Lễ thành hôn ngời sáng của những người không nhìn thấy, không nghe thấy, không nói được với nhau...

Thứ Bảy, 09/01/2021, 10:17
Họ là những người khuyết tật đã tìm được một nửa yêu thương của đời mình. Nhiều chú rể, cô dâu không thể nhìn thấy, không thể nghe, không thể thốt thành lời. Nhưng, niềm hạnh phúc ngấm vào họ, tỏa ra và lâng lâng trên đôi môi mỉm cười và khóe mắt rưng rưng…


Họ đã vượt qua nhiều ngáng trở, khó khăn để về sống bên nhau, cùng bù lấp cho nhau những khiếm khuyết mà không cần, hay đúng hơn là không dám nghĩ đến một đám cưới với đầy đủ những nghi thức truyền thống. Và rồi đến một ngày, họ được mặc vest, mặc váy cưới, sánh bước bên nhau vào lễ đường. Nhiều chú rể, cô dâu không thể nhìn thấy, không thể nghe, không thể thốt thành lời. Nhưng, niềm hạnh phúc ngấm vào họ, tỏa ra và lâng lâng trên đôi môi mỉm cười và khóe mắt rưng rưng…

46 cặp đôi tham dự lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” được tổ chức lần 3 tại Hà Nội.

Chắt chiu hạnh phúc

Không chỉ muốn thấy các cặp đôi khuyết tật rạng ngời trong lễ cưới tập thể diễn ra vào ngày 6-12 tại Hà Nội, tôi muốn tận mắt chứng kiến tình yêu thương họ dành cho nhau trong cuộc sống đời thường. Bởi vậy, trước khi lễ cưới diễn ra, tôi đã cất công đi tìm họ. 

Tôi nhận ra rằng, đi tìm địa chỉ của những cặp đôi khuyết tật ấy, tôi phải hỏi đường nhiều hơn, loay hoay nhiều hơn. Bởi họ đa phần là người từ các tỉnh lên Hà Nội kiếm việc làm, thuê trọ ở nơi ngõ sâu, ngoắt ngoéo và khó tìm. 

Cũng phải thôi, để mất chi phí thuê phòng ít nhất, để đủ sức bám trụ được ở Hà Nội kiếm việc làm, thì những người nhiều khiếm khuyết, di chuyển khó khăn phải chấp nhận ở những nơi khó đi, khó tìm nhất.

Vợ chồng Đại - Toan trong căn nhà trọ vài mét vuông.

Giữa trưa, sau một lúc tìm đường thì tôi cũng đến được nhà trọ của vợ chồng anh Trần Văn Đại (quê ở Kinh Môn, Hải Dương) và chị Nguyễn Thị Kim Toan (quê Sóc Sơn, Hà Nội) nằm sâu trong ngách 37, ngõ 38 đường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. 

Trong căn phòng cũ kĩ chỉ chừng 8m², vợ chồng họ đang ăn vội bữa trưa trên chiếc giường ngủ. Ngoài chiếc giường ấy, chiếc chạn bát sơ sài, chiếc bếp ga và mấy can nước đã choán hết không gian sống của họ. Có lẽ, với hai con người đều bị khuyết tật vận động nặng như Toan và Đại thì nhà có rộng hơn cũng chẳng ý nghĩa gì. 

Toan nhanh nhảu: “Vì chị hẹn đến thăm nên vợ chồng em trưa nay về nấu cơm ăn và đón chị. Chứ bình thường có bao giờ chúng em được ăn cơm với nhau lúc nửa ngày thế này đâu”. 

Toan sinh năm 1988, còn Đại sinh năm 1992. Họ tình cờ quen nhau trên Facebook. Toan vẫn nhớ cuộc gặp mặt đầu tiên vào ngày 28-4-2018, nói chuyện với nhau, thấy hợp và yêu nhau. Hai gia đình đồng ý, họ đã về sống cùng nhau từ năm ấy.

Rồi sau đó Toan mang bầu. Suốt 9 tháng 10 ngày Toan nghỉ làm, không thể di chuyển khỏi giường do sức khỏe yếu và đi lại vô cùng khó nhọc. Đại dù người gầy nhẳng, chân tay yếu, đi lại khó nhưng vẫn tấp tểnh chăm vợ ăn ngủ, vệ sinh tại chỗ. Bây giờ thì con trai của họ đã được 19 tháng, đang gửi ở quê cho ông bà nội. 

