Làm thế nào để nuôi dạy con trưởng thành?

Thứ Năm, 24/09/2020, 10:07
“Người Việt có tuổi thơ dài nhất thế giới; Những đứa trẻ không bao giờ lớn” là cụm từ mô tả về kiểu nuôi con trong “lồng ấp” của nhiều cha mẹ Việt Nam. Hậu quả của cách nuôi con này là xã hội phải gánh chịu những người lớn vô trách nhiệm, sống phụ thuộc, ích kỷ hoặc những đứa trẻ căng thẳng, sợ hãi, trầm cảm, không tìm thấy niềm vui sống.


Những cuộc đời bị hủy hoại vì ham muốn của phụ huynh

Cách đây vài năm, khi thực hiện phóng sự điều tra về những người trẻ mắc chứng tâm thần vì nghiện game online, tôi tình cờ gặp Hưng, chàng trai 23 tuổi, xuất thân từ gia đình bố mẹ làm quan chức. 

Vào những thời điểm tỉnh táo hiếm hoi, cậu kể lại cho tôi thước phim cuộc đời, từ thời khắc chào đời là đứa con trai độc đinh trong dòng họ khan hiếm đàn ông, lớn lên trong đủ đầy, xung quanh là kẻ hầu người hạ. Từ cấp 1 lên cấp 3, Hưng được “ưu tiên” tuyển chọn vào học trường chuyên lớp chọn, thậm chí, năm lớp 12 cậu còn giành giải cao nhất trong một cuộc thi Khoa học toàn quốc đảm bảo cho cậu một suất vào thẳng đại học. 

“Lộ trình cuộc đời được mẹ tôi tính toán một cách cẩn trọng và quyết liệt. Dù biết tôi học kém các môn khoa học tự nhiên nhưng bà vẫn ép tôi học trường y vì đó là nghề danh giá không bao giờ sợ “chết đói”.

Ảnh: L.G.

Chân ướt chân ráo vào đại học, bố mẹ sắm cho Hưng một căn hộ chung cư sang trọng ngay giữa trung tâm Thủ đô và người giúp việc theo giờ dọn dẹp, nấu nướng. “Ngoài giờ đến trường, tôi khóa trái cửa cày game vì thực sự tôi không có động lực hay khao khát điều gì. Chương trình học tại trường quá khó, tôi thi lại học lại liên tục và đến năm thứ 3, tôi bỏ học”. 

Mối quan hệ giữa Hưng và bố mẹ sụp đổ vì họ không biết làm gì ngoài việc lao vào chửi mắng, nguyền rủa, đánh đập, “Tao đã hy sinh cả đời này cho mày mà tại sao mày lại đối xử với tao như vậy?” - Hưng ám ảnh câu nói và ánh mắt của bố mẹ.

Cách nuôi dạy độc đoán, chuyên quyền nhằm uốn nắn cuộc đời con trẻ theo ý muốn của mình, biến con cái thành công cụ để khoe mẽ với xã hội, bắt đứa trẻ phải thực hiện những giấc mơ chưa trọn vẹn của nhiều cha mẹ Việt Nam đã đẩy nhiều đứa con vào bi kịch. 

Như lý giải của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”: “Cách nuôi dạy này phủ nhận cái tôi của trẻ. Đứa trẻ sẽ trải qua những cuộc khủng hoảng, những cơn sang chấn và phải dằn vặt giữa các lựa chọn: Hoặc tiếp tục xung đột với cha mẹ để phát triển bản thân theo hướng mình mong muốn trong học hành, công việc, chuyện tình cảm, hoặc buông xuôi, biến thành cục đất sét để cha mẹ nhào nặn. Khi đó, bên dưới không khí “hòa bình” trong gia đình và sự “nghe lời” của trẻ là một sự xa cách, lạnh lẽo. Trong thế giới hậu tuổi thơ này, nhiều bạn phải vật lộn để đi tìm chỗ đứng của bản thân, họ trở nên nổi loạn dữ dội, hoặc thành bạc nhược, chai sạn, trầm cảm. Trường hợp nào thì họ cũng bị phá hủy từ bên trong, họ trở nên căm ghét chính bản thân mình”. 

