Kinh tế thế giới trong “triệu chứng lâm sàng”
Quá nhiều tín hiệu xấu
Ngày 14-8 vừa qua, lần đầu tiên sau 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo chiều. Đây là hiện tượng khi lãi suất cho vay của trái phiếu 10 năm thấp hơn trái phiếu cho vay trong thời hạn 2 năm, một hiện tượng bất thường. Bởi, chúng ta đều biết, khi cho vay dài hơn thì rủi ro sẽ lớn hơn nên thông thường lợi suất vay dài hạn sẽ phải cao hơn.
Và chuyện lãi suất đảo chiều cho thấy niềm tin của nhà đầu tư dài hạn bị suy giảm. Khi nền kinh tế số 1 thế giới hắt hơi, chắc chắn cả thế giới sẽ phải sổ mũi. Nhưng lần này, cơn bệnh còn có tính lây lan nguy hiểm hơn nhiều.
Báo cáo kinh tế quý II của Đức - nền kinh tế đầu tàu đã gánh cả khối EU qua cuộc khủng hoảng mấy năm qua - đã được xác nhận là giảm tốc 0,1%. Thập kỷ vàng của kinh tế Đức đã chấm dứt. Còn Anh - quốc gia mới cách đây 2 năm tự tin vì sự phát triển độc lập của mình khi quyết định rời khỏi EU - nay cũng đã nhận được những cảnh báo rõ ràng về một cuộc suy thoái trong ngắn hạn đang tới. Brexit, thỏa thuận để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, chưa bao giờ bị nghi ngờ nhiều đến thế.
Mexico vừa thoát được suy thoái kinh tế (thường được định nghĩa là 2 quý liên tiếp sụt giảm) nhưng nền kinh tế của quốc gia Trung Mỹ này vẫn yếu trong năm nay và khó tăng trưởng được. Không may mắn như Mexico, Brazil đã rơi vào trạng thái suy thoái trong quý thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, nền kinh tế Australia cũng ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập niên qua. Đây đều là những đại diện lớn nhất của các khu vực trên bản đồ kinh tế thế giới.
Những báo cáo không mấy tốt lành cũng đến ở châu Á, nơi đã là động lực tăng trưởng kinh tế chính của toàn cầu cả thập kỷ qua. Nhật Bản, quốc gia đã có những dấu hiệu suy giảm từ cuối năm ngoái vẫn tiếp tục vật lộn với nguy cơ giảm phát. Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cũng quay đầu giảm tốc trong quý II vừa qua, sau 8 tháng liên tiếp bị suy giảm xuất khẩu.
Nếu năm 2008, Trung Quốc nhờ sức bật mạnh mẽ của mình có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng toàn cầu thì theo báo cáo quý II vừa công bố: lần đầu tiên sau 30 năm, hoạt động sản xuất của họ đã suy giảm trong 4 tháng liên tiếp. Cùng với những số liệu tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn 10 năm qua, có thể khẳng định nền kinh tế này cũng đang “đứng trên triền dốc”.
Ấn Độ cũng vừa phải tăng lãi suất lần thứ ba trong năm 2019, đẩy lãi suất trong nước lên cao nhất trong 9 năm qua, nhằm kích thích hoạt động đầu tư sản xuất. Có vẻ như những dự báo lạc quan hồi đầu năm của IMF cũng không giúp cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới này đứng ngoài vùng ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư khắp thế giới đều nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm đó. Gần một tháng qua, khi các báo cáo kinh tế quý II được công bố, cổ phiếu khắp nơi trên thế giới đỏ sàn. Lãi suất trái phiếu suy giảm, giá vàng tăng cao chóng mặt, trong khi dầu - khí đốt, nguồn nhiên liệu chính của ngành sản xuất toàn cầu sụt giá, bất chấp những biến động chính trị ở những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.
Kinh tế toàn cầu đang rất cần những cái bắt tay. |
Những nguyên nhân
Thương chiến Mỹ Trung dĩ nhiên là nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến. Trung Quốc dĩ nhiên là quốc gia đầu tiên bị thiệt hại, khi thị trường lớn nhất của mình bỗng dưng đóng sập cửa. Các nhà sản xuất lớn đã tìm đường rời bỏ Trung Quốc tới các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đều sẽ cần thời gian để ổn định trở lại. Trong khi đó, những khoản thuế mà chính quyền ông Donald Trump áp lên các mặt hàng của Trung Quốc khiến giá cả tăng cao đã làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ toàn cầu. Tất cả các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu lớn nhất thế giới như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều bị suy giảm sản xuất là dấu hiệu rõ ràng nhất.
