Kiên định và sáng tạo

Chủ Nhật, 13/12/2020, 11:52
“Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ “kiên định” một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ. Nhưng, nếu không kiên định, mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong công tác soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ “kiên định” một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ. Nhưng, nếu không kiên định, mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. 

Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Truyền thống đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đất nước đang ở bước ngoặt có tính lịch sử, cần huy động những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để tiếp tục bứt phá, vươn lên.

Thực tiễn cho thấy, khi Đảng ta tiến hành những công việc quan trọng, các thế lực xấu lại tìm cách “tung hỏa mù”, tạo ra những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch hòng gây phân tâm, làm nhiễu dư luận. Chẳng hạn, các thế lực thù địch, phản động nhiều lần tán phát “thư ngỏ” của Nguyễn Khắc Mai gửi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong “thư ngỏ”, các đối tượng cho rằng, cần xóa bỏ hiến pháp hiện hành để xác định lại “con đường đi” cho dân tộc.

Nội dung bức thư xuyên tạc, bịa đặt, nói rằng: “Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam tôn trọng đa nguyên, mời gọi các chính đảng cùng tham gia. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ Hiến pháp năm 1946 và khởi thảo hiến pháp mới rất đậm dấu ấn mô hình Xôviết và tư tưởng Diên An. Đến cuối đời, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã từ bỏ lập trường chủ nghĩa cộng sản vì hai ông đã phát hiện chủ nghĩa cộng sản là một sai lầm của thời trẻ”...

Đất nước ngày càng có thêm nhiều khu đô thị quy mô lớn, tạo diện mạo khang trang, hiện đại.

Trong “thư ngỏ”, các đối tượng đồng thời đưa ra yêu sách mang tư tưởng chống đối, phản động, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải thực hiện lại Hiến pháp năm 1946 và chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hủy bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải đặc xá, trả tự do cho “tù nhân lương tâm”...

Cũng như việc chuẩn bị các kỳ đại hội trước đây, tiến trình đổi mới là đánh giá, tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những vấn đề khiếm khuyết, những hạn chế để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp. Còn con đường đi lên của dân tộc đã được lịch sử lựa chọn từ năm 1930, được xác định rõ bằng các đặc trưng trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011. Tổng kết để vững bước, kiên định con đường đi chứ không phải “tìm một lối đi khác” trái với ý chí của dân tộc Việt Nam.

Trong sự nghiệp phát triển, kẻ địch thường bới móc những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để miệt thị, đổ vấy do “chế độ cộng sản”. Trong khi đó, sự phát triển, sự tiến bộ là khuynh hướng chung, là dòng chảy chủ đạo với những con số, dữ liệu thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội thì chúng cố tình lảng tránh, bỏ qua. Đây là tư duy, cách nhìn phiến diện, cố tình quy chụp, bất chấp sự thật. Chúng ta có thể chưa hài lòng với thu nhập, với mức sống hiện tại nhưng khi nhìn nhận dòng chảy với sự phát triển vượt bậc trong hơn 30 năm đổi mới bằng những ví dụ, minh chứng giản dị nhất trong đời sống gia đình mỗi người sẽ thấy rõ điều đó.

Bà Trần Thị Hải Nhi, một cán bộ hưu trí Hà Nội từng đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tặng lại kỷ vật là chiếc phích đá của gia đình để trưng bày tại chuyên đề “Đổi mới - hành trình của ước mơ”. Chia sẻ ký ức về những năm tháng sống trong thời kỳ đất nước còn bao cấp, bà Nhi kể rằng, năm 1984, chồng bà sang Liên Xô công tác, gửi về chiếc phích đá và dặn, nếu khó khăn quá thì bán lấy tiền để trang trải cuộc sống.

Thời đó, chiếc phích đá là một tài sản có giá trị, bán đi cũng mua sắm được nhiều thứ khác. Nhưng, bà vẫn giữ gìn, thường dùng phích đá đựng cơm mang đi làm buổi sáng, chiều về lại dùng mua ít kem Tràng Tiền cho các con. “Nay, nhìn từ chiếc phích đá mà so với đời sống vật chất hiện tại, quả một trời một vực, cho thấy sự phát triển lớn lao của đất nước và trong mỗi gia đình” - bà chia sẻ.

Những năm sau khi xóa bỏ bao cấp, mong ước của đa số người dân, nhất là cán bộ, công chức khi đó chỉ là làm sao có đủ tiền mua gạo để ăn, một ít thực phẩm đủ dùng và quần áo ấm. Bởi đất nước đi qua năm tháng cực kỳ kham khó, thiếu lương thực, thực phẩm triền miên, hàng hóa khan hiếm trong  khi lạm phát phi mã. Sau khi vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế, chúng ta đặt ra mục tiêu vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để tiến tới những mục tiêu mới cao hơn.

Những năm tháng đó, trước bộn bề khó khăn, thử thách, chúng ta không thể tưởng tượng được viễn cảnh đổi mới đạt được như ngày hôm nay. Đương nhiên, nhìn sang khu vực và châu lục, chúng ta còn khoảng cách xa với nhiều nước. Thấy được khoảng cách đó để nỗ lực, cố gắng cao hơn, để động viên, đoàn kết phấn đấu chứ không phải để dè bỉu, chê bai đất nước, nói xấu chế độ. Bởi một lẽ tất yếu, xuất phát điểm về kinh tế của chúng ta sau đổi mới là rất thấp, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, rồi một thời gian dài bị cấm vận, chúng ta sao có thể so bì với những quốc gia đã có nền tảng kinh tế, khoa học vượt bậc từ trước.

Ngày nay, nhiều gia đình còn lưu giữ những bộ tem phiếu mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp để dặn lòng mình phải biết tiết kiệm, quý trọng của cải, đồng tiền, thấy được ý nghĩa lớn lao của công cuộc đổi mới đất nước, giúp xã hội thoát khỏi cảnh bần hàn, vững bước đi lên...

Đương nhiên, thách thức, áp lực là rất lớn nhưng không thể áp đặt bằng cách nhìn bi quan từ những mảng màu sẫm trong đời sống rồi nguyền rủa, chửi bới, đổ lỗi chế độ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách để tiếp tục phát triển, đi lên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nói như thế để chúng ta có thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào, tiếp tục khẳng định con đường đi lên của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là sáng suốt, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

An Nhi
.
.