Nói một cách khác, việc cha mẹ bao bọc con cái thái quá sẽ dẫn đến hậu quả “hủy hoại cái tôi” hay là quá trình tìm hiểu bản thân, xác định danh tính, khẳng định giá trị của mỗi người trẻ. Có những người 30-40 tuổi vẫn loay hoay tìm đường vì không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai? Tôi đang làm gì trong cuộc đời này? Như thế nào là một cuộc đời đáng sống?”. 

Vì không xác định được danh tính, không tìm được mục đích và ý nghĩa trong đời sống, nhiều người đã tha hóa và lầm lạc, những người khác thì uể oải mỏi mệt trong kiếp sống “mòn”, những người còn lại bế tắc sống cho qua ngày đoạn tháng. 

Ở một khía cạnh khác, những áp lực vô hình đến từ sự kỳ vọng và yêu thương cực đoan của cha mẹ đã để lại gánh nặng, nhiều khi là chất độc tàn phá cuộc đời của nhiều con trẻ khi có những học sinh dày bảng thành tích, huy chương nhưng ẩn sâu bên trong lại là tâm hồn tan nát, nhiều bạn bỏ nhà, nổi loạn hoặc tự cắt vào cổ tay.

Dạy con kỹ năng cuộc sống

Trong cuốn sách “Buông tay ra để con bay”, nhà báo Thu Hà đã chia sẻ về hành trình dạy con tự lập phải bắt đầu từ quan điểm: “Điều quan trọng lại giản dị đến bất ngờ: Không làm gì. Buông. Nhưng buông lại đòi hỏi lòng dũng cảm, bố mẹ liệu có chiến thắng được cảm giác lo lắng sợ hãi, nhất là khi cả thế giới đang vận hành theo một hướng khác. Buông đòi hỏi sự vất vả và theo một cách khác, đòi hỏi sự kiên trì, bởi dạy con tự lập là một hành trình không có đường tắt”.

Bao bọc, che chở hay thiệp quá mức của cha mẹ vào đời sống con cái thường xuất phát từ những động cơ tốt đẹp, đó là cha mẹ nào cũng yêu thương con, không muốn con gặp thất bại hay khổ sở. 

“Nếu chúng tôi có nguồn lực, thì việc can thiệp để con cái không vất vả chả lẽ là sai trái?” - nhiều phụ huynh đã tự vấn nhưng hầu hết các nghiên cứu tâm lý và xã hội học đều đưa ra kết luận: Bao bọc con cái quá mức sẽ dẫn đến tình trạng lo âu, trầm cảm và thiếu năng lực một cách báo động khi phải đối mặt với cuộc sống trưởng thành.

Quá trình trưởng thành của đứa trẻ diễn ra trong những rủi ro hằng ngày, từ việc chập chững tập đi, leo trèo trong sân chơi, đến thăm nhà một người bạn mới hoặc tự đạp xe đến trường, xoay xở hoàn thành bài tập... Như vậy, việc của cha mẹ là để cho con được mắc sai lầm, được thử thách và thất bại, bởi đó mới chính là quá trình đứa trẻ học hỏi, rút ra bài học, kinh nghiệm và tiếp tục đứng dậy, tiến lên.

Bà Esther Wojcicki, 78 tuổi, có 3 cô con gái, người nổi tiếng nhất là Susan, 50 tuổi, CEO của mạng xã hội YouTube; Anne, 45 tuổi, hiện là CEO công ty nghiên cứu ADN 23andme; Janet, 49 tuổi, là giáo sư về nhi khoa và dịch tễ tại Đại học California, San Francisco, Mỹ đã tiết lộ bí quyết nuôi con tự lập trong cuốn sách: “Làm thế nào để nuôi dạy con thành công”: 

“Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã trao cho chúng trách nhiệm từ những việc rất nhỏ như tự chọn quần áo, hay tự đi bộ đến trường. Các con có thể thoải mái đến thăm bạn bè, hàng xóm, miễn là trở về nhà vào giờ "giới nghiêm" 5 rưỡi chiều, để tập bơi vào 30 phút sau đó. Lý thuyết của tôi luôn là: Bạn càng làm thay con nhiều thì chúng càng tự làm ít đi", bà nói. 

