Làm sao để xây một cuộc đời đáng sống?

Thứ Bảy, 22/08/2020, 10:37
Khám phá mục đích sống của bản thân là một yếu tố rất quan trọng để có một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc. Khi bạn thấu cảm mục đích sống của mình, bạn sẽ có động lực mỗi ngày bước ra khỏi giường và sẵn sàng đối mặt với những thách thức đang chờ đợi ngoài kia.


Thế giới chưa bao giờ trải qua sự kiện “trăm năm có một” kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 1-2020. Hàng chục triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người chết, những thành phố bị phong tỏa, những việc làm biến mất, những doanh nghiệp phá sản, những cuộc hôn nhân đổ vỡ, con người chìm trong sợ hãi, tức giận, vô vọng về một tương lai bất định. 

Hàng trăm triệu gia đình bị “ấm túc” trong bốn bức tường, giao tiếp với người thân, bạn bè, đồng nghiệp qua những ứng dụng internet. Trẻ em không được đến trường và người già nghĩ về cái chết. 

Khi phải đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh, nhiều nhà khoa học tâm lý đã gợi ý cho loài người một phương cách vượt qua, đó là việc trở về với nội tâm, dành thời gian suy ngẫm và soi rọi vào thế giới tâm hồn. Đa số con người trước đây sống trong cuộc đua vật lộn kiếm sống, theo đuổi ham muốn vật chất, tranh giành tiền bạc và thành công nên nhiều người đã lên đến đỉnh cao quyền lực mà vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. 

Một câu hỏi được đặt ra, bạn nên theo đuổi một cuộc đời thành công hay một cuộc đời hạnh phúc? Làm sao để xây dựng một cuộc đời thành công - hạnh phúc, một hành trình sống có mục đích và ý nghĩa, không chỉ tạo nên giá trị cho cá nhân mà còn đóng góp cho cả sự tiến bộ của nhân loại? 

Đây có lẽ là thời điểm để mỗi con người dành cho mình một khoảng lặng, quay về với nội tâm và trả lời cho mình câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi được cử đến thế giới này để làm gì? Tôi có hạnh phúc thực sự không?”.

Khi cuộc đời thiếu đi lẽ sống…

Lê Sơn (42 tuổi) là giám đốc công ty bất động sản của một tập đoàn danh tiếng. Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nông nghiệp, từng trải qua tuổi thơ khốn khó ở một vùng quê nghèo miền núi trung du phía Bắc. Từ nhỏ, anh đã hun đúc một ý chí mãnh liệt: “Làm sao thoát nghèo?”. 

Sơn dành những năm tháng tuổi trẻ miệt mài học tập, làm thêm rồi giành được suất học bổng du học. Bằng nỗ lực, anh dần leo lên những nấc thang sự nghiệp từ một chuyên viên bán hàng, đến phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc dự án và nay là giám đốc công ty có doanh thu hàng nghìn tỷ. Nhà lầu, xe hơi, địa vị, vợ đẹp, con ngoan, những chuyến du lịch xa xỉ... Sơn đã có tất cả mọi thứ mà người đàn ông ao ước nhưng anh vẫn không cảm thấy thỏa mãn. 

“Tôi không còn cảm thấy hào hứng, nhiệt huyết, máu lửa như hai mấy năm về trước. Công ty hiện nay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh nhưng tôi cũng chả muốn sốc nổi lăn xả tìm lối đi. Những lúc chán nản, tôi có thể ném tiền tỷ để mua đồng hồ cao cấp hay đổi xe mới nhưng cảm giác hưng phấn lại sớm trôi qua để rồi trở lại với sự mờ nhạt, uể oải...” - anh tâm sự trên một diễn đàn.

Jenine, một phụ nữ thành đạt, hiện đang sống tại thung lũng Silicon Valley - nơi tập trung những tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong cuốn sách “Thiết kế một cuộc đời đáng sống”, Janine được miêu tả là một nữ luật sư thành đạt nhưng lại có một bí mật. Có những hôm, sau khi lái xe về từ hãng luật nổi danh nhất Silicon Valley, Janine ngồi trên nóc xe ngắm thành phố dần lên đèn và cô khóc. Mọi thứ trong cuộc sống dường như đều đi đúng theo con đường cô đã định, cô đã có mọi thứ mình mong muốn nhưng từ sâu thẳm bên trong, cô không cảm thấy hạnh phúc. “Tại sao một người có thể sở hữu mọi thứ và cùng lúc lại chẳng có gì”.

