Kiểm soát quyền lực

Thứ Hai, 21/10/2019, 11:30
Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là vấn đề được nói nhiều, đề cập nhiều trong công tác cán bộ, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, với Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019, đây là lần đầu tiên một văn bản của Đảng được ban hành, quy định riêng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Khác với các chính thể “tam quyền phân lập”, nước ta xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Về bản chất, quyền lực của nhà nước ta không thuộc về cá nhân mà là của nhân dân, được nhân dân ủy quyền cho cá nhân sử dụng vào mục đích chung của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề là khi trao quyền lực đó cho cá nhân thì trên thực tế quyền lực ấy bị phụ thuộc vào chính cá nhân “được nhân dân ủy quyền”.

Nếu quyền lực được trao đúng cho người có tài năng, đạo đức thì quyền lực ấy sẽ phát huy tác dụng, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con người, sự hưng thịnh cho đất nước, đúng nghĩa “quyền lực của nhân dân”. Khi đó, quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc được đặt lên trên lợi ích cá nhân, các giá trị đạo đức, nhân văn của chế độ được trân trọng, đề cao. Ngược lại, quyền lực rơi vào tay những cá nhân thiếu tài, thiếu đức thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cách đây 72 năm, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.

Người chỉ rõ biểu hiện những căn bệnh cụ thể: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Trong đó, về bệnh tham lam, Bác phân tích: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi.

Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...

Mấy năm nay, nhất là sau khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII, chúng ta nói nhiều đến vấn đề kiểm soát quyền lực, phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Việc kiểm soát quyền lực như thế nào trong thực thi chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội là vấn đề lớn, còn phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

Ở đây, Quy định 205 giới hạn vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động), được xem là kiểm soát ở “cửa ngõ” của bộ máy quyền lực. Kiểm soát tại vị trí và thời điểm hệ trọng này, bộ máy cơ quan đảng, nhà nước, chính trị xã hội có khả năng ngăn ngừa tốt hơn tình trạng chạy chức, chạy quyền, ngăn ngừa người có động cơ tiêu cực, tham vọng quyền lực lọt vào các vị trí thuộc bộ máy quyền lực. Điều này càng thiết thực khi đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực, vi phạm quy định của Đảng và luật pháp.

Cách đây 2 năm, Với Quy định số 90-QĐ/TƯ, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, Quy định 90 nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Như vậy, để kiểm soát quyền lực thì nhiệm vụ đầu tiên là không để người có biểu hiện tham vọng quyền lực lọt vào bộ máy công quyền.

Lần này, Quy định 205 nêu rõ việc kiểm soát quyền lực đối với từng tổ chức, cá nhân, trước hết là đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo đó, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Xét về điều này cho thấy, lâu nay dư luận vô cùng bức xúc khi nhiều vị lãnh đạo tỉnh, huyện, ban ngành can thiệp, để tình trạng “cả họ làm quan”: vợ, con trai, con rể, con gái, con dâu, chú bác, cháu chắt hai bên nội ngoại... lần lượt đảm nhận các vị trí trong “cây quyền lực”. Đáng nói, dù dư luận lên án gay gắt như vậy nhưng việc xử lý gần như bỏ ngỏ bởi cơ quan nội vụ thường đưa ra ý kiến “việc bổ nhiệm đúng quy trình”. Đây thực sự là thách thức lớn trong kiểm soát quyền lực, xử lý vấn nạn “cả họ làm quan”.

Kiểm soát đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị. Ở điểm này, Quy định 205 ghi rõ: người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng không được để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ.

Trong thực tế, hiện đang xảy ra vấn đề khá nhức nhối trước sự can thiệp của “hậu cung” người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền. Không ít nơi, cán bộ cấp dưới than trời vì sự thao túng của những bà vợ đứng sau lưng chồng, tìm cách đạo diễn hầu hết vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền của chồng. Vì thế, có nơi, anh em kháo nhau, muốn được đề bạt, muốn được thăng cấp hay luân chuyển về “chỗ ngon”, cứ phải lấy được lòng quý bà.

