Người Việt ở nước ngoài:

Làng Việt ở Pakse

Thứ Ba, 17/04/2007, 09:00
Hơn 15 ngày gắn bó với cộng đồng gần 5.000 người Việt sinh sống và làm ăn ở thành phố Pakse, tỉnh Champasak (Lào), tôi đã được chứng kiến rất nhiều câu chuyện xúc động về nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, về tấm lòng lúc nào cũng đau đáu về quê cha đất tổ…

Thắm tình đồng bào, đượm nghĩa làng xóm

Đúng hẹn, ông Đoàn Hữu Đấu, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Champasak đón tôi tại trụ sở để sang thăm ngôi nhà tình nghĩa tại xóm Tân An mà bà con Việt kiều người góp công, người góp của xây cho một gia đình gồm 3 anh chị em mồ côi bị thiểu năng trí tuệ.

Cùng đi với chúng tôi là 2 "ngôi sao" điển hình trong số những người nhiệt tình và say mê làm công tác xã hội, có đóng góp cho cộng đồng tích cực nhất: cô Đặng Thị Vậy và cô Đặng Thị Gái. Ông Đấu cho biết, hễ Hội có việc gì hay trong bất cứ lần quyên góp ủng hộ đồng bào nào, 2 cô đều rất nhiệt tình, thậm chí còn chủ động góp ý đề ra các phương án cho Hội.

Rất khiêm tốn trước lời giới thiệu trân trọng của ông Đấu, cô Đặng Thị Gái thanh minh rằng các cô có biết thế nào là kế hoạch, thế nào là phương án chi đâu, chỉ biết là việc gì giúp được bà con mình vượt qua khó khăn thì xắn tay vào mà làm thôi.

"Lá lành đùm lá rách, mình dù có sinh ra ở Lào thì dòng máu Việt vẫn còn mà, hắn có chảy đi mô", cô Gái cười, cái nụ cười và giọng nói sang sảng vẫn đậm chất mặn và nặng của Quảng Bình, dù trải đến thế hệ thứ 2 ở Lào được quá 50 năm mà vẫn không mất đi chút đặc sánh nào.

Ngôi nhà tình nghĩa của 3 chị em Tí, Tị và Nọi mà bà con chung lưng góp công, góp của nay đã thành hình, móng đã đổ xong, cột trụ đã tháo cốp pha, chỉ chờ xây nốt phần tường bao và lợp ngói là xong... Gọi là Tí, Tị, Nọi nhưng 3 người cũng đã bước vào tuổi trên dưới 40, nhưng vì cả 3 đều bị thiểu năng từ nhỏ nên hầu như mọi người cũng đã quên hết tên thật của họ.

Cô Vậy cho biết, cả gia đình này cũng là dân gốc đâu mạn Quảng Bình và Hà Tĩnh chi đó, bố mẹ đều mất cả rồi, còn lại 3 chị em cầu bơ cầu bất sống nhờ sự đùm bọc của bà con từ hàng chục năm nay.

"Cách đây độ dăm tháng thôi, chú mà vô đây thì thấy nhà chị em hắn chẳng khác gì cái ổ chuột, mưa là ướt cả nhà, nước ngập vô tận chân giường, chỉ có mỗi cái góc bàn thờ cha mẹ là biết che cho khô thôi", cô Vậy xót xa.

Thấy tình cảnh như vậy, cô Đặng Thị Gái đã đứng ra kêu gọi bà con xóm Tân An giúp đỡ xây cho ba chị em ngôi nhà mới cho có chỗ nương thân. Đích thân 2 cô đi từng nhà vận động, nhà nào có tiền giúp tiền, nhà nào có khung cửa thừa, cánh cửa thừa, cửa sổ thừa, nhà nào có gạch có ngói không dùng đến... thì san sẻ bớt cho 3 chị em nhà nớ.

Đến tháng 10 bước vào mùa khô vừa qua, bà con xóm Tân An đã giúp 3 chị em khởi công ngôi nhà mới theo cách là quyên góp được đến đâu thì làm đến đó. Bản thân cô Gái đã đứng ra ứng tiền túi của mình để ngôi nhà được xây cho trọn vẹn, còn tiền quyên góp được đến đâu sẽ từ từ trả dần lại cho cô...

"Những câu chuyện nghĩa tình như thế này đã trở thành bình thường trong cộng đồng bà con Việt kiều ở thành phố Pakse này", ông Đoàn Hữu Đấu tâm sự. Là cộng đồng người Việt được xem như tập trung đông nhất ở Lào hiện nay, người Việt ở Champasak cũng tự hào là cộng đồng đoàn kết nhất, tình cảm nhất, và đậm đặc văn hoá Việt nhất, ông Đấu tự hào kể.

Bà con người Việt mình ở đây sống tập trung thành 3 khu vực chính với những cái xóm nghe tên đã thấy như ở Việt Nam: xóm Tân An, xóm Đá, xóm Nhà Đèn, xóm Sân Bay, xóm Tân Phước... Trong mỗi xóm cũng có chùa, có đền với cái tên nghe đã thấy như ở nhà: chùa Long Vân, chùa Kim Sơn, chùa Trang Nghiêm, đền Mẫu, đền Đức Thánh Trần...