Dường như những người như Sơn hay Janine chẳng hề đơn độc vì có gần 70% người đi làm tại Mỹ không cảm thấy hạnh phúc với công việc, thậm chí 15% trong số đó ghét bỏ công việc của mình. Theo nghiên cứu được công bố trên tờ New York Times, sự bất mãn của người lao động trong những nghề nghiệp tinh hoa như giới luật sư, bác sĩ, đầu tư, tài chính... ngày càng tăng theo thời gian. 

Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam đang rơi vào cái bẫy không biết mình thích hay muốn gì, không được thôi thúc bởi mục đích hay động cơ sống ý nghĩa, sống dưới cái bóng của người lớn và lái cuộc đời theo chỉ dẫn của người khác. 

Những đứa trẻ trong hình hài người lớn, những “xác sống” vật vờ qua ngày đoạn tháng, những khủng hoảng lẽ sống ở tuổi 30s, 40s... bắt nguồn từ câu chuyện nhiều người không tìm được la bàn định hướng cho cuộc sống và hạnh phúc của mình. Những căng thẳng, stress, bế tắc... nảy mầm từ sự vô vọng ngày càng trở nên phổ biến trong giới công sở dù có thể họ đang sở hữu một công việc đáng mơ ước, thu nhập cao với nhiều lợi ích và quyền lực.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao một người kiếm được thành công khi họ tốt nghiệp đại học danh tiếng, có thu nhập, địa vị với khả năng mua sắm những vật dụng đắt tiền lại có cảm giác không thỏa mãn? Chẳng phải ai đó đã từng nói: “Tiền mua được hạnh phúc” đó sao? Nhưng thực tế đã đưa lại một câu trả lời trái ngược. 

Nhiều nghiên cứu tâm lý và xã hội của các nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ đã chỉ ra, tiền có thể đáp ứng một số nhu cầu của con người nhưng không thể mua được hạnh phúc. 

Đối với những người nghèo, tiền có thể giúp giảm áp lực cuộc sống với ý nghĩa cho họ những bữa ăn, một mái nhà trú ngụ và thanh toán các hóa đơn chữa bệnh cho con cái. Tuy nhiên, với những gia đình trung lưu có thu nhập 75 nghìn USD/năm trở lên thì tiền không còn là nhân tố quyết định trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.

Một nghiên cứu khác của Sanjiv Chopra, nguyên giáo sư y khoa tại Trường Y khoa, Đại học Harvard dẫn chứng, sau một năm trúng độc đắc, đa số lại trở về với cuộc sống trước đây của họ, thậm chí một số người còn bất hạnh hơn. Một số người dùng tiền trúng xổ số mua biệt thự lớn, siêu xe nhưng phần đông lại dành cho cờ bạc. 

Dù có nhà đẹp, xe sang thì sau 3 tháng, đó vẫn chỉ là một ngôi nhà hay chiếc xe và người ta đã quen với điều đó. Như vậy, khoa học cho thấy, những người trúng hàng triệu đô la trong một đêm cũng chẳng hạnh phúc hơn những người không trúng số là bao.

Có một thuật ngữ tâm lý nổi tiếng giải thích cho hiện tượng này là “Vòng xoáy khoái lạc” chỉ ra xu hướng của con người nhằm nhanh chóng trở lại mức độ hạnh phúc tương đối ổn định bất chấp các sự kiện tích cực, tiêu cực hoặc thay đổi của cuộc sống. Theo lý thuyết này, khi một người kiếm được nhiều tiền hơn, kỳ vọng và ham muốn tăng lên cùng lúc, điều này dẫn đến không có được hạnh phúc vĩnh viễn. 