Đại nói rất chậm và ngắc ngứ. Khi kiên nhẫn lắng nghe thì thấy rằng người đàn ông này nói chuyện rất sâu sắc và thích dùng thành ngữ. “Ai chẳng muốn lấy một người lành lặn. Nhưng, các cụ bảo “nồi nào úp vung nấy” chị ạ. Lấy người bình thường có khi họ không thương mình đến hết cuộc đời. Em thương vợ và con em lắm”, Đại bảo tôi. 

Đẻ con ra ai chẳng muốn được chăm bẵm con hằng ngày. Với vợ chồng Đại, tự chăm mình đã khó khăn, nói gì đến việc chăm con. Phải gửi con về quê, Đại nhớ và thương con trai mới bé tí đã phải xa bố mẹ. Rồi Đại lấy chiếc điện thoại khoe với tôi ảnh con trai. Những giọt nước mắt của người cha tự nhiên lăn dài trên gương mặt gầy gò. Cánh tay giơ lên khó khăn, những ngón tay cứng đờ vụng về quệt nước mắt.           

Bây giờ, Toan hằng ngày tự đẩy xe lăn đi bán hàng thuê cho một cửa hàng trên đường Nguyễn Hoàng Tôn cách nhà 700m. Còn Đại với chiếc xe máy 3 bánh cà tàng đi bán hàng rong khắp nơi. Đại đi hết các chợ ở Hà Nội rồi đi cả chợ xa mãi tận Bắc Giang, Hải Phòng, thậm chí Quảng Ninh. Đi đâu Đại cũng không ngại, miễn là bán được hàng để có một ít tiền gửi về nuôi con. 

Ngày qua ngày, hai vợ chồng mỗi người mỗi ngả mưu sinh, không mấy khi được ở gần nhau. Trước khi đi chợ xa, Đại bao giờ cũng hì hụi lấy mấy can nước vào phòng để vợ ở nhà nấu cơm. Thỉnh thoảng, nhớ con quá thì cả hai lại cùng về với con ít ngày.

Đã gần đến ngày tham gia lễ cưới tập thể, hai vợ chồng hẹn nhau cùng ở Hà Nội, cùng hồi hộp ngóng chờ. Toan bảo với tôi: “Em thích được mặc váy cưới, được trang điểm lắm chị ạ. Lúc trước, chúng em cứ mơ ước được chụp bộ ảnh cưới, giờ thì mơ ước đã thành hiện thực. Nhiều lúc cứ nghĩ là mơ”. 

Nói chuyện với tôi mấy phút rồi Toan vội vàng đẩy xe ra cửa hàng. Toan lết hai chân lên xe lăn, gồng người đẩy chiếc xe lăn lên con dốc đầu ngõ. Đại cũng tấp tểnh ra ngóng vợ nhưng chẳng đủ sức để đẩy vợ lên dốc. 

Tôi chạy ra giúp, Toan cười vang và bảo: “Chị không cần phải trợ giúp em. Ngày nào em chả vượt cái dốc này, cố mãi cũng đã thành quen chị ạ”. Vợ đi rồi, Đại cũng chuẩn bị tăm bông, móc khóa và mấy thứ hàng lặt vặt vào chiếc hòm tôn chằng sau xe. Tạm biệt tôi, Đại nổ máy và lao lên con dốc đầu ngõ...

“Sắp làm cô dâu, chú rể mà giấu mẹ...”

Phải rẽ lối rất nhiều lần nơi con hẻm trúc trắc trong ngõ 175 đường Láng Hạ, tôi mới đến được nhà anh Thành, chị Loan - cặp vợ chồng bị khuyết tật nghe nói nặng. Bà Hoàng Thị Nhuần - mẹ chồng chị Loan chỉ đường cho tôi qua điện thoại. Bà đã 79 tuổi, người gầy nhỏ xíu, lưng đã còng nhưng vẫn đi thoăn thoắt và đặc biệt là giọng nói sang sảng. 

