Lãnh đạo và trách nhiệm cá nhân

Thứ Sáu, 05/06/2020, 09:10
Dân chủ tập trung là một khái niệm khá cốt lõi của xã hội Việt Nam nhiều thập niên qua. Nhưng dường như đã và đang tồn tại hiện tượng đánh bùn sang ao mỗi khi có hậu quả xảy ra mà cụ thể là việc các lãnh đạo sai phạm đổ trách nhiệm cá nhân của mình sang tập thể. Sự lẩn trốn này chính là mối nguy rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của chúng ta.

Thủy quái và trách nhiệm cá nhân

Nhận diện dứt khoát rằng tham nhũng là một hoạt động tội phạm tinh vi có tổ chức thay vì là hậu quả sự tha hóa đạo đức là quan trọng: chúng ta không thể ứng phó với tội phạm và đòi hỏi họ tự ý thức về trách nhiệm cá nhân bằng các kỳ vọng đạo đức đơn thuần.

Ẩn dụ của Thủy quái

Trong tác phẩm điện ảnh Nga có tên Leviathan (Thủy quái) nói về một thợ máy đang cố gắng giữ lại mảnh đất tổ tiên của mình trước sự nhòm ngó của tay thị trưởng tham ô, có một cảnh phim nhức nhối: luật sư và cũng là bạn chiến hữu của anh thợ máy đã đi một vòng qua hệ thống tư pháp địa phương, từ cơ quan công tố đến tòa án, để nộp đơn khiếu nại, và nhận được chung một câu trả lời rằng những người có thẩm quyền đều đã "đi vắng".

Anh thợ máy và luật sư của mình, vốn tin tưởng vào những giá trị đạo đức cơ bản và các điều luật cụ thể, nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng và giữ lại được mảnh đất hương hỏa, nhưng đổi lại là một sự chây ì được nhất trí cao từ hệ thống công quyền. Trong khi đó, cô vợ hóa ra lại là người thực tế nhất, đã bàng hoàng thốt lên khi chồng đem đơn đi kiện: "Anh định chống lại cả cái thị trấn này à?"

Tên phim Leviathan chỉ một loài quái vật từ Cựu Ước, vốn được Chúa tạo ra trước cả loài người và con người chưa bao giờ thuần hóa được nó. Trong “Sách của Job”, khi Job hỏi Chúa rằng tại sao người công chính lại phải đau khổ, Chúa chỉ trả lời: "Ngươi đã ở đâu khi ta kiến tạo thế giới?" với ngụ ý rằng Job không thể chất vấn những điều bên ngoài bản thân mình, những điều tồn tại trước Job rất lâu, như là Leviathan. Anh thợ máy không thể thắng, vì một cái gì đó nằm ngoài những diễn dịch công lý theo nghĩa thông thường của anh ta.

Ảnh: LG

Bộ phim được lấy ý tưởng từ một vụ án ở... Mỹ, và bất chấp việc bị cho là mang tinh thần chống chính phủ, Thủy Quái vẫn được Nga chọn đưa đi tranh giải Oscar cho phim Nước ngoài xuất sắc nhất năm 2015. Có lẽ người Nga đã nhìn thấy từ trong nó một thời kỳ đau đớn, với những cuộc cấu kết tập thể để xẻ thịt tài sản công và không ít phận người bị bần cùng hóa.

Thủy quái ở đây là một ẩn dụ mạnh mẽ: lòng tham và sự cấu kết này tồn tại trước cả khi các hình thái tổ chức nhà nước, các điều luật, luân lý, và những quy tắc đạo đức được dựng lên. Vũ khí đáng giá nhất giúp con người thống trị hành tinh này chính là khả năng phối hợp với nhau để cùng thực hiện một công việc cụ thể. Cấu kết, dù mang sắc thái tiêu cực, cũng có nội hàm tương tự: các bên phải phối hợp với nhau để cùng hoàn thành một nhiệm vụ, ở đây là đánh quả để trục lợi.

Tôi muốn nhắc lại hình ảnh này, trong những ngày mà các phiên tòa là kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng đang rất nóng, từ cuộc xẻ thịt đất công ở Đà Nẵng, vụ hóa giá công ty AVG với sự liên quan trực tiếp của hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, cho đến vụ nâng điểm, một hình thức "tham nhũng cơ hội", ở Hòa Bình.

