còn lại không hề là bất khả thi.

(Phạm An)

Phải tìm ra hướng thời đại

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Như vậy, làm sao củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã một cách hiệu quả, là câu chuyện cần có lời giải đáp cụ thể.

Kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 1-1-1997 đến Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mô hình hợp tác xã phát triển. Có thể thấy, nước ta có một chủ trương nhất quán khẳng định mô hình hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Cho nên, phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 26 nghìn hợp tác xã, 100 liên minh hợp tác xã, 119 nghìn tổ hợp tác, thu hút 8,1 thành viên. Đó là ấn tượng ban đầu về số lượng nhưng cũng đặt ra băn khoăn về chất lượng. Thực tế đã có vài mô hình được ca ngợi như Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Tín (tỉnh Quảng Ngãi), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng) hoặc Hợp tác xã Thương mại-dịch vụ Phường 1, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)...

Vì sao chúng ta cần xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu? Vì đó là đòi hỏi từ đời sống. Khái niệm “buôn có bạn, bán có phường” chưa bao giờ lạc hậu. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp, nếu mạnh ai nấy áp dụng sở thích mang tính ngẫu hứng về trồng trọt và chăn nuôi thì điệp khúc “mất mùa được giá, được mùa mất giá” vẫn liên tục tái diễn. Chỉ có mô hình hợp tác xã mới có thể hạn chế việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân. Chưa cần trình độ chuyên gia, mà những người bình thường bằng khả năng quan sát một cách cẩn thận cũng có thể thấy rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một thể chế kinh tế tất yếu. Kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó khăn, không có khả năng cạnh tranh để tồn tại.

Thách thức hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là vài năm sắp tới chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do. Trong đó, ngoài yếu tố an ninh lương thực, sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế. Hộ kinh doanh cá thể và hộ sản xuất gia đình sẽ chơi vơi khi bước vào sân chơi khốc liệt này. Bởi lẽ, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm phục vụ nội địa vì sự xâm lấn của thị trường nước ngoài, sau khi các hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ theo các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Ngoài ra, quá trình tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nguồn lao động phổ thông vốn chiếm đa số trong xã hội Việt Nam, chắc chắn đẩy hàng triệu người vào hoàn cảnh mất việc làm hoặc phải chuyển đổi việc làm. Ông Nguyễn Văn Đoàn - Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất mạnh: “Kinh tế tập thể phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa-xã hội, các hoạt động cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... trong việc phát huy sức mạnh thành viên, hộ gia đình. Từ đây sẽ tạo tiền đề phát triển sản xuất lớn, ổn định xã hội và phát triển bền vững”.

Vấn đề cốt lõi của hợp tác xã là quy tụ người sản xuất để có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đã qua rồi cái thời “tự sản, tự tiêu” ung dung và nhẹ nhàng. Từ ruộng vườn đến bàn ăn đã là một khoảng cách đáng sợ, mà từ kho bãi đến cửa khẩu cũng là một khoảng cách đáng sợ hơn. Nếu không có hợp tác xã thì chuỗi giá trị sản phẩm sẽ đứt gãy và tạo ra nỗi ám ảnh kinh hoàng “giải cứu nông sản Việt” khắp nơi.

Hành lang pháp lý cho hợp tác xã đã được hình thành thì bài toán được đặt ra là lời giải cho nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Nhiều tỷ phú Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang đã khởi động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chính là sức bật cho hợp tác xã. Vì vậy, đi tìm mô hình hợp tác xã kiểu mới không quá khó. Ví dụ, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi có Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã ăn nên làm ra. Điều thuận lợi lớn nhất là hợp tác xã được thụ hưởng 3 nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng về hỗ trợ, giúp đỡ các hoạt động chuyên môn. Có hợp tác xã được hỗ trợ kế toán, có hợp tác xã được hỗ trợ kỹ sư nông nghiệp và có hợp tác xã được hỗ trợ chuyên viên tiếp thị. Những cá nhân và hộ gia đình có cùng ngành nghề khi tham gia hợp tác xã thì không còn bị bơ vơ và lạc lõng. Bởi lẽ, hợp tác xã trở thành đầu mối để cung ứng và điều phối những quyền lợi hợp pháp từ giống, kỹ thuật cho đến giá cả.

Trước đây, có một giai đoạn, người ta ái ngại với hợp tác xã vì phương thức hoạt động bao liêu và duy ý chí, kiểu “đánh kẻng” và “chấm công”. Bây giờ, mô hình hợp tác xã đã khác và phải khác. Cho nên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp bản chất thị trường hôm nay.