Ông Bùi Văn Cưng - chồng bà năm nay đã 99 tuổi cười rất tươi, đưa tay ra hiệu mời tôi vào nhà. Tiếng bà Nhuần cất lên vang cả căn nhà chỉ rộng 35m²: “Bao nhiêu năm nay, chỉ mình bác cất tiếng nói trong nhà. Ông ấy đã không còn nghe thấy gì 14 năm nay, con trai và con dâu bác đều là người câm điếc. May hai đứa cháu trai bình thường nhưng đi học suốt. Nhà lúc nào cũng vắng lặng”.

Gia đình anh Thành - chị Loan trong lễ cưới tập thể.

Anh Thành - con trai bà sinh năm 1974, chị Loan sinh năm 1977. Ngày còn bé xíu, anh Thành sau một lần ốm nặng thì thính lực giảm dần cho đến khi không nghe được nữa. Chính vì không nghe được mà việc nói cũng gần như bằng không. Đến bây giờ, anh chỉ nói được vài từ đơn. Chị Loan vợ anh cũng là người câm điếc. Họ gặp nhau, mến nhau và yêu nhau.

Bà Nhuần bảo khi anh Thành có người yêu cũng chẳng nói gì với bà. Chỉ đến khi anh đưa chị về nhà và ra hiệu thì bà mới biết là con mình có bạn gái. Rồi chị Loan về ở nhà bà, sinh cho bà 2 đứa cháu trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Khi tôi nói chuyện với bà Nhuần, ông Cưng ngồi một bên, chị Loan ngồi nép bên mẹ chồng ngóng chúng tôi nói chuyện. Thỉnh thoảng họ lại cười và ra hiệu chêm vào câu chuyện cho vui. 

Tôi ghi ra giấy dòng chữ: “Có phải anh chị sẽ tham gia đám cưới tập thể không?”, chị Loan cười bẽn lẽn, đỏ mặt và gật gật. Dù đã ngoài 40 tuổi, đã về làm vợ mười mấy năm nhưng khi nhắc đến đám cưới, người phụ nữ này vẫn xấu hổ, hệt như cô gái trẻ ngày sắp lên xe hoa.

Chị ghi ra giấy rằng “Chị hồi hộp chờ đến ngày tổ chức đám cưới lắm”. Chị cứ hỏi tôi ngày, giờ tổ chức, mấy giờ được mặc váy, mấy giờ trang điểm cho cô dâu... Khi biết đến lễ cưới tập thể mà anh chị Loan sẽ tham gia, bà Nhuần cười vang cả nhà, bà cười vì bất ngờ, bà cười vì vui rồi quay sang con dâu mắng yêu: “Hai cái đứa này, sắp được làm cô dâu, chủ rể mà giấu mẹ”. 

Bà hỏi kĩ ngày giờ, địa điểm tổ chức, rồi còn khấp khởi: “Cô ơi, người ta có chiếu lễ cưới của chúng nó lên tivi không, để tôi còn theo dõi”. Rồi bà khoe với các con, với hàng xóm, rằng con giai và con dâu út sắp được tổ chức đám cưới. Niềm vui của người mẹ thương con, lo cho con bao nhiêu năm nay. 

Bà bảo bà có 5 người con nhưng bà phải ở với anh Thành - con trai út, bởi bà thương anh chị và 2 đứa cháu. Bà vừa là người phát ngôn duy nhất, vừa lo toan sắp xếp mọi việc trong nhà. Bà thương chị Loan từ bé đến giờ chẳng nghe, chẳng nói được câu nào. Nuôi hai đứa con nhưng chị Loan không biết tiếng con ra sao, không dạy được con nói, giờ đứa lớn đã học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 3 mà không thể dạy con học. Bà thay cha mẹ chúng dạy cháu nói, hát ru cho cháu ngủ, lắng tai nghe tiếng cháu khóc trong đêm. 

