Khoảng cách nông thôn – thành thị

Thứ Năm, 24/09/2020, 07:11
Sức phát triển của kinh tế đã thay đổi diện mạo đất nước rất nhiều trong suốt những năm qua. Nhưng kinh tế thịnh vượng có thể mang lại sự thay đổi về đời sống vật chất chứ chưa chắc mang lại cả sự tiến bộ về đời sống tinh thần. Bởi thế, chênh lệch khoảng cách nông thôn thành thị ngày càng lớn hơn ở mọi mặt: giáo dục, văn hóa và nhất là cơ hội tại chỗ…


Giáo dục miền ngược cần gì?

Vào đúng ngày Quốc khánh năm nay, tôi có duyên được tặng cho hai em nhỏ ở một huyện của tỉnh Long An, nằm sát biên giới Campuchia 2 cuốn truyện tranh rất dày.

Những điều thú vị

Gọi là có duyên vì trước đó, một người bạn rất mê truyện tranh của tôi đã gửi 10 ấn bản của một cuốn truyện anh yêu thích để “tặng cho trẻ em ở xa”, khi biết tôi đã dời chỗ ở về miền biên viễn. Chờ khoảng vài ngày mới có hai đứa đến chơi, lại đúng vào lễ Quốc khánh, tôi mới được “mở hàng” gói quà đặc biệt này.

Mấy đứa trẻ lập tức đọc say sưa, có lẽ vì ngay từ những trang đầu tiên, chúng đã bắt gặp điều gì đó rất giống bản thân mình: cuốn truyện tranh kể về một cậu bé ở vùng quê, nơi rất khan hiếm sách báo, đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong những năm tháng đầu đời bằng một cuốn “Tây Du Ký” cũ nát, quyển sách đã cho cậu biết rằng “trên thế giới phải chăng còn rất nhiều điều thú vị như thế này”. Cậu nhóc lớn lên, thành một họa sĩ truyện tranh đầy đam mê. Tất nhiên là cũng có chút thành công, nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào sự đam mê.

Ảnh: L.G

Anh bạn tôi dường như muốn truyền đạt một ẩn dụ trong cách tặng quà này. Thú thực nếu đã đọc cuốn sách ấy, bạn đọc có lẽ cũng sẽ đồng ý với chúng tôi: một quyển truyện thú vị đầu đời có thể là tiền đề cho một cuộc đời thú vị. Nếu như không có cuốn “Tây Du Ký”, nhân vật trong sách vẫn có thể trưởng thành, lớn lên, làm việc và một ngày nào đó chết đi như bao cuộc đời vẫn xảy ra ở chốn xa xôi ấy. Nhưng cuộc sống sau này của anh đã trở nên thú vị thêm một chút nhờ cuốn sách, với những tưởng tượng chưa từng có.

Ở nơi tôi đang sống, những đứa trẻ bỏ học không hiếm dù đời sống kinh tế không quá khó khăn. Chúng thường nghỉ học sớm để đi làm, vì... thích vậy. Đọc sách là thứ yếu.

Tất nhiên, tôi không có ý tuyệt đối hóa việc đọc sách. Đó chỉ là một trong nhiều cánh cửa phổ thông của nhận thức. Nhưng thử nghĩ về nó với tư cách một trải nghiệm, thì sự áp đảo của cơm áo ở đây là hiển nhiên đến... vô lý. Trẻ con ở đây không đói đến mức chúng phải từ bỏ việc học và đọc.

Nhưng sự áp đảo này cũng phản ánh một kiểu quan niệm về sự giúp đỡ rất phổ biến từ miền xuôi, cho rằng điều những người ở vùng sâu vùng xa cần nhất luôn là miếng ăn. Gạo, mì tôm, cơm thịt… luôn nhiều hơn sách vở, hoặc một cái gì đó mang tính tinh thần hơn gấp nhiều lần. 

Tháng Sáu vừa rồi, hình ảnh bốn đứa trẻ vùng cao ăn cơm và côn trùng được chia sẻ rất mạnh mẽ trên mạng xã hội với sự thương cảm, trong khi đó chỉ là món ăn quen thuộc với các em. Một sự khác biệt đơn thuần, chứ không phải là đói ăn nên mới phải nuốt côn trùng.