Đúng là khi đi cùng bà con vào các xóm, cảm giác đầu tiên của tôi là đang đi vào một xóm làng Việt Nam ở vùng miền Trung nào đó chứ không phải là trên đất Lào, bởi từng ngôi nhà nép trong tán cây, từng bờ giậu, từng tiếng trẻ em í ới gọi nhau từ nhà này sang nhà khác... thuần một không gian Việt.

Ngạc nhiên hơn nữa, ngay trong Hội Người Việt Nam tại Champasak còn có hẳn một Ban xã hội, chuyên phụ trách chuyện ma chay, cưới hỏi, thăm viếng bà con, hoạt động rất tích cực và rất có uy tín. Khi có "việc khóc" hay "việc cười", bà con đều đến thăm hỏi nhau rất chu đáo, trọn vẹn.

Cộng đồng người Việt ở Pakse tuy vất vả toan lo làm ăn nhưng cũng rất quan tâm đến lớp trẻ, đến những thế hệ người Việt thứ 3, thứ 4, thứ 5... bằng việc góp sức dựng lên hẳn một ngôi trường tiểu học mang tên Hữu Nghị, ở đó song song với các chương trình tiểu học như ở Lào, các em nhỏ còn được học tiếng Việt một cách bài bản từ lớp 1 đến lớp 5...

Những ngày ở Pakse, tôi may mắn được tham dự một đám cưới Việt Nam ở xóm Tân An, xóm đông nhất trong cộng đồng các xóm Việt kiều ở đây với 1.067 nhân khẩu. Chú rể là Việt kiều ở Mỹ, lớn lên ở thủ đô Viên Chăn, cô dâu là người trong xóm.

Thấy tôi hơi ngạc nhiên về chuyện cách xa về mặt địa lý, ông Đấu tự hào kể các cô gái Việt ở Pakse rất có giá, và là sự lựa chọn đầu tiên của đa phần thanh niên Việt Nam tại Lào. Ông lý giải điều quan trọng là vì sống như một làng xã ở Việt Nam, nên các gia đình ở đây rất chú trọng đến chuyện dạy dỗ con cái, rèn giũa gia phong.

Thế nên các cô gái ở đây không chỉ xinh đẹp mà còn ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, hầu hết từ nhỏ đã chí thú học hành, lớn lên là đảm đang phụ giúp cha mẹ làm ăn... và là mẫu người lý tưởng cho các chàng trai Việt trên khắp đất Lào.

Đám cưới được tổ chức ngay tại sân trường mẫu giáo của xóm Tân An, bà con đến ăn cỗ cưới ngồi chật kín, vui như có hội... Đám cưới mở đầu cũng có đôi bên hai họ ra mắt, cũng có đại diện chính quyền và Hội Hữu nghị phát biểu chúc mừng, cũng có cả ban nhạc sống hát những bài hát Việt Nam, và sau đó là tất cả mọi người cùng ra nhảy lăm vông chúc mừng cô dâu chú rể...

Đám cưới tưng bừng rộn rã đến tận nửa đêm, tất cả mọi người đều say sưa ra múa, có nhạc lăm vông truyền thống với giai điệu chậm cho người có tuổi, có nhạc truyền thống pha chachacha, bi bốp, tango cho người trẻ... Cô Vậy cho biết đã là thành lệ, đám cưới nào mặc nhiên cũng trở thành ngày hội chung cho cả cộng đồng người Việt ở đây. 

Niềm tự hào của cộng đồng người Việt

Đến gần sát ngày về Việt Nam, tôi mới có được cái hẹn với bà Lê Thị Lượng, người được coi là thành đạt nhất toàn bộ cộng đồng người Việt ở tỉnh Champasak nói riêng và ở Lào nói chung. Thương hiệu Đào Hương của bà Lượng nổi tiếng trên khắp đất Lào với hàng loạt cửa hàng miễn thuế, hệ thống chợ, đại lý vé máy bay, hãng cà phê "Dao" nổi tiếng, những đồn điền trồng cà phê, cao su và sầu riêng rộng hàng trăm héc-ta...

Không chỉ nổi tiếng với khả năng làm kinh tế, bà Lượng còn là một người ra tay giúp đỡ bà con tiểu thương rất nhiều. Trong ngôi biệt thự được xếp hạng sang trọng bậc nhất cả vùng Hạ Lào, bà Lượng niềm nở đón khách, dù chính bản thân bà vừa mới từ Việt Nam bay qua Thái Lan rồi đặt chân đến nhà mới chừng non nửa tiếng đồng hồ.

Không quá khó gần như mọi người vẫn hình dung về hình ảnh của một triệu phú, bà Lượng giản dị và dân dã kể về cuộc đời mình, về những khó khăn và nỗ lực trên con đường từ một cô gái làm thuê với đủ thứ nghề khổ cực ngày nào, để trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng trên khắp đất Lào hiện nay.