(Lê Thiếu Nhơn)

Sức nặng tiếng nói nguồn cung

Những người từng sống qua thời quan liêu, bao cấp chắc chắn sẽ nghĩ về mô hình hợp tác xã với một định kiến nặng nề. Thậm chí, họ có thể giễu nhại nó và cho rằng nó phản khoa học, là biểu hiện của biếng lười, trì trệ, không có chiều kích cho lao động và phát triển. Đúng là hợp tác xã thời bao cấp nó hiện thân của những thuộc tính chẳng mấy hay ho ấy. Nhưng, điều đó không có nghĩa rằng hợp tác xã là một mô hình lạc hậu. 

Chính những hợp tác xã thời bao cấp xưa mới không mang mô hình hợp tác xã đúng nghĩa khi nó là một dạng tài sản công và vai trò làm chủ của các thành viên quá mờ nhạt. Còn hợp tác xã đúng nghĩa và phù hợp với thời đại này hoàn toàn khác. Nó là tài sản của các cá nhân kiến tạo nên với vai trò quản trị, quyền lợi và trách nhiệm gắn chặt 100% với những người sáng lập viên.

Ở đô thị đông đúc, hiện đại với đầy rẫy những quảng bá của tập đoàn này, công ty nước ngoài kia, công ty cổ phần nọ, doanh nghiệp khởi nghiệp gì đó v.v... và v.v..., chúng ta dường như quên mất khái niệm hợp tác xã đã lâu rồi. Nhưng thực ra, hợp tác xã vẫn ở rất gần chúng ta đó thôi. Điển hình như chuỗi siêu thị Coop Mart chẳng hạn. Đó là một hợp tác xã đúng nghĩa. Và chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, chính cái hợp tác xã ấy đã tồn tại bao nhiêu năm qua với hiệu quả kinh tế rất lớn và góp một phần không hề khiêm tốn chút nào trong quá trình hiện đại hóa thị trường bán lẻ Việt Nam kể từ sau đổi mới.

Nếu chịu khó tìm hiểu, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều hợp tác xã đang tồn tại hiệu quả ở dọc chiều dài đất nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng, chủ yếu vẫn là các hợp tác xã trồng trọt và chăn nuôi, nơi mà các thành viên chung chí hướng quy tụ lại với nhau để cải thiện quy mô sản xuất. Một hộ nông dân với 2 đồi chè có thể mang lại cho hộ nông dân ấy một đời sống khá sung túc. Nhưng, nếu 6 hộ dân với 12 đồi chè hợp tác nhau lại dưới một mái nhà chung có tên hợp tác xã thì có thể hiệu quả mang lại vượt xa hai chữ sung túc nhiều. Cơ bản, nó không chỉ là chia sẻ kinh nghiệm đơn thuần. Nó là sự phân công nhiệm vụ khoa học hơn. Nó là san sẻ rủi ro cho nhau nhiều hơn. Nó còn là cả tiết kiệm chi phí tốt hơn. Và, vượt trội hơn cả: nó mang lại một tiếng nói có trọng lượng hơn trên bàn đàm phán với các lực lượng khác trong chuỗi cung ứng giá trị.

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh phổ biến ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam là hình ảnh của quán nước nhỏ kế bên tiệm ăn sáng nào đó. Tiệm đông khách ư? Hoàn toàn có thể ngồi ở địa điểm của hàng nước và gọi món, phục vụ tận nơi. Thậm chí, bà/ông bán nước cũng đứng ra tính tiền, thu tiền khách thay cho chủ tiệm ăn sáng luôn. Chính cái cộng sinh tương hỗ rất con người, rất tình làng nghĩa xóm ấy là thứ khởi đầu cho tư duy hợp tác xã trên thế giới này. Một cây làm chẳng nên non. Chân lý đó là xương sống của bất kỳ hợp tác xã nào. Trong cạnh tranh, quy mô là một lợi thế rất lớn và chỉ khi những nhỏ lẻ gom lại với nhau tạo nên quy mô tốt hơn, họ mới có sức sinh tồn trong một thị trường khốc liệt.

Dịp tết Dương lịch vừa rồi, chúng tôi được mời về thăm khu nhà vườn của một đồng nghiệp đã nghỉ hưu. Cá dưới ao, gà, vịt, heo thả trong vườn. Trái cây, rau cỏ cũng trồng trong vườn. Nhà anh tự cung tự cấp toàn bộ thực phẩm thường ngày và anh đãi tiệc chúng tôi cũng bằng những sản vật nhà trồng được ấy. Và, anh kể câu chuyện về một người bạn khác, mua một mảnh vườn ở giáp miền Tây, vốn dĩ trồng xoài. Xoài nhà ấy ngon vô chừng. Ấy vậy mà bán không nổi, toàn gửi lên biếu đồng nghiệp ở cơ quan cũ. Câu nói của anh khiến tôi nặng lòng “Mi ra chợ Bến Thành mua xoài coi. Mắc gì đâu. Vậy mà xoài ngon như rứa. Năm chục ngàn một ký không ai mua. Thế mới hiểu nông dân trồng xoài họ cực lắm, bán được trái xoài xây xẩm mặt mày đó mi”. 