Nói cách khác, con người một khi có cảm giác thỏa mãn vì sở hữu nhiều thứ hơn đồng loại xung quanh thì đồng thời cũng mong muốn phải có nhiều hơn nữa, để duy trì (hoặc phát triển) trạng thái đó. Đây là một trạng thái mà theo tâm lý học, chúng ta cặm cụi làm việc, tiến thân và có thể trang trải cho nhiều thứ hơn và tốt đẹp hơn nhưng điều này lại chẳng làm ta hạnh phúc hơn. Và con người cứ loay hoay mắc kẹt trong vòng xoáy ham muốn đó. 

Đặc biệt, khi bản chất con người lại luôn có tâm lý tham chiếu bản thân mình với người khác theo kiểu “cỏ nhà hàng xóm luôn xanh”. Tâm lý này thể hiện rõ nhất trong các buổi họp lớp hoặc giao lưu họ hàng, khi mọi người luôn so sánh từ thu nhập, tài sản, hôn nhân, sắc đẹp, điểm số... cho đến cả “đám ma nhà này “linh đình” hơn đám ma nhà kia”. 

Một trong những sai lầm tiếp theo của đời người là coi công việc, sự nghiệp như là mục tiêu cuối cùng trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Nhiều người chịu đựng cảnh 12 đến 18 tiếng làm việc một ngày dưới sự soi mói của đồng nghiệp, bắt bẻ của ông chủ chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn nữa trả nợ cho hợp đồng mua nhà, tậu xe hoặc nâng cấp điện thoại đời mới, đặt kỳ nghỉ ở khu nghỉ dưỡng 5 sao. “Với những người này, ngay cả khi đạt được thành công, họ cũng không hạnh phúc” - GS Clayton M.Chirstensen (Đại học Harvard) mô tả.

Hoặc, như nhà tâm lý học Ellitot Jacques phân tích về hiện tượng “khủng hoảng tuổi trung niên” - khi nhiều triệu phú với sự nghiệp hiển danh đã đi qua con dốc bên kia của số phận, khi ngoảnh lại chỉ thấy “tuổi già và cái chết”. 

Những người này có một mẫu số chung đều coi công việc là công cụ để đạt quyền lực và danh vọng chứ không tìm kiếm mục đích và ý nghĩa như người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey từng nói: "Mục đích cuối cùng của cuộc đời không phải là sự thành công mà là dùng sự thành công đó để tác động một cách tích cực đến xã hội". Việc không tìm được mục đích trong cuộc đời cũng như sự nghiệp khiến nhiều người rơi vào tình thế mắc kẹt.

Ngược lại, một trong những ví dụ có giá trị về mục đích ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc đến từ một nghiên cứu xuất bản năm 2011. Hai nhà khoa học - Amy Wrzesniewski (Đại học Yale) và Jane Dutton (Đại học Michigan) - muốn tìm hiểu xem tại sao những người lau dọn ở các bệnh viện lớn lại hài lòng và nhiệt tình hơn các cơ sở khác. 

Họ phỏng vấn một nhân viên lau dọn tại khoa chấn thương sọ não và phát hiện ra, người này không chỉ đơn thuần làm công việc thay ga giường, đổ rác mà chị còn thích nói chuyện với bệnh nhân và người nhà của họ. Chị có thể nhảy, hát múa, kể chuyện hài hoặc bất kể việc gì để có thể giảm nỗi đau đớn và lo lắng của những người bệnh cũng như người thân của họ. 

"Nếu bạn nhìn công việc của mình như là chữa lành chứ không đơn thuần là đổ rác hay lau vết bẩn, chắc chắn bạn sẽ có ý thức hơn khi cầm cây chổi" - hai tác giả nhấn mạnh.

Tương tự, một luật sư từ bỏ văn phòng sang trọng để đến khu phố nghèo bào chữa cho những người tổn thương, một nhà đầu tư bỏ phố Wall đến một đất nước thứ ba hỗ trợ chính phủ xóa đói giảm nghèo, một doanh nhân sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hướng tới cộng đồng... những người này không nhiều tiền hơn nhưng chắc chắn hạnh phúc hơn khi họ biết công việc của mình đang tạo ra giá trị cho những cuộc đời khác và từ đó khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. 