Chị Loan không kiếm được việc làm, chỉ quẩn quanh trong căn nhà nhỏ để giúp bà cơm nước, dọn dẹp. Anh Thành đi làm thuê, tháng được vài triệu đồng nuôi con. Đồng lương hưu của bà dồn hết vào nuôi cả nhà, phải tằn tiện lắm mới tạm đủ. Cuộc sống đã thành quen, chả bao giờ phải dùng giấy bút, toàn ra hiệu mà bà hiểu các con nói gì. Và các con, chồng bà cũng hiểu bà nói gì. Bây giờ có 2 đứa cháu trai trở thành người phiên dịch cho bố mẹ. 

Trong căn bếp nhỏ xíu, bà Nhuần vẫn xoay xở nấu cơm ngày 3 bữa cho 6 người trong gia đình, trong đó một nửa là không nghe, không nói được. Bởi thế, mà bà cứ nói vang cả nhà cho bớt lặng thinh...

“Lấy chồng sớm, chăm được con trước khi mắt mờ hẳn…”

Tôi hỏi đường đến phòng trọ của cặp vợ chồng Nguyễn Văn Bình và Mai Thị Thúy Hằng ở khu tập thể Đá Hoa, số 57 đường An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ. Phòng trọ của họ ở ngay tầng 1. 

Trong không gian nhỏ hẹp ấy, nếu để ý sẽ nhận ra mọi thứ được sắp đặt rất gần nhau và bày ra trước mắt. Từ con dao, cái thớt nơi góc bếp đến chiếc máy giặt và giàn phơi quần áo ngay gần giường ngủ. Bởi cặp vợ chồng quê ở Ninh Bình này đều bị khiếm thị nặng. 

Bình sinh năm 1991, Hằng kém chồng 4 tuổi. Tài sản của đôi vợ chồng là 3 đứa con, 2 gái, 1 trai. Cô con gái đầu 5 tuổi và bé gái út mới 4 tháng ở cùng bố mẹ. Bé trai thứ hai hơn 2 tuổi đang ở với ông bà ngoại ở quê.

Tổ ấm của vợ chồng vận động viên khuyết tật Nguyễn Văn Bình.

Hằng mồ côi mẹ từ khi 1 tháng tuổi, bác trai và bác dâu không có con nên đón Hằng về nuôi. Hằng thương bố mẹ nuôi, những tưởng có Hằng để nương tựa lúc tuổi già, ai ngờ Hằng lại thành gánh nặng cho bố mẹ. Năm Hằng học lớp 5, sau trận đau mắt, Hằng mờ dần đi cho đến lúc không thể đi học được nữa đành ở nhà. 

Nhà Bình lại khác, bố mẹ Bình cũng là một cặp đôi khiếm thị. Hai chị gái của Bình không bị sao, đến Bình - cậu con trai duy nhất lại bị di truyền. Bình và Hằng gặp nhau khi cùng học một lớp xoa bóp, bấm huyệt ở Ninh Bình từ năm 2009. Nói chuyện với nhau nhiều rồi thành thân và yêu nhau.

Ngày 2-11-2014 họ về ở chung một nhà và họ gọi đó là ngày cưới, mặc dù đã không có đám cưới diễn ra. Họ quyết định sinh con sớm để kịp nhờ vả ông bà, kịp chăm lo cho con trước khi mắt của cả hai mờ hẳn. Qua mấy lần sinh nở, thị lực của Hằng yếu đi rõ rệt, giờ chỉ còn cảm nhận được ngày và đêm. Hằng cứ ngày ngày lần mò chăm con, chưa một lần dám đút cơm cho con và cho con uống thuốc. Bình bị thoái hóa võng mạc nhưng vẫn còn nhìn được mờ mờ nên phụ vợ chăm con.

Bình là vận động viên điền kinh thuộc Đoàn Thể thao khuyết tật Hà Nội từ năm 2012. Căn phòng trọ của họ có một khoảng để xoa bóp, bấm huyệt tại nhà. Buổi sáng các ngày trong tuần, Bình dò dẫm tự di chuyển từ nhà đến sân vận động Hàng Đẫy để luyện tập. Chiều về, hai vợ chồng tranh thủ xoa bóp, bấm huyệt cho khách. 

Từ đợt dịch bệnh COVID-19, quán vắng teo. Cả nhà chỉ còn biết trông vào đồng lương vận động viên của Bình. Hằng ngày, Bình nhận phần đi chợ, rồi cả hai lại lần mò nấu cơm. Một ngày, họ chỉ nấu cơm ăn lúc chiều tối, còn lại trong ngày là ăn đơn giản, gọn nhẹ. Bởi với những người mắt kém, nấu được bữa cơm đâu phải chuyện dễ dàng. 

