“Khủng hoảng kép”

Thứ Sáu, 19/06/2020, 21:37
Ngay khi cái chết của George Floyd được thông báo nguyên nhân do hành động trấn áp quá tay của viên cảnh sát da trắng, biểu tình rồi sau đó bạo động bùng phát ở Minneapolis, lan rộng ra khắp các thành phố, nhanh chóng biến nước Mỹ thành “thùng thuốc súng”...

Một nước Mỹ giận dữ

Ít nhất tại 140 thành phố trên khắp nước Mỹ đã diễn ra các cuộc biểu tình và nhiều trong số đó đã biến thành các vụ bạo động, nơi người biểu tình đụng độ dữ dội với cảnh sát. Các cuộc cướp phá cửa hàng cửa hiệu lan rộng.

Ngay tại Đại lộ số 5 hào nhoáng ở New York, những kẻ hôi của tranh thủ cướp phá các cửa hàng bán đồ xa xỉ. Xe hơi bị đốt trên đường phố, đồn cảnh sát bị tấn công.

Ít nhất tại 140 thành phố trên khắp nước Mỹ đã diễn ra các cuộc biểu tình và nhiều trong số đó đã biến thành các vụ bạo động. Ảnh: LG.

Ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump được mật vụ hộ tống xuống hầm ngầm trong Nhà Trắng (thường chỉ xảy ra trong tình huống khẩn cấp khi có mối đe dọa an ninh ở mức cao hay chiến tranh) trong bối cảnh người biểu tình vây Nhà Trắng và tìm cách đột nhập qua hàng rào cảnh sát.

Hàng chục ngàn lính Vệ binh quốc gia được triển khai ở thủ đô Washington D.C và nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ để chống các hành động cướp phá, bảo đảm duy trì an ninh trật tự.

Cũng có đến hàng ngàn người đã bị bắt giữ do tham gia vào các hành động phá hoại, cướp bóc, hôi của. Ít nhất 40 thành phố thực hiện lệnh giới nghiêm ban đêm. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ điều quân đội đến trấn áp nếu tình trạng trật tự không được vãn hồi. Cả nước Mỹ dường như đang lên một cơn cuồng nộ...

Điều gì đang xảy ra với nước Mỹ vậy?

Các cuộc biểu tình đã bùng phát từ thành phố Minneapolis, bang Minnesota sau cái chết của một người đàn ông da màu, George Floyd, 46 tuổi. Người này bị 4 cảnh sát da trắng vây quanh khống chế do cáo buộc sử dụng một tờ 20 USD giả để mua hàng ở tiệm tạp hóa. Trong khi khống chế nghi phạm, một cảnh sát đã đè và ghì đầu gối lên gáy George Floyd trong vài phút khiến anh này ngạt thở và sau đó tử vong khi được đưa đến bệnh viện.

Ngay khi cái chết của George Floyd được thông báo nguyên nhân do hành động trấn áp quá tay của viên cảnh sát da trắng, biểu tình rồi sau đó bạo động bùng phát ở Minneapolis, lan rộng ra khắp các thành phố, nhanh chóng biến nước Mỹ thành “thùng thuốc súng”. Cả 4 viên cảnh sát tham gia vào vụ việc đã ngay lập tức bị sa thải; ngay cả khi viên cảnh sát trực tiếp ghì George Floyd dẫn đến cái chết của người đàn ông này bị khởi tố với tội danh giết người cấp độ 3 cũng không thể làm vơi đi sự giận dữ của những người tổ chức và tham gia biểu tình.

Bạo loạn càng trở nên gay gắt hơn, tất yếu dẫn tới thương vong. Một thanh niên bị bắn chết khi một kẻ lạ mặt nổ súng vào đám đông biểu tình tại thành phố Detroit, trong khi một cảnh sát liên bang cũng thiệt mạng gần nơi biểu tình ở Oakland.

