Không thể cứ mãi chạy theo "Đường lưỡi bò"

Thứ Tư, 20/11/2019, 12:58
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc hết chui vào rạp chiếu phim của chúng ta, lại chui vào một chiếc xe ô tô được triển lãm trên lãnh thổ chúng ta, và mới nhất còn chui cả vào một giáo trình giảng dạy ở một trường đại học của chúng ta.


Dĩ nhiên sau đó tất cả những vụ việc này đều đã bị các cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng tội, nhưng nó đặt ra một vấn đề nhức nhối: Chẳng nhẽ chúng ta cứ mãi "chạy theo đuôi" và chỉ có thể xử lý sau khi "sự đã rồi" mãi sao?

Hãy nhìn lại quá trình  bộ phim "Everest: Người tuyết bé nhỏ" có hình lưỡi bò đi vào các rạp chiếu Việt Nam. Trước hết Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - đơn vị nhập khẩu bộ phim này đã để lọt một hạt sạn, mà lại là loại "sạn" chính trị rất lớn, liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Tiếp nữa, Cục Điện ảnh và các thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia cũng đã để hạt "sạn" chính trị đó đi qua mắt mình. Có nghĩa là hạt "sạn" chính trị đã dễ dàng đi qua 2 cửa gác.

Hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc trong một cảnh phim, trên chiếc xe triển lãm và trong giáo trình giảng dạy. Ảnh: L.G

Thật ra xưa nay, trong việc nhập phim và duyệt phim chúng ta vẫn thường chú trọng đến các khía cạnh như: phim có cảnh nóng hay không? Có bạo lực không? Có yếu tố nào  không phù hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam không? Những yếu tố mang tính chính trị mà nước ngoài chủ động cài cắm trong phim có lẽ chưa được đặt ra một cách quyết liệt.

Với cụ thể bộ phim "Everest: Người tuyết bé nhỏ" - một bộ phim ở thể loại hoạt hình, dành cho đối tượng thiếu nhi thì yếu tố này càng dễ bị xem nhẹ. Thế nên hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện rất nhanh trong một hoạt cảnh đã dễ dàng vượt khỏi tầm cảnh giác của chúng ta.

Mà lạ là năm nay có phim "Everest: Người tuyết bé nhỏ" thì năm ngoái có phim "Điệp vụ Biển Đỏ" cũng mắc đúng lỗi này. Vậy thì điều gì đảm bảo chắc chắn là những phim nhập khẩu tiếp theo sẽ không như vậy nữa?

Đơn vị nhập phim "Everest: Người tuyết bé nhỏ" đã bị phạt 170 triệu đồng, những lãnh đạo của Cục Điện ảnh đã bị kỷ luật, khiển trách một cách nghiêm túc, nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc xử phạt như thế nào, kỷ luật khiển trách ra sao, mà là từ giờ trở đi phải hết sức cẩn trọng với những tuyên trình chính trị mà nước ngoài chủ động "gài" vào những bộ phim nói riêng và những sản phẩm nghệ thuật nói chung. Muốn vậy cả bộ phận nhập tác phẩm và duyệt tác phẩm đều phải nâng cao nhận thức chính trị của mình.

Thật trùng hợp là cái hành trình "đường lưỡi bò" chui vào rạp Việt Nam có những điểm khá tương đồng với cái hành trình nó chui vào một chiếc ô tô được triển lãm trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể là tại Hội chợ triển lãm ô tô Việt Nam 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 10 vừa qua, đã xuất hiện chiếc xe Volkswagen Touareg CR745J sử dụng  bản đồ định vị có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Chiếc xe này vốn được công ty TNHH ô tô Thế giới thuê từ một đối tác Trung Quốc, rồi làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam. Sau đó công ty này lại tiếp tục bàn giao cho công ty TNHH ô tô VW Việt Nam để đưa vào triển lãm. Có nghĩa là chiếc ô tô đã đi qua ít nhất là 2 "cửa".

Khi tạm nhập rồi trao tay nhau 1 chiếc ô tô, chắc chắn là những người gác cửa ở cả 2 "cửa" đều phải nghiên cứu, rà soát rất nhiều góc độ, trong đó góc độ chất lượng và hình thức của chiếc ô tô sẽ được đặt lên hàng đầu. Có lẽ rất ít người khi đó nghĩ đến "yếu tố chính trị" của một chiếc xe ô tô. Thành thử đến khi phát hiện ra những sai phạm chính trị trên chức năng định vị của nó thì ai cũng bất ngờ.

Cả đơn vị nhập khẩu lẫn đơn vị cho trưng bày chiếc ô tô này đều đã bị phạt tiền. Nó cũng giống hệt như việc cả đơn vị nhập phim lẫn duyệt phim trong vụ: "Everest: Người tuyết bé nhỏ" đều đã bị xử lý. Và cái bài học mà chúng ta có thể rút ra từ hai câu chuyện này cũng giống hệt nhau: từ nay trở đi, phải cố gắng lường hết các khả năng, và phải tổ chức một đội ngũ kiểm duyệt có trình độ hiểu biết về chính trị, vì những tuyên truyền phi pháp như kiểu "đường lưỡi bò" có thể xuất hiện ở những khu vực, trong những kịch bản không ai ngờ tới. Nó xuất hiện vài giây trong một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em, và xuất hiện trong hệ thống định vị của một chiếc ô tô thì đúng là ít ngờ tới thật.