Vợ chồng Bình - Hằng được tổ chức lễ cưới sau 6 năm chung sống.

Bình tuy mắt kém nhưng luôn cố gắng tập luyện và thi đấu. Bình cũng vừa đi thi đấu ở TP Hồ Chí Minh và trở về Hà Nội để chuẩn bị tham dự lễ cưới tập thể. Hằng khoe với tôi rằng chồng cô đã 3 lần được thi đấu ở nước ngoài, từng đoạt Huy chương Bạc tại ASEAN Para Games năm 2017 tổ chức ở Malaysia. Bất cứ khi nào chồng đi vắng, mẹ con Hằng lại đưa nhau về quê nhờ bà ngoại, bởi một mình Hằng không thể chăm con được.

6 năm gắn bó bên nhau, Bình không nhìn rõ mặt vợ mình ra sao. Hằng cũng không biết chồng mình thế nào, chủ yếu cảm nhận về nhau qua giọng nói. Thật ý nghĩa khi đúng dịp tròn 6 năm chung sống, vợ chồng họ sẽ được tổ chức đám cưới thật sự. Mỗi lần nhận được cuộc gọi từ ban tổ chức là Hằng lại hồi hộp không ngủ được. Hằng ao ước có đủ tiền để mua một đôi nhẫn cưới. 

Đầu tháng 11 vừa rồi, các cặp đôi được đi chụp ảnh dã ngoại ở hồ Gươm. Vì không biết gửi con cho ai, Hằng đành bế bé con đi cùng. Lúc đã trang điểm, mặc váy cô dâu, chuẩn bị chụp ảnh thì con khóc quá nên đành bỏ dở, Hằng tiếc lắm. Và lại mong ngóng ngày cưới đến thật nhanh.

Phút giây hạnh phúc

Chờ đợi, hồi hộp mãi rồi cũng đến ngày trọng đại, ngày 6-12-2020, lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” được tổ chức lần 3 cho 46 cặp đôi khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đã diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Từ 8 giờ sáng ngày 6-12, các cô dâu đã có mặt để trang điểm kĩ càng, làm tóc và mặc váy cưới. Chị Loan từ sáng đã nhắn tôi: “Em ơi, vợ chồng chị đưa cả hai con đến lễ cưới. Ba bố con cùng ngắm chị được trang điểm cô dâu, vui quá em ạ”.

Đại và Toan cũng đến từ sớm. Ngày đặc biệt, em trai của Toan đến chung vui cùng anh chị, bế chị gái nhỏ bé di chuyển khắp nơi, từ nơi trang điểm ra nơi chụp ảnh, đến bàn tiệc. Rồi người em trai bế chị gái, cùng anh rể tiến vào lễ đường, nhẹ nhàng đặt chị ngồi xuống xe lăn. 

Chiếc xe lăn với Toan hôm nay cũng trở nên đặc biệt, vì hôm nay, người ngồi trên xe lăn xinh đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Chiếc xe lăn hôm nay không phải vượt con dốc đầy trắc trở mà ở một nơi ngập tràn ánh sáng, âm thanh và những lời chúc trăm năm hạnh phúc. Toan cứ cười suốt và dặn tôi: “Chị chụp cho bọn em thật nhiều ảnh chị nhé”.

“Cô dâu hôm nay xinh quá” - vừa nghe tiếng tôi, Hằng đã nhận ra ngay. Hằng bảo hôm nay mẹ Hằng từ quê ra bế con nên không ra dự lễ được. Hằng cứ tiếc vì không có các con ở bên chứng kiến giây phút bố mẹ làm lễ cưới. Tay Bình chạm được ly rượu trên bàn tiệc, vậy là họ chầm chậm cụng ly để uống chút rượu nhân ngày hạnh phúc. 

