Thư gửi cho con

Làm bố

Thứ Năm, 17/12/2015, 11:35
Đi Bạc Liêu về thì vợ chuyển dạ, con trai lớn nằm lì trong bụng mẹ mãi tuần sau mới chịu chào đời. Hôm ấy, nhìn con khóc trong tay cô hộ sinh, tự nhiên nước mắt cứ chảy dài. Có muốn khóc đâu, tự nhiên vậy thôi. Như hồi nhìn con trai nhỏ mới chào đời cũng vậy.

“Bố mẹ chẳng biết phải nói thế nào để diễn tả lại cảm xúc lúc này, về sự hy vọng dành cho con. Bố mẹ mong con sẽ thật hạnh phúc, thật khỏe mạnh để có thể khám phá, tận hưởng cuộc sống của mình theo cách trọn vẹn nhất. Vì có con, bố mẹ đã có lý do để suy nghĩ sâu sắc hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Giống như mọi gia đình khác, bố mẹ chỉ mong mỏi con được lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn bây giờ. Chính vì thế, bố mẹ sẽ đảm nhận một phần nhiệm vụ đẩy nhanh sự phát triển của thế giới này, không chỉ vì chúng ta yêu con, mà chúng ta cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với tất thảy mọi trẻ em, sao cho những thế hệ sau được sống trọn vẹn nhất”.

Đó là một đoạn trích dẫn trong lá thư dành cho cô con gái đầu tiên của Mark Zuckerberg. Mark Zuckerberg chính là ông chủ của trang mạng xã hội có nhiều người dùng nhất trên thế giới, facebook. Khi người ta làm bố, người ta luôn có những suy nghĩ tích cực hơn. Chúng tôi tin là vậy.

Chúng tôi chọn Chuyên đề “Thư gửi cho con” như là một hy vọng về sự đánh thức cảm xúc mà trong cơn mê mải của đời sống này, những ông bố đã vô tình đánh rơi.

Mỗi ông bố sẽ có một cách yêu thương con mình theo kiểu riêng, nhưng chắc chắn tựu trung lại vẫn là nỗi yêu thương vô điều kiện.

1. Có rất nhiều thứ mà một người bố phải chuẩn bị cho con mình và đó không phải là một thứ trách nhiệm, kiểu như những ông bố thường hay đùa với nhau rằng “Con là nợ, vợ là oan gia”, đó đích xác là tình cảm hiển nhiên bản năng nhất của con người.

Tôi có thói quen vẫn viết những thứ lặt vặt diễn ra xung quanh, điều ấy như để lưu giữ lại khoảnh khắc vậy. Thường tôi viết trên ghi chú của điện thoại, hoặc là trên facebook cá nhân, chỉnh chế độ “only me”. Thi thoảng, tôi có để chế độ công cộng. Những hôm ấy, tôi thật nặng lòng.

Hồi nào đấy, tôi có viết về bố mình: “Trong suốt thời ấu thơ của mình, tôi không thể quên được cảnh ba tôi chân đất, mặt mày lấm lem bùn đẩy cái xe đạp sườn ngang chở lúa lên đồi. Trên đỉnh dốc, tôi đang chơi với các bạn. Thêm hình ảnh nữa là khi ông nhổ răng cho tôi bằng tay, vờ như xem răng rung rinh chưa rồi giật mạnh. Như những ông bố nhà quê khác, ba tôi cộc tính. Anh trai tôi bị ba đánh nhiều hơn tôi. Tất nhiên, không phải lúc nào ông đánh chúng tôi cũng đúng. Thế nhưng, tôi tin rằng anh trai tôi cũng như tôi, chưa một lần trách ông.

Tôi không nhớ khi ông hôn tôi lần cuối cùng là lúc nào. Thậm chí, ngay cả khi tôi nằm bệnh viện, ông cũng chỉ đến nhìn và lặng im. Lúc ông chở tôi lên Sài Gòn nhập học đại học, ông không nói gì, tôi cũng không nói gì. Chỉ thấy đuôi mắt nheo nheo như đang cười. Chắc ông cũng hy vọng vào tôi nhiều.

Hồi đó, ông còn đọc những bài báo mà tôi viết. Sau này, ông thôi đọc. Ông bảo: “Nhà báo bây giờ cũng chán”. Tôi cười xòa trả lời: “Tất cả mọi thứ đều chán, ba ạ”. Tôi in quyển tản văn, lời đề tặng đầu tiên là dành cho ba má. Khi tôi mang về nhà, ông vồ lấy như đứa trẻ được quà, lẳng lặng mang lên phòng. Ông chẳng nhận xét, mặc tôi hào hứng chờ đợi, tôi không biết ông có thích hay không? Chỉ có má tôi là khen tôi nhiều hơn cả.

Minh họa: Hữu Khoa.

Mười mấy năm trước, ông leo cây hái ổi cho đứa em gái út của tôi. Khi đến chạc ba, ông nhảy xuống. Không may, dưới gốc ổi có mảnh thủy tinh vỡ. Mảnh thủy tinh đâm vào gót chân ông sâu hoắm. Máu chảy ròng ròng, nhưng ông vẫn giữ chặt mấy trái ổi trên tay, miệng cười. Đôi gót chân của ông, luôn nứt nẻ, chai sần.

Lâu lắm rồi tôi với ông không trò chuyện thân mật, ngoại trừ mấy lúc ông hỏi tôi về một vài tin tức thời sự đang diễn ra xung quanh. Cũng có lần tôi rất muốn nói với ông: “Con thương ba lắm”. Tuy nhiên, tôi không nói được điều này.

Chẳng biết là nhẽ tại sao!”.

2. Vài người anh em tài hoa của tôi thường bảo tôi là kẻ ủy mị. Thậm chí sến sẩm và nệ cổ. Có lẽ tôi vậy thật, bởi bản tính thế rồi không vậy không biết phải làm sao cho khác đi.

Tôi thường tranh thủ nói với hai con trai tôi những điều vụn vặt của cuộc sống này khi hai con trai tôi còn bé. Bởi sau này lớn lên, hai con trai có lẽ cũng sẽ như tôi vậy, sẽ ít nói chuyện với bố hơn, sẽ làm theo ý mình, sẽ có một cuộc sống và tình yêu theo lẽ rất riêng. Khi ấy, tôi đã cũ lắm rồi.

Duy có điều, tôi luôn muốn hai con trai giữ được vài nguyên tắc mà tôi nghĩ sẽ rất tốt cho hai con, như làm người thành đạt là điều may mắn. Nhưng không thành đạt thì cũng không có gì là quan trọng lắm. Miễn sao, sống khoái hoạt một chút. Biết vui lúc cần vui, biết tĩnh lặng lúc cần tĩnh lặng. Có nhiều bạn hữu một chút cũng tốt, nhưng nếu không có nhiều bạn hữu cũng không sao. Miễn rằng, khi khó khăn hai anh em có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau một chút.

Làm người là khó, trong một vài hoàn cảnh, nhận về mình một chút thiệt thòi cũng không có gì là ghê gớm lắm. Đôi khi, thẳng tính cũng không phải là không hay, nhưng cứng quá thường dễ gãy, mềm mại quá thường ủy mị. Biết cân đối hai chuyện này đã là điều vô cùng khó, nhưng bắt buộc hai con trai phải làm được thôi. Vận số bất cứ cá nhân nào cũng có lúc thịnh lúc suy, nên tập thói quen khi thịnh nghĩ đến lúc suy, để biết cách mà tiến thoái hợp nhẽ.

Mọi sự tự ta mà thành, đừng oán trách ông trời. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải cố để dư được một ít tiền. Ít thôi, không cần quá nhiều. Người khổ nhất là phải ngửa tay với thiên hạ. Sau này, yêu một cô gái. Không cần biết cô ấy ra sao, nhưng khi quyết định yêu là phải yêu chân thành. Chân thành ngay cả khi hết duyên hết phận. Phải luôn nhớ rằng vạn sự trong cõi đời này không thoát khỏi hai chữ tình nghĩa. Làm người có thể lúc này lúc khác, nhưng tuyệt đối không được hết tình hết nghĩa.

Tất nhiên, tôi sẽ rất vui nếu hai con trai tôi giữ được điều mà tôi mơ tưởng. Còn nếu không giữ được cũng chẳng sao cả, vì bao giờ hai con của tôi cũng luôn là phước báu của đời tôi, ngay cả khi gió dông đời sống bủa vây, điều này cũng không thay đổi.

Như năm xưa, ba tôi từng bảo tôi: “Sống trên đời nhất thiết phải biết cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình”. Đến giờ, tôi vẫn sống theo lời dạy này.

Tất nhiên, đây là câu chuyện hoàn toàn cá nhân.


Ngô Nguyệt Hữu
.
.