Liệu sau những khu vực "ít ngờ tới" này nó lại có thể xuất hiện ở những khu vực "ít ngờ tới" khác hay không? Thành thử bài học ở đây không chỉ dành cho ngành điện ảnh (trong vụ nhập phim) hay ngành hải quan (trong vụ nhập ô tô), mà còn là bài học cảnh giác nói chung cho nhiều ngành nghề khác nữa.

Nếu như "đường lưỡi bò" đi vào phim ảnh hay đi vào một chiếc xe ô tô có thể tạo ra tác hại một thì việc nó đi vào giáo trình giảng dạy ở một trường đại học có thể tạo ra tác hại mười. Thế mà "tác hại mười" đã xảy ra ở khoa Trung - Nhật,  Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Bài 7 cuốn sách "Developing Chinese" do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản có hình ảnh này.

Vậy mà cuốn sách này lại được trường Kinh doanh và Công nghệ sử dụng để giảng dạy thử nghiệm cho sinh viên, năm học 2019- 2020. Tại sao một cuốn sách như thế lại có thể chui vào một trường đại học ở Việt Nam, và thậm chí đã được giảng dạy cho sinh viên Việt Nam đến tận bài thứ 6? Theo một lãnh đạo khoa Trung - Nhật thì khoảng 4 năm về trước, khi một nhóm sinh viên của trường sang Bắc Kinh (Trung Quốc) thực tập, các giảng viên đã dặn dò sinh viên tìm tòi những cuốn sách hay mang về.

Những dặn dò như thế là hoàn toàn chính xác, vì để học tiếng Trung thì không thể không tham khảo, sử dụng những giáo trình tiếng Trung, được xuất bản ở Trung Quốc. Nhưng song song với lời dặn dò đó lẽ ra cũng phải dặn sinh viên hết sức cẩn trọng với những tài liệu/sách vở loại này, vì từ nhiều năm nay Trung Quốc đã công khai in đường lưỡi bò phi pháp vào nhiều sách vở/giáo trình của mình để phục vụ mục đích tuyên truyền.

Chúng tôi tin rằng, nếu có một lời dặn như thế thì bản thân sinh viên khi đọc sách (chứ chưa nói gì đến việc chủ động mang sách về Việt Nam) cũng sẽ có một nhãn quan - một ý thức chính trị tối thiểu. Đằng này, có vẻ như chúng ta lại chỉ chú trọng đến những yếu tố nội dung/cấu trúc của cuốn sách, mà chỉ chú trọng đến những yếu tố đó, chủ quan lơ là yếu tố chính trị thì cái giá phải trả là rất đắt.

Điều đáng bàn tiếp theo là khi sinh viên mang một cuốn sách Trung Quốc về Việt Nam, và khi nhà trường quyết định sử dụng cuốn sách đó để giảng dạy thì nó nhất định phải đi qua một hội đồng thẩm định chuyên môn.

Đầu tiên là Hội đồng của khoa/ngành, sau đó đến cấp trường, với ít nhất 2 chuyên gia độc lập thẩm định, và cuối cùng sẽ được đưa ra Hội đồng khoa học đào tạo nhà trường. Phải qua 3 cấp - 3 cửa đó thì 1 cuốn sách - 1 giáo trình mới chính thức được sử dụng để giảng dạy cho sinh viên. Nếu chiếu theo đúng nguyên tắc này thì rõ ràng là Hội đồng thẩm định của khoa Trung Nhật và của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã không hoàn thành trách nhiệm tối thiểu của mình. 

Từ câu chuyện về một bộ phim hoạt hình, một chiếc xe ô tô nhập khẩu đến một cuốn sách được sinh viên mang về từ Trung Quốc chúng ta thấy rất rõ 2 vấn đề: Một, ý thức chính trị của tất cả những thành viên liên quan đến những câu chuyện này là chưa tốt; Hai, các Hội đồng kiểm duyệt, các đơn vị nhập khẩu/ trưng bày dù đều có nhiều "cửa" với nhiều "con mắt" kiểm tra giám sát nhưng đều hoạt động chưa hiệu quả.

Nếu không sớm tìm cách cải thiện hai vấn đề này thì chỉ sợ là sau một bộ phim, sau một chiếc xe ô tô, sau một giáo trình, những hình ảnh và những tuyên truyền phi pháp kiểu như "đường lưỡi bò" lại có thể tinh vi chui vào những ngóc ngách mà chúng ta chưa lường đến.

Xin được nhắc đi nhắc lại rằng "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" là một sự tưởng tượng của Trung Quốc để đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, quyết liệt của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc đã/ đang/ và sẽ tiếp tục thực hiện những đòi hỏi vô lối này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, và sẽ sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau để phục vụ cho ý đồ phi pháp của mình. Thành thử trên mặt trận văn hoá, chỉ cần lơ là thiếu cảnh giác một chút thôi là chúng ta sẽ lập tức phải "chạy theo" những tuyên truyền vô lối của họ. Sau tất cả những gì đã diễn ra, chúng ta hiểu rằng: đã đến lúc không thể cứ mãi "chạy theo" và xử phạt khi mọi sự rơi vào thế "đã rồi" được nữa.

Đã đến lúc phải tự vệ một cách chủ động, và đủ sự tinh vi, để không rơi vào những sự cài cắm giống như những cái bẫy cũng hết sức tinh vi.

Vương Trọng Tín
.
.