Điều mâu thuẫn là dường như trở ngại của phổ cập giáo dục vùng sâu vùng xa luôn được khái quát bằng 1 từ: nhận thức. Trong một bài viết về thực trạng giáo dục với các đối tượng dân tộc thiểu số đăng trên website của Bộ Giáo dục, có một dòng như thế này: “Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng học sinh DTTSRIN (dân tộc thiểu số rất ít người) bỏ học, nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân về việc học tập của con em còn hạn chế, chưa quan tâm tạo điều kiện để con em đi học”.

Không gian tinh thần

Đã từng đi đến một điểm trường tiểu học của xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, một trong nơi nghèo bậc nhất của tỉnh Sơn La, tôi nghĩ rằng cuộc cảnh tỉnh về nhận thức không đơn giản như vậy. Các em học sinh sẽ phải cuốc bộ ít nhất 7-8km để tới trường, trên một lộ trình ngoằn ngoèo hiểm trở thường là đi theo hình xoắn ốc hoặc chữ chi, và cho dù cái đói không còn là ám ảnh thường trực, thì với thu nhập chủ yếu từ lúa và ngô, gia đình cần sức lao động của các em từ rất sớm. Tập quán ở đây là trẻ con sẽ làm quen với công việc chân tay từ nhỏ, dù chỉ là phụ giúp.

Đấy là sự khác biệt lớn với tập quán gia đình ở thành phố: các phụ huynh đô thị ngoài việc đầu tư hết sức cho giáo dục, thì không ít sẵn sàng cho chúng bỏ qua các việc nhà, chỉ cần tập trung vào việc học. Ở đây thì lại là một cuộc khủng hoảng thừa (mà vẫn thiếu): trẻ con tiếp xúc với tự nhiên ít hơn hẳn. Chúng bị áp đảo bởi các trải nghiệm từ xa.

Nhưng các đô thị có thời gian lẫn điều kiện lưu tâm đến sự thiếu hụt này, và quan trọng hơn là năng lực lựa chọn: giới trung lưu đô thị có thể đi bất cứ đâu để cho trẻ con trải nghiệm trực tiếp những gì mong muốn, miễn là đủ khả năng gánh chi phí. Những nhà có của ở đô thị thậm chí còn có xu hướng về quê xây trang trại, để cuối tuần gia đình đổi gió.

Còn lại, sự thiếu hụt ấy cũng được bù đắp một phần bằng các không gian bán-tự-nhiên trong khuôn viên đô thị. Dù thế nào đi nữa, thì cái thiếu này luôn được ghi nhận, và nỗ lực khắc phục. Xung quanh một đứa trẻ đô thị điển hình là một bầu không khí đầy ắp nỗ lực cải thiện về nhận thức: nhà hát, rạp chiếu phim, internet, trường học, các lớp đàn piano, vẽ tranh… Những thứ không tạo ra cơm áo, nhưng làm phong phú hơn các trải nghiệm sâu.

Câu chuyện ở vùng sâu vùng xa hoàn toàn khác. Ngay cả khi nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ chính sách cho các giáo viên bám bản làng, các tổ chức phi chính phủ xây thêm trường học, và học phí tiểu học được miễn toàn quốc (từ tháng Bảy vừa qua), thì đi học vẫn không phải là một việc cơ bản ở đây. Nó phải đánh bại quá nhiều trở ngại, từ giao thông tồi tệ, tập quán xã hội, cho đến thứ quan trọng nhất có thể cổ vũ mạnh mẽ cho giáo dục: không gian để nuôi dưỡng tinh thần. Trẻ con cần thêm sách vở giải trí, đồ chơi, và bất kỳ thứ gì để phát triển thêm trí tưởng tượng của chúng.

Sách vở hầu như không thể về đến đây. Các chương trình giải trí làm ra là để thu hút sức chú ý của trẻ con đô thị là chủ yếu. Hiếm thấy điểm vui chơi, hay sân bóng tử tế, hoặc một phong trào mang tính tinh thần ở những nơi xa xôi. 

