Ký ức - biển chỉ đường đến ngôi nhà nhân tính

Thứ Hai, 23/09/2019, 12:12
Thế giới kinh hoàng chứng kiến thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3-2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn. Và ngay sau trận sóng thần khủng khiếp ấy, một dự án vĩ đại được sinh ra. Dự án mang tên: DỰ ÁN PHỤC HỒI KỶ NIỆM do sáng kiến của sinh viên trường đại học Tokyo, Nhật Bản.


Tôi đã xem bộ phim tư liệu về dự án đặc biệt này. Những sinh viên đại học Tokyo tình nguyện đi khắp những vùng bị sóng thần để tìm lại những gì của con người ở vùng đất đó bị sóng thần cuốn trôi. Họ tìm lại những đồ dùng quen thuộc của gia đình, tìm lại ảnh của những người thân, đặc biệt những người thân đã bị sóng thần cướp đi mạng sống, hoặc những bức ảnh của những người thân yêu đã khuất từ lâu…

Khi chính quyền những thành phố bị sóng thần xóa sổ quyết định xây dựng lại thành phố thì người dân đã yêu cầu chính quyền xây dựng lại thành phố thì phải tái dựng lại thành phố đó. Bởi họ muốn được sống trong thành phố mà họ đã sống cụ thể như một cái cây anh đào  ''ở bên trái cổng ngõ'' nhà họ. Bộ phim đã thức tỉnh tôi một lần nữa về những giá trị của đời sống con người và cho chúng ta nhận thấy rằng: kỷ niệm hay ký ức là thứ làm nên cuộc sống kỳ diệu của nhân loại.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều

Sau khi bà nội tôi mất đã hàng chục năm, mỗi bận về quê, tôi lại bước vào căn phòng bà nội tôi nằm đó bốn năm trước khi mất. Tôi đã đứng im lặng trong căn phòng đó cho dù sau này đã thay đổi vì sửa chữa. Và từ không gian đó, tôi nghe thấy những âm thanh thuở xưa vọng về trong căn phòng.

Đó là tiếng bà nội tôi ho đêm, tiếng bà nội tôi gọi nước uống, giọng bà tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện cổ xưa của làng… Những âm thanh đó gợi mở về một hình thức nào đó của vật chất đã mất. Tôi cảm thấy tôi đang lướt qua những khoảng tối trong nhà. Tôi ngửi thấy mùi trầu, mùi dầu cao hiệu con hổ bà tôi vẫn thường dùng và mùi nước tiểu tràn ngập căn phòng.

Tôi thấy cả một con chấy đang cố lẩn vào đám tóc bạc và dày của bà tôi. Hơn thế nữa, tôi thấy đời sống của bà tôi sau khi chết mà có lúc tôi gọi đó là tương lai của những kết thúc. Một đời sống mà nó không làm tôi ngưỡng vọng như con chiên ngưỡng vọng Chúa. Nó giải toả những đau đớn về tinh thần. Nó lập lại quan hệ của bà tôi với tôi - một quan hệ chứa đầy ý nghĩa của bản chất đời sống. Và chính thế,  hàng chục năm sau khi bà nội tôi mất, tôi lại thấy bà tôi như đang sống hơn bao giờ hết.

Nó làm cho tôi chợt nhận ra rằng: có lúc tôi đã lãng quên bà tôi trong một thế giới chuyển động chóng mặt của thời hiện đại. Và khi sự lãng quên bắt đầu xuất hiện cũng là lúc sự vô ơn của con người bắt đầu xuất hiện và những đẹp đẽ trong bộ ''hồ sơ tinh thần'' của con người bắt đầu bị đốt đi từng trang cho đến lúc lụi tàn. 

Khi con người đánh mất ký ức là lúc con người cắt rời không phải với quá khứ mà với chính hiện tại của mình. Bởi nếu không có quá khứ, con người không xác lập được hiện tại. Ký ức với tôi không phải là một cái gì đó đã chết và nó là một thực thể đang sống, đang thở và đang trò chuyện với ta. Ký ức chứa đựng tất cả tinh thần sống của chúng ta khi nó là hiện tại và khi ta trở về với ký ức thì mọi hiện thực chứa đựng trong ký ức ấy lại hiện ra đầy đủ nhưng trong một ánh sáng mới.

Tình yêu của một người bà, của một người mẹ đã mất lại trở lại trong trái tim ta trọn vẹn và sống động. Nó truyền vào tâm hồn ta một năng lượng như ta đã từng đón nhận trong quá khứ mà không hề mất đi một chút nào. Nhà thơ Thế Mạc, người vùng Sơn Tây, khi còn sống đã viết một bài thơ về một ngôi chùa đã bị tàn phá nhưng ở chính nơi ngôi chùa ấy đã được dựng lên, toàn bộ sự linh thiêng vẫn trú ngụ. Và khi ta bước vào đúng không gian ấy thì mọi linh thiêng lại trùm phủ lấy tâm hồn ta.

Những ngày cuối cùng trước khi cha mất, tôi đã ngồi cùng cha tôi dưới bóng cây mơ trong vườn và pha trà cho cha. Và suốt nhiều năm tháng sau khi cha mất, tôi vẫn trở về khu vườn ấy. Nhiều lúc, tôi chợt thấy cha tôi đang ngồi trên chiếc ghế ấy, dưới bóng cây mơ ấy trong khu vườn.

Tôi đã bước đến và ngồi xuống bên cạnh chiếc ghế cha tôi ngồi. Tôi cảm nhận được tất cả những gì thuộc về cha tôi. Tôi xúc động đến run lên khi nhận ra rằng: cha tôi không hề mất đi. Ký ức đã lưu giữ toàn bộ tinh thần và cả hơi thở cha tôi và đời một lúc nào đó trả lại cho tôi trọn vẹn.