Như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg chia sẻ: "Mục đích chính là cảm giác khi mà ta được là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chính ta, khi mà ta được cần đến, ta được lao động cho một điều gì đó tốt đẹp sẽ có trong tương lai. Mục đích là thứ tạo nên hạnh phúc đích thực".

Con đường nào dẫn đến hạnh phúc đích thực?

Vậy thì những công thức nào sẽ giúp con người xây dựng cho mình một cuộc đời đáng sống với những mục đích và ý nghĩa tốt đẹp?

1- Xác định mục đích và ý nghĩa:

Chị Amy Nguyễn, chiến lược gia - chuyên gia khai vấn về hạnh phúc và sự nghiệp cho phụ nữ hiện đang làm việc tại thành phố New York chia sẻ: “Khám phá mục đích sống của bản thân là một yếu tố rất quan trọng để có một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc. Khi bạn thấu cảm mục đích sống của mình, bạn sẽ có động lực mỗi ngày bước ra khỏi giường và sẵn sàng đối mặt với những thách thức đang chờ đợi ngoài kia. Với mục đích sống rõ ràng, mỗi ngày trôi qua sẽ tràn ngập những hoạt động đem bạn đến gần hơn với giấc mơ của mình. Đối với tôi, mục đích sống là ngọn hải đăng hoặc la bàn để hướng dẫn các quyết định hoặc lựa chọn quan trọng giữa một cuộc sống nhiều thử thách”. 

Từ bỏ mức lương ngàn đô ở vị trí trưởng phòng tại công ty đa quốc gia có trụ sở Singapore, chị Tú thành lập Công ty Hạnh phúc vô biên với mục đích nâng đỡ cuộc sống cá nhân và sự nghiệp cho những người mẹ bằng cách sử dụng tài năng khai vấn, trò chuyện, viết lách, kể chuyện nhằm truyền động lực cho những người phụ nữ sống hạnh phúc, tích cực, mạnh mẽ, trọn vẹn hơn.

Tương tự như vậy, với những người tìm được công việc đúng với sở thích, đam mê, vận dụng tài năng, thế mạnh đồng thời gắn với mục đích, ý nghĩa nào đó, họ sẽ trở nên hoạt bát, năng động, sôi sục nhiệt huyết hơn với những ai không tìm được ý nghĩa. 

Một nghiên cứu của Đại học Stanford cũng chỉ ra, những công ty đem lại cho nhân viên công việc thú vị, thách thức, ý nghĩa, trao cho nhân viên nhiều quyền tự chủ, sáng tạo, tôn trọng và đề cao người làm thì có lợi nhuận cao hơn ở những nơi chỉ coi nhân công là bánh răng trong cỗ máy.

2- Gắn cứng tư duy tích cực:

Một trong những đặc điểm của bộ não là gắn với thiên hướng tiêu cực. Điều này xuất phát từ gien của tổ tiên hàng triệu năm truyền lại khi từ thời “ăn hang ở lỗ”, con người luôn nhìn thấy những hiểm nguy rình rập sự an toàn của mình chứ ít khi nhìn thấy cơ hội trong thách thức. Chính vì vậy, mỗi người nên cố gắng chế ngự những suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày bằng cách gắn cứng tư duy tích cực cho bộ não từ những việc bé nhỏ nhất. 

Như nhà tâm lý Martin Seligman đề xuất khái niệm lạc quan tập nhiễm, tức là chúng ta có thể thay đổi thái độ và hành vi bằng cách ý thức và đương đầu với tính tiêu cực của chúng ta. Nó liên quan đến việc nhìn nhận thế giới từ một quan điểm tích cực. 

“Tại thời điểm chấn thương và trầm cảm do đại dịch COVID-19 gây ra trên toàn thế giới, chúng ta phải phát triển một thái độ tích cực, lành mạnh để hồi phục từ những nghịch cảnh mà chúng ta gặp phải. Nếu chúng ta gia tăng tính tích cực trong cách tiếp cận với các tình huống hiện tại, chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng, bất kể điều gì chúng ta đang phải trải qua ngay lúc này” - nhà sư Shijo Kanjirathamkunnel chia sẻ.