Một vài quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi khi chen vào thị trường mà Trung Quốc mới đánh mất thì lại đối mặt nỗi lo lớn hơn khi thị trường lớn nhất bên cạnh mình bị thắt chặt. Tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với những quốc gia này (cũng lớn như của Mỹ với toàn thế giới) đẩy họ vào một tình thế không mấy dễ chịu khi phải đi trên lằn ranh mong manh giữa hai cường quốc vừa là nhà sản xuất lớn đồng thời cũng là nhà tiêu thụ lớn nhất của mình.
Ở châu Âu, sự chia rẽ giữa Nga và EU vì những bất đồng chính trị bấy lâu nay khiến cho cả hai đều gặp khó khăn. Nước Nga đi khắp nơi tìm kiếm những đối tác mới, trong bối cảnh EU vẫn đang thi hành nhiều lệnh trừng phạt kinh tế. Ngược lại, các quốc gia châu Âu cũng dần thấm thía “mất mát”, khi tự đóng lại cánh cửa vào thị trường gần 300 triệu dân ngay bên cạnh mình.
Chưa hết, cuộc khủng hoảng mang tên Brexit nối dài càng khiến cho EU thêm khốn đốn. Ai cũng muốn giải quyết vấn đề nhưng mãi không có được giải pháp cuối cùng. Điều đó khiến cả Anh lẫn EU đều thiệt hại.
Trong khi những đầu tàu kinh tế lớn đều đang vật vã với những khó khăn, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có một điểm sáng nào bật lên như hy vọng về một động lực mới. Năm 2008, sức bật Trung Quốc đã kéo cả châu Á vươn mình qua khủng hoảng, thậm chí còn biến châu lục này thành trung tâm kinh tế toàn cầu mới. Nhưng hôm nay, Ấn Độ, Brazil hay Mexico đều không có được tiềm lực mạnh mẽ đó.
Sự chia rẽ và xung đột lợi ích đan xen giữa các cường quốc lớn đang khiến cho các bên khó tìm ra tiếng nói thống nhất để giải quyết vấn đề. Liệu đến bao giờ Mỹ và Trung Quốc mới ngồi lại với nhau để có thể tư duy “cùng thắng” thay vì tìm cách triệt hạ nhau? Liệu EU có thể bắt tay lại với Nga?
Anh có thể rời Brexit với một thỏa thuận “hợp tình hợp lý”? Hay Nhật Bản và Hàn Quốc có thể nối lại quan hệ thương mại bình thường?... Những xung đột dai dẳng đó càng làm cho giới đầu tư thêm bi quan.
Một bầu không khí ảm đạm bao trùm. |
Những tác hại lâu dài
Nếu cuộc khủng hoảng năm 2008 là cuộc khủng hoảng của ngành tài chính ngân hàng, phô bày ra những mặt trái của hệ thống cho vay tiêu dùng dễ dàng ở các nước phương Tây, rồi được cứu thoát bởi những quốc gia tập trung vào nền sản xuất vững mạnh thì nay cuộc khủng hoảng đã đánh thẳng vào ngành sản xuất. Sản xuất hàng hóa và tìm thị trường tiêu thụ là những vấn đề cốt lõi của mọi nền kinh tế. Khi các thị trường ngày càng được bảo hộ nghiêm ngặt bằng thứ tư duy hẹp hòi, sẽ rất khó tìm ra lối thoát.
So với 10 năm trước, mối dây liên hệ trong chuỗi giá trị toàn cầu đã lớn hơn rất nhiều. Sẽ không có chiếc iPhone bán được ở khắp thế giới nếu nó chỉ được sản xuất tại Mỹ (bởi mức giá nhân công cao hàng đầu thế giới). Vì thế, ngay cả các nước như Việt Nam chúng ta - đang được hưởng lợi phần nào từ việc các nhà sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc qua - cũng sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề tương tự như Trung Quốc đang gặp phải: Làm ra sản phẩm nhưng sẽ bán được đi đâu?
Các thị trường mới sẽ không thể mở cửa nếu bản thân các thị trường lớn không chào đón họ. Mỹ và phương Tây đã từng chấp nhận những mặt hàng giá rẻ từ châu Á đến để khỏa lấp khoảng trống thị trường của mình nhưng giờ thì các cánh cửa đang khép dần lại. Cùng lúc, chủ nghĩa dân tộc bảo thủ cũng có dấu hiệu trỗi dậy mạnh mẽ khắp thế giới. Điều đó sẽ càng khiến những triển vọng hợp tác trở nên khó khăn hơn. Một cuộc khủng hoảng từ kinh tế như thế hoàn toàn có thể mở rộng ra ở tầm chính trị xã hội với những hậu quả khôn lường...