Từ đó mới sinh ra vô vàn kiểu nịnh bợ đến từ “hậu cung” như tặng những món quà sang trọng, quý giá nhân dịp này, lễ kia, tổ chức đưa rước, phục vụ lễ lạt, hầu đồng, cúng bái nhằm thỏa mãn tâm nguyện của quý bà. Ở những nơi đó, người ta cho rằng, thậm chí vai trò “hoàng hậu” là vô đối! Việc đặt ra quy định này chính là bước kiểm soát sự lạm quyền, thao túng đang diễn biến phức tạp trong công tác nhân sự ở nhiều nơi.

Đặc biệt, việc xử lý người có hành vi chạy chức, chạy quyền và tiếp tay, bao che cho chạy chức, chạy quyền với các mức nghiêm khắc. Trường hợp bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Còn nhớ, hồi tháng 3-2019, dư luận ngã ngửa khi hay tin ông Ngô Văn Tuấn (người bị cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) lại bất ngờ được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng. Đáng nói, sau khi báo chí yêu cầu làm rõ thì địa phương này cho rằng, việc Sở Xây dựng tiếp nhận và bổ nhiệm ông Tuấn là “không sai so các quy định hiện hành”.

Nay, với Quy định 205, rõ ràng trường hợp như ông Tuấn không thể được bổ nhiệm lại bất cứ vị trí quyền lực nào sau thời hạn ít nhất 60 tháng và vĩnh viễn không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra.

Quy định kiểm soát đã được ban hành, tuy nhiên việc quy định thấm vào thực tiễn như thế nào còn là vấn đề lớn. Ai cũng biết tác hại ghê gớm của chạy chức, chạy quyền nhưng hành vi này lại chỉ diễn ra giữa người chạy và người có quyền bổ nhiệm, đề bạt. Có vị đại biểu Quốc hội từng nói, ngoài hai, ba cá nhân trên biết, còn lại “có ông trời biết”.

Mà việc đưa hối lộ giờ rất tinh vi, muôn hình vạn trạng, nó không chỉ là việc đưa tiền trực tiếp kiểu như ông Nguyễn Bắc Son nhận gọn gàng 3 triệu USD mà biến chuyển dưới dạng người thân, người quen đứng tên nhận nhà, biệt thự, biệt phủ, đài thọ cho con cán bộ du học nước ngoài gói trị giá hàng trăm nghìn USD... Đặc biệt, dạng chạy chức bằng mỹ nhân kế rất lợi hại, xưa quan chức thời phong kiến khó tránh thì ngày nay đang là bi hài hiện hữu.

Người ta từng xôn xao chuyện hot girl bỗng thăng tiến thần tốc từ lễ tân, nhân viên văn phòng lên lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở mà không giải thích được sự thể làm sao. Văn bản cơ quan kiểm tra chỉ có thể dừng lại ở từ “nâng đỡ không trong sáng”, còn cái bản chất không trong sáng ấy là gì thì có lẽ chỉ dành cho những người thạo việc, thạo tin ở chính nội bộ cơ quan đó, hay nói kiểu xã hội “chỉ ông trời biết”.

Rõ ràng, ban hành Quy định là bước khởi đầu cần thiết và để đưa Quy định này áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả còn rất nhiều vấn đề. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật nhà nước pháp quyền, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp, tránh sự chồng chéo nhiều chức năng của 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Đề cao, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức theo hướng tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả, phải chịu sự kiểm tra, giải thích về những sản phẩm đó.

Ngoài xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan làm công tác cán bộ phải chịu trách nhiệm giải trình, đồng thời thực hiện chế tài xử lý trách nhiệm của cả người tham mưu về công tác cán bộ khi để sai phạm.

An Nhi
.
.