3- Lòng biết ơn

Một trong những chiến lược rèn tư duy tích cực là thể hiện lòng biết ơn trong cuộc sống. Các nhà tâm lý học khuyên bạn mỗi ngày nên dành ra 5 đến 10 phút viết ra ít nhất 3 điều bạn biết ơn cuộc đời này. 

Trong lúc hàng triệu người đang mất việc làm hoặc giảm thu nhập, những đứa trẻ đói khát lang thang trên đường phố, những nhân viên y tế tuyến đầu đối mặt với nguy hiểm thì bạn nên biết ơn vì vẫn có một mái nhà trú ẩn, một việc làm tạo thu nhập, người thân của bạn an toàn và bạn có sức khỏe để thực hiện những giấc mơ dang dở. Martin Seligman, người đồng sáng lập tâm lý học tích cực, nói rằng lòng biết ơn có thể làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn.

Cùng với rèn luyện lòng biết ơn, GS Santos (Đại học Yale) - người sáng lập khóa học về hạnh phúc có nhiều người tham dự nhất trong lịch sử nhấn mạnh việc chú tâm đến những trải nghiệm bình dị: “Chúng ta nên đầu tư cho các  trải nghiệm chứ không phải vật chất, tài sản. Trải nghiệm đó có thể là những khoảnh khắc đời thường khi bạn cắm một bình hoa, nấu một món ăn ngon, đọc một trang sách hay hoặc đi bộ dưới trời mưa lâm thâm ngắm những bông hoa anh đào nhẹ bay trong gió. 

Bạn hãy tạo cho mình một danh sách của những điều giản dị mà khi trải qua chúng, bạn cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Và hãy nhớ chia sẻ những cảm xúc của mình lắng đọng trong thời khắc này với bạn bè, người thân qua những bức ảnh hay dòng tin nhắn. Điều đó nhắc về giây phút bạn đang sống trong hiện tại với lòng biết ơn cuộc đời đã ban tặng cho bạn những món quà tuyệt vời đến vậy”.

4- Tình yêu và mối quan hệ xã hội

Cách đây hơn một thế kỷ, đại văn hào Mark Twain đã nhìn lại cuộc đời mình và viết rằng: “Vì cuộc sống quá ngắn ngủi nên không có thời gian cho những xung đột, những lời xin lỗi, những điều làm tổn thương, những ganh đua. Chỉ có thời gian cho tình yêu thương, vì thế hãy nói ra vì điều đó”. 

“Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng bằng những mối quan hệ tốt đẹp” - Robert Waldinger,  một mục sư, giáo sư chuyên ngành tâm thần học tại Đại học Harvard đã kết luận như vậy sau khi theo dõi 724 người trưởng thành trong suốt 75 năm. Đây có lẽ cũng là nghiên cứu lâu dài nhất của Harvard nhằm tìm hiểu về định nghĩa hạnh phúc trong cuộc sống con người. 

Nghiên cứu của ông chỉ ra: Những người có kết nối tốt hơn với gia đình, bạn bè, cộng đồng hạnh phúc hơn, có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn so với những ai ít có các mối quan hệ gắn bó. Ngược lại, sự cô đơn rất độc hại. "Những người bị cô lập thấy họ ít hạnh phúc hơn, sức khỏe kém đi ở giai đoạn đầu tuổi trung niên, chức năng não suy giảm sớm hơn và tuổi thọ ngắn đi so với những ai sống trong các mối quan hệ ấm áp" - Waldinger giải thích.

Hãy giúp bạn bè những việc nhỏ, nói những lời tử tế với người thân, hiến máu, tình nguyện, viết thư thăm hỏi và cảm ơn với một ai đó đã từng giúp đỡ bạn - một ai đó từng là nguồn cảm hứng khiến bạn thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực. Hoặc chỉ đơn giản là dừng chân trên phố nói chuyện với một người xa lạ, giúp đỡ một ai đó đang đi lạc trong thành phố... những hành động nhỏ bé sẽ tạo nên ý nghĩa lâu bền trong cuộc đời mỗi người.

Thu Phương
.
.