Tôi bảo Bình có tưởng tượng ra vợ mình mặc váy cô dâu như thế nào không, Bình cười rất tươi và bảo: “Em hình dung ra vợ em xinh lắm”. Còn Hằng, đôi tay cứ mân mê tấm voan choàng rủ qua vai, lại chạm vào bó hoa cưới, rồi rờ lên bông hoa hồng cài trên ngực áo của Bình. Mọi hạnh phúc cảm nhận qua đôi tay...

Không chỉ với vợ chồng Đại - Toan, vợ chồng Bình - Hằng và anh chị Thành - Loan, mà với nhiều cặp đôi, đám cưới này đã gác lại từ nhiều năm vì điều kiện kinh tế khó khăn. Dù gắn với bộ vest phong độ, nam tính, chiếc váy cưới thướt tha, lộng lẫy là chiếc kính đen, chiếc gậy, hay những bước chân chẳng được bình thường nhưng ai cũng cảm thấy thiêng liêng, hạnh phúc. 

Họ được mặc váy cô dâu, được trang điểm xinh xắn, được cài đóa hoa cưới trên ngực, được tổ chức lễ ăn hỏi, cũng 9 tráp lễ công phu, cũng trầu cau thưa chuyện... Rồi đến phút giây được sánh bước trên lễ đường, trong sự chứng kiến của người thân, bạn bè và nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Đó thực sự là niềm hạnh phúc muộn màng mà họ phải chờ đợi bao nhiêu lâu mới có được. 

Họ không những được ban tổ chức cùng các nhà tài trợ tặng bộ ảnh cưới, hoa cầm tay cô dâu mà việc trang điểm, thuê trang phục cưới và toàn bộ chi phí tổ chức tiệc cưới theo nếp sống mới đều được hỗ trợ tối đa.

Vợ chồng anh Lâm - chị Hoa từ Quy Nhơn ra Hà Nội tham gia lễ cưới.

Cô dâu Nguyễn Thị Hoa bé nhỏ trong chiếc váy cưới lộng lẫy, luôn bám chặt vào tay chồng trong không gian tiệc cưới đông vui và nhộn nhịp. Chú rể Trương Xuân Lâm tự tin hơn, tay nắm chặt tay vợ mọi lúc mọi nơi. Để có được đám cưới này, cặp đôi sinh năm 1989 này đã vượt quãng đường xa từ Quy Nhơn ra Hà Nội suốt 18 tiếng đồng hồ. 

Họ đã đăng ký kết hôn và về một nhà cách đây 4 tháng nhưng do điều kiện khó khăn nên chưa thể làm đám cưới. Lâm bị khuyết tật vận động sau một lần bị tai nạn lao động. Hoa cũng bị khuyết tật vận động, đầu gối không co được. Vì vậy, họ luôn dựa vào nhau, là cánh tay, là đôi chân của nhau để cả hai cùng thêm vững vàng trong cuộc sống.

Sau một chặng đường chông gai, khó khăn cùng nhau, thời khắc này với các cặp đôi không phải là giây phút mở đầu, mà là sự tiếp nối tình yêu, sự sẻ chia và thấu hiểu. Để rồi sau lễ cưới này, họ trở về với cuộc sống thường ngày, gánh đỡ cuộc sống gia đình, bù lấp cho nhau những khiếm khuyết, gắn bó với nhau cả cuộc đời. Và điều đặc biệt, là họ dám ước mơ và cố gắng nỗ lực để giấc mơ ấy sẽ diễn ra thật sự trong cuộc đời. 

“Được mặc váy cưới, được tỏa sáng trong lễ cưới trang trọng và đầy đủ lễ nghi truyền thống, trước sự chứng kiến của bạn bè, người thân là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được tận hưởng niềm hạnh phúc đúng thời điểm. Theo điều tra quốc gia năm 2016, 7% dân số Việt Nam từ 2 tuổi trở lên, ước tính khoảng 6,2 triệu người bị khuyết tật. 

Lễ cưới tập thể là món quà thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của các tổ chức hội phụ nữ cũng như của toàn xã hội đối với những người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ thực hiện ước mơ của đời mình là được làm đám cưới, xây dựng mái ấm gia đình; qua đó tạo động lực cho họ vượt qua hoàn cảnh, vươn lên xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”.

--- Bà Phan Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức lễ cưới tập thể ---

Huyền Châm
.
.