Đây có thể là một câu chuyện dài, nói vui là “có tính lịch sử”, vì thói quen giúp đỡ theo phong cách từ thiện gia trưởng trong một thời gian quá dài đã để lại những vết hằn khó thay đổi: việc nhất trí cao rằng sống ở vùng sâu vùng xa thì thức ăn và áo quần là ưu tiên hơn nhu cầu tinh thần đã duy trì sự đơn điệu tại đây, để rồi khi không có không gian tinh thần mọc lên, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho nhận thức.

Quan trọng hơn, khi cho đi một thứ gì có giá trị tinh thần, ta hầu như không có cảm giác đang làm từ thiện. Khi cho cuốn truyện tranh, tôi chỉ nghĩ rằng những đứa trẻ ở đây cần thêm một trải nghiệm, ngoài những gì quý giá đã ở sẵn xung quanh chúng (là thiên nhiên hoang dã, và giá trị của lao động tay chân, những trải nghiệm mà trẻ con đô thị sẽ thiếu hơn). Sự đa dạng hóa các trải nghiệm cho thêm lựa chọn để làm phong phú nhận thức, và việc cho đi những điều có giá trị tinh thần này chỉ đơn giản là một sự chia sẻ. Không phải vì tôi là một người miền xuôi nghĩ rằng miền ngược không theo kịp nên tôi mới cho sách. Chúng ta không cần phải xác định vị thế với nhau khi chia sẻ.

Đấy có lẽ là điều đáng để chú tâm hơn, trong nỗ lực cổ vũ giáo dục ở những nơi xa xôi. Sự chênh lệch không chỉ nằm ở các điểm trường, học phí, hay giao thông, mà còn ở nỗ lực thay đổi những quan niệm cũ về sự giúp đỡ. Vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức của các phụ huynh miền ngược, mà ở cả cách hiểu của chính chúng ta về những gì người khác đang cần. Có khi đơn giản chỉ là một cánh cửa nhỏ để trẻ con mở ra và biết rằng “thế giới phải chăng còn rất nhiều điều thú vị như thế này”.

Phạm An

Nghịch lý khoảng cách

Việt Nam phát triển dựa trên nền văn minh lúa nước. Vì vậy, khái niệm thành thị và nông thôn khá mơ hồ về mặt lối sống, thói quen tiêu dùng cũng như phong cách ứng xử. Người thành thị phần lớn đều có gốc gác nông thôn, nhưng tốc độ hội nhập quốc tế càng tích cực thì khoảng cách giữa thành thị và nông thôn càng hiện rõ. Tuy nhiên, điều đáng ái ngại nhất là nông thôn đang phải gánh chịu quá nhiều hệ lụy từ quá trình đô thị hóa.

Hiện nay, mỗi năm dòng người từ nông thôn đổ lên thành thị vẫn không ngừng tăng lên. Thỉnh thoảng, ai đó lại vỗ tay ca ngợi những người từ thành thị về nông thôn lập nghiệp, như một hiện tượng hiếm hoi. Cái câu cửa miệng “người giàu ở quê không bằng ngồi lê ở phố” chưa bao giờ bớt gay gắt và bớt xót xa. Vì sao như vậy? Một câu hỏi mà muốn trả lời đầy đủ và thuyết phục, không thể chỉ nhìn vào giá trị vật chất mà còn phải nhìn vào giá trị tinh thần.

Ảnh: L.G.

 Người nông thôn nghèo hơn người thành thị? Chưa chắc. Người nông thôn buồn hơn người thành thị? Cũng chưa chắc. Có những người ở thành thị rất nghèo và rất buồn, nhưng họ vẫn không cam chịu quay về nông thôn, vì họ tin rằng ở thành thị có nhiều cơ hội hơn cho họ và cho con cái của họ. Ở nông thôn, con người ít va chạm và ít ganh đua hơn, nên dễ thỏa mãn và dễ an phận. Nói vậy, không phải kỳ thị hay chê trách, mà tập quán riêng của mỗi làng xã đã chi phối lên tâm tính mỗi con người trong quần thể ấy.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã diễn ra rầm rộ nhiều năm. Thế nhưng, cái mục tiêu “ly nông không ly hương” vẫn chưa đủ để xóa mờ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn. Người nông thôn vẫn lũ lượt dắt díu nhau đổ xô lên thành thị để mưu sinh, để hy vọng. Hiện thực ấy rất đáng suy ngẫm. Bởi lẽ, trong thời đại kết nối toàn cầu mà khoảng cách giữa thành thị và nông thôn vẫn hiện hữu, thì quả là một nghịch lý chua chát.