Từng lời ấy, chân thành và nó đi thẳng vào sự thật của Việt Nam hôm nay. Đó là vẫn còn rất rất nhiều, nhiều đến mức đại đa số, các hộ gia đình tự gồng mình làm kinh tế và trở thành kẻ bị “bắt nạt” trong chuỗi cung ứng giá trị khắc nghiệt bên trong nhưng bóng bẩy bên ngoài.

Tôi sực nhớ về một địa điểm giải trí từng lẫy lừng giới trẻ Hà Nội cách đây cũng kha khá năm có tên là “Zone 9 - Quảng trường thời đại đồng nát”. Ở đó, tất cả đều chung một loại hình kinh doanh chủ yếu là dịch vụ ăn uống. Cùng một loại hình, thường sẽ là cạnh tranh nhau. Vậy thì tại sao họ có thể tồn tại bên nhau tốt đến thế? Thậm chí, từng có lúc họ cùng chung tay tổ chức những đêm nhạc ở đó để khách của mọi quán cùng hưởng. 

Tất cả đều nằm ở 2 điểm chung. Thứ nhất, cái tinh thần xóm giềng như đã nói ở trên. Và thứ hai, họ hiểu sức mạnh của tương hỗ lẫn nhau trong một môi trường cộng sinh để từ đó vượt qua được lợi ích lặt vặt và nhỏ nhặt. Chỉ có điều, họ không đứng chung trong một liên danh có pháp nhân như một hợp tác xã mà thôi. Nhưng, đó cũng là cái cách mà một mô hình hợp tác xã thường bắt đầu và phát triển.

Bây giờ, hành lang pháp luật cho mô hình hợp tác xã đã hoàn thiện khá đầy đủ rồi. Cơ hội để phát triển các hợp tác xã là lúc này, nếu không nói là bắt đầu có xu thế hơi muộn. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chắc chắn sẽ kéo theo một lực lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa bùng nổ ở nhiều lĩnh vực. 

Với quy mô tốt hơn hẳn các hộ kinh tế gia đình, những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ tạo một áp lực khủng khiếp lên những người dân đang tạo ra giá trị đơn thuần bằng việc đổi công lấy lời. Sự thịnh vượng mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa này mang lại cho nền kinh tế là rõ rệt nhưng hệ quả chắc chắn sẽ là nhiều hộ kinh tế gia đình phải văng khỏi cuộc chơi và trở thành những cá nhân đi làm thuê đúng nghĩa. Nó cũng tạo ra nguyên nhân cho ly hương và tạo sức nặng lên các đô thị. 

Rõ ràng, chỉ có cách chính các hộ kinh tế gia đình hợp sức lại với nhau dưới mô hình hợp tác xã mới có thể chống lại sức cạnh tranh khốc liệt này. Ví dụ như du lịch lữ hành chẳng hạn. Sẽ vô cùng khó tồn tại nếu mỗi hộ gia đình một phách trong định giá, xây dựng dịch vụ, tự cung ứng, tự tìm nguồn tiêu thụ. Nhưng, nếu họ đứng chung một xuồng với nhau, tự họ có thể tạo nên một hệ sinh thái nhỏ, có sức mạnh mặc cả, có sự thống nhất về giá trị và chất lượng, có quyền định đoạt cuộc chơi ở một cấp độ nào đó.

Để tạo thành những hợp tác xã như thế, chắc chắn ngoài luật còn cần sự khuyến khích trực tiếp của chính quyền. Những gợi ý của các chuyên gia ở lĩnh vực này sẽ khiến người dân cảm thấy vững tâm hơn để hùn chung trách nhiệm trong một tập thể của riêng họ. Và, tất nhiên, cái cần hơn tất thảy là phải khơi gợi được cho họ một tầm nhìn chung mà ở đó, nỗi lo sợ đánh mất mình không còn tồn tại nữa.

Nói chung, để tạo nên những hợp tác xã kiểu mới rất cần niềm tin. Quan trọng nhất, người dân phải tin rằng mô hình hợp tác xã sẽ được Nhà nước hỗ trợ tốt hơn hẳn các mô hình doanh nghiệp khác. Và kế đó là họ tin tưởng lẫn nhau bởi không có một việc làm ăn nào có thể tựu thành nếu giữa các thành viên không có một niềm tin như thế tồn tại.

(Hà Quang Minh)

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh (thực hiện)
.
.