Tất cả đều diễn ra với những lời phủi tay về trách nhiệm cá nhân: cựu phó Chủ tịch Đà Nẵng kêu oan, cho rằng mình ký các văn bản bán nhà, đất công sản dựa trên công văn do cựu Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh ký. Ông cựu phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng thậm chí xin miễn trách nhiệm hình sự vì "chỉ chấp hành theo chỉ đạo". Trong phiên tòa vụ nâng điểm ở Hòa Bình, bị cáo từng là cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh còn vận dụng triết học đạo đức để giải thích lý do sa ngã: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Tất cả đều có ý định biến sự cấu kết thành một con thủy quái toàn năng, rằng ý chí của tôi trong một tập thể muốn làm chuyện xấu không còn là của chính tôi nữa, và đây chỉ là một sự sảy chân kiểu sai một ly đi một dặm về đạo đức.

Trách nhiệm cá nhân

Nhưng cho dù lập luận kiểu này hay đánh lạc hướng mọi người sang một mớ lý luận hùng hồn về sự tác động của hoàn cảnh, thì rốt cục vẫn phải có một ai đó đứng lên để chỉ ra bản chất của nó: đây chắc chắn không phải một cuộc giằng xé về mặt đạo đức, mà là một mô hình tội phạm có bài bản hình thành từ sự cấu kết và lòng tham.

Khi một sự "sảy chân" diễn ra với cùng một kịch bản trong nhiều vụ án, thì nó đã trở thành sự sao chép một mô hình "làm ăn" hiệu quả dựa trên các tài sản công, từ hữu hình như ngân sách cho đến vô hình như quyền ra quyết định và các ưu tiên chính sách. Trách nhiệm tập thể, vốn là khái niệm được đưa ra để nâng cao vai trò của trí tuệ và sự thống nhất của tập thể, đột nhiên trở thành nơi trú ẩn của việc phạm tội có tổ chức.

Chúng ta hay gọi khái niệm này bằng một tiếng lóng là "dây", từ đã ätrở nên phổ biến trong các hệ thống nhiều quyền lợi. Các cuộc đi dây tập thể này thường diễn ra ở những lỗ hổng nào đó trong bộ máy, nơi người ta sẽ vác tài sản công tuồn ra khỏi cái giếng trời ấy bằng hình thức chuyền tay trên những chữ ký, và cố gắng phủi sạch dấu vân tay cá nhân khi đứng trước vành móng ngựa.

Kết cấu có lớp lang này hòng tiếp tay và trục lợi từ các doanh nghiệp thân hữu: một khối lượng tài sản khổng lồ đã được định đoạt bằng cách chọn ra những "đối tác" có khả năng hóa giá tài sản nhà nước hiệu quả nhất. Và không chỉ tài sản, những cuộc cấu kết này "hóa giá" cả những cơ hội tiến thân, thông qua những lượt đấu thầu bất minh trong kinh tế và những phi vụ nâng điểm trong giáo dục.

Nhận diện rằng đây là một hoạt động tội phạm thay vì là hậu quả sự tha hóa đạo đức là quan trọng: chúng ta không thể ứng phó với tội phạm bằng các kỳ vọng đạo đức. Không thể chờ những ai vào bộ máy nhà nước với mục đích đánh quả tự cảm thấy xót thương với những người mà họ đã tước đi cơ hội bằng tham nhũng tài sản và chính sách công. 

Những cuộc thi đua và phát động phong trào phòng chống tham nhũng, bồi dưỡng đạo đức cán bộ là cần thiết, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần những cơ chế kiểm tra độc lập, hình phạt đủ mạnh, và quy trách nhiệm ra quyết định cho những cá nhân cụ thể. Nếu một ai đó quá thiếu đạo đức để có thể nghĩ đến người khác, thì họ sẽ phải chùn chân khi biết rằng mình luôn được giám sát.

Bởi vì rất có thể là lòng tham và khả năng cấu kết đã tồn tại trước cả những mô hình và thiết chế được tạo ra để khắc chế nó: vụ tham nhũng đầu tiên trên thế giới được ghi nhận từ Vương triều thứ Nhất của Ai Cập (3100-2700 năm trước Công nguyên), một trong những nhà nước đầu tiên của nhân loại. 

Và cho đến bây giờ, khi chúng ta đã có đầy đủ lý thuyết về các mô hình nhà nước khác nhau cùng những công cụ cân bằng và hạn chế quyền lực của nó, thì tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối. Đây sẽ là một cuộc chiến trường kỳ, và cần mỗi cá nhân phải nhận ra rằng mình luôn có một phần trách nhiệm, nếu để Thủy Quái hoành hành.