Năm 1960, khi mới 11 tuổi, là chị cả trong một gia đình đằng sau còn lốc nhốc thêm 8 đứa em, bà Lượng không còn cách nào khác phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Thôi thì đủ thứ nghề, miễn là kiếm thêm được đồng nào để phụ gia đình nuôi các em nên người: gánh nước mướn, giặt mướn, bán khoai nướng, bán chè, cháo, ngô luộc, bán thịt...

Hơn chục năm com cóp được chút vốn, năm 1974, bà lên Viên Chăn làm ăn. Kinh tế ở thủ đô phát triển hơn, và chuyện làm ăn cũng dễ dàng hơn, nhưng bà vẫn chỉ đủ khả năng loanh quanh dăm nghề vặt hợp với cái tố chất khéo tay của con gái xứ Huế như bán bún, làm thạch...

Cũng chính ở Viên Chăn, bà được giác ngộ tham gia Hội Phụ nữ hoạt động bí mật. Và thế là bên cạnh công việc buôn bán từ mờ sáng đến chiều, tầm 8h tối, bà lại đi họp tổ thanh niên, rồi xuống các xóm vận động bà con tham gia ủng hộ cách mạng.

Kể từ sau thời điểm đất nước thống nhất, bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều nên bà Lượng chuyển sang dựng một quầy tạp hoá. Người đi chợ bắt đầu đông đúc, dân nước bạn thì lại chưa quen với chuyện làm ăn nên khi đó bà buôn bán đắt hàng lắm, và cái cơ nghiệp của ngày hôm nay được dựng nên chính là bởi những đồng vốn chắt chiu và kinh nghiệm học hỏi được từ thời điểm ấy.

Năm 1981, bà Lượng lập gia đình rồi trở về Pakse. Khi kinh tế mở cửa, với số vốn gây dựng nên từ quãng thời gian làm bánh-mứt-kẹo rất thành công ở Pakse, bà Lượng đứng ra buôn bán hàng qua đường hàng không, rồi mạnh dạn mở hẳn cửa hàng miễn thuế ở cửa khẩu Lào-Thái.

Việc kinh doanh thành công, bà mở tiếp một cửa hàng miễn thuế nữa ở biên giới Lào-Việt. Thấy bà con tiểu thương người Việt mình nay đây mai đó, không có một khu chợ để ổn định việc kinh doanh, bà Lượng đứng ra lập chợ Đào Hương, khu chợ có quy mô lớn nhất tỉnh Champasak, để bà con tụ họp về đây buôn có bạn, bán có phường.

Bà Lượng tâm sự, ít ai biết được rằng bà đã phải chịu lỗ khá nhiều tiền vào khu chợ này, bởi giá cho thuê không thể lấy của bà con quá cao, trong khi chi phí hàng tháng là khá lớn, "có gì đáng lấy tiền thì lấy, giúp được gì thì giúp, tôi làm ăn được chút đỉnh thì cũng mong bà con mình làm ăn được".

Rồi để cân bằng hoạt động đang thiên về nhập khẩu của mình, bà Lượng đã tiến hành kế hoạch trồng hàng loạt trang trại cao su, cà phê, sầu riêng trên cao nguyên Boloven để tiến tới xuất khẩu. Hiện nay, tại địa bàn các tỉnh trung và hạ Lào, cà phê mang thương hiệu "Dao" đang đứng vững và chiếm lĩnh thị trường với đủ các chủng loại sản phẩm...

Những người Việt thành đạt trong kinh doanh ở Pakse còn phải kể đến bà Nguyễn Thị Lan, chủ khách sạn Lan Kham, một địa chỉ có tiếng của dân back packer đã được cuốn Lonely Planet giới thiệu như một địa chỉ đáng tin cậy với giá cả hợp lý.

Khách sạn Lan Kham cũng là nơi được coi là "cái nôi" của quán Internet ở Pakse, là địa chỉ đầu tiên và cũng gần như là lớn nhất tại tỉnh Champasak với 2 phòng máy hiện đại do cô con dâu của bà Lan điều hành. Cái tên Lan Kham còn nổi tiếng ở Pakse vì gắn liền với quán phở Việt duy nhất do cô con gái đầu của bà Lan làm chủ mà cứ sáng sáng là đông nghẹt khách, là địa chỉ hầu như bất kỳ người Việt Nam nào đặt chân đến Pakse đều tìm đến giao lưu với đồng bào mình.

Rồi là khách sạn Champa Xaise có phòng họp với sức chứa lên tới 1.000 người lớn nhất vùng Champasak của ông chủ Phạm Văn Lưu, là quán cơm nổi tiếng như Xuân Mai, là chuỗi tiệm vàng uy tín của chị Hằng...

Tất cả họ đều nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, với cái tính ham công tiếc việc, tần tảo sớm hôm đã tạo cho cộng đồng Việt Nam tại Champasak một vị thế có uy tín, không chỉ được các bạn Lào mà còn cả các cộng đồng người Hoa, người Campuchia vị nể

Việt Đông
.
.