Dường như lãnh đạo các bang ở Mỹ đã bối rối trước làn sóng biểu tình lan ra quá nhanh và cả mức độ bạo lực của những cuộc biểu tình này, khiến các biện pháp đối phó không kịp thời, đồng bộ. Bản thân cái chết của một người đàn ông da màu ở Minneapolis là nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát các cuộc biểu tình nên việc thực hiện những hành động trấn áp có khả năng rủi ro rất cao, giống như chữa cháy bằng dầu.

Tổng thống Trump, người đã trực tiếp gọi điện cho gia đình nạn nhân George Floyd để an ủi và khi xem lại clip ghi hình ảnh viên cảnh sát ghì nạn nhân xuống mặt đường trong một thời gian lâu, đã tuyên bố rằng đó là “hành động không thể nào chấp nhận được”. Nhưng ngoài việc đe dọa sử dụng quân đội để xử lý khủng hoảng, ông Trump cũng chưa đưa ra được một quyết định nào khả dĩ có thể nhanh chóng hóa giải tình trạng đang đưa nước Mỹ vào một cuộc “khủng hoảng kép”: dịch bệnh COVID-19 và bạo lực do phân biệt chủng tộc.

Những bài học từ quá khứ

Các cuộc biểu tình gây bạo loạn vì lý do chủng tộc không phải là điều xa lạ đối với nước Mỹ.

Năm 1967 chứng kiến đợt bùng nổ bạo loạn được gọi là "Mùa hè nóng 1967" với 150 vụ bạo loạn kéo dài suốt 3 tháng, trong đó đỉnh điểm là đợt bạo loạn cuối tháng 7-1967. Đêm 25 rạng sáng 26-7-1967, 3 viên cảnh sát da trắng đột kích vào một khách sạn ở thành phố Detroit, nơi một nhóm thanh niên da đen đang tổ chức buổi liên hoan. Những viên cảnh sát đã tra tấn 10 người khách da đen và 2 cô gái da trắng giao du với họ, bắn chết 3 thanh niên.

Trong bối cảnh nước Mỹ khi ấy vẫn còn bị đè nặng bởi tâm lý phân biệt chủng tộc, phiên tòa sau đó đã tha bổng cả 3 viên cảnh sát, khiến cộng đồng da đen phẫn nộ cùng cực. Các cuộc bạo loạn của người da đen bùng nổ trong 5 ngày sau đó buộc các lực lượng an ninh phải mạnh tay can thiệp; kết quả là 43 người chết, 1.183 người bị thương.

Năm sau đó, tháng 4-1968, mục sư và nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát là nguyên nhân dẫn tới gần 10 vụ bạo loạn lớn đẫm máu, lan rộng trên toàn nước Mỹ, trong đó bạo lực nhất là ở các bang Chicago, Detroit, New York và thủ đô Washington D.C.  

Hẳn là nhiều người vẫn không thể quên được những cuộc biểu tình bạo lực bùng phát trong năm 1992 ở Los Angeles. Tháng 3-1991, Rodney King, một công nhân xây dựng da màu lái xe chở 2 người khác bị cảnh sát giao thông chặn lại nhưng không chịu dừng, khởi đầu cho một cuộc rượt đuổi trên xa lộ gần Los Angeles. Cuối cùng, khi buộc phải dừng lại và bước ra khỏi xe, King bị các cảnh sát da trắng vây quanh dùng dùi cui gí điện, lôi xuống đất đấm đá trước khi bị còng cả tay và chân...

Những viên cảnh sát không ngờ rằng toàn bộ vụ hành hung dã man Rodney King đã bị một người dân ở gần đó ghi lại trong đoạn băng video dài 12 phút. Khi đoạn băng được công bố, những người da đen trên khắp nước Mỹ cực kỳ phẫn nộ. Một ủy ban độc lập được thành lập sau khi những đoạn băng được công bố kết luận rằng “một số lượng đáng kể” cảnh sát Los Angeles đã bỏ qua những hướng dẫn trong lực lượng mà “lặp đi lặp lại” việc sử dụng vũ lực quá mức đối với công chúng và việc này có liên quan đến chủng tộc, giới tính cũng như khuynh hướng tình dục.

Người biểu tình vây Nhà Trắng và tìm cách đột nhập qua hàng rào cảnh sát. Ảnh: LG.