(Phạm An)

Công lý phải được thực thi…

Có một quy tắc bất thành văn, nhưng đã được duy trì cả trăm năm nay, và sẽ còn được duy trì mãi về sau này, là quy tắc của người thuyền trưởng khi con tàu gặp nạn. 

Thuyền trưởng thà không rời tàu, dù cho đối diện ông ta là cái chết, chứ không thể là người nhanh nhảu trốn khỏi con tàu đắm trước những người khác. Định mệnh của thuyền trưởng là như vậy: phải rời tàu sau cùng. Ông ta không chỉ là hiện thân của con tàu, là linh hồn của nó mà còn là đại diện tiêu biểu của nghĩa vụ và danh dự.

Có một ví dụ khác, cũng về chuyện con tàu, là chuyện Thái tử Charles của Vương quốc Anh. Năm 1971, sau khi rời khoá huấn luyện 6 tuần ở Trường Hải quân Hoàng gia Dartmouth, ông phục vụ trên tàu HMS Norfolk. 

Trong TV Serie về cuộc đời Nữ hoàng Anh Elizabeth II, ở chương này có cảnh người thuyền trưởng lần đầu gặp Thái tử Charles trên chiến hạm của mình. Khi ấy, ông ta làm rõ đại ý rằng trên tàu, “tôi là người quyết định, tôi là số 1” và mối quan hệ giữa thuyền trưởng với Thái tử là “cấp trên - cấp dưới” chứ không phải “thần dân - điện hạ”. Tất nhiên, Thái tử Charles vui vẻ chấp hành. 

Ví dụ này cho thấy rất rõ tinh thần trách nhiệm của cả hai bên. Người thuyền trưởng: dám đảm lãnh trách nhiệm của mình bất chấp áp lực về địa vị xã hội hay gia thế. Thái tử Charles: chấp nhận nguyên tắc hàng đầu trong tổ chức không màng tới lợi thế xuất thân của mình.

Đang nhân tiện nói đến ví dụ từ điện ảnh (mà thực ra là câu chuyện có thật trong đời), tôi muốn viện dẫn một đoạn rất hay trong TV serie mới ra mắt của Pháp, có tên Derapages. Ở đoạn nữ luật sư trẻ Lucie đứng ra biện hộ cho thân chủ của mình (cũng là cha đẻ của cô) trước cáo buộc của công tố viên, cô nhắc đến bốn chữ “khế ước xã hội”.

Sở dĩ Lucie nhắc tới khế ước xã hội bởi ở phần biện luận của mình, công tố viên đã nói bị cáo vi phạm các khế ước ấy. Lucie nói đại ý rằng cha cô suốt 40 năm tuân thủ mọi khế ước xã hội, làm những việc được khuyên nên làm, cần làm, phải làm nhưng đến khi qua tuổi 50 lại bị đào thải chỉ vì lý do đã bắt đầu già. Rồi kế đó là bị cắt giảm lương hưu, bị đẩy vào tận cùng của khốn khó. 

Phần biện luận ấy kết cục bằng kết luận “Vậy thì chính cái xã hội Pháp này mới vi phạm khế ước. Chính cái giới chủ tư bản bóc lột nhẫn tâm và vô đạo đức mới vi phạm khế ước. Chính cái chính quyền thờ ơ này mới vi phạm khế ước. Nhưng người đứng trước toà không phải là xã hội, là giới chủ, là quan chức chính quyền mà là một ông Dalembre 57 tuổi thất nghiệp và ở đường cùng”.

Phim chỉ là hư cấu nhưng không nhất thiết nó không mang hơi thở thực sự của đời sống. Chắc chắn, nếu xem cuốn phim ấy, không ít bạn đọc sẽ có cùng suy nghĩ như tôi, về sự tương đồng với xã hội Việt Nam hiện nay. 

Thực sự, câu chuyện phim kia có thể là hiện tượng đầy rẫy ở bất kỳ xã hội nào, kể cả văn minh và tiên tiến nhất. Và tôi nhắc tới ví dụ từ cuốn phim đó chỉ vì bốn chữ “khế ước xã hội”. 

Trước phán xét của lương tri, thực sự chúng ta phải thừa nhận rằng người dân Việt Nam đã và đang là nạn nhân của một bộ phận không nhỏ quan chức đã cố tình vi phạm các khế ước xã hội suốt nhiều năm qua. 