Nếu căn cứ vào bề ngoài, thì bây giờ ở nông thôn không thiếu thứ gì. Biệt thự cũng có, xe hơi cũng có, nhà hàng cũng có, karaoke cũng có, siêu thị cũng có… Đặc biệt, khi internet đã phổ biến đến mọi ngõ ngách thì người ở nông thôn cũng chơi Facebook và lướt Youtube như người ở thành thị. 

Điểm tối trong bức tranh nông thôn hiện nay chính là họ bị mất đi bản sắc, mà lại không có môi trường thuận lợi để định vị bản thân. Tài sản lớn nhất ở nông thôn là đất đai đã thu hẹp lại, khiến phương tiện canh tác cũng như bài toán nan giải. Điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” khiến người nông thôn luôn bất an trên chính mảnh vườn mà họ đổ mồ hôi mỗi ngày. 

Cuộc quẩn quanh “Ông lão dong trâu đi bừa/ Là con ông lão ngày xưa đi cày” cũng không phải câu chuyện mà người nông thôn đủ sức chịu đựng quá lâu. Trốn chạy khỏi nông thôn, dường như không có màu sắc của khát vọng mà có màu sắc của bẽ bàng.

So với nông thôn thì thành thị có phải chốn lý tưởng không? Không hẳn, thành thị cũng đầy bon chen, đầy cạm bẫy, đầy thị phi. Tuy nhiên, thành thị có đặc trưng của chốn quy tụ, người nọ ít dòm ngó và ít soi mói người kia, việc ai nấy làm, mạnh ai nấy vươn lên. 

Cho nên, bên cạnh vẻ dửng dưng và lạnh lùng, thì yếu tố riêng tư của người thành thị được bảo đảm hơn, được tôn trọng hơn. Người thành thị không quá đặt nặng việc dè sẻn và tích cóp, họ nỗ lực kiếm tiền và sảng khoái tiêu tiền. 

Ý thức ấy giúp họ năng động hơn, đột phá hơn, biết vượt qua giới hạn tù đọng và biết phá vỡ định kiến lạc hậu. Không cố chấp, không mặc cảm và không sợ hãi, chính là yếu tố văn minh mà những người nông thôn dễ dàng nhìn thấy ở người thành thị.

Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Ở đâu cũng có đấng phi thường và phường trộm cắp. Thế nhưng, trớ trêu thay, vài năm gần đây thì nông thôn phải gánh chịu hệ lụy từ thành thị. Tất cả những trò ma mãnh và xảo trá, khi không thể áp dụng ở thành thị thì đem về lừa gạt ở nông thôn. 

Khẳng định như vậy có nghiệt ngã quá không? Xin thưa, không! Hãy thử điểm lại những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp mà xem, nạn nhân hầu hết đều ở nông thôn. Tính tình thật thà của người nông thôn đã bị những kẻ gian manh tìm cách lợi dụng triệt để. Chưa kể, sự ít am tường pháp luật của người nông thôn đã làm họ rơi vào bẫy của các phương thức kêu gọi đầu tư bịp bợm, nào là góp vốn cho dự án nghìn tỷ, nào là tham gia hệ thống phân phối toàn cầu… Chưa kể, hàng hóa kém chất lượng và hàng giả, hàng nhái cứ tuồn về nông thôn mà móc túi những người dân hiền lành, chất phác.

Bây giờ, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện. Điện, đường, trường, trạm tương đối đầy đủ, nhưng môi trường nông thôn cũng dần ô nhiễm bởi rác thải từ công nghiệp hóa. Có rất nhiều ngôi nhà khang trang ở nông thôn, chủ yếu có được nhờ bán đi đất đai hương hỏa hoặc con cái làm ăn trên thành thị gửi về. Và trong những ngôi nhà khang trang, đời sống văn hóa vẫn nghèo nàn, vẫn tẻ nhạt, vẫn trống trơn.