Phiên tòa xử vụ bạo hành đánh đập Rodney King đưa ra phán quyết tha bổng cho 4 viên cảnh sát đã châm ngòi cho hàng loạt vụ bạo động của người da đen, tập trung chủ yếu ở khu vực Los Angeles. 63 người bị chết, hơn 2.300 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, dịch vụ bưu điện bị ngừng trệ, nhiều người phải nghỉ làm, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ USD.

Xét đến vụ cảnh sát ghì chết George Floyd mới đây, có vẻ nước Mỹ không học được gì nhiều từ những vụ bạo động mang màu sắc chủng tộc trong quá khứ tương tự như thế.

“Virus bất bình đẳng”

Bản chất của nguyên nhân dẫn tới bùng nổ bạo loạn người da màu (giờ đây có thêm sự ủng hộ của các sắc dân khác và thậm chí của người dân ở nhiều nước) vẫn không thay đổi: sự quá tay của các lực lượng hành pháp nhằm vào người da màu. Cả 4 viên cảnh sát liên quan đến vụ George Floyd thiệt mạng đều bị sa thải ngay sau đó, một người bị khởi tố nhưng vẫn không ngăn được bạo lực bùng nổ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao nước Mỹ vẫn còn đang trong thời gian bị đại dịch COVID-19 càn quét chưa kiểm soát nổi, vậy mà nhiều người vẫn bất chấp nguy cơ bị lây bệnh để xuống đường biểu tình, gây bạo động, tạo ra một cuộc “khủng hoảng kép” khiến chính quyền phải bận tâm lo đối phó trên hai mặt trận?

Ngoài yếu tố một số phần tử lưu manh côn đồ tranh thủ cơ hội để cướp phá hôi của cũng như các tổ chức cực đoan đứng phía sau giật dây vì mục đích chính trị, câu trả lời chỉ có thể là vụ cảnh sát quá tay khiến George Floyd thiệt mạng xảy ra đúng vào mùa COVID-19 khiến nỗi tuyệt vọng của người da màu bị dồn nén lâu nay, đã bung ra với sự cuồng loạn đáng sợ.

Phải chịu sự phân biệt đối xử, không được quan tâm trong một thời gian dài, đại dịch COVID-19 xảy ra đã khiến cho cộng đồng người da màu là đối tượng dễ bị tổn thương phải chịu những thiệt hại lớn nhất. Tỷ lệ người da màu tử vong luôn lớn hơn nhiều so với người da trắng. CNN cho biết những quận có đông người da đen chiếm tới 60% số ca tử vong của toàn nước Mỹ.

Chỉ tính từ giữa tháng 3, số người mất việc làm ở nước Mỹ đã lên đến 40 triệu người, dẫu chỉ là mất việc tạm thời. Trong số này, tỷ lệ người da màu cũng áp đảo. Do tính chất công việc, nhiều người da màu phải xông pha ra mặt đường làm việc, đối mặt với rủi ro lớn bị nhiễm bệnh. Nỗi uất ức bị tích tụ chồng chất cùng với tâm lý bị bỏ quên khiến cho nhu cầu cần phải làm một cái gì đó để đổi thay hiện trạng ở người da màu nước Mỹ lớn hơn cả nỗi lo sợ bị nhiễm SARS-CoV-2.

Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ một loại virus lâu nay vẫn tồn tại trong lòng nước Mỹ: “Virus bất bình đẳng”. Bất bình đẳng về đối xử, về thu nhập, bất bình đẳng về công ăn việc làm, điều kiện chăm sóc y tế và đến cả cái chết cũng bất bình đẳng!

Các nhà khoa học Mỹ và thế giới đang gấp rút tìm kiếm loại vaccine phòng chống căn bệnh do nhiễm virus Corona chủng loại mới và thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhưng các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải còn rất lâu nữa mới có thể tìm ra loại vaccine phòng và chữa chạy loại “virus bất bình đẳng” đã ăn sâu trong lòng xã hội Mỹ trong suốt nhiều thập niên qua.

Yên Ba
.
.