Một trong những vi phạm nổi bật nhất chính là từ khước trách nhiệm cá nhân mỗi khi hậu quả xảy ra, sự từ khước cho thấy họ không chỉ không có danh dự mà còn đánh mất luôn cả sự tôn trọng những ước thúc đã cam kết với nhân dân, với Đảng khi họ tuyên thệ trước cờ.

Nếu lục lại toàn bộ các đại án từ rất nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy cực hiếm có cá nhân nào dõng dạc nhận lấy trách nhiệm của mình trước toà, trước các điều tra viên. Họ tìm cách đổ lỗi cho cấp dưới (tham mưu cho ký); đổ lỗi cho cấp trên (dùng quyền lực ép ký) và đổ lỗi cho cả tập thể (nghị quyết chung). 

Câu hỏi đặt ra là, nếu biết việc mình sẽ tham gia là sai trái, tại sao họ không lên tiếng phản đối khi lấy ý kiến tập trung dân chủ, không thẳng thừng từ chối ký quyết định khi được tham mưu hoặc bị thúc ép? Trả lời rất dễ: không ai muốn văng ra khỏi cả một cỗ máy vốn đã vận hành đồng bộ như thế, hay nói khác hơn, họ không dám làm khác vì không thắng nổi chính nỗi sợ và cám dỗ tự trong bản thân mình.

Chúng ta dễ phê phán hơn nếu người đảm lãnh trách nhiệm là lãnh đạo nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận cả vai trò trách nhiệm cá nhân của những người không phải lãnh đạo. Thấy cái sai nhưng không thể, và không dám lên tiếng vốn dĩ đã là căn bệnh chung từ quá lâu nay rồi. 

Cơ bản, không ai dám phá vỡ cái bình yên của đời sống cá nhân; không ai dám đương đầu với sự trả thù có thể có; và không ai dám đương đầu với lương tri của chính mình khi cố tình làm ngơ trước cái sai. Và điều kỳ lạ là rất nhiều những người im lặng trong chúng ta lại đang cố níu giữ một thứ bình yên ở một đơn vị mà đồng lương hàng tháng có khi không quá con số 10 triệu.

Nói chung, điều đáng sợ nhất chính là không ai dám nhận trách nhiệm chống lại cái sai bởi vì tất cả đều nghĩ: việc ấy là vô ích.

Có thể phán xét câu chuyện đa số trong xã hội từ chối trách nhiệm cá nhân của mình bằng thước đo đạo đức, bằng những chi phối ràng buộc chằng chéo này nọ nhưng chúng ta vĩnh viễn không thể loại trừ một yếu tố gốc: thói quen không chịu tôn trọng khế ước xã hội đã ngấm vào mỗi người Việt. 

Trong lịch sử cận đại và hiện đại của chúng ta thôi, không biết bao nhiêu người đã dám chấp nhận thương vong, chấp nhận hi sinh bản thân mình để bảo vệ cái đúng, cái chân lý, bảo vệ lương tri. Sự dũng cảm ấy được xây dựng từ một nền tảng nuôi dưỡng thái độ tôn trọng các khế ước xã hội ngay từ ban đầu và việc nuôi dưỡng thái độ tôn trọng này luôn được hình thành từ sự ảnh hưởng tích cực từ chính một cộng đồng lành mạnh.

Vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề ngờ vực ý thức tôn trọng các quy tắc xã hội của những cá nhân vi phạm và chối bỏ trách nhiệm ngay từ khi họ chưa nắm vị trí nào trong bộ máy chứ không phải có chức có quyền rồi mới trở nên tha hoá. 

Và một khi bộ máy để lọt những con người không có ý thức tôn trọng quy tắc, khế ước xã hội cơ bản nhất, chúng ta có quyền ngờ vực lần thứ hai với những ai đã tạo điều kiện đặt họ vào guồng máy ấy? 

Sự ngờ vực này hoàn toàn có thể là hiệu ứng domino khi mà vấn nạn kéo bè cánh, phe phái và xây dựng các nhóm trục lợi cùng lợi ích đã và đang phổ biến nhiều năm qua. Một khi sự đổ vỡ về tinh thần tôn trọng khế ước xã hội đã thành hệ thống, chuyện chối bỏ trách nhiệm tất nhiên sẽ trở nên phổ biến.

Ở đây, câu chuyện con gà - quả trứng bắt đầu quay lại. Người dân cố gắng nuôi dưỡng cho mình tinh thần tôn trọng khế ước xã hội, tuân thủ khế ước xã hội nhưng chợt một ngày họ nhận ra rằng việc ấy là vô ích khi chính “bọn quan tham” chẳng coi cái khế ước xã hội ấy ra gì, tất nhiên, họ cũng sẽ có thái độ phản ứng tương tự. 