Chính vì vậy, bà để con gái 2 tuổi tự mặc quần áo, đeo giày, chải tóc dù lúc đầu có thể mặc ngược áo, đi nhầm chân. Lên 4 tuổi, các con bà rửa bát hằng ngày dù con phải đứng lên ghế hoặc tự dọn giường, gấp quần áo, đổ rác. “Mọi thứ sẽ không hoàn hảo: Bát chưa sạch thậm chí còn đổ vỡ, giường lộn xộn, quần áo không phẳng nếp... nhưng lũ trẻ vui vì cảm giác tự mình làm được” - bà Esther Wojcicki chia sẻ. 

Một phương pháp dạy con làm việc nhà theo 4 bước được tiến sĩ tâm lý SE Gutstein chia sẻ: “Đầu tiên, cha mẹ làm cho con. Sau đó, cha mẹ làm với con. Tiếp theo, quan sát con làm. Cuối cùng, con sẽ tự mình làm một cách hoàn toàn độc lập”.

Một trong những nguyên tắc về dạy con tự lập được nhiều nhà tâm lý học khuyến khích đó là tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm. Tiến sĩ Jim Taylor, nhà tâm lý giáo dục trẻ em phân tích: “Hãy cho con thấy trách nhiệm của chúng là gì, rằng chúng phải chấp nhận những trách nhiệm đó và sau đó bạn phải quy trách nhiệm cho con về những hành động”. 

Một đứa trẻ trước hết phải hiểu trách nhiệm chăm sóc bản thân lành mạnh bằng những kỹ năng giữ gìn vệ sinh thân thể, ăn uống, tập luyện. Sau đó là các kỹ năng làm việc nhà như một thành viên có trách nhiệm với gia đình. Ngoài ra, đứa trẻ cần xoay xở với việc đi học muộn, quên cặp sách đồ dùng, không làm bài tập... để chúng biết lỗi, rút kinh nghiệm và không tái phạm. 

Bên cạnh đó, nếu con bạn đi chơi loanh quanh gần nhà (môi trường thực sự an toàn) thì chúng phải đeo đồng hồ định vị hoặc mang theo điện thoại, có trách nhiệm về nhà đúng giờ, đến đúng chỗ đã hẹn hoặc nhớ số điện thoại và địa chỉ ngôi nhà khi có tình huống khẩn cấp. Hãy dạy cho con cách xử lý khi rơi vào tình huống như lạc đường hoặc bị kẻ xấu lạm dụng.

Giúp con tìm được ý nghĩa và mục đích

Có một câu thần chú: “Nếu bạn làm hoặc học những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải học hoặc phải làm việc”. Một trong những nhiệm vụ của sự nghiệp làm cha mẹ là phải giúp con cái tìm được đam mê và mục đích sống. 

Trong cuốn sách “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ tiến sĩ”, bác sĩ Leonard Sax đã phân tích về bức tranh khốn khổ của giới cha mẹ trung lưu Hoa Kỳ khi xác định kịch bản cho cuộc đời con cái là phải cố gắng học hành chăm chỉ để vào Đại học Stanford, Havard hoặc kiếm được nhiều tiền, đạt được địa vị cao trong xã hội. 

Nhưng, sau tất cả, có những người đã lên đến đỉnh cao mà vẫn giày vò bởi cảm giác chán nản, vô nghĩa. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con tìm thấy ý nghĩa, khao khát một cái gì đó cao hơn và sâu sắc hơn. Thiếu đi mục đích, cuộc sống dường như vô nghĩa và vô ích khiến những người trẻ tuổi trở nên lo lắng, trầm cảm. 

“Một khi trẻ có mục đích sống, chúng có thể tự tin theo đuổi thành tích vì chúng biết tại sao thành quả đó lại đáng để theo đuổi. Một khi đã được giáo dục về sự KHÁT KHAO, những người trẻ tuổi có thể tận hưởng thời gian rảnh rỗi một cách sâu sắc và trọn vẹn, cho dù là đọc một cuốn sách, nghe nhạc, hay đi dạo trong rừng. Ở một khía cạnh khác, khi tìm thấy đam mê và ý nghĩa trong học tập cũng như cuộc sống, trẻ sẽ có lòng can đảm, kiên cường quyết tâm theo đuổi một điều gì đó, cho dù khó khăn đến đâu hay phải đối mặt với nhiều bất lợi như thế nào” - bác sĩ Leonard Sax kết luận.

Thu Phương
.
.