Làm sao để xóa bỏ khoảng cách nông thôn và thành thị? Phải có chiến lược bài bản cho nông thôn. Phải giúp nông thôn giữ lại nét đẹp vốn có, và cung cấp điều kiện phát triển cho nông thôn. Nếu người thành thị thích dùng gạo quê, gà quê mà xa lánh làng quê thì sự thịnh vượng chung của xã hội vẫn đầy bất cập. Đưa tiền bạc về nông thôn vẫn chưa đủ, mà quan trọng hơn là đưa tri thức và văn hóa về nông thôn. 

Tại sao các hội chợ hàng giá rẻ tổ chức ồn ào ở nông thôn, mà hội chợ sách không xuất hiện ở nông thôn? Tại sao thế kỷ 21 mà sự kết nối giữa nông thôn và thành thị không được thiết lập, và vẫn còn nguyên ám ảnh “muốn tìm Trạng Nguyên và danh sư thì phải lên kinh đô”?

Lê Thiếu Nhơn

Tới đâu thì tới...

Trong một chương trình truyền hình gần đây mà tôi may mắn được mời làm thành viên giám khảo, có một phần thi đã khiến tôi không thể cầm lòng. Đó là phần thi của diễn viên Võ Tấn Phát, với khách mời của Phát là MC Đại Nghĩa. 

Ở phần thi của mình, Tấn Phát thực hiện một phóng sự về chuyến đi thăm và tặng quà (học bổng) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Cà Mau. Cùng người đồng hành Đại Nghĩa, Tấn Phát thành lập một quỹ từ thiện nhờ vào số tiền thưởng mà họ giành được ở một game show để giúp đỡ trẻ em nghèo. 

Và trong phóng sự dự thi hôm đó, có một cô bé học lớp 4 đã trả lời câu hỏi “hoàn cảnh gia đình như vậy thì con có sợ một ngày phải bỏ học dở chừng không?” bằng câu “Dạ, cũng sợ, nhưng thôi cứ tới đâu thì tính tới đó”.

Tới đâu thì tính tới đó, nó là một đáp án đầy tính ứng biến, và phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh bên ngoài, chứ không thể có sự chủ động nào của chủ thể. Khi một đứa bé mười tuổi đã phải nghĩ “tới đâu tính tới đó” cho khả năng tiếp tục đến trường của mình, chắc chắn nó sẽ hình thành một ý thức “tới đâu tính tới đó” suốt cả cuộc đời sau này. Nó không hề có lỗi trong chuyện này. Cha mẹ nó thậm chí cũng không có lỗi gì khi bản thân họ, lúc bằng tuổi nó, có lẽ cũng đã nghĩ như vậy. 

Chúng ta cũng không muốn đổ lỗi cho ai khác. Chúng ta chỉ có thể cùng xác định được với nhau một điều. Đó là những hoàn cảnh như cô bé “tới đâu tính tới đó” kể trên thực tế không hề ít, và không chỉ ở miền Tây Nam bộ. Họ có thể ở bất kỳ vùng nông thôn nào, Bắc - Trung - Nam. Họ có khác nhau thì chẳng qua chỉ là cách nói khác cho cái nghĩa “tới đâu tính tới đó” mà thôi. Và họ thua thiệt so với trẻ em đô thị rất nhiều trong cơ hội để trở thành một người trưởng thành vững vàng mà con cháu sau này không phải nghĩ “tới đâu tính tới đó”.

Cùng thời điểm với câu chuyện trên, trùng hợp thay lại là chuyện người đàn ông bắt con rắn hổ mang chúa, dù bị rắn cắn vẫn ghì chặt lấy con rắn cho tới tận khi vào nhập viện cấp cứu, chỉ vì một lý do “giữ con rắn bán lấy tiền cho con đi học”. 

Trớ trêu thay, chỉ trước khi anh ta bị rắn cắn, Luật giáo dục sửa đổi có hiệu lực (từ 1/7) với quy định miễn phí toàn bộ học phí cho học sinh tiểu học cả nước. Đứa con của người đàn ông ấy có thể đã qua tuổi tiểu học nên không được miễn học phí. Nhưng nó cũng có thể vẫn còn tuổi tiểu học, ở diện được miễn đấy song gia đình vẫn không thể đảm bảo tài chính để nuôi con đến trường. 

Hai khả năng này để chúng ta hiểu rõ hơn, không chỉ có chuyện miễn học phí là đã có thể đảm bảo 100% trẻ em tiểu học tới trường. Hãy nghĩ đến thứ rộng hơn chuyện đi học và học phí. Với nhiều gia đình nông thôn, đứa trẻ tuổi tiểu học đã có thể là một lao động rồi, và gia đình cần nó lao động hơn là đi học. Cái bi kịch nó nằm ở đó chứ không chỉ ở chuyện học phí đơn thuần.

Ảnh: L.G

Tất nhiên, ở đâu chẳng có người nghèo. Thành thị cũng có những hộ nghèo mà con cái của họ cũng phải lao động từ lúc còn nhỏ xíu. Nhưng ở thành thị tình trạng đó không phổ biến. Sống ở phố thị, lăn ra mặt đường cũng đủ kiếm đắp đổi qua ngày. Sống ở nông thôn, không thể có cái cơ hội tương tự như chốn phồn hoa kiểu đó. Nên cái nghèo mạt ở nông thôn nó phổ biến hơn, nó bám gắt lấy người ta, từ đời ông cha cho tới đời con cháu.

Nhưng không phải chỉ có cái nghèo mạt đến mức buộc con cái phải lao động hỗ trợ cha mẹ là thứ duy nhất ngăn cản con đường cơ hội của trẻ em nông thôn. Câu chuyện cơ sở vật chất hạ tầng công cộng mới là thứ đáng nói hơn cả. 

Tôi đã từng đi lang thang trên kinh rạch miền Tây để theo chân mấy ông anh chụp ảnh chim chóc, câu cá theo một chặng “phượt sông nước” suốt từ miệt Long An xuống tới Đồng Tháp. Tôi thường nhìn những căn nhà đơn độc giữa bưng biền và tự hỏi “mối dây liên lạc giữa họ với đời sống ngoài kia là gì?”. Một đứa trẻ sẽ đi học thế nào khi trường xa nhà hàng chục cây số mà nội trú thì không có, điều kiện giao thông thì chẳng khác gì thời đầu thế kỷ 20. 

Tôi nhớ đến con mình. Chúng tôi sống ở Nhà Bè, nhưng con cái học ở quận 3 và phương tiện đi lại luôn là xe bus. Vậy là thay vì chỉ phải dậy lúc 6 giờ sáng nếu nhà gần trường, con tôi phải dậy từ 5 giờ. Nhìn con là thấy xót. 

Nhưng những đứa trẻ ở miệt bưng biền, ở vùng sâu vùng xa thì sao? Có dậy từ 4 giờ sáng chúng cũng không kịp giờ đi học. Thậm chí, có đứa nếu muốn đi tới trường, chắc sẽ phải đi từ nửa đêm hôm trước cũng nên. Tại sao chúng phải chịu đựng điều đó khi bản thân sinh ra là luôn không được chọn cửa cho mình?

Chúng ta nói với nhau rất nhiều về những dự án hoành tráng, làm thay da đổi thịt một địa phương nào đó, nhưng chưa bao giờ chúng ta được nghe về những dự án thay đổi tinh thần cho địa phương ấy, để con người ta không phải bỏ xứ mà đi nếu không muốn cả đời cắm mặt vào cái nghèo nàn và ngu dốt, thất học. 

Mà nói đến dự án thay da đổi thịt, ngoại trừ các nhà máy, khu công nghiệp vốn đòi hỏi công nhân phải có trình độ nhưng trớ trêu là không chịu đào tạo cho nhân công tại chỗ, phần nhiều là các dự án đô thị hoá nông thôn. Ai sẽ là chủ nhân của những khu đô thị hoá nông thôn ấy? Người giàu ở thành thị. 

Vâng, người giàu ở thành thị, với dòng nước ngược đổ về nông thôn để lập trang trại, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái. Hoá ra, các dự án chỉ phục vụ người giàu trong khi người nghèo mãi vẫn không có cơ hội nào đổi chút vận đời.

Cái chuyện các dự án này còn là chuyện lớn lao. Chuyện nhỏ thôi, chính quyền địa phương quan tâm tới dân của mình thế nào? Để trả lời câu hỏi này, tôi trích lại một lá thư tuyệt mệnh của một người mẹ quyên sinh để mong rằng tiền phúng viếng đủ cho con ăn học. Đó là một lá thư được viết từ năm 2014, và soi chiếu với chuyện người đàn ông bị rắn cắn năm 2020, ta sẽ thấy lâu rồi vẫn chẳng có gì đổi thay.

Cái lá thư ấy vẫn ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm trời. Và đúng thời điểm khai giảng năm học mới này, cùng với những câu chuyện tôi đã kể ở trên, tôi thấy rợn người vì chuyện ấy nó như vẫn còn rất mới. Vậy thì cái gọi là “Nông thôn mới” mà chúng ta vẫn triển khai phải chăng nó chỉ là cái diện mạo bên ngoài, khi mà ẩn sâu bên trong, nông thôn vẫn là mảnh đất không tồn tại bất kỳ cơ hội đổi đời nào để người nông dân có thể gắn với làng, với đất mà sinh sôi nảy nở.

Chuyện mới nhất tôi cũng muốn kể là câu chuyện cô giáo tiểu học ở một huyện vùng sâu của Nghệ An viết đơn xin thôi việc vì không đủ sống. Dân mạng bình phẩm cho rằng mức lương 8 triệu đồng của cô làm sao mà không đủ sống. Họ bỏ qua thực tế là cô đã 16 năm gắn bó với nghề, với trường, với lớp. Ừ thì 8 triệu ấy không khiến cô thành hộ nghèo, hộ đói nhưng con cái của cô sẽ có cơ hội thế nào nếu cô cứ tiếp tục như vậy? 

Đó là câu chuyện của ngưỡng chịu đựng của những người có kiến thức, và hiểu biết. Họ có thể về vùng sâu vùng xa làm nhiệm vụ giáo dục, khai mở nhưng họ cũng phải nghĩ đến cơ hội của con cái mình. Họ biết rằng bám trụ ở đó cũng đồng nghĩa với việc họ để con cái họ phải chấp nhận những thiệt thòi về cơ hội như những lứa học sinh mà họ từng dạy trong đời.

Trong công việc của mình, tôi cũng có quan hệ với nhiều người là chức sắc địa phương vùng xa. Không ít lần, họ gửi gắm con họ cho tôi khi đưa các cháu lên thành phố học, đúng theo kiểu “thỉnh thoảng chú để mắt nhắc nhở nó dùm anh chị” chứ không phải nhờ vả vật chất gì. Tôi kể chuyện này làm chi? Đơn giản, họ còn có khả năng để con mình thoát ly, còn những người dân trong địa bàn của họ thì chưa chắc.

Thành phố rồi cứ thể chật chội thêm vì người nhập cư, với khát vọng và giấc mơ thay đổi vận mệnh của chính mình. Để rồi thành phố cứ phình to ra về mặt địa lý, với đầy rẫy những công trường ngổn ngang. Và nông thôn thì cứ thế vắng người đi bởi sự tẻ nhạt của đời sống văn hoá, giáo dục và cả cơ hội để trưởng thành một cách văn minh không thua gì người đô thị. Đừng tưởng internet, wifi, 4G hay 5G có thể san bằng khoảng cách văn hoá giữa nông thôn với thành thị. Cái lệch về nhận thức do thiếu điều kiện giáo dục nó cũng thể hiện hết ra trên mạng xã hội cả rồi.

Và sau này chúng ta sẽ có gì? Những nông thôn được đô thị hoá hiện đại hơn nữa theo các dự án ư? Nhưng có chỗ nào cho người địa phương ở đó không? Hay có khi mười năm nữa, vẫn lại phải quay lại với những lá thư quyên sinh và câu chuyện đi bắt rắn kiếm tiền cho con đi học, một khoản tiền còm có giá trị sử dụng ngắn ngày???

Hà Quang Minh

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.