Như vậy, một xã hội không cam kết bắt đầu thành hình và đội ngũ cán bộ thì lại trưởng thành từ chính cái xã hội ấy. Vòng lặp cứ thế diễn tiến. Tiêu cực cứ thế xảy ra. Trách nhiệm cứ thế tiếp tục được trút sang nơi khác càng nhanh gọn càng tốt. Và chúng ta sẽ phát triển thành một quốc gia văn minh như thế nào, bằng cách nào đây?

Chúng ta vẫn đang nói đến công tác cán bộ suốt một thời gian rất dài, với trọng tâm chủ yếu xoáy vào năng lực và đạo đức. Điều đó hoàn toàn đúng bởi chỉ có năng lực tốt, có lương tri mới có thể thấu hiểu và thực hiện đầy đủ các khế ước xã hội. Nhưng để những hạt giống tốt ấy không cô đơn, cần phải có cả sách lược nuôi dưỡng lại tinh thần phụng sự và cam kết trong cả cộng đồng. 

Song song đó, cần phải có cả trừng phạt thích đáng với những hành vi sai trái, trừng phạt tức khắc chứ không thể dung dưỡng kéo dài kiểu vá lỗi. Mà muốn trừng phạt hiệu quả, việc xác lập rõ ràng trách nhiệm cá nhân là vô cùng quan trọng. Phải có xác lập rõ trách nhiệm cá nhân ngay từ ban đầu, coi đó là cam kết khi nhậm chức thì mới tạo ra được khung hành xử để tránh việc tạo ra khe cửa hẹp cho chuyện đánh lận con đen sang tập thể hay đồng sự. 

Người lãnh đạo phải như một vị thuyền trưởng và luôn phải ý thức trên đầu họ luôn có một quy ước về trách nhiệm rõ ràng mà họ phải thực hiện bằng mọi giá. Trước trách nhiệm ấy, chỉ có công lý mà thôi. Đó là thứ công lý chuẩn mực, ai có lỗi người đó phải gánh chịu hình phạt đúng như câu nói nổi tiếng “Fiat justitia ruat caelum” - “Công lý phải được thực thi, dù cho thiên đường có sụp đổ”.

(Hà Quang Minh)

Sự tự trọng của lãnh đạo

Chiến dịch trấn áp tham nhũng đã và đang diễn ra quyết liệt. Nhiều đại án được đưa ra xét xử, góp phần lấy lại tài sản cho Nhà nước và khôi phục niềm tin xã hội. Thế nhưng, cũng qua những phiên tòa, công chúng đã thấy một hiện tượng đáng buồn là các quan chức tha hóa luôn tìm đủ mọi cách để thoái thác trách nhiệm, phủ nhận vai trò cá nhân lãnh đạo để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Phiên tòa xét xử “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Có thể lấy ví dụ phiên tòa xét xử “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vi phạm các quy định về quản lý đất đai” mà bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bắt tay với những nhân vật quyền lực ở Đà Nẵng để mua bán 22 nhà, đất và 7 dự án, gây thiệt hại ngân sách 22 nghìn tỷ đồng. 

Cả hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đều lần lượt kêu oan. Họ bảo rằng họ chỉ làm theo chủ trương chung và chữ ký của họ chỉ mang tính hình thức. Nghe mà ngao ngán, nghe mà ngậm ngùi. Thử hỏi, nếu không có chữ ký mà họ nói mang tính hình thức ấy thì có xảy ra hệ lụy này? Thử hỏi, nếu vụ án không bị phanh phui thì họ có tự hào vỗ ngực khoe khoang về “dấu ấn nhiệm kỳ” của họ với Đà Nẵng không? Thấy công trạng thì vơ vào mình, có tội lỗi thì chối bay chối biến...

Cái điệp khúc cứ ra tòa là kêu oan thống thiết của các quan chức suy đồi khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về vai trò lãnh đạo hôm nay. Dường như ở nhiều nơi, địa phương cũng có và Trung ương cũng có, quan chức có biểu hiện cố tình hạ thấp trách nhiệm bản thân trước nhân dân.

Để được bổ nhiệm và đề bạt vào những vị trí quan trọng, quan chức phải đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn cũng như về ý thức chính trị. Thế nhưng, khi xảy ra sự cố với địa bàn mình quản lý hoặc lĩnh vực mình phụ trách, thì họ lại nại ra 1001 lý do để chứng minh mình chỉ là người vô can. 

Bình thường họ ban hành mệnh lệnh hoặc phê duyệt dự án một cách tự tin về học vấn và bản lĩnh, nhưng khi ra tòa thì họ bào chữa “năng lực hạn chế”. Bình thường họ thể hiện quyền uy một cách khoa trương, nhưng khi ra tòa thì họ chống chế “ngoài tầm kiểm soát”. Phải chăng, họ chỉ bám lấy chức vụ để chăm lo lợi ích cho họ và người thân của họ, mà không màng đến được mất của quê hương, của đất nước, của giống nòi? 

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng”, đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…”.  

Vai trò người đứng đầu mỗi đoàn thể, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị… ngày càng được củng cố và phát huy. Người đứng đầu cũng giống như ngọn cờ, ngọn cờ uy nghiêm thì cả tướng lẫn quân đều tạo thành một khối đoàn kết vững mạnh, còn ngọn cờ chênh cao thì cung nỏ gây họa, giáo mác gây loạn. Người đứng đầu luôn được trọng vọng, luôn được gửi gắm. Vì vậy, người đứng đầu phải có tinh thần “chịu sào” trước mọi thịnh vượng hoặc mọi sóng gió, chứ không thể quay lưng phủi tay khi có vướng mắc, có lầm lạc, có thất thoát.

Cần xác định, lãnh đạo là một nghề đặc biệt. Không chỉ đòi hỏi có tâm, có tầm, có tài mà nghề lãnh đạo còn đòi hỏi sự cống hiến, sự hy sinh. Nếu chạy chọt để leo lên làm lãnh đạo nhằm mưu cầu vật chất thì sớm muộn cũng trả giá cay đắng trước ánh sáng của công lý, ánh sáng của sự thật, ánh sáng của lương tri. 

Trách nhiệm của lãnh đạo chính là sự tự trọng với chức vụ mà mình đang gánh vác. Chức vụ dẫu lớn dẫu nhỏ cũng phải đồng hành với sự tự trọng: tự trọng trước chính mình, tự trọng trước đồng nghiệp, tự trọng trước quần chúng. Một khi sự tự trọng biến mất, thì tai ương sẽ kéo đến với nhiều bẽ bàng, nhiều ngậm ngùi, nhiều đớn đau.

Không thể phủ nhận lãnh đạo là nhân tố vượt trội. Những đối đãi ưu tiên dành cho lãnh đạo cũng nhằm mục đích giúp lãnh đạo hoàn thành công vụ. Những tôn sùng nể nang dành cho lãnh đạo cũng nhằm mục đích giúp lãnh đạo phô diễn khả năng. Nếu lãnh đạo lạm dụng những điều ấy không phụng sự cho quá trình phát triển chung, thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc nhất. 

Làm sao chấp nhận những lãnh đạo khi để xảy ra sai phạm lại hồn nhiên bao biện “do anh em cấp dưới hiểu lầm chỉ đạo của cấp trên”. Hiểu lầm dễ dàng như vậy ư? Chỉ đạo mà không đôn đốc, không giám sát, không thưởng phạt thì cần gì sự có mặt của lãnh đạo?

Vai trò của lãnh đạo luôn gắn bó quyền lợi và trách nhiệm. Thụ hưởng quyền lợi mà khước từ trách nhiệm, thì sẽ hủy hoại vai trò của lãnh đạo. Trong xu hướng đồng tiền lên ngôi, lãnh đạo cũng phải đối diện với rất nhiều cám dỗ. Do đó, trách nhiệm của lãnh đạo không chỉ phơi bày khi đứng trước tòa án, mà còn phải thể hiện trong từng hành vi hàng ngày. Lãnh đạo không thể chọn việc nhẹ bỏ việc nặng. 

Lãnh đạo không thể ưa nịnh hót ghét trung thực. Lãnh đạo không thể gần gũi kẻ gian manh xa lánh người lương thiện. Lãnh đạo không thể kéo bè kết cánh, tham danh trục lợi. Và quan trọng hơn nữa, lãnh đạo có trách nhiệm trong xã hội văn minh, phải thiết lập một quan niệm đúng đắn rằng: Người tốt không phải là người không làm việc xấu, mà không làm được việc tốt đã là người xấu.

(Lê Thiếu Nhơn)

Phạm An - Hà Quang Minh - Lê Thiếu Nhơn
.
.