Sức mạnh của ký ức là phục hồi nhân tính của con người và mở rộng chiều kích tâm hồn con người cũng như mở ra những ô cửa về tương lai. Bạn sẽ không có gì hết kể cả một sự tiếc nuối đầy tính vật chất nào đó khi bạn đi qua những vùng không gian bạn đã sống mà chẳng còn nhớ được điều gì.

Bạn sẽ trở thành một kẻ vô cảm và bạn sẽ tàn lụi dần dần. Lúc đó, bạn chỉ là kẻ sống trong hiện tại bất động vì khi bạn không còn ký ức thì bạn cũng không có cảm giác nào về tương lai của bạn. Có quá nhiều bộ phim của Hollywood nói về những cuộc kiếm tìm ký ức của con người khi một ngày mà những chiếc computer hay điện thoại thông minh đã thay thế bạn để lưu giữ một số thứ của bạn.

Và lúc ấy, bạn cũng chỉ là một computer lấy dữ liệu từ một loại computer khác. Nếu có gì khác thì chỉ là cái ''computer người'' ấy biết giao phối và sinh nở như một bản năng của những sinh thể đa bào mà thôi. Có một bộ Mỹ phim nói về một kẻ giết người khủng khiếp tên là Jackson.

Một lần, hắn đã giết gần hết một nhóm người đi du lịch ở trong một ngôi nhà bên một hồ nước. Chỉ có một phụ nữ thoát được kẻ giết người man rợ này khi chị nhận ra câu chuyện mà người ta nói rất nhiều về kẻ giết người đó. Khi kẻ giết người cầm chiếc rìu dồn chị vào góc phòng, chị đã kêu lên "Jackson''.

Nghe vậy, kẻ giết người bỗng dừng lại và mở to mắt nhìn về phía chị. Chị run rẩy nói tiếp: ''Jackson, mẹ đây. Con vứt chiếc búa đi. Vứt đi con. Lại đây với mẹ, Jackson''. Kẻ giết người vứt chiếc búa đi và thổn thức.

Hắn ôm lấy chị, khóc và nói: ''Sao mẹ bỏ con đi lâu thế. Con nhớ mẹ''. Kẻ giết người ấy tên là Jackson. Trong con người bệnh hoạn ấy vẫn còn lưu lại một chút ký ức về người mẹ của mình. Và khi tên hắn được một giọng phụ nữ gọi, hắn đã trở nên yếu đuối như một đứa trẻ đã bị người mẹ bỏ đi đâu đó. Hắn đã chờ người mẹ trở về suốt những năm tháng ấu thơ của mình. Một chút ký ức của kẻ giết người máu lạnh ấy đã thức dậy và một chút nhân tính còn đâu đó trong gã thức dậy theo. Người phụ nữ đã thoát chết bởi điều đó.

Không ít các nhà văn biết tới một nhà văn Mỹ là bạn của Việt Nam mấy chục năm nay. Ông là Kevin Bowen. Mười năm trước, ông bị một tai nạn và trí nhớ của ông đã suy giảm một cách tồi tệ. Ông đã chống lại bệnh mất trí nhớ đó bằng cách ngồi vẽ chân dung những nhà văn Việt Nam từng ở trong ngôi nhà của ông ở Boston trong suốt nhiều năm.

Ông kể với tôi khi ông ngồi xuống vẽ chân dung một ai đó thì giọng nói, ánh mắt, cử chỉ…của người đó từ từ hiện ra giống như hình hiện lên trên giấy ảnh trong phòng tối. Ký ức đã dẫn ông đi tới những không gian xa xôi và những thời gian xa xôi mà ông đã nhầm lẫn hoặc bị đánh tráo.

Cuối cùng, ông đã phục dựng lại toàn bộ hồ sơ đời sống của mình bằng những ký ức cho dù nhiều lúc rất mơ hồ và nhiều xáo trộn. Ông đã mang toàn bộ những bức chân dung vẽ các nhà văn đến Hà Nội và làm một cuộc triển lãm. Và ông nói: ông không sáng tạo bất cứ một điều gì, ông chỉ phục hồi ông bằng cách phục hồi ký ức của ông.

Ngày nay, một trong những căn bệnh đe dọa con người nhất là bệnh mất trí nhớ. Có một hiện thực nghe thật sợ hãi nhưng đó là sự thật mà chúng ta cần suy ngẫm về nó. Đó là có những người đã dặn con cái mình rằng khi họ không còn khả năng nhớ gì nữa thì hãy cho họ kết thúc cuộc sống.

Bởi khi một người sống nhưng đánh mất toàn bộ ký ức thì cuộc sống đó thực sự là một cuộc sống tồi tệ nhất. Đấy là những người mắc bệnh mất trí nhớ. Nhưng hiện thực cũng cho chúng ta thấy có những người vẫn mạnh khỏe và minh mẫn nhưng ký ức trong họ về những người thân yêu, về một ngôi nhà xưa, một con đường xưa, một người bạn cũ…. lại lu mờ và biến mất.

Sự đánh mất ký ức này mới là điều kinh hãi nhất. Bởi đó không phải là một cái chết cơ học mà là một cái chết tinh thần. Lúc đó, trong con người đó là một khoảng trắng. Và những điều vô cảm và độc ác sẽ sinh ra từ khoảng trắng ký ức ấy. Các nghiên cứu khoa học từ những thế kỷ trước đã cho thấy: một khi con người đánh mất ký ức là lúc họ đang trở